Sau "tiên tri vũ trụ," giờ chúng ta có "nhà thơ thế giới" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Sau "tiên tri vũ trụ," giờ chúng ta có "nhà thơ thế giới"

Những chức danh hão huyền vừa thể hiện tâm lý háo danh của một số người, vừa cho thấy những lầm tưởng về thi ca và về hệ thống các tổ chức, giải thưởng văn học.
Sau "tiên tri vũ trụ," giờ chúng ta có "nhà thơ thế giới"

Nguồn: CafeF

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Thời gian gần đây, công chúng và các nhà văn, nhà thơ tỏ ra bất bình trước việc một nhà thơ xuất hiện với một loạt doanh hiệu "đao to búa lớn." Đó là trường hợp của bà Tống Thu Ngân trong khuôn khổ một sự kiện tổ chức tại Quảng Ninh vào ngày 22/12.

Cụ thể, khi bà Ngân lên sân khấu, màn hình đằng sau hiện nhiều chức danh như "Đại sứ trọn đời, chủ tịch hội đồng kỷ luật cấp cao liên minh các nhà thơ thế giới" hay là "Phó chủ tịch liên minh những người bảo vệ các nhà thơ thế giới." Những danh xưng này đã tạo nên một làn sóng châm biếm trên mạng xã hội.

2. Sự kiện còn có vấn đề gì khác?

Việc bà Tống Thu Ngân xuất hiện với những danh hiệu to tát kể trên khiến nhiều người sửng sốt. Dù hành động này không thực sự gây ảnh hưởng tới nền xuất bản và nền văn học nước nhà, nhưng nó cho thấy sự ngộ nhận của một vài người tự coi mình là những nhà thơ "tầm cỡ."

Bên cạnh đó, sự kiện này chưa được cấp phép bởi Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh. Đơn vị tổ chức còn in logo của các kênh truyền thông như VOV, VTC, VTV,... để làm như sự kiện có sự bảo trợ hay hợp tác thực hiện của những đơn vị đó.

27dec202221672034456358418311238167204538508916720453851514218407721jpg
Backdrop quảng bá tiền sự kiện với logo của nhiều đơn vị khác nhau. | Nguồn: CafeBiz

Ban tổ chức sự kiện phân trần rằng họ chỉ có ý định vinh danh bà Ngân với danh hiệu "Đại sứ quyền năng tâm tài đức Việt Nam 2022." Các danh hiệu còn lại liên quan tới thi ca là do bà Ngân cung cấp cho ban tổ chức. Đối với việc mạo danh logo, Ban tổ chức đã nhận sai và gửi công văn tới lãnh đạo các bên để xin lỗi.

3. Tống Thu Ngân là ai, và Liên minh các nhà thơ thế giới là gì?

Khi truyền thông đưa tin về sự việc, nhiều độc giả và kể cả các nhà văn, nhà thơ đương đại tỏ ra ngỡ ngàng. Họ chưa bao giờ nghe thấy cái tên Tống Thu Ngân trong làng thơ, cũng chưa nghe tới các tác phẩm của bà.

Theo thông tin trên trang cá nhân của bà Ngân và từ một số nguồn khác, bà từng là giảng viên Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện bà đang sinh sống tại Mỹ, đã in hai tập thơ ở Việt Nam tại Nhà xuất bản Văn học (2017) và Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ (2018).

27dec2022screenshot20221226at145017795167205154576550129137116721280068741672128007293457829114png
Bìa tập thơ của bà Tống Thu Ngân. | Nguồn: Sức khỏe & Đời sống

Với bút danh Mimosa Tím, bà Ngân nói rằng tới nay mình đã có 1742 bài thơ, 6 tập thơ đã xuất bản và một tập mới hoàn thành. Cũng theo lời bà Ngân, trên 200 bài thơ của bà đã phổ nhạc.

Nếu như các thông tin về bà Tống Thu Ngân còn ít nhiều công khai trên mạng, thì ngược lại có rất ít thông tin về Liên minh các nhà thơ thế giới. Người tìm hiểu chỉ có thể nắm thông tin về tổ chức này thông qua chính trang của bà Ngân.

Trong nhiều bài viết, bà Ngân có nhắc tới một tổ chức có tên tiếng Anh là "World Union of Poets." Bà cũng gắn thẻ một số cá nhân cùng thuộc tổ chức, trong đó có ông Silvano Bortolazzi - người sáng lập tổ chức.

Thế nhưng, khi tìm kiếm cái tên Silvano Bortolazzi và cụm từ "World Union of Poets" trên Google, có rất ít kết quả đáng tin. Website của tổ chức rất sơ sài, không có bất cứ thông tin nào về tổ chức, cũng không có hình ảnh nào chứng minh các hoạt động của tổ chức.

