Pretty privilege: Cuộc sống có thực sự dễ dàng hơn khi bạn đẹp? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Pretty privilege: Cuộc sống có thực sự dễ dàng hơn khi bạn đẹp?

Nếu người đẹp được xã hội đối đãi tốt hơn, thì vẻ đẹp này được định nghĩa như thế nào?
Pretty privilege: Cuộc sống có thực sự dễ dàng hơn khi bạn đẹp?

Nguồn: Igor Kochmala

1. Pretty privilege là gì?

Pretty privilege, hay đặc quyền ưa nhìn, ám chỉ việc một người ưa nhìn theo tiêu chuẩn xã hội hiện hành có nhiều lợi thế và cơ hội trong cuộc sống hơn những người kém ưa nhìn. Theo Vice, khái niệm này còn bao hàm việc một người xinh đẹp/hấp dẫn sẽ được đánh đồng luôn là có năng lực, trí thông minh, thành công, và tất cả mọi thứ mà những người khác muốn.

Điều gì làm nên đặc quyền? Sẽ dễ hiểu khi cho rằng vẻ đẹp ngoại hình là thứ "trời cho," vì vậy chúng ta sinh ra vốn đã không bình đẳng với nhau ở khoản này. Tuy nhiên, theo luận văn thạc sỹ của Kelsey Yonce thuộc Đại học Smith, Anh Quốc vào năm 2014, sự hấp dẫn ngoại hình không chỉ là thứ có sẵn, mà còn được quy định bởi văn hoá, và có liên quan đến giới, chủng tộc, giai cấp, độ tuổi, v.v. Không những vậy, tiêu chuẩn vẻ đẹp của từng xã hội còn được khuếch đại và duy trì bởi con người.

Từ đó có thể hiểu, "đặc quyền" và "điểm yếu" về vẻ bề ngoài đều được duy trì bởi xã hội chứ không chỉ là thứ sinh ra đã có.

2. Nguồn gốc của pretty privilege

Các hiện tượng xã hội xoay quanh ngoại hình luôn có được sự quan tâm ở mọi xã hội và mọi giai đoạn lịch sử. Mô-típ "trai tài gái sắc" hay "người đẹp" xuất hiện trong nhiều giai thoại, cổ tích, và các tự sự truyền miệng. Có nhiều lý giải liên ngành cho vẻ đẹp ngoại hình và lợi thế của người đẹp:

Trên góc độ tâm lý học, theo tờ Psychology Today, "hiệu ứng hào quang" (halo effect) là một thiên kiến tâm lý đề cao sự ấn tượng lần đầu. Giả định về cảm giác tốt đẹp ban đầu, bao gồm yếu tố ngoại hình, có thể định hình cách nhìn nhận về họ nói chung sau này.

Đặc quyền ưa nhìn cũng có thể phục vụ mục đích tiến hoá. Nhà tâm lý học thần kinh và pháp y lâm sàng Judy Ho trả lời Vice: "Khuôn mặt càng đối xứng thì người đó càng hấp dẫn, theo quy ước, và tính đối xứng nói chung có mối tương quan với sức mạnh sinh học."

Trên góc độ phê bình xã hội, tiêu chuẩn ưa nhìn là chủ quan (subjective), và trong mỗi xã hội, sự ưa nhìn thường có nhiều đặc điểm tương đồng với nhóm có nhiều quyền lực. Nhà hoạt động xã hội Janet Mock viết: "Xinh đẹp thường có nghĩa là gầy, trắng, có thân hình cân đối, và dị tính, và bạn càng gần với lý tưởng đó thì bạn càng được coi là xinh đẹp và hưởng lợi từ sự xinh đẹp đó."

httpsimgvietceteracomuploadsimages09may2023525369270imagea931641310406356jpg
Thảo luận về pretty privilege nhận được nhiều sự chú ý trên TikTok | Nguồn: Daily Mail

Nhưng ngoại hình đẹp không phải lúc nào cũng gắn liền với đặc quyền. Ví dụ như theo khuôn mẫu Hollywood, phụ nữ xinh đẹp thường bị cho là không có trí thông minh. Bản thân "trai tài, gái sắc" cũng là một dạng khuôn mẫu giới: trong khi nam giới được đánh giá dựa trên tài năng, thì nữ giới chỉ được nhìn nhận dựa vào cơ thể.

Nam giới tất nhiên cũng được đánh giá dựa trên vẻ đẹp ngoại hình. Sự ưa nhìn khiến lý lẽ của họ trở nên thuyết phục hơn, dù sự thật không phải vậy.

3. Vì sao pretty privilege phổ biến?

Đặc quyền ưa nhìn luôn được bàn thảo, có lẽ bởi vì hầu hết người nổi tiếng đều được cho là có vẻ đẹp và sự cuốn hút ở vẻ bề ngoài. Pretty privilege cũng đứng ở trọng tâm của rất nhiều tranh cãi.

Giả dụ, người ta tranh cãi xem liệu có bản chất phổ quát nào đứng đằng sau sự xinh đẹp hay không, hay xinh đẹp chỉ là phạm trù xã hội. Tỉ lệ vàng và hằng số Fibonacci luôn được quảng bá như căn nguyên toán học đằng sau sự ưa nhìn, bởi lẽ các phạm trù toán học này cũng xuất hiện trong các hiện tượng tự nhiên như vỏ ốc anh vũ hay nhị hoa hướng dương.

Nhận định này không được đồng thuận về mặt khoa học tự nhiên, và bị phê phán bởi các ngành khoa học xã hội là thực ra tỉ lệ này được sử dụng để làm minh chứng cho nét đẹp phương Tây. Áp dụng tiêu chuẩn này đến mọi sắc tộc và nền văn hoá thực ra là một lối suy nghĩ bạo lực. Nhiều hoạ sĩ và nhà thiết kế, ví dụ như Igor Kochmala, mỉa mai tỉ lệ vàng này:

httpsimgvietceteracomuploadsimages09may2023fibonaccicelebritiesdesignboom03jpg
Khuôn mặt Sylvester Stallone thuận theo hằng số Fibonacci | Nguồn: The Wired

Vào năm 2021, Nguyễn Lâm Thảo Tâm, một gương mặt trẻ đáng chú ý trong thế giới influencer ở Việt Nam lên tiếng trên Instagram về pretty privilege. Cô thừa nhận rằng mình có đặc quyền ưa nhìn, rằng cô có được sự hiện diện trên truyền thông xã hội là nhờ ngoại hình của mình. Sự lên tiếng của cô nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng.

Trong thực tế, đặc quyền ngoại hình xuất hiện nhiều trong văn hoá đại chúng. Trong bản nhạc pop Pretty Girl Rock (2010) của Keri Hilson có đoạn: "Don’t hate me ‘cause I’m beautiful / Don’t hate me ‘cause I’m beautiful." Beyoncé cũng có ca khúc mang tên Pretty Hurts (2013).

Một số TikToker tư vấn sự nghiệp (career coach) lại cho rằng các tập đoàn lớn sẽ tránh tuyển dụng người có ngoại hình đẹp vì họ lo ngại phản ứng của dư luận về pretty privilege. Nhận định này tuy vậy chưa có căn cứ.

4. Sử dụng pretty privilege như thế nào?

Tiếng Anh

A: This girl is so beautiful. She must be a VIP here!

B: Pretty privilege is truly a form of capital.

Tiếng Việt

A: Cô kia nhìn thật xinh đẹp, hẳn là khách VIP ở đây đó!

B: Đặc quyền ưa nhìn hẳn là một loại vốn nhỉ.