Republish: Khi chữ viết vượt ra khỏi nội dung | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Republish: Khi chữ viết vượt ra khỏi nội dung

Từ những phông chữ cũ, đội ngũ dự án đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật mỹ miều và khơi gợi, lồng ghép nhiều giá trị về những tàn tích xưa.
Republish: Khi chữ viết vượt ra khỏi nội dung

Nguồn: Behalf Studio

Nằm gọn trong một con hẻm của đường Phạm Ngọc Thạch, OHQUAO, một trong những concept store nổi bật tại Sài Gòn, đang diễn ra triển lãm “Republish: Chữ Là Chi…”. Đây là triển lãm về typography (tạm dịch là ký tự pháp) do Behalf Studio thực hiện, dựa trên dự án độc lập Republish do chính studio thiết kế và sáng tạo này khởi xướng.

Ghé triển lãm, chúng tôi gặp Minh Nguyễn — trưởng ban Thiết kế của dự án. Minh dẫn chúng tôi đi đủ 3 tầng lầu, không quên giới thiệu về bảy tác phẩm của triển lãm.

Nổi bật nhất phải kể đến là tác phẩm "Chữ Là Cảnh Trí". Tác phẩm được đặt trong một căn phòng đầy những âm thanh rôm rả, cùng dáng hình của những đồ vật gợi nhớ ta về một khu chợ không tên.

Trên màn hình lớn là những khối màu và chữ viết, được tạo ra bởi Affiche Market — một hệ thống do đội ngũ Behalf phát triển. Hệ thống thu thập những hình ảnh với hashtag #chobenthanh trên Instagram của người dùng thật, kèm theo nhiệt độ của chợ ở thời điểm bấm máy. Cứ mỗi 15 phút, chiếc màn hình lại thay màu.

alt
Mỗi tầng lầu, là một sự tương tác riêng biệt giữa người xem và chữ viết. | Nguồn: Behalf Studio

Tìm và khôi phục chữ viết

Đúng như cái tên của nó, Republish, hay Tái Bản, là một dự án khôi phục lại những con chữ ở Sài Gòn mà chúng ta thường vô tình lướt qua. Từ những phông chữ cũ, đội ngũ dự án đã biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật mỹ miều và khơi gợi, đồng thời lồng ghép nhiều giá trị và ý nghĩa về những tàn tích xưa.

Bảy tác phẩm tại triển lãm xoay quanh 5 phông chữ: Mỹ Nghệ, Thợ Cạo, Cửa Tây, Đanh ĐáKháng Chiến. Chúng ẩn nấp trong lòng đô thị Sài Gòn, nằm gọn trên một biển hiệu vẽ tay, được căn lề ngay ngắn trong bản in xưa, hay được đúc vuông vức trên những công trình kiến trúc trăm tuổi.

alt
Bảy tác phẩm tại triển lãm xoay quanh 5 phông chữ: Mỹ Nghệ, Thợ Cạo, Cửa Tây, Đanh ĐáKháng Chiến. | Nguồn: Behalf Studio

Nhưng tại dự án, tính thể nghiệm được đề cao thay vì hoài niệm. Mong muốn của đội ngũ tại Behalf không chỉ dừng lại ở việc tái hiện những mặt chữ đậm màu văn hoá, mà còn là tạo ra một bộ phông kỹ thuật số cho cộng đồng sáng tạo. Nói ngắn gọn, đội ngũ muốn tiếp nối và làm sống lại những nét văn hoá đáng lưu trữ.

Vẻ đẹp mới cho những con chữ cũ

Typography vẫn còn là một ngành rất mới tại Việt Nam. Vì vậy, quá trình khôi phục 5 bộ phông của Behalf không hề dễ dàng. Đội ngũ phải vận dụng các nguồn kiến thức nước ngoài và những hiểu biết về hiệu ứng thị giác trong thiết kế để giúp các bộ phông thành hình.

alt
Mẫu phông hoàn thiện của phông Cửa Tây. | Nguồn: Behalf Studio

Các phông chữ này đến từ những ký tự vẽ tay của những người nghệ nhân vẽ chữ lành nghề nhưng vô danh. Những gì chúng ta biết về họ chỉ là những con chữ chưa bao giờ có một bộ phông đủ đầy.

