Sáng đèn: Gánh cải lương miền Tây len lỏi giữa rừng bom tấn | Vietcetera
Billboard banner
02 Thg 04, 2024
Sáng TạoĐiện Ảnh

Sáng đèn: Gánh cải lương miền Tây len lỏi giữa rừng bom tấn

Sáng đèn giúp người xem đồng cảm và hiểu hơn về niềm đam mê nghệ thuật, những khó khăn mà người nghệ sĩ thực thụ phải trải qua để giữ vững niềm đam mê của mình.
Sáng đèn: Gánh cải lương miền Tây len lỏi giữa rừng bom tấn

Nguồn: Galaxy Studio

Sáng đèn là bộ phim của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, vừa ra rạp trở lại sau khi dời lịch phát hành từ dịp Tết Giáp Thìn. Phim lấy bối cảnh năm 1994 - giai đoạn nhiều đoàn cải lương miền Tây bắt đầu tan rã. Gánh hát Viễn Phương của ông Bầu (Hữu Châu) cũng không thoát khỏi số phận lận đận vì “cơm áo gạo tiền."

Họ chấp nhận thay đổi từ một đoàn ca cổ trở thành một gánh tạp kỹ, diễn tuồng kết hợp xiếc, diễn hài để chiều lòng khán giả. Dù là những nghệ sĩ nghèo nhưng mỗi thành viên trong gánh hát đều hiền lành, sống thuỷ chung, tình nghĩa, có niềm đam mê cháy bỏng với nghề nghiệp.

Sáng đèn là màu sắc mới lạ trong thị trường điện ảnh Việt Nam khi theo đuổi đề tài về nghệ thuật cải lương truyền thống. Phim không hoàn hảo nhưng gây ấn tượng vì sự bình dị, duyên dáng trong câu chuyện, cũng như thông điệp nhân văn, ấm áp về tình cảm gia đình, tình anh em, đồng nghiệp.

Hơn cả một câu chuyện về cải lương

Sáng đèn không phải là dự án nhận nhiều chú ý trước khi ra rạp. Phim không có ngôi sao phòng vé, cũng không được quảng bá hay được biết tới nhiều trước đó.

Dù vậy, Sáng đèn gây bất ngờ khi mang đến một câu chuyện dung dị đậm chất miền Tây, xoay quanh điểm nhấn là môn nghệ thuật cải lương vốn rất quen thuộc với nhiều người Việt.

Phim tái hiện thời kỳ cải lương bắt đầu suy tàn, thoái trào. Những gánh hát rong ruổi khắp miền Nam với các đêm diễn đông nghịt khán giả giờ đây phải chật vật sống cầm chừng, tìm mọi cách để thu hút người xem.

Gánh hát Viễn Phương phải nương nhờ sự tài trợ của Tư Phượng (NSND Hồng Vân) – một phụ nữ giàu có trót phải lòng kép chính Vũ Lâm (Cao Minh Đạt). Để chinh phục người trong mộng, bà sẵn sàng “bao nuôi” cả gánh hát, lặn lội xa xôi để tới xem biểu diễn.

01apr2024034jpg
Tư Phượng (phải) và Vũ Lâm (giữa) là hai nhân vật chính trong tình huống mà phim xây dựng. | Nguồn: Galaxy Studio

Nhiều phân cảnh hát cải lương được thực hiện công phu, có sự đầu tư kỹ lương trong trang phục, âm thanh, bối cảnh, đạo cụ, v.v. Những trích đoạn cải lương nổi tiếng như Quân Vương và Thiếp, Đức Vương Ngô Quyền, Tiếng Trống Mê Linh đưa người xem quay trở về một thời quá vãng, gợi cảm giác hào hùng, bi tráng và cả tiếc nuối.

So với một bộ phim nổi tiếng khác của điện ảnh Việt Nam cũng nói về cải lương là Song Lang (2018, đạo diễn Leon Quang Lê), Sáng đèn có nhiều phân cảnh biểu diễn cải lương hơn và tập trung vào chủ đề này xuyên suốt, nhất quán hơn.

Nếu Song Lang lấy cải lương làm tiền đề cho câu chuyện về thân phận con người, thì Sáng đèn dùng cải lương làm yếu tố chủ đạo, là nguyên nhân của tất cả những mâu thuẫn, cảm xúc, bước ngoặt trong cuộc sống các nhân vật.

