Oscar nên trao giải cao nhất cho một bộ phim Mỹ?  | Vietcetera
Billboard banner

Oscar nên trao giải cao nhất cho một bộ phim Mỹ? 

Thế nào là một phim Mỹ? Và giải Best Picture (Phim xuất sắc) của Oscar chỉ nên trao cho những phim Mỹ?
Oscar nên trao giải cao nhất cho một bộ phim Mỹ? 

Phim "Everything Everywhere All At Once" đại thắng Oscar 2023. | Nguồn: Getty Images.

1. Điều gì vừa xảy ra?

Chủ tịch đương nhiệm của LHP Cannes - Thierry Frémaux vừa có những chia sẻ riêng về giải thưởng điện ảnh năm nay. Ông chia sẻ quan điểm của mình về hạng mục Phim hay nhất của Oscar rằng, “Giải Oscar cho phim hay nhất phải được trao cho phim Mỹ, giống như César cho phim Pháp và Goya cho phim Tây Ban Nha.”

Ông cũng thắc mắc vì sao Triangle of Sadness - tác phẩm đã giành giải Cành cọ vàng 2022 lại không góp mặt trong danh sách đề cử “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, dù đây là một tác phẩm của nhà làm phim Thụy Điển và được sản xuất tại châu Âu?

alt
Chủ tịch đương nhiệm của LHP Cannes - Thierry Frémaux. | Nguồn: Getty Images.

Đây không phải lần đầu tiên vấn đề này từng được đặt ra. Khi Parasite (đạo diễn Bong Joon-ho) là phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên chiến thắng Phim hay nhất, Frémaux cũng đã cho rằng điều đó là thật tuyệt vời. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, đó là một tác phẩm đến từ Hàn Quốc, và sẽ thật hợp lý hơn khi ta tôn vinh một tác phẩm Mỹ.

2. Oscar nhìn nhận ra sao về phim nói tiếng nước ngoài?

Đề cử hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” được định nghĩa là các tác phẩm được sản xuất bên ngoài nước Mỹ với ngôn ngữ thoại phần lớn (trên 50%) không bằng tiếng Anh.

Ngược về quá khứ, đây là hạng mục không xuất hiện ngay từ ban đầu khi Viện Hàn Lâm tổ chức trao giải. Ở giai đoạn đầu, từ năm 1947 - 1955, Oscar thường chọn một phim nói tiếng nước ngoài được phát hành tại Hoa Kỳ để trao giải thưởng danh dự không qua đề cử. Tuy vậy nó cũng không xuất hiện một cách thường xuyên. Đến năm 1956, mới có hạng mục chính thức tính cho đến nay.

Dù thế suốt những năm qua, hầu hết chiến thắng ở hạng mục này đều là các phim thuộc về châu Âu. Trong số 76 giải thưởng mà Viện Hàn Lâm đã trao từ năm 1947, có đến 58 giải thưởng thuộc về châu Âu, trong khi chỉ có 10 phim là của châu Á, 5 phim châu Mỹ và 3 phim châu Phi.

alt
Nguồn: Phim "Triangle of Sadness"

Xu hướng trao giải của Viện Hàn Lâm cũng có những sự thay đổi khó dự đoán trước. Trong khi Oscar từng có giai đoạn chú ý đến các khu vực nhất định, thì những năm gần đây, việc trao giải thưởng diễn ra lẻ tẻ và không theo quy luật nào.

Điều này có thể thấy được khi cuối những năm 1990 cho đến đầu những năm 2000, điện ảnh Nam Mỹ đã có được sự chú ý, khi các tác phẩm của Brazil và Colombia có những đề cử vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên sau đó, họ sớm biến mất và không thường xuyên xuất hiện trở lại, cho đến Roma của Alfonso Cuarón. Điều này cũng tương tự với Lý An hay Bong Joon-ho khi Ngọa hổ tàng long hay Ký sinh trùng thành công vang dội, nhưng điện ảnh châu Á vẫn bị ngó lơ cho đến hiện nay.