Chỉ có Mỹ Nghệ là bộ phông duy nhất mà mọi người tìm gặp được chính chủ. Đó là bác Hoài Minh Phương, một trong những nghệ nhân vẽ bảng hiệu bằng tay thâm niên lâu đời của thành phố.

Vào nghề đã hơn 40 năm, nhưng bác chưa bao giờ được đào tạo về nghệ thuật chữ hay thư pháp. Tài liệu của bác chỉ xung quanh vài cuốn sách về mẫu chữ đẹp, cùng đôi tay luôn rèn luyện mỗi ngày.

alt
Phông Mỹ Nghệ do chính nghệ sĩ Hoài Minh Phương vẽ tay, kèm bài thơ ông làm tặng cho triển lãm. | Nguồn: Lê Nghĩa cho Vietcetera

Và giống như cách người nghệ nhân tìm ra nét chữ cho riêng mình, 5 bộ phông được đội ngũ tại Behalf phát triển từ một kho chất liệu khiêm tốn. Đơn cử, Thợ Cạo được phát triển vọn vẻn từ 4 chữ cái “HÙNG” của một biển hiệu hớt tóc ở quận 5. Hay Cửa Tây là bộ phông bước ra từ 4 mặt cửa của chợ Bến Thành.

Dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của anh Giang Nguyễn, từng chữ cái đã đi qua các giai đoạn thử nghiệm và khảo cứu vô số hình hài, đến khi trở thành phiên bản hoàn thiện nhất.

Tất nhiên, kiến thức về lịch sử và văn hoá cũng được bao gồm, bởi chính những câu chuyện đằng sau mới gợi tả được tinh thần và ý nghĩa của mặt chữ.

Khi chữ viết vượt ra khỏi nội dung

Và điều đó được thể hiện một cách khéo léo trong triển lãm “Republish: Chữ Là Chi…”. Bảy tác phẩm là bảy câu chuyện khác nhau của chữ, khai phá những nét đẹp sâu xa và khó tả thành lời.

alt
Với ký tự pháp, chữ viết không chỉ dừng lại ở nội dung. | Nguồn: Behalf Studio

Với ký tự pháp, chữ viết không chỉ dừng lại ở nội dung. Bởi con chữ còn là hình ảnh. Một mặt chữ chạm được vào đôi mắt sẽ lột tả cho chúng ta quan cảnh của một nơi ta từng ghé, một quán quen hay một thương hiệu.

Với ký tự pháp, con chữ còn là âm thanh. Đó có thể là sự huyên náo của một khu chợ, hay từng âm tiết của một giai điệu mà chắc chắn ai cũng nhớ lời.

Với ký tự pháp, con chữ còn là tinh thần. Đó có thể là cảm xúc phấn chấn khi hô to một khẩu hiệu, hay thư giãn khi nhìn từng dòng chữ ngăn nắp trên một trang bìa.

Chữ viết gợi cho ta mảnh ký ức mà ta không thể gọi tên, và những tâm tư mà chính con chữ cũng không thể tự chấp bút. Và với một triển lãm mang tính tương tác cao, các tác phẩm đã mang lại nhiều suy ngẫm về dòng chảy lịch sử của thành phố, cùng cảm hứng để tiếp tục khai phá những giá trị văn hoá quý giá của Sài Gòn.

alt
Tác phẩm "Chữ Là Góc Nhìn", nằm cạnh căn phòng "Chữ Là Cảnh Trí". | Nguồn: Behalf Studio

Kết

Cả 5 bộ phông tại triển lãm sẽ không bán, vì các nguyên tác đều thuộc về một người khác. Thay vào đó, chúng sẽ được cung cấp miễn phí cho cộng đồng sáng tạo khắp nơi.

Còn về hệ thống của Affiche Market — một phần của tác phẩm thứ 7, tiền bán vé của triển lãm sẽ được dùng để bảo trì hệ thống. Và khi chúng tôi hỏi về việc ngày hệ thống dừng lại, Minh chỉ cười và nói, “chắc là tới khi nào… hết tiền!”