Ngày 25/09 sắp tới, Ròm cuối cùng sẽ chính thức công chiếu khắp cả nước sau hành trình 8 năm nhiều chông gai của đoàn làm phim.
3 ngày trước khi công chiếu, Vietcetera có dịp theo chân đạo diễn Trần Thanh Huy tại bối cảnh của một dự án mới. Bước vào công trình dở dang với bước chân đầy năng lượng, anh hào hứng kể: “3 ngày nay Huy ngủ được 3 tiếng đó!”
Dưới ánh nắng chiều Sài Gòn, nơi khai sinh và nuôi dưỡng Ròm, cuộc trò chuyện với Trần Thanh Huy đã khiến tôi hiểu tại sao Ròm là một trong những tác phẩm đáng xem nhất tại các rạp chiếu Việt Nam trong thời gian gần đây.
1. Xem vì những hình ảnh “không đẹp”
Với nội dung kể câu chuyện của tầng lớp lao động, chạy đua vì mưu sinh, phim Ròm đem đến hình ảnh chân thật về cái nghèo. Không có giàu sang, không có nhà đẹp, quần áo đẹp, chỉ có sự sống còn. Và nổi bật giữa môi trường khắc nghiệt là tình thương cũng như lòng thù hận giữa những người hằng ngày giành giật một cơ hội sống.
2. Xem vì niềm tin vào sự chông chênh
Các phim điện ảnh thường được quay phần lớn ở góc thẳng vì cần một bố cục cân đối và đúng chuẩn. Thế nhưng phim Ròm chỉ có một cảnh quay góc thẳng duy nhất, vào một khoảnh khắc quan trọng nhất. Tất cả những cảnh còn lại đều nghiêng trái hoặc phải để tả được sự chông chênh của các số phận trong phim.
Đó là cuộc sống của những người phải chạy cả đời trên sợi dây của số phận. Họ phải chạy cơm từng ngày, chạy khỏi những bất công, những bạo lực, và chạy theo những con số đề để cầu một tương lai tươi sáng.
Chông chênh là thế, nhưng dường như dựa vào vận may là việc khả dĩ nhất họ có thể làm để nuôi hi vọng một ngày được nghỉ chân.“Có thể nói, hoàn cảnh của Ròm đã vận vào hoàn cảnh của ekip làm phim”, đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ, “Ròm là một bộ phim tụi Huy làm mà không biết tương lai sẽ đi về đâu. Từ kịch bản, lịch quay, thời gian dựng, việc làm âm thanh tới việc tham gia liên hoan phim, đạt giải ở nước ngoài, quy trình duyệt phim trong nước và sự đón nhận của khán giả...tất cả đều là một dấu hỏi trong đầu mọi người cho tới lúc sự việc ngã ngũ.”
3. Xem vì sự “thật”
Đạo diễn Trần Thanh Huy chia sẻ với Vietcetera: “Huy không muốn truyền tải thông điệp gì to tát, Huy chỉ muốn tạo nên một thế giới rất thực nơi câu chuyện cuộc sống diễn ra.” Và anh đã làm mọi thứ có thể để đạt được mục tiêu của mình. Ngoài nội dung được lấy cảm hứng từ cuộc sống, cái yếu tố khác trong phim đều được chăm bón bằng sự “thật”.
Một trong những lý do phim mất tới 8 năm để thực hiện là đoàn phim phải tận dụng mưa thật, nắng thật cho các cảnh quay. Việc không có nhiều kinh phí cho những đạo cụ môi trường buộc ekip “Ròm” trở thành đoàn phim du kích, “trời kêu đâu đánh đó”.
“Với một sản phẩm nghe-nhìn, âm thanh chiếm từ 40-50 phần trăm sự thành công. Để tái hiện độ chi tiết trong tiếng động của Sài Gòn và làm cho thế giới của Ròm trở nên chân thật nhất, Huy được các chuyên gia trong nước gợi ý giao phó cho đội ngũ âm thanh ở Pháp, có kinh nghiệm với những tiếng động phức tạp. Ngoài ra, hiệu ứng tiếng động và âm nhạc trong phim không tách rời mà được thiết kế thành một bản phối giữa thứ âm thanh vừa hỗn độn của cuộc sống, vừa có quy tắc của âm nhạc.” - đạo diễn Trần Thanh Huy nói.
4. Xem vì 8 năm nuôi lớn “cậu bé Ròm”
Với kịch bản được phát triển từ dự án phim tốt nghiệp 16:30 (2012), Ròm là tác phẩm được xây dựng trên nền tảng của thành công. Khi ra mắt, 16:30 đã đạt được nhiều giải thưởng tại LHP Sinh viên toàn quốc 2012, Cánh Diều Vàng 2012, YxineFF 2012.
Thành công lớn từ sản phẩm đầu tay đã hình thành niềm tin vào kịch bản này trong Trần Thanh Huy và hai đạo diễn hình ảnh Nguyễn Vinh Phúc và Nguyễn Khắc Nhật. Một cái tên nổi bật hơn cả là nhân vật chính - cậu bé Ròm - được thủ vai bởi diễn viên Trần Anh Khoa, cũng chính là em ruột của đạo diễn Trần Thanh Huy. Theo vai từ khi Ròm vẫn là 16:30, Trần Anh Khoa đã lớn lên cùng với nhân vật, với niềm đam mê điện ảnh và niềm tin vào anh trai.
5. Xem vì hành trình tìm kiếm sự nguyên bản
“Trong 8 năm làm phim, đã có lúc Huy lạc lối và mất cân bằng. Thầy Trần Anh Hùng đã là người dẫn dắt Huy về đúng bản chất của mình. Việc sống đúng với bản chất là rất quan trọng. Trong 27 bản dựng nháp, bản thì hành động quá, bản thì hài hước quá, bản lại nặng nề quá. Bản dựng được chọn là bản mang sự cân bằng và nguyên bản nhất của Huy.”
Với một nhà làm phim độc lập, việc truyền tải được cái nhìn cá nhân nhất về một vấn đề có thể được xem là thành công. Với những giải thưởng đạt được ở Liên hoan Phim Busan 2019, rất hy vọng sự nguyên bản của Ròm sẽ có thể gây được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả trong nước.
6. Xem vì sự cương quyết
8 năm là một khoảng thời gian rất dài để đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc cho một tác phẩm điện ảnh. Trong thời gian đó cũng có không ích những trục trặc và khó khăn xảy ra, nhưng đoàn làm phim Ròm vẫn kiên cường với niềm tin của mình và quyết tâm thực hiện cho được phiên bản hoàn thiện nhất.
“Huy sẽ dùng từ ‘cương quyết’ để miêu tả thứ động lực giúp tất cả các thành viên trong đoàn phim sống chết cùng dự án này. Đó là khi mọi người cùng xác định chắc chắn về điều mà mình muốn làm và theo đuổi nó tới cùng.” Cũng như cậu bé Ròm, dù gặp nhiều khó khăn, dù có nhiều bấp bênh, đoàn phim đã luôn cố gắng vươn lên vì mục tiêu đã đặt, luôn chạy và sẽ không bao giờ dừng lại.
Hãy tới rạp xem phim, không chỉ để thưởng thức một tác phẩm điện ảnh được giải thưởng danh giá, mà còn để biết được vì sao họ xứng đáng với thành công của mình, và để có một cái nhìn về tương lai đầy hứa hẹn của nền điện ảnh Việt Nam.