Quà tặng đã tiến hóa như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Quà tặng đã tiến hóa như thế nào?

Nếu như trước kia, người ta chỉ tặng quà dịp đặc biệt, thì ngày nay, quà có thể được trao đi mà không nhân dịp gì hết.
Quà tặng đã tiến hóa như thế nào?

Nguồn: Đông Hà cho Vietcetera

Đối với người Việt, quà tặng là một trong những phương tiện để thắt chặt tình cảm, kết nối với cộng đồng. Nếu như trước kia, người ta chỉ tặng quà dịp trọng đại, thì ngày nay, quà có thể được trao đi mà không nhân dịp gì hết.

Lội ngược dòng lịch sử, không khó để nhận ra, tuy hình thức quà luôn thay đổi, nhưng nhiều giá trị vẫn được giữ vẹn nguyên.

Văn hóa tặng quà thời xưa

Người Việt thời phong kiến thường biếu nhau đồ ăn, những món quà hình thức hơn được để dành cho dịp đặc biệt như: sĩ tử đăng khoa, người lên chức quan, lễ mừng thọ, lễ Tết. Quà mừng cho dịp này thường là chè cau, câu đối và tiền. 

Vào dịp Tết, vua chúa có lệ lì xì, tặng quà và đãi yến tiệc cho cận thần. Nếu như các chúa Trịnh thường ban tiền và hiện vật (phổ biến là lễ phục), thì một số vị vua thời Nguyễn lại thết đãi sơn hào hải vị hiếm có.

Thời bao cấp: Bút máy là món quà xa xỉ

Thời kỳ này, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu, các mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, cá, đôi khi rất khan hiếm. Để cải thiện chất lượng sống, nhiều hộ gia đình phải tự trồng trọt, chăn nuôi canh tác. Vì vậy, quà cáp thời điểm này chủ yếu là “của nhà trồng được” như quả trứng, miếng bánh, nải chuối, hay “xa xỉ” hơn là cả một con gà.

Người giáo viên, vốn có vị trí rất quan trọng trong văn hóa Việt Nam, có thể nhận được những món quà “cao cấp” hơn chút như xà bông cục, tập vở, vải hoặc bút máy.

Vì giá thành cao bút máy Kim Tinh thời ấy được coi là “xa xỉ phẩm” Nguồn Daututrenet
Vì giá thành cao, bút máy Kim Tinh thời ấy được coi là “xa xỉ phẩm” | Nguồn: Daututre.net

Những năm 2000: Bước qua giai đoạn Đổi Mới

Ở vùng nông thôn Việt Nam, ngoài sản phẩm “của nhà trồng được” truyền thống, người ta có thể trao nhau những món đồ tự làm như mây tre đan, đồ thêu. Với tầng lớp cao hơn, mọi người biếu nhau vải vóc, quần áo. 

Do chỉ bước qua giai đoạn Đổi Mới được hơn 10 năm, tâm thức của nhiều người vẫn hiện hữu về một thời thiếu thốn, nạn đói bủa vây. Vì vậy no-ấm-thực tế là 3 tiêu chí hàng đầu khi chọn quà. Không lạ khi bánh kẹo, vải vóc chiếm ưu thế trong giỏ quà của người Việt.

Từ 2000 đến 2010: Những giá trị vẫn nguyên vẹn

Do ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, người Việt có nhiều dịp hơn để tặng quà cho nhau, như Giáng Sinh, Valentine, Halloween. Tuy vậy, ta vẫn chú trọng ba yếu tố: quà tặng, cách tặng và thông điệp.

Quà tặng bắt đầu đa dạng và có tính cá nhân hóa hơn. Các gia đình được tặng đồ điện, đồ gia dụng. Vào dịp 8/3, phụ nữ thường được tặng trang sức, mỹ phẩm, dầu gội đầu.

Thái độ, tâm ý trong cách tặng quà ngày nay vẫn vậy nhưng có nhiều phương tiện thể hiện hơn. Khi không thể tặng trực tiếp, người tặng thường để lại lời chúc qua tin nhắn, gọi điện thông báo về món quà.

Ngày trước, ta thường tặng quà để tỏ lòng biết ơn với gia đình, hoặc thắt chặt mối quan hệ với họ hàng, bạn bè. Thời hiện đại, quà cáp còn dùng để tạo mối quan hệ mới, tiếp thị hay chào hàng. 

Quà cáp còn dùng để tạo lập mối quan hệ mới với khách hàng Nguồn Richscatering
Quà cáp còn dùng để tạo lập mối quan hệ mới với khách hàng | Nguồn: Richscatering

Từ năm 2010 đến 2020: Bùng nổ tiêu dùng, nhưng có người chọn quay về với điều cơ bản nhất

Khi nền kinh tế đi lên, người tiêu dùng có vô vàn những lựa chọn, nhưng ngày càng nhiều người hướng đến quà tặng có giá trị lâu bền, tính hữu dụng cao, thay vì mang tính hình thức đơn thuần.

