SevenFriday và triết lý thiết kế “cả tuần đều là thứ 6” | Vietcetera
Billboard banner

SevenFriday và triết lý thiết kế “cả tuần đều là thứ 6”

Bạn sẽ chọn phụ kiện thế nào nếu cả tuần đều là thứ 6? Định nghĩa "life attitude brand" cùng ông Daniel Niederer - Founder, CEO của SevenFriday.
SevenFriday và triết lý thiết kế “cả tuần đều là thứ 6”

Ông Daniel Niederer - Founder, CEO @ SevenFriday. | Nguồn ảnh: Khooa Nguyễn cho Vietcetera.

Viglacera x Vietcetera

Vốn được đào tạo để trở thành một luật sư, hơn 10 năm trước, Daniel Niederer đã thực hiện một quyết định liều lĩnh. Ở tuổi 40, ông từ chức vị trí Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của một tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực hàng xa xỉ để sáng lập thương hiệu đồng hồ SevenFriday, dù đã từng không biết gì về đồng hồ.

Chỉ trong vòng 2 năm từ khi ra đời, SevenFriday đã nhanh chóng được yêu thích trên 70 quốc gia và thậm chí còn được gọi là thương hiệu đồng hồ có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đến nay, thương hiệu đã có mặt trên 90 quốc gia và 700 điểm bán khác nhau.

Tại Việt Nam, SevenFriday cũng đã trở thành một “hiện tượng” từ năm 2016, nổi tiếng với thiết kế mặt vuông lạ lẫm, mặt số lộ cơ mang hơi hướng công nghiệp. Ngay cả trong thị trường đồng hồ nói chung, đây cũng là các đặc điểm tạo nên sự khác biệt của SevenFriday.

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 10 năm của SevenFriday, Vietcetera đã trò chuyện cùng ông Daniel về những quan điểm thiết kế, phát triển thương hiệu cũng như nhận định về thị trường Việt Nam.

Với ông, đâu là điểm khác biệt giữa một thiết kế “tốt” và thiết kế “tuyệt vời”?

Tại SevenFriday, sự khác biệt đó đơn giản là cảm giác. Cảm giác “đúng là cái này rồi!” là thứ không quá thường xuyên xảy ra. Thế nên, khi một ý tưởng thiết kế được đưa ra mà được nhiều người trong đội hưởng ứng thì với tôi, nó là một dấu hiệu tốt, bởi về cơ bản, các thành viên đã có sẵn sự khác biệt về quan điểm, văn hoá.

Việc thiết kế cuối cùng có trở nên “tuyệt vời” hay không đồng thời cũng phụ thuộc vào nhiều lần tinh chỉnh cần đến óc phân tích sau đó.

Chất “Thuỵ Sĩ” của SevenFriday được thể hiện thế nào?

SevenFriday được thiết kế ở Thuỵ Sĩ, sử dụng động cơ Miyota của Nhật và gia công hoàn thiện tại Trung Quốc. Thế nhưng nhiều người chỉ để ý đến dòng chữ “made in China” trên các sản phẩm. Cũng không thể tránh khỏi khi chúng tôi không ngần ngại ghi rõ điều đó.

Nhưng tôi cũng không muốn mình bị bó buộc với cụm từ “Swiss made,” hay nói rộng ra là niềm tự hào truyền thống về đồng hồ của Thuỵ Sĩ. Chúng tôi không dựng lên những câu chuyện xung quanh quốc tịch để bán hàng, vì với tôi, không có gì chắc chắn để khẳng định mọi thứ “làm ra ở Thuỵ Sĩ” đều tốt hơn những nơi khác.

Thứ có tính quyết định chiến lược hơn với SevenFriday là ngôn ngữ thiết kế, và tôi tin các sản phẩm tự khắc sẽ thể hiện giá trị của riêng chúng. Không nhất thiết SevenFriday phải là “Swiss made,” bản thân tôi và nhiều thành viên khác trong đội ngũ đã là “Swiss made” rồi (và còn hơn 5 quốc tịch khác nữa).

Giữa xu hướng đồng hồ thông minh, SevenFriday có cố gắng nâng cấp “tính năng” cho các sản phẩm đồng hồ cơ của mình?

Chúng tôi không cố hoà vào xu hướng công nghệ. Với tôi, các tính năng hiện có trên các đồng hồ thông minh như đo nhịp tim, đếm bước đi, nhắn tin, xem lịch làm việc,... đều có thể sử dụng trên điện thoại.

