Chữ với Nghĩa: Quần què là quần gì? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Chữ với Nghĩa: Quần què là quần gì?

"Quần què" được bật ra một cách thật tự nhiên trong những buổi tán gẫu phố phường của bạn. Nhưng quần là quần gì? Và què là què ra sao? Cùng lội ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về loại quần có thật này.
Chữ với Nghĩa: Quần què là quần gì?

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Quần què là gì?

Quần què là cách nói khác của quần hòe, loại quần dành cho phụ nữ ngày tới tháng và thường được may bằng vải sẫm màu. Nghĩa gốc hóa ra không hề bậy, cũng chẳng phải là quần ống dài ống thấp “cà thọt” như Google Ảnh gợi ý.

Quần hòe không phổ biến vì là tiếng địa phương vùng miền Tây Nam Bộ.

Caacutei quần quegrave nagravey trocircng coacute vẻ hợp lyacute nhưng thật ra lại khocircng phải caacutei quần quegrave nguyecircn gốc Nguồn 8saigonxyz
Cái quần què này trông có vẻ hợp lý nhưng thật ra lại không phải cái quần què nguyên gốc | Nguồn: 8saigon.xyz

2. Nguồn gốc của quần què?

Thời xưa, quần hòe vốn được phụ nữ Nam Bộ xài khi tới tháng. Từ “hòe” được cho là “xuất thân” từ hoa hòe - loại hoa trong đông y có tác dụng cầm máu, giảm huyết áp.

Theo dòng thời gian, quần hòe thăng cấp lên quần què. Hai cách lý giải cho hiện tượng biến âm từ “h” thành “qu” được chấp nhận là: Sự giao thoa văn hóa với người Hoa hoặc do cách phát âm đặc trưng của người dân Nam Bộ.

Khi biến âm, danh từ quần què mang kết cấu như một từ láy (láy âm đầu) - loại từ thường dùng để nhấn mạnh hình dạng, tâm lý, tâm trạng… của con người, sự vật hiện tượng. Có thể vì đọc “trôi” và “nuột” hơn bản gốc nên quần què được ứng dụng từ đó về sau.

Thời hiện đại, băng vệ sinh dần thịnh hành hơn nhờ tính gọn gàng, tiện lợi, loại quần lịch sử này trôi nhẹ vào dĩ vãng, nhưng ngôn ngữ biểu đạt gắn với quần què thì vẫn giữ sức sống mãnh liệt tới ngày nay.

3. Quần què phổ biến khi nào?

Phụ nữ tới tháng, theo quan niệm dân gian xưa, mang ý nghĩa không tốt đẹp lắm vì đây là giai đoạn bị trói buộc bởi những linh hồn ác, sự hổ thẹn. Ở Tanzania, một đất nước phía Đông Châu Phi, có thời điểm phụ nữ phải giấu nhẹm tấm vải mình sử dụng khi tới tháng, họ tin rằng nếu để người khác trông thấy tấm vải này, lời nguyền sẽ giáng xuống đầu họ.

Niềm tin về sự “ô uế” có mặt ở rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, tác động đến nhiều quốc gia, và Việt Nam không là ngoại lệ. Thậm chí một số người Việt tin rằng phụ nữ tới tháng thì không được đi chùa hay đến những nơi linh thiêng. Cái quần què được họ sử dụng cũng bị kết tội là thiếu sạch sẽ.

Quan niệm cũ ăn dần vào tâm thức của cộng đồng, sinh ra những lối biểu đạt tiêu cực gắn với “cái quần què”. Thấy cái gì chất lượng dở tệ, hay muốn bày tỏ cảm xúc ngán tận cổ họng, người ta chêm phụ từ “cái quần què” cho sáng ý.

“Cái quần què gì vậy!” giờ đã là câu cửa miệng của nhiều bạn trẻ. Chơi sốc hơn, page “Yêu đương cái quần què” còn được lập ra để kể những chuyện tình cảm đẫm mùi thị phi.

4. Cách sử dụng quần què?

Quần què có thể được sử dụng một cách vô tư trong một nhóm bạn (nếu đủ thân), nhưng với đối tượng khác, mức độ “xúc phạm” của quần què không hề nhỏ.

Vì xuất phát từ lối nói phân biệt và giễu cợt một giai đoạn rất tự nhiên của người phụ nữ, có thể lần tới bạn nên cân nhắc vài ba lần nếu có ý định “giặm” quần què vào câu.