Quà tặng thời công nghệ

Quà “kỹ thuật số” trở thành xu hướng của những năm gần đây vì tính tiện lợi, dễ mua, dễ tặng. Đó có thể là thẻ quà tặng, phiếu giảm giá, sách audio, sách eBook. Nhiều bạn trẻ còn tự tay dựng video để kỷ niệm mối quan hệ của họ và người nhận quà.

Sản phẩm sức khỏe

Khi tin tức về ô nhiễm không khí, ô nhiễm thực phẩm dày đặc trên báo đài, ta dần ý thức rõ hơn về vấn đề sức khỏe. Thực phẩm dinh dưỡng, thiết bị chăm sóc cơ thể được ưu tiên lựa chọn, đặc biệt với người cao tuổi.

“Năm đó ông của anh vừa xuất viện nên chân đi không vững, bà tặng ông một cây gậy, còn bố mẹ tặng ông máy đo huyết áp. Thay vì hoa quả, quà bánh, gia đình anh thường tặng quà có tính hữu dụng cao như vậy.” - Nguyễn Hữu Đức, một độc giả của Vietcetera chia sẻ.

Ngày càng nhiều người có xu hướng tặng sản phẩm chăm sóc sức khỏe Nguồn joongang
Ngày càng nhiều người có xu hướng tặng sản phẩm chăm sóc sức khỏe  |  Nguồn: joongang

Quà tặng thân thiện với môi trường (zero waste)

Trong thời đại của quảng cáo và tiêu thụ quá mức, trào lưu theo đuổi lối sống xanh, tiêu dùng tối giản trở thành kim chỉ nam của nhiều gia đình. Một số người tâm niệm, mua quà bánh là mua thêm rác. 

Những năm gần đây, nhiều gia đình tại Canada đã từ bỏ thói quen mua quà truyền thống dịp Giáng Sinh. Một người phụ nữ đã tặng vé phiếu tham quan công viên cho con và vé tham dự buổi hòa nhạc cho bố mẹ. Có gia đình cùng con làm đồ trang trí Giáng Sinh bằng bột và nước thay vì tiếp tục tích trữ đồ nhựa. Điểm chung là, họ đều chú trọng trải nghiệm hơn vật chất.

Bạn có thể tham khảo một vài quà tặng thân thiện với môi trường như:

  • Cây cảnh;
  • Túi vải;
  • Sản phẩm làm từ tre, gỗ;
  • Khóa học;
  • Gói du lịch.

Hình thức đôi khi quan trọng hơn công dụng

Người châu Á nói chung thường quan niệm “của cho không bằng cách cho”. Vì thế, dẫu giá trị món quà không lớn, nhưng phải đầu tư, chăm chút cho cách gói ghém. Người Nhật Bản coi việc gói quà như một hình thức nghệ thuật, họ thậm chí có hẳn 2 mùa tặng quà là Oseibo và Ochugen. Người Việt tin rằng, cách gói quà nói lên rất nhiều điều về thành ý của người tặng. 

Tôi còn nhớ ngày bé, ba mẹ thường dắt ra hiệu sách, mua các loại giấy gói bóng kính sặc sỡ để gây ấn tượng với bè bạn. Ngày nay, nhiều người lại chuộng dùng giấy Kraft gói quà vì tính đơn giản, mộc mạc và thân thiện với môi trường.

Giấy gói Kraft được ưa chuộng vì tính đơn giản mộc mạc Nguồn idealhome
Giấy gói Kraft được ưa chuộng vì tính đơn giản, mộc mạc |  Nguồn: Idealhome

Hành động trao-nhận quà cũng có nhiều quy tắc. Trong giới kinh doanh, bạn phải dùng cả 2 tay để đưa quà, và nên đưa vào cuối buổi gặp gỡ. Việc lịch sự từ chối một đến hai lần cũng là “nghi thức ngầm” mà người nhận quà nào cũng hiểu.

Những món quà mãi không chịu tiến hóa

Kể từ thời họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang, bánh chưng, bánh giầy hàng nghìn năm nay đã trở thành thức quà đặc trưng dịp Tết. Tuy vậy, cái hồn của Tết không chỉ đến từ vật chất mà còn tới từ sự sum vầy. Sự hiện diện của những người quan trọng trong cuộc đời là món quà mà chúng ta dường như bỏ quên.

“Tặng quà cho người khác, mình hay gửi kèm một lá thư tay. Thư có thể dài bằng một tờ giấy A4 hoặc hơn. Thường mình kể về lần đầu tiên mình và họ gặp nhau, những lần đi cà phê, đi du lịch chung, những kỷ niệm đáng nhớ nhất. Tụi bạn đọc xong, cười haha rồi bảo: đồ sến. Chê cho đã xong tụi nó cũng giữ hết mấy lá thư đó lại” - Yui, writer tại Vietcetera kể về phong cách tặng quà của anh.

Có lẽ, trong thời đại ta lạc lối giữa hàng nghìn những lựa chọn, thì món quà đơn giản nhất, và không thể tìm được cái thứ 2, là một bức thư tay bằng tất cả tấm chân tình.