Thậm chí với đồng hồ cơ, tính năng cơ bản nhất là xem giờ cũng có thể được thay thế bởi hàng loạt các thiết bị điện tử khác. Thế nên thẳng thắn mà nói, hiện tại đồng hồ không hẳn là thứ mọi người đeo vì chức năng hay tính năng của nó.

Do đó thay vì cố gắng nâng cấp một thứ không phải giá trị chúng tôi hướng tới, SevenFriday dùng công nghệ để giải quyết một vấn đề nan giải khác – hàng giả hàng nhái.

Mỗi chiếc đồng hồ SevenFriday đều được mã hoá bằng một con chip. Khách hàng sẽ quét mã được cung cấp riêng để truy cập hệ thống chăm sóc khách hàng chính hãng của chúng tôi, cũng như để truy cập ứng dụng trên điện thoại, từ đó sử dụng các tính năng tương tác cộng đồng của “câu lạc bộ” SevenFriday.

Ông nghĩ sao nếu gọi SevenFriday là một “thương hiệu thời trang”?

Theo bản năng, mọi người thường hay phân loại các thương hiệu, rằng đây là thương hiệu cao cấp, trung cấp, kia là thương hiệu trang sức, công nghệ. Với tôi điều này không quá cần thiết trong bối cảnh hiện tại. Tính hợp nhất không còn chỉ thể hiện qua xu hướng toàn cầu hoá nữa, mà cả ở quy mô nhỏ hơn là các dịch vụ, sản phẩm “đa nhiệm.”

Thế nên tôi sẽ chỉ gọi SevenFriday là “một thương hiệu.” Nhưng nếu nhất thiết cần phải có một cái tên để phân loại thì SevenFriday là một “life attitude brand.” Các sản phẩm của chúng tôi xoay quanh giá trị về thái độ sống – Hãy sống vui như ngày nào cũng là ngày thứ Sáu, như sắp tới cuối tuần.

Một phần khác tôi không muốn dùng đến từ “thời trang” vì hiện tại nó thường được hiểu như một tính từ, hơn là một danh từ. “Thời trang” nghĩa là phải đẹp, mà đẹp thì 9 người 10 ý.

Khi SevenFriday ra đời, không ít người nói rằng thiết kế mặt vuông là không “thời trang” vì trong giới đồng hồ truyền thống, mặt tròn vẫn thường được chuộng hơn. Hay vào năm 2014, khi chúng tôi tiên phong ra mắt các dòng đồng hồ có màu sắc rực rỡ như xanh, vàng, đỏ, nhiều người cho rằng như thế thì “không phải là đồng hồ.”

Caacutec dograveng đồng hồ đầy magraveu sắc của SevenFriday Tiger Red traacutei vagrave SEVENFRIDAY X ROCKETBYZ phải Nguồn SevenFriday
Các dòng đồng hồ đầy màu sắc của SevenFriday: Tiger Red (trái) và SEVENFRIDAY X ROCKETBYZ (phải). | Nguồn: SevenFriday

Đối với tôi, quan trọng hơn việc định nghĩa “đồng hồ là phải thế nào?”, tôi nghĩ về việc “điều gì khiến bạn muốn đeo một thứ gì đó lên tay mình khi có hàng trăm loại phụ kiện khác?” và làm sao để bạn cảm thấy vui, thấy tự tin khi dùng các sản phẩm của chúng tôi.

Thử thách lớn nhất đối với SevenFriday ở thời điểm hiện tại?

Đó là khả năng duy trì sức sáng tạo và sự đổi mới nhưng đồng thời cũng giữ được kết nối với khách hàng bằng giá trị cốt lõi.

Cũng giống như con người, một thương hiệu không thể thay đổi xoành xoạch và trông đợi người khác sẽ tin tưởng hay yêu mến mình. Mặt khác lại cũng không thể chỉ đứng yên trong một thế giới thay đổi nhanh chóng. Chẳng hạn, ở dòng sản phẩm mới (Free-D), chúng tôi dùng công nghệ in 3D với thiết kế mới lạ nhưng vẫn giữ kiểu mặt đồng hồ vuông quen thuộc.

Liên quan đến tính sáng tạo trong thiết kế, cũng có nhiều thắc mắc rằng liệu chúng tôi có nỗ lực “địa phương hóa” sản phẩm cho thị trường từng quốc gia hay không. Câu trả lời hiện tại là không. Với tôi, SevenFriday là một thương hiệu quốc tế. Chúng tôi không cạnh tranh với các thương hiệu địa phương.

