1. Single’s Inferno nói về gì?
Single’s Inferno (Địa ngục độc thân) là một chương trình thực tế về chủ đề hẹn hò. Cụ thể, các nam thanh nữ tú độc thân sẽ bị “mắc kẹt” tại một hòn đảo hoang sơ. Tại đây, họ sẽ có cơ hội tìm hiểu nhau và chọn bạn hẹn hò.
Single’s Inferno hiện đang lọt top 10 thịnh hành toàn thế giới trên Netflix. Chương trình có tổng cộng 8 tập và hiện đang phát sóng trên Netflix.
2. Nó có gì khác với những show hẹn hò trước đây?
Ở Single’s Inferno, người tham gia sẽ không được tiết lộ thông tin cá nhân như tuổi tác, nghề nghiệp hay gia cảnh. Điều này đảm bảo hai bên sẽ tập trung vào sở thích và tính cách của nhau. Chỉ khi quyết định tiến sâu hơn và bắt cặp hẹn hò, họ mới được chia sẻ những thông tin này.
Vào ban ngày, người tham gia sẽ ở đảo địa ngục với cái nóng 35 độ C và phải tự chuẩn bị mọi thứ trong điều kiện sống tối thiểu. Đến tối, họ sẽ chọn ra người mình muốn hẹn hò và các cặp đôi sẽ bay đến khu nghỉ dưỡng sang trọng tại đảo thiên đường.
3. Vì sao chúng ta thích xem chương trình hẹn hò thực tế?
Lượt xem các chương trình hẹn hò thực tế đã tăng cao hơn trong thời gian giãn cách.
Mạng lưới Nine tại Úc đã thực hiện một khảo sát về sở thích xem chương trình hẹn hò thực tế với 500 người độc thân. 54% cho biết họ đã học được thêm về các mối quan hệ tình cảm. 48% cảm thấy an tâm vì biết rằng có những người khác vẫn đang tìm kiếm tình yêu. Và 37% cảm giác có sự liên hệ giữa câu chuyện của bản thân với những người tham gia chương trình hẹn hò.
Theo thuyết nhận thức xã hội, chúng ta có xu hướng quan sát và bắt chước các hành động mà người khác đã thực hiện có kết quả tốt đẹp - ở đây chính là những cặp đôi đã được “mai mối” thành công.
Ngoài ra, các chương trình hẹn hò cũng giúp kích hoạt phần não liên quan đến ham muốn tình dục, mối quan hệ yêu đương và sự gắn bó. Việc nhìn ngắm những người hấp dẫn trên các chương trình như Single’s Inferno cũng giúp giải phóng dopamine - khiến bạn thấy vui vẻ hơn.
4. Người tham gia nhận được nhiều sự chú ý nhất là ai?
Cái tên được bàn luận nhiều nhất trong chương trình chính là Song Ji A, một YouTuber về làm đẹp. Chỉ sau vài tuần phát sóng, kênh YouTube của cô đã đạt hơn 1,2 triệu lượt đăng ký.
Ji A chia sẻ cô từng dậy vào lúc 4 giờ rưỡi sáng chỉ để làm tóc. Cô luôn xuất hiện với vẻ ngoài mảnh mai, điệu đà.
Nhìn bề ngoài, cô dễ bị đánh giá là yếu đuối, vô dụng. Nhưng chính cô cũng là người nói ra những lời tự tin "Dù có cô gái nào đi nữa, tôi cũng tin mình sẽ chiến thắng cô ấy" hay "Tiêu chuẩn của tôi rất cao và tôi sẽ không bao giờ hạ thấp chúng".
Ji A có chính kiến, EQ cao và rất biết cách “thả thính”. Cô điệu đà nhưng không có nghĩa là cô thiếu đi sự tự chủ. Ji A chính là một trong những người góp phần đánh đổ khuôn mẫu giới về sự nữ tính.
5. Cứ "bánh bèo” thì sẽ vô dụng?
Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học đến từ Mỹ đã cho thấy hình tượng “tomboy” - vốn chỉ những cô gái mạnh mẽ, độc lập - được gắn liền với những ý nghĩa tích cực. Ngược lại, hình tượng “sissy”, hoặc "girly" - chỉ những cô gái điệu đà giống Ji A - lại bị gắn với những đặc điểm tiêu cực của tính nữ.