3. Tiêu chí Phim quốc tế của Oscar “khó xử" ra sao?

Tuy vậy còn nhiều vấn đề vẫn đang xảy ra ở hạng mục này. Bởi lẽ không có sự thống nhất nào, nên bản chất của “Phim quốc tế hay nhất” là nó không được dựa trên một nền tảng nào. Vậy yếu tố nào giúp ta phân định một phim là “Phim nước ngoài”?

Theo như tiêu chí của Viện Hàn Lâm, nó phải được nói bằng ngôn ngữ khác so với tiếng Anh. Điều này cũng đã dẫn đến hệ quả vô cùng phức tạp, như vào năm 2020, Lionheart - một phim vô cùng tiềm năng của Nigeria, đã bị loại khỏi Oscar chỉ vì nó nói tiếng Anh. Phải nói thêm rằng, đây là ngôn ngữ chính thức của quốc gia này sau khi giành lấy độc lập từ Đế quốc Anh. Di sản kéo dài là một quá trình vô cùng phức tạp về mặt văn hóa, nên việc quy định riêng về ngôn ngữ không còn thỏa đáng.

alt
Phim "Parasite" của đạo diễn Bong Joon-ho làm nên lịch sử tại Oscar khi thắng giải Best Picture. | Nguồn: Phim "Parasite"

Ngoài ra cũng có trường hợp “dở khóc dở cười” như với Farewell của hãng A24, khi nó được làm bởi những người Mỹ (xét trên giấy tờ), và mọi thứ từ kịch bản cho đến giao tiếp giữa người với người đều là tiếng Anh, tuy nhiên đặt trong bối cảnh Trung Quốc nên phim dùng tiếng Quan Thoại.

Những tưởng là điều hợp lý, nhưng ngay sau cũng bởi điều đó đã biến tác phẩm từ một bộ phim được làm bởi những người Mỹ, sản xuất tại Mỹ, thành một bộ “Phim nói tiếng nước ngoài”.

4. Vì sao Oscar chỉ nên trao cho phim Mỹ?

Từ những điều trên, liệu ta có nên đặt ra câu hỏi: Viện Hàn Lâm có nên chỉ trao cho những phim Mỹ? Đứng dưới góc độ nào đó, Oscar hoàn toàn có thể theo hướng đi này, bởi lý do sau:

  • Đây là giải thưởng được trao bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) - một tổ chức của Mỹ có trụ sở cũng đặt tại Mỹ. Nó gồm rất nhiều chuyên gia làm việc trong ngành điện ảnh của nước sở tại, do đó nó không phải là cơ quan quốc tế.
  • AMPAS gồm hơn 6000 thành viên đến từ khắp nơi trên hành tinh này. Tuy nhiên, người Mỹ vẫn chiếm giữ số đông (77%). Tư cách thành viên dành cho các nhà làm phim bên ngoài nước Mỹ góp phần làm phong phú thêm cho giải Oscar, thế nhưng thực tế là họ vẫn chọn phim Mỹ.
  • Nếu họ mở rộng phạm vi và trao cho tất cả phim đều đạt chất lượng, thì ta sẽ có cùng bảng đề cử ở mọi giải thưởng, từ Oscar, BAFTA, Cesar cho đến Goya… sẽ đều là những cái tên và người chiến thắng trông tương tự nhau.
  • Liệu ta có đang rơi vào gaslighting với các tác phẩm bỗng dưng “vụt sáng” và hẳn “trăm năm có một”. Hẳn nhiên thì ai cũng muốn tác phẩm của mình sẽ được vinh danh, và Parasite dường như là một kỳ tích rất khó lặp lại. Nhưng đó cũng không đồng nghĩa với việc AMPAS sẽ phải xem xét và đa dạng hơn khi họ là một tổ chức đậm đặc tính “Mỹ”.

5. Các nhà nhân chủng phân loại chủng tộc ra sao?

Khi Dương Tử Quỳnh có được chiến thắng Oscar đầu tiên cho vai diễn trong Everything Everywhere All At Once, báo chí phương Tây đã không gọi bà là “nữ diễn viên gốc Á”. Thay vào đó, họ gọi bà là “nữ diễn viên tự nhận dạng là người châu Á".

Vì sao lại có thuật ngữ là “tự nhận dạng”, trong khi mọi mặt từ ngoại hình cho đến ngôn ngữ… ta đều “cảm thấy” rằng bà “hẳn nhiên” đến từ châu Á? Mọi thứ thật ra không dễ như thế.

Từng có thời điểm các nhà nhân chủng phân loại chủng tộc dựa trên màu da. Đó là các nhóm Mongoloid, Europoid, Negroid và họ được gọi như người da vàng, người da trắng và người da đen. Dù vậy đây được cho là quan niệm lỗi thời không còn phù hợp, đại diện cho các tư tưởng “da trắng thượng đẳng” của các nhà khoa học phương Tây nhiều thập kỷ trước.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 đăng trên National Geographic, các nhà nhân chủng mới đây đã khẳng định rằng việc đề cập đến màu da là một “di sản của những định kiến và hiểu sai lệch một cách hoàn toàn về khoa học thực tế”.

Họ cũng cho biết những sự khác biệt (có thể nhìn thấy) giữa các nhóm người chỉ đơn giản là “một sự ngẫu nhiên của dòng lịch sử”. Chúng chỉ phản ánh cách tổ tiên ta sống ở đâu, ánh nắng thế nào, tránh nắng ra sao… chứ không phải là ta đang là ai.

alt
Nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh (Michelle Yeoh) chiến thắng giải Nữ chính xuất sắc tại Oscar 2023. | Nguồn: Getty Images.

Từ những điều trên, có thể thấy rằng, chủng tộc là một khái niệm mang tính cấu trúc xã hội hơn là khoa học thuần túy. Nó dựa trên những định nghĩa thay đổi thường xuyên và rất nhạy cảm, khi phụ thuộc vào không chỉ gốc gác, ngoại hình mà còn là những góc nhìn chịu sự chi phối từ nền văn hóa cũng như bản chất xã hội.

Ví dụ như ở nước Mỹ, những người chỉ cần có những tổ tiên dù là gốc Phi ở thế hệ nào thì cũng bị coi là người da màu. Trong khi người Iran ở châu Âu được coi như người châu Á, thì tại Việt Nam, phần lớn họ được mặc định là người Trung Đông…

Vì những điều trên mà rất có thể phải cần đến một bộ “tiêu chí” từ nguồn gốc, gia phả, quốc tịch, hình dáng, ngoại hình… để phân định xem họ thuộc nhóm nào.

Như vậy nói về chủng tộc, xét về cá nhân chỉ riêng một người, là khó phân định. Như vậy để nói về một sản phẩm mà được thực hiện bởi một nhóm người, có sự tham gia của nhiều nhóm đa văn hóa… thì ta sẽ dựa vào đâu để phân loại chúng?

Cách đơn giản nhất là dùng cụm từ như Dương Tử Quỳnh từng bị gán ghép - “tự nhận dạng”. Giờ đây trong một thế giới hoàn toàn bình đẳng, nguồn gốc sẽ được trao quyền về cho cá nhân, và họ cũng sẽ là người có thể quyết định gốc gác sản phẩm của mình.

Việc những tổ chức như là Oscar cần làm giờ đây chỉ là chấp nhận cũng như tôn trọng các lựa chọn đó. Thế nào là một phim “Mỹ”, và giải Oscar chỉ nên vinh danh riêng những phim “Mỹ”, đi đến cuối cùng chỉ là mơ hồ.