SevenFriday có chọn đưa vào các giá trị văn hoá nổi bật của một quốc gia nào đó vào sản phẩm nếu chúng có sự giao thoa với giá trị SevenFriday muốn hướng đến, nhưng không thường xuyên biến các sản phẩm này thành phiên bản giới hạn cho một thị trường duy nhất.

Dograveng M104 PUNK lấy cảm hứng từ văn hoaacute Punk của UK Nguồn SevenFriday
Dòng M1/04 PUNK lấy cảm hứng từ văn hoá Punk của UK. | Nguồn: SevenFriday

Một quyết định khó khăn trong 10 năm phát triển SevenFriday?

Khó nhất với tôi luôn luôn là các quyết định liên quan đến con người, cụ thể là vấn đề tuyển dụng. Đúng là SevenFriday hướng đến thái độ sống “vui như ngày thứ Sáu”, nhưng trong công việc thì không thể bỏ qua tính hiệu quả.

Các thành viên trong đội phải cùng hiểu giá trị chung mọi người muốn xây dựng, phải có trách nhiệm và không có cái tôi quá cao. Bạn biết đó, chỉ cần một người không phù hợp thì cả đội có thể tan nát.

Sau 9 năm đưa SevenFriday đến Việt Nam, ông đánh giá thị trường hiện tại thế nào?

Việt Nam phát triển rất nhanh. 20 năm trước khi mới đến Việt Nam lần đầu, tôi nhớ ở TP. HCM mới chỉ có một trung tâm thương mại duy nhất. Đến lúc SevenFriday mới gia nhập thị trường Việt Nam vào khoảng năm 2013 thì mọi người ở đây vẫn chủ yếu đi shopping ở Singapore.

Nhưng bây giờ thì khác rất nhiều rồi. Mỗi lần tôi đến đây là mỗi lần thay đổi. Người tiêu dùng sành hơn, họ có khả năng chi trả cao hơn nhưng thị trường cũng có nhiều thương hiệu mới gia nhập hơn.

Nếu mỗi ngày đều là Thứ Sáu thì “routine” mỗi ngày của ông sẽ như thế nào?

Với tôi thì khó để có một “routine” cho mọi ngày vì bản thân phải di chuyển thường xuyên. Nhưng có một nguyên tắc, đó là mỗi ngày tôi đều tìm cho mình ít nhất một niềm vui. Chẳng hạn khi đi công tác tại các nước Đông Nam Á, tôi đều chọn thử ăn sáng với các món nước, một điều có thể đã quen thuộc đặc biệt với các bạn Việt Nam nhưng với tôi, đó là điều chẳng mấy khi có dịp.

Ông làm gì để giữ tinh thần sáng tạo trong cuộc sống và công việc?

Tôi rất thích dịch chuyển và gặp gỡ nhiều người, đó có thể là qua du lịch hay đi công tác. Mỗi chuyến đi đều cho tôi nguồn cảm hứng mới.

Nói về chuyện tinh thần, nhiều người cũng hay hỏi tôi rằng, tôi có trải qua cuộc “khủng hoảng trung niên” (mid-life crisis) nào để đi đến quyết định nghỉ công việc ổn định ở tuổi 40 rồi làm những điều mình thích hay không. Có thể cho là như vậy nếu bạn định nghĩa việc chất vấn về điều mình muốn làm, bị ám ảnh về ước muốn làm chủ thời gian, muốn thử thách bản thân là “khủng hoảng.” Tôi thì cho rằng cụm từ này đang bị lạm dụng (cliché).

Với tôi, bên trong mỗi người đều có sẵn một đứa trẻ. Nó thôi thúc chúng ta tìm đến sự tự do, sự sáng tạo. Quan trọng là bạn phải để đứa trẻ ấy làm việc của nó. Đôi khi là khờ dại cũng được. Hãy sống vui và thử thách mỗi ngày, như chờ đợi đến cuối tuần vào ngày thứ Sáu.

Vasta Stone là thương hiệu đá nung kết cao cấp đầu tiên tại thị trường, tự hào được sản xuất tại Việt Nam bằng công nghệ hiện đại nhất của Ý cùng đa dạng các thiết kế Ý tinh tế. Với những ưu điểm về kích thước, độ cứng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các sản phẩm làm từ đá nung kết là lựa chọn hoàn hảo cho mọi mục đích sử dụng, là giải pháp kiến trúc cho mọi không gian.