1. Chuyện gì đã xảy ra?
Tonga là một vùng hải đảo nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương. Đảo quốc này hiện đang phải đối mặt với sóng thần, gây ra bởi vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai. Tiếng nổ của đợt phun trào này có thể được nghe thấy từ Alaska (Mỹ), cách nơi xảy ra tới 10.000km.
Vụ nổ đã gây ra tình trạng báo động ở nhiều nơi. Tại Nhật Bản, sóng thần xuất hiện cao khoảng 1,2m, còn tại California (Mỹ), thành phố Santa Cruz đã bị ngập lụt.
2. Quá trình này xảy ra như thế nào?
Sáng sớm ngày 15/01, ngọn núi lửa ngầm Hunga Tonga-Hunga Ha'apai bất ngờ phun trào khiến cả thế giới phải chú ý. Một làn sóng xung kích lớn được tạo ra, gây tiếng nổ lớn, đi kèm với nó là những cột tro bụi và sấm sét. Các nghiên cứu lịch sử cho thấy đây là sự kiện khá hiếm, chỉ xảy ra khoảng 1,000 năm một lần.
Chưa kịp hoàn hồn sau vụ nổ kinh hoàng, những gì đón chờ người dân Tongo là những đợt sóng thần tấn công vào thủ đô Nuku'alofa. Những đợt sóng nhỏ liên tiếp cũng tấn công vào nhiều bờ biển thuộc Thái Bình Dương.
Cho tới hiện nay, nhiều câu hỏi xoay quanh sự việc vẫn liên tục được đặt ra. Vị trí địa lý của những ngọn núi chìm dưới nước thường khiến nó khó được theo dõi và nghiên cứu. Theo như nhà địa lý nghiên cứu giám sát Nathan Wood, khi núi lửa phun trào nổ, có rất nhiều quá trình vật lý xảy ra (dung nham, lở đất hay nổ). Vậy nên, dù hiếm khi xảy ra, các vụ sóng thần gây ra bởi núi lửa rất khó để dự đoán.
3. Các nước trên thế giới ứng phó ra sao?
Cảnh báo sóng thần đã được phát đi tại nhiều nơi từ Mỹ, Nhật Bản cho tới New Zealand. Người dân sống tại các bờ biển Hawaii và Alaska cũng đang được yêu cầu di dời.
Tuy nhiên, tình hình tại Tonga lại không được khả thi khi đường dây liên lạc ở đây đã bị cắt đứt. Tonga hiện đang bị cô lập không rõ tình trạng thương vong và mức độ ảnh hưởng.
Úc và New Zealand đều đang cố gắng đánh giá thiệt hại ở Tonga với máy bay thị sát. Nhiều quốc gia (Mỹ, Pháp) cùng các tổ chức trên thế giới (WHO, UNICEF) cũng đang nhanh tay phối hợp để kịp thời hỗ trợ quốc đảo này.
4. Đời sống của con người ảnh hưởng ra sao khi có thảm họa?
Tonga hiện tại đang sống trong tình trạng gần như bị cô lập, không có điện, đường dây liên lạc bị cắt đứt, thiếu nước sạch và lương thực. Rất nhiều người ở ngoài Tonga hiện đang lo lắng, không biết người thân của họ liệu có an toàn. Bên cạnh đó, quốc đảo này còn phải đối mặt với nỗi lo lây lan dịch COVID-19 từ những chuyến viện trợ bên ngoài, nhất là khi hiện tại Tonga không có ca nhiễm nào.
Địa hình của Tonga cũng tương đối bằng phẳng dẫn tới việc không có nơi để tránh sóng thần. Khả năng cao giao thông nơi và cơ sở vật chất đang bị hư hại nặng nề. Các hoạt động sản xuất, trồng trọt cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sống sót qua thảm họa cũng chỉ mới là bước đầu tiên trong quá trình sinh tồn.