Ở Việt Nam, chúng ta có từ “bánh bèo” cũng nhằm chê bai kiểu phụ nữ thường chăm sóc ngoại hình, hay nũng nịu.
Khi các nhận thức về quyền nữ trở nên rầm rộ, cũng là lúc những yêu cầu về tính nữ thay đổi. Nhà triết học Susan Bordo trong một nghiên cứu năm 1993 đã nói rằng hình ảnh phụ nữ lý tưởng ngày nay phải đảm nhận nhiều dấu hiệu nam tính: "Độc lập, cương quyết, lạnh lùng...".
Nhưng chính việc đặt ra khuôn mẫu về một người "phụ nữ lý tưởng" như thế cũng khiến những cô gái điệu đà, mềm yếu bị lên án gắt gao.
Nhiều người tin hình ảnh cô gái dịu dàng, nhu mì thì sẽ chỉ biết dựa dẫm, không có chính kiến. Hay thậm chí, việc người phụ nữ vui vẻ đảm đương việc nhà cũng là vì họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo chế độ gia trưởng.
6. Quyền nữ có nhiều hơn là những khuôn mẫu
Nữ ca sĩ Taylor Swift đã từng phát biểu trong đoạn tài liệu “Miss Americana”: “Tôi yêu những thứ lấp lánh và muốn đấu tranh cho những tiêu chuẩn kép trong xã hội. Tôi thích mặc quần áo màu hồng, và cũng có thể cho bạn biết suy nghĩ của tôi về chính trị. Tôi cho rằng hai điều trên không có lí do gì để tách biệt với nhau.”
Không phải cứ mặc váy, tô son mới là nữ tính. Ngược lại, hình tượng nữ quyền cũng không chỉ nằm ở girlcrush hay tomboy. Đấu tranh cho bình đẳng giới, chính là đấu tranh cho sự bình đẳng trong việc được lựa chọn sống đúng với tính cách và sở thích của mỗi người.
Nếu tính nữ với bạn chỉ là những cô gái có vẻ ngầu, và bạn ghét những cô gái điệu đà, thì có thể bạn cũng đang phân biệt giới tính.
Tính nữ thời hiện đại có thể là yêu màu hồng, có thể là ra ngoài thế giới và đạt nhiều địa vị cao trong xã hội, cũng có thể là vui vẻ làm việc nhà. Miễn là họ thích điều đó.
Chặng đường phá bỏ những khuôn mẫu giới vẫn còn dài, nhất là khi chúng ta đã tiếp xúc với những định kiến giới từ nhiều năm qua. Nhưng nếu muốn mở rộng kiến thức, hay góp phần phá vỡ những khuôn mẫu, bạn có thể tìm đến Tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE hay Hoán đổi giới tính.
7. Nếu bạn yêu thích chương trình về hẹn hò, hãy thử xem
- Too Hot to Handle: Chương trình chọn những nhân vật thường xuyên one night stand, "quăng" họ lên hòn đảo biệt lập và cấm họ có hành động thân mật với nhau. Chỉ khi hoàn thành khoá “tu luyện”, mọi người mới nhận được tiền thưởng.
- Love Island: Những người tham gia sẽ tìm hiểu và hẹn hò với nhau tại một hòn đảo với villa sang chảnh. Mỗi tuần, những người chưa được bắt cặp sẽ bị bỏ phiếu loại khỏi chương trình. Cặp đôi giành chiến thắng ở chung kết sẽ nhận được số tiền thưởng khổng lồ.
- The Bachelor: Chương trình hẹn hò kinh điển gồm 26 mùa này thu hút người xem bởi hành trình của một chàng trai độc thân tìm kiếm ứng cử viên sáng giá để cầu hôn ở cuối chương trình.
- We Got Married: Nếu bạn muốn xem chương trình hẹn hò giữa người nổi tiếng, đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho bạn. Chương trình sẽ tự bắt cặp các ngôi sao và cho họ trải qua tuần “trăng mật” và sinh hoạt như một cặp đôi để hiểu thêm về nhau.