"Phao cứu người, không lấy." | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

"Phao cứu người, không lấy."

"Nay lắp, mai còn cái nịt" thì buồn lắm.
"Phao cứu người, không lấy."

Nguồn: Dân Trí

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Từ ngày 06-15/05, nhóm tình nguyện của anh Nguyễn Ngọc Khánh đã lắp hơn 100 trong số 400 chiếc phao cứu sinh trên những cầu bắc qua sông Hồng ở 10 tỉnh, thành phố.

Anh Khánh chia sẻ với VnExpress, "Tôi mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước, người muốn cứu nạn có thêm hy vọng sống thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay khi nhảy xuống mới hối hận."

2. Cộng đồng mạng phản ứng ra sao?

Hành động gắn phao cứu sinh trên cầu Long Biên chưa biết hiệu quả đến đâu nhưng nó gợi nhắc chúng ta về hiện tượng nhảy cầu tự vẫn.

Bên cạnh đó, câu chuyện này còn khiến mọi người nhận thức và nói về hiện tượng nhảy cầu một cách nghiêm túc, trách nhiệm hơn.

Đa số mọi người đều trân trọng việc làm này của nhóm tình nguyện, cho rằng đây là hành động vì tình người. Tuy nhiên, một số người hy vọng, những chiếc phao cứu sinh này sẽ không bị trộm mất.

3. Các nước ngăn chặn người dân nhảy cầu như thế nào?

Nhiều nước đau đầu về cách nhảy cầu tự sát của người dân. Vì vậy, một số nơi trên thế giới đã nghĩ ra cách hạn chế hiện tượng này.

Cầu Cổng Vàng (Golden Gate) tại San Francisco của Mỹ từng làm điều này để đón lõng những người có hành vi tự tử. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã lắp đặt điện thoại đường dây nóng và có đội tuần tra cảnh giới những người có ý định tự sát.

Hàn Quốc đã tạo ra những cây cầu chống tự vẫn. Cầu Mapo, nơi diễn ra 90% vụ nhảy cầu ở thành phố Seoul, được chọn làm thí điểm.

Được biết, hệ thống này có gắn máy quay an ninh được lập trình để phát hiện những cử động đặc trưng của một người sắp nhảy cầu. Khi có tín hiệu báo động, các bác sĩ và chuyên gia tâm lý sẽ có mặt nhanh chóng tại hiện trường.

4. Còn nguy hiểm nào quanh khu vực sông Hồng?

Lâu nay, khu vực bãi bồi và bãi giữa sông Hồng được nhiều người lựa chọn làm điểm cho các hoạt động dã ngoại như cắm trại, vui chơi, chụp ảnh cưới, tắm sông. Đây là khu vực thường xuất hiện các điểm sụt lún bất ngờ. Nếu ai chẳng may cát sụt sẽ bị nước cuốn trôi hoặc bị nhấn chìm.

Kể từ năm 2007, khi "bãi đá tình yêu" được hình thành, số vụ tai nạn ngày một tăng. Hàng chục tai nạn do đuối nước xung quanh khu vực này. Năm nào cũng có người thiệt mạng do sụt cát khi đến vui chơi ở đây.

Nhiều phụ huynh vẫn dẫn con nhỏ ra đây tắm dù có biển báo "nguy hiểm cấm tắm sông". Nhiều câu chuyện thương tâm về đuối nước đã từng diễn ra ở đây nhưng vẫn chưa được nhiều người quan tâm đúng.

Trước đây từng có đề xuất nghiên cứu bãi bồi, bãi giữa sông Hồng thành công viên văn hóa, du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, khả năng chống lũ của sông cũng như tình trạng xói lở có thể gia tăng, ẩn chứa nguy cơ cao.

5. Các trường học ở Việt Nam đang "dạy bơi trên giấy"?

Dạy bơi cho trẻ là việc hết sức quan trọng tuy nhiên nhiều trường học đang dạy bơi trên giấy. Mong muốn giúp 100% trẻ thành thục kỹ năng phòng duối nước thất bại bởi thiếu bể bơi lẫn giáo viên có chuyên môn.

Trước đây, nhiều trường trên cả nước thí điểm chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được vì thiếu các nguồn lực và nhân lực.

Theo nhiều chuyên gia, trẻ ít được tiếp cận các chương trình giáo dục kỹ năng chống đuối nước trong nhà trường. Điều này cũng đến từ thực tế, bơi lội chỉ là một môn học tự chọn.