Bài viết có tiết lộ nội dung của bộ phim.
The Batman (2022) là một trong những tác phẩm được nhiều người hâm mộ của comic nói chung và DC nói riêng mong chờ. Với thời lượng dài 3 tiếng, The Batman đã đi sâu vào khai thác một Bruce Wayne bị tổn thương, được bao bọc bởi bộ giáp anh hùng.
Nếu đã bị hấp dẫn bởi Bruce Wayne cũng như Batman của đạo diễn Matt Reeves thì chắc chắn bạn sẽ muốn hiểu thêm về bộ phim này:
1. Cảm hứng của The Batman
The Batman lấy cảm hứng từ sự kiện The Long Halloween và Zero Year.
The Long Halloween là một siêu phẩm quen thuộc của nhiều người hâm mộ. Phần truyện này đậm mùi trinh thám, tập trung vào khả năng điều tra và suy luận của Batman. Trong khi đó trailer của The Batman ít nhiều làm ta nghĩ tới hình ảnh một Gotham ngập lụt của Zero Year. Ngoài ra đây cũng là phần truyện miêu tả hành trình Batman, từ “người gác đêm” trở thành anh hùng của Gotham
Ngoài ra cũng có vài chi tiết trong phim có chút cảm hứng từ Batman: Hush. Matt Reeves trong một phỏng vấn cũng đã thể hiện sự hứng thú với nhân vật này, ông còn cài cắm cả một easter egg trong bộ phim về Hush. Tuy nhiên, về mặt sự kiện thì The Batman không liên quan mấy tới Hush.
2. Ánh nhìn của Bruce
Xuyên suốt phim, bạn có thể dễ dàng nhận thấy Bruce Wayne hầu như không dám nhìn thẳng vào mắt của bất cứ ai, trừ cậu bé con trai của Don Mitchell (sự đồng cảm từ trẻ mồ côi).
Điều này thể hiện rõ tâm lý không chế ngự được nỗi sợ hãi của Bruce Wayne, và chỉ khi mặc đồ Dơi, Bruce mới dám nhìn thẳng vào mắt người khác. Tuy nhiên, ngay cả khi đang mặc suit Dơi, khi quá bối rối (bị Riddler phủ đầu tâm lý ở Arkham hoặc bị Cat vờn quá tình) Batman vẫn lảng tránh và nhìn xuống đất, né ánh mắt của người đối diện.
Tuy nhiên, sau khi Riddler hé lộ thân phận mình cũng là trẻ mồ côi thì Batman cũng đã nhìn thẳng vào mắt anh ta. Điều này (một cách tinh tế) thể hiện rất rõ tâm sự nặng nề của "emo Bat".
3. Tượng Shakespeare
Bức tượng được đặt ở trang viên nhà Wayne trong The Batman có lẽ là một chi tiết khéo léo, gợi nhớ tới vị trí của công tắc vào Hang Dơi từng xuất hiện trong loạt phim Batman (1966-1968).
4. Sự trở lại của Riddler
Riddler tuy bị bắt vào Arkham rồi nhưng rất có thể sẽ quay trở lại, không chỉ do đoạn trò chuyện với Joker mà còn do chi tiết chứng minh thư của anh này. Ridder đã sử dụng 2 cái tên: Edward Nashton và Patrick Parker.
Ai cũng biết tên thật của Riddler là Edward Nigma, còn Patrick Parker là bí danh Riddler từng sử dụng trong comic bên cạnh cái tên Enigma (E. Nigma). Như vậy, rất có khả năng Riddler sẽ quay lại trong các phần phim sau dưới nhân dạng Edward Nigma.
5. Ủy viên Pete Savage
Đây là một nhân vật ít được biết tới với nhiều người hâm mộ. Trong tập phim "An Egg Grows in Gotham" thuộc Batman 1966 cũng từng có một nhân vật tên Pete Savage, trực thuộc 3 dòng họ khai sinh ra Gotham.
Tuy nhiên thì trong The Batman đã khẳng định hai gia đình khai sinh ra Gotham gồm nhà Wayne và nhà Arkham, đồng thời Pete Savage cũng đã chết. Vậy nên khả năng cao nhân vật này được cho vào để làm easter egg và thúc đẩy cốt truyện.
6. Bludhaven
Địa danh này đã được nhắc tới trong phim, vốn là địa bàn hoạt động của Dick Grayson - Nightwing sau khi anh này dừng hoạt động cùng Batman. Sự xuất hiện của địa danh này khiến nhiều fan mong chờ rằng sẽ sớm có sự kiện kết nối hai nhân vật trong tương lai.
7. Before the Batman: An Original Movie Novel
Đây là tiểu thuyết được xuất bản trước thềm The Batman và dựa trên bộ phim này. Cuốn tiểu thuyết kể về quá trình Bruce Wayne “độ xe” như một Bosozoku - băng đảng đua xe của Nhật.
Bruce này đã tự lắp đặt Batmobile và không có ý định tạo thành pháo đài xa lộ như các đời Batman trước, mà muốn độ con xe của mình thành chiếc xe nhanh nhất thế giới. Trong cuốn tiểu thuyết cũng có đề cập tới tập đoàn Lex Corp., tuy nhiên khả năng cao chỉ đề cập cho vui thôi, vì nhân vật Superman không thực sự phù hợp với tầm nhìn của Reeves.
8. Biểu tượng dơi trên ngực Batman
Đây là một hình ảnh ẩn dụ hay trong phim, có thể biểu tượng này được đúc từ khẩu súng đã được dùng để bắn chết ông bà Wayne. Biểu tượng ấy được Bruce dùng để chắn hộ tâm: “Thứ từng làm trái tim tôi tan vỡ giờ đây sẽ che chắn cho nó.”
Tuy nhiên, ở đoạn cuối phim Batman đã chia sẻ biểu tượng đó với Gotham bằng cách tháo nó ra để cắt dàn thiết bị điện tử trên cao nhằm cắt điện.
9. “Tôi tin vào thành phố Gotham”
Thomas Wayne đã sử dụng câu nói này nói khi tranh cử thị trưởng. Đồng thời đây cũng là một trong những dòng thoại đầu tiên trong The Long Halloween (nếu không tính câu intro “Tôi có một lời hứa với cha mẹ mình”)
10. Chơi chữ ở mọi nơi
Bruce Wayne ở các phiên bản trước thường chọn nhà cửa nằm tách biệt với Gotham, nhưng lần này Bruce lại chọn sống ở tòa tháp trung tâm thành phố do chính cha mẹ anh xây nên.
Tòa tháp có kiến trúc Gothic đẹp mắt là địa điểm sống của Batman, tạo thành cấu tứ “Bat in the Belfry” - “Con Dơi sống trong tháp chuông”. Câu này trong tiếng Anh đại khái ám chỉ mấy thằng lập dị, hành vi điên rồ, vì bình thường làm gì có dơi nào sống ở chỗ có nhiều nguồn âm thanh lớn.
11. The Bat, the Cat and the Penguin
Trong Batman Forever (1995) từng có một cấu tứ là "the Bat, the Cat and the Penguin”. Lần này, bộ ba được lặp lại ở The Batman. The Bat and the Cat cũng đại diện cho mối quan hệ (công cộng trên sân thượng) của đôi trẻ này trong hơn 80 năm qua (Batman: The Bat and the Cat: 80 Years of Romance - 2020)
12. Quán Iceberg Lounge
Địa điểm này có tồn tại trong comic và được miêu tả chính xác như trong phim. Tuy nhiên thì 44 Below là địa danh mới được hư