Khi một thảm họa thiên nhiên xảy ra, hầu như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhóm người yếu thế như người già, trẻ em, người bệnh và người tàn tật có nguy cơ bị ảnh hưởng cao hơn. Một phần lý do là vì họ mất khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản sau thảm họa.
Tuy nhiên, không chỉ Tonga, mà nhiều quốc gia khác cũng đang lo ngại về đám mây bụi gây ra bởi đợt phun trào sẽ ảnh hưởng lâu dài tới môi trường. Bên cạnh đó, rất nhiều người không ý thức được khói bụi này có tổn hại trực tiếp đến sức khỏe và không đeo khẩu trang.
5. Tình hình người Việt ở các vùng bị ảnh hưởng trên thế giới ra sao?
Liên lạc khó khăn khiến việc xác định tình hình người Việt ở Tonga cũng không dễ. Tuy nhiên, trong quá khứ, khi thảm họa thiên nhiên xảy ra thì các công dân Việt Nam tại nước ngoài vẫn nhận được sự bảo hộ và theo dõi của đại sứ quán.
Gần đây nhất chính là những đợt ủng hộ về tiền của, liên quan tới người Việt ở nước ngoài bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Bên cạnh đó, là một nước thường xuyên phải đối đầu với thiên tai bão lũ, Việt Nam đã ký thỏa hiệp, hiệp định song phương và đa phương, về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn. Điều này cũng giúp tạo điều kiện cho người Việt tại nước ngoài nhận được sự trợ giúp quốc tế. Đơn cử như là vụ việc người Việt bị mất tích năm 2011 trong đợt sóng thần Nhật Bản.
6. Có những loại thảm họa nào?
Để dễ phân biệt, thảm họa được chia ra thành 2 loại chính là: thảm họa tự nhiên và thảm họa gây ra bởi con người. Các thảm họa thiên nhiên như hạn hán, cháy rừng, động đất,... luôn để lại thiệt hại nặng nề cho con người và kinh tế. Nhưng những sự kiện gây ra bởi con người như tràn dầu, hỏa hoạn, khủng bố... cũng không kém cạnh khi để lại hậu quả lâu dài.
Hiện nay, cũng có rất nhiều thảm họa , gián tiếp gây ra bởi con người, nhưng được cho là thảm họa thiên nhiên. Việc con người can thiệp và phá hoại hệ sinh thái cũng ảnh hưởng tới thời tiết và khí hậu, tạo ra các sự kiện dễ bị nhầm lẫn là tự nhiên.
Ngoài ra, các đợt bùng phát dịch bệnh như Ebola, COVID-19 cũng được xếp vào hàng thảm họa, để lại thiệt hại lên sức khỏe và tinh thần của cả thế giới.
7. Khái niệm “an ninh con người” là gì?
Sau Chiến tranh Lạnh, thế giới chứng kiến nhiều thay đổi bất ngờ. Vào thời điểm này khái niệm “human security" hay “an ninh con người đã ra đời".
Chúng ta vẫn thường hay nghe về an ninh quốc gia và lãnh thổ, tuy nhiên, khái niệm này không tập trung chủ yếu vào một quốc gia cụ thể, mà đặt con người làm trung tâm bảo vệ. Lúc này, các biện pháp bảo vệ con người trước các thảm họa sẽ được cả thế giới cùng nhau nghiên cứu và phát triển.
Trong 7 mục an ninh con người được liệt kê, có bao gồm an ninh môi trường, nhấn mạnh vào 2 loại thảm họa tự nhiên và do con người tạo ra.
Nhiều tổ chức và thỏa thuận liên quan tới khí hậu, cũng đã có những bước đi tương đồng với khái niệm này và khẳng định: cả nhân loại đều có vai trò trong các thảm họa toàn cầu. Đây rõ ràng không phải là cuộc chiến đơn độc của chỉ một cá nhân hay lãnh thổ. Khi một thảm họa xảy ra, tốc độ phát triển của nền văn minh nhân loại đều bị tác động.