Khi gánh hát cũng là gia đình

Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường cho thấy anh hiểu rõ về cuộc sống của những con người miền Tây chân chất, thật thà, giàu tình nghĩa. Yếu tố chính kịch trong tác phẩm khiến Sáng đèn không chỉ đơn thuần tôn vinh giá trị của nghệ thuật truyền thống, mà còn mang đến những câu chuyện cảm động, nhắc nhở con người tầm quan trọng của tình cảm bạn bè, đồng nghiệp.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, gánh hát Viễn Phương vẫn tìm mọi cách để tồn tại, đưa tiếng hò câu hát gần khán giả hơn. Cả kép chính lẫn kép phụ trong đoàn đều phải làm thêm để trang trải cuộc sống, hỗ trợ gánh hát, nhưng họ chẳng một lời kêu ca.

Các thành viên trong gánh hát không ai có quan hệ máu mủ ruột thịt nhưng họ xem nhau còn hơn cả những người trong gia đình. Họ đồng cam cộng khổ để vượt qua khó khăn, học cách giảm bớt cái tôi riêng để chia sẻ và thấu hiểu cho đồng nghiệp.

01apr2024021jpg
Vai diễn nổi bật của NSƯT Hữu Châu. | Nguồn: Galaxy Studio

Dàn diễn viên trong phim tung hứng nhịp nhàng, nổi bật nhất là vai diễn của NSƯT Hữu Châu. Trong vai một ông bầu, một người trưởng đoàn chăm lo hết mình cho các thành viên, Hữu Châu cho thấy sự dạn dày kinh nghiệm, lúc vui nhộn hài hước để kích thích tinh thần các thành viên, lúc nặng trĩu tâm tư vì không kham nổi gánh nặng kinh tế.

Mạch cảm xúc trong phim được duy trì liên tục, xuyên suốt, với những biến cố xảy ra bất ngờ, những mối quan hệ đan xen, chồng chéo giữa các nhân vật. Phim có nhiều phân đoạn mang màu sắc trầm buồn, dễ lấy cảm xúc khán giả.

Kết phim tươi sáng, tích cực, giống như một câu chuyện cổ tích giữa thời kỳ gian khó, giúp con người có niềm tin và sự lạc quan khi hướng về nghệ thuật tương lai.

“Chú ngựa ô” đáng khích lệ của điện ảnh Việt

Sáng đèn có thời lượng khá dài với tuyến nhân vật đa dạng. Điều này khiến câu chuyện của một số nhân vật lướt qua nhanh chóng, chưa mang đến sự thoả mãn cho khán giả. Nhiều tình tiết trong phim còn nặng tính sắp đặt, dễ đoán và đôi khi dông dài như một bộ phim truyền hình.

Một số tình tiết cảm động trong phim có đất khai thác nhưng làm chưa tới, hoặc chưa đủ thời lượng để neo vào trái tim khán giả, tạo cảm giác hụt hẫng.

Ngoài ra, khâu truyền thông là một điểm đáng tiếc khiến phim không nhận được sự chú ý tương xứng với chất lượng. Đề tài cải lương tuy hấp dẫn nhưng khó làm và dễ khiến khán giả mặc định phim khó xem.

01apr2024016jpg
Dù còn nhiều điểm cần khắc phục, Sáng đèn là một bộ phim đáng khích lệ. | Nguồn: Galaxy Studio

Trước đó, tác phẩm cùng đề tài là Song Lang cũng nhận nhiều khen ngợi về chất lượng, tay nghề của đạo diễn, diễn viên vào thời điểm ra mắt, nhưng doanh thu phòng vé thấp. Bài toán truyền thông cho những bộ phim có phần hơi “lạc loài” giữa “rừng bom tấn” ngập tràn ngoài rạp là điều mà nhiều nhà làm phim Việt chưa tính toán và đầu tư kỹ lưỡng.

Dẫu vậy, cùng với sự thành công của Song Lang và gần đây nhất là Đào, Phở và Piano, Sáng đèn tiếp tục là minh chứng cho thấy khán giả Việt luôn yêu thích những đề tài truyền thống, gần gũi với con người, văn hoá, dù tác phẩm đó có sở hữu ngôi sao phòng vé, ekip tên tuổi hay không.

Sáng đèn không lạm dụng những tình tiết giật gân để câu khách, mà bình dị, nhẹ nhàng và lay động. Phim cho thấy không chỉ nghệ thuật cải lương, mà tất cả các bộ môn văn hoá truyền thống đều có những vẻ đẹp và sức hút rất riêng, gắn liền với những người nghệ sĩ luôn hy sinh và lao động trong âm thầm.