27dec2022image20221227182701168png
Tên bà Ngân xuất hiện trên website của tổ chức. Toàn bộ trang web chỉ toàn chữ, liệt kê nhiều cái tên và nhiều tước vị khác nhau, nhưng hoàn toàn không có hình ảnh hay các thông tin về tổ chức. | Nguồn: https://worldunionofpoets.it/

Các thông tin về ông Silvano Bortolazzi không những không thuyết phục, mà còn cho thấy dấu hiệu bịa đặt. Cụ thể, trên trang cá nhân của mình, ông nói rằng bản thân từng 9 lần được đề cử Nobel Văn học, và 5 lần được đề cử Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, ông không đưa ra dẫn chứng nào cho những thành tựu này.

4. Cứ làm thơ thì trở thành nhà thơ?

Nhà thơ là những người làm thơ, sáng tác thơ - đó là cách hiểu gần gũi nhất với đại chúng. Tuy nhiên, để một cá nhân có thể tự gọi mình là nhà thơ mà không gặp phải sự nghi ngờ hay phản đối của công chúng hay các nhà thơ khác, có nhiều tiêu chuẩn hơn chỉ là "làm thơ."

Theo ông Nguyễn Việt Chiến - một nhà văn, nhà thơ thuộc Hội nhà văn Việt Nam, trường hợp của bà Ngân điển hình cho sự ngộ nhận, háo danh. Trả lời Báo Giao thông, ông cho rằng một số người sáng tác thơ đang có nhiều ngộ nhận, lầm tưởng về năng lực sáng tác của bản thân cũng như các giải thưởng thi ca.

Quan trọng hơn, từ góc nhìn của một người đã sáng tác thơ trong nhiều năm, ông Chiến thẳng thắn nói rằng thơ của bà Ngân "như một món lẩu thập cẩm, rất nghiệp dư." Trong câu trả lời của mình, ông Chiến cũng rất ý nhị khi chỉ gọi bà Ngân là "người sáng tác thơ" chứ không phải "nhà thơ."

Như vậy, không phải ai sáng tác thơ cũng là nhà thơ. Những thi phẩm của các nhà thơ thực thụ luôn ít nhiều có sự khác biệt với những người chỉ sáng tác đơn thuần. Trong nền kinh tế thị trường, nơi văn chương là một loại hàng hóa, thì không phải ai xuất bản thơ cũng là nhà thơ. Một số tác giả có lẽ chỉ là những người buôn chữ, những thợ chữ.

Các bài thơ nghiệp dư thường mang hơi hướng của các câu vè hay văn vần. Trong khi đó, những nhà thơ có ý thức rõ ràng về cấu trúc của một bài thơ và những thứ làm nên một bài thơ hay như hình ảnh, nhân vật trữ tình, ý và tứ thơ,...

5. Chúng ta có đang bị lừa bởi các giải thưởng nghệ thuật?

Sự công nhận của nhà nước và các hiệp hội nghệ thuật như các giải thưởng, các buổi tọa đàm,... cũng có thể bảo chứng cho uy tín của các nhà thơ. Để ví dụ, các nhà thơ, nhà văn Việt Nam hiện đại như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, hay Nguyễn Việt Chiến đều đã nhận nhiều giải thưởng văn học uy tín.

Hệ thống các giải thưởng văn học có vai trò quan trọng trong việc xác định các tác phẩm có giá trị của các cây bút lớn. Tuy nhiên, cũng có nhiều giải thưởng văn học tới từ các tổ chức phi văn học. Người ta thành lập và trao tặng những giải thưởng ấy không phải vì mục đích văn chương, mà vì mục tiêu quảng bá và lợi nhuận.

Tại Việt Nam, hầu hết các giải thưởng văn học đều do các hiệp hội nhà thơ, nhà văn, hay các tổ chức xuất bản uy tín quản lý. Giải thưởng được chấm bởi những tên tuổi văn chương lớn. Nhưng tại nước ngoài, có rất nhiều tổ chức tự phát với các giải thưởng tự phát.

Ví dụ, tại Đức, mỗi năm có rất nhiều lễ hội sách, và mỗi lễ hội thì đều trao giải cho một tác giả. Thế nhưng tất cả những giải thưởng tại lễ hội đều không có giá trị công nhận năng lực của tác giả, mà chỉ cho thấy cây bút đó được yêu thích trong một phạm vi địa lý, một khu vực dân cư nhất định.

Do đó, khi kiểm chứng một nhà văn hay nhà thơ, bên cạnh việc đọc tác phẩm, ta còn phải đánh giá độ khả tín của những phần thưởng, danh hiệu họ nhận được. Có như vậy, thì chúng ta mới có thể gạn lọc những giải thưởng, chức danh vô bổ tới từ những "tổ chức thơ" như Liên minh các nhà thơ thế giới.