7 Dấu hiệu nhận diện gaslighting nơi công sở | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
17 Thg 05, 2021

7 Dấu hiệu nhận diện gaslighting nơi công sở

Không phải ai cũng nhận ra mình đang bị thao túng, hoặc đang gaslight người khác, đặc biệt trong môi trường công sở nặng tính cạnh tranh.
7 Dấu hiệu nhận diện gaslighting nơi công sở

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera.

Gaslighting là một thủ thuật thao túng tâm lý khi ai đó khiến cho nạn nhân nghĩ rằng nhận thức và cảm nhận của mình là sai lầm hoặc bị “làm quá". Nó có nguồn gốc từ vở kịch cùng tên, trong đó thủ phạm liên tục phủ nhận kí ức của nạn nhân, khiến nạn nhân nghi ngờ mức độ tỉnh táo của mình.

Môi trường công sở vốn nặng tính cạnh tranh nên việc phủ nhận một ai đó thường khá phổ biến. Nhưng không phải ai cũng nhận ra mình đang bị thao túng, hoặc đang gaslight người khác.

Dấu hiệu nhận biết gaslighting nơi làm việc

Theo tiến sĩ Preston Ni, chuyên gia về giao tiếp chuyên nghiệp, có 7 dấu hiệu để nhận diện một người hay thao túng nơi công sở. Nhìn chung, các dấu hiệu đều là những hành động hạ thấp đối phương dựa trên cái nhìn chủ quan và thiếu đi dẫn chứng.

Dấu hiệu 1: Liên tục đưa ra những nhận định tiêu cực vô căn cứ

Dấu hiệu đầu tiên của gaslighting là những nhận định tiêu cực một cách vô căn cứ hoặc theo cái nhìn chủ quan, thường là về chất lượng công việc hoặc mức độ uy tín của người khác.

Trong môi trường công sở, điều này thường thể hiện qua những câu nói mang hàm ý trách móc như “Từ ngày em vào làm công ty xảy ra bao nhiêu chuyện!” hay “Bao nhiêu người làm việc khó hơn, việc em dễ thế này mà cũng không hoàn thành được!”.

Hãy nhớ rằng, việc thiếu cơ sở chính là ranh giới giữa gaslighting và một lời đóng góp mang tính xây dựng.

Dấu hiệu 2: Cố tình hạ thấp bạn trong những buổi họp

Là khi một người cố tình hạ thấp năng lực của nạn nhân trong những buổi họp, gặp mặt hoặc các buổi đánh giá hiệu quả công việc. Những bình luận này không dựa trên bằng chứng hay dữ kiện cụ thể, mục đích chỉ để tấn công hay làm “bẽ mặt" nạn nhân.

Gaslighting cocircng sở
Nếu bạn bị hạ thấp năng lực mà không có cơ sở nào hợp lý, đó là gaslighting.

Ví dụ, bạn giải thích những lý do bất khả kháng làm trễ nãi công việc và xin thêm thời gian, nhưng bị từ chối ngay với lý do “Việc này người khác chỉ làm ‘nhoáy' một cái là xong!" Đó chỉ là một so sánh thiếu cơ sở, khiến bạn cảm thấy mình đang đòi hỏi quá đáng.

Dấu hiệu 3: Thường xuyên bàn tán tiêu cực

Bạn có thể bị gaslight bằng những lời bàn tán nhắm vào trình độ hoặc đặc điểm của bản thân. Họ có thể núp dưới lý do đang quan tâm đến bạn, nhưng nội dung lại có xu hướng khuếch đại sự thật và dựa trên cảm tính.

Mục đích của thủ phạm là khiến người khác phủ nhận trình độ và có cái nhìn xấu về nạn nhân. Đây còn là một dạng của gây hấn thụ động (passive-aggressive). Nếu không chú ý, mọi người rất có thể rơi vào “bẫy" gaslight và thiếu đi cái nhìn khách quan về một ai đó mà mình chưa/hiếm khi tiếp xúc trong công ty.

Dấu hiệu 4: Chế nhạo và đùa cợt dai dẳng

Khi ai đó hạ thấp bạn dưới dạng một lời nói “đùa", nhưng thực chất là phủ nhận công việc mà bạn làm. Những câu nói này thường kết thúc bằng cụm “Đùa tí thôi!", hay bắt đầu bằng “Không có ý gì đâu, nhưng mà...”.

Gaslighting cocircng sở
Hạ thấp bạn dưới dạng một "câu đùa" là một hành vi gây hấn thụ động và cũng là gaslighting.

Dấu hiệu 5: Tước đi cơ hội phát triển

Bạn bị “tước đi" hoặc gần như không được trao cho cơ hội phát triển công việc. Dù đã có dữ liệu để chứng minh khả năng của bản thân, bạn vẫn bị cho rằng không xứng đáng để được thăng tiến hay làm gì đó thử thách hơn.

Ví dụ “Vấn đề này chắc em chưa hiểu được đâu, thôi thì…”. Gaslighting nằm ở chỗ họ khiến bạn nghĩ rằng ý kiến của mình chưa đủ tốt để được coi trọng.

Dấu hiệu 6: Bắt nạt và đe dọa nhiều lần

Chẳng hạn như: “Anh có ý kiến với cách làm của tôi? Nếu không phải tôi nhận anh thì làm gì còn công ty nào muốn nhận nữa?”

Việc bắt nạt và đe dọa có thể xuất hiện ở nhiều hình thức như qua lời nói hoặc bạo lực mạng, quấy rối tình dục,... Điều này thường xảy ra hơn giữa nhân viên cũ với nhân viên mới, vì giai đoạn đang làm quen với công việc khiến người mới dễ nghi ngờ về bản thân hơn.

Dấu hiệu 7: Tỏ rõ sự thiên vị

Những thiên vị này có thể nhận thấy rõ khi so sánh với những nhân viên khác có kinh nghiệm hoặc thành tích tương tự, thậm chí là ít hơn. Thủ phạm gaslight sẽ lờ đi những cố gắng và thành tựu của nạn nhân, khiến họ cảm thấy mình mới là người kém hơn.

Khi bị chất vấn, thay vì giải thích rõ ràng thì thủ phạm sẽ đổ lỗi rằng nạn nhân tự tưởng tượng ra, “Tôi không thiên vị ai, chắc là do tôi không tiếp xúc nhiều với họ nên họ nghĩ vậy.”

Gaslighting cocircng sở
Thủ phạm gaslight sẽ lờ đi những cố gắng và thành tựu của nạn nhân, khiến họ cảm thấy mình mới là người kém hơn.

Đôi khi cảm giác bị đối xử thiên vị còn xảy ra khi các đồng nghiệp giao lưu trong công ty. Bạn đã bao giờ bị nhận định là “nhạy cảm quá” vì từng phản ứng dữ dội trước một tình huống nào đó, và sau đấy bị đồng nghiệp lảng tránh? Cố tình xa lánh hoặc đánh giá một ai đó vì chính những cảm nhận của họ cũng là một dạng đối xử thiên vị, bởi vì có sự chênh lệch về chất lượng tương tác giữa mọi người.

Tuy nhiên, cần phân biệt gaslighting với những khó khăn khác trong công việc

Qua 4 đặc điểm sau:

  • Môi trường làm việc khó khăn và áp lực bắt nguồn từ sự thiên vị và tiêu cực của người khác, ngoài ra không có bằng chứng, dữ liệu xác thực nào cho thấy còn những nguyên nhân khách quan khác.
  • Có bằng chứng cho thấy môi trường làm việc đó tạo dựng thông tin/hình ảnh sai sự thật về người bị thao túng.
  • Việc đối xử bất công vẫn tiếp diễn dù rõ ràng người bị gaslight đã thể hiện sự hợp tác và đóng góp.
  • Người gaslight thường phủ nhận hành vi của mình, tranh cãi hoặc lảng tránh khi được hỏi đến vấn đề này, thay vì tìm cách xác minh và giải quyết.

Gaslighting nơi công sở có thể bắt nguồn từ ai?

Ai cũng có thể trở thành thủ phạm gaslighting nơi công sở, từ đồng nghiệp, quản lý, cho đến đối thủ hay thậm chí khách hàng của bạn. Họ có thể là một người sếp cố gắng muốn kiểm soát nhân viên, một người đồng nghiệp luôn muốn “hạ bệ" người khác, một đối thủ muốn vượt mặt, hay khách hàng muốn yêu cầu thêm từ bạn.

Ranh giới giữa một đóng góp mang tính xây dựng và gaslighting rất mong manh. Nó nằm ở sự tôn trọng và cơ sở hợp lý cho những kết luận đó. Chính vì thế bạn có thể nhận thấy đằng sau đó là rất nhiều lỗi ngụy biện.

Việc thao túng tâm lý nói chung và gaslighting nói riêng thường mang đến tổn thương tinh thần cho nạn nhân, như mất tự tin, lo âu và trầm cảm. Nếu nhận ra những dấu hiệu này, trước hết bạn cần hiểu rằng lỗi không phải ở bạn. Tiếp đến là học cách đặt ranh giới với những người đó và tìm đến chuyên gia tư vấn để được giúp đỡ.

Còn nếu nhận ra mình đang vô tình có những dấu hiệu trên, bạn cần điều chỉnh lại cách góp ý và nhận xét của mình đến người khác theo cách hiệu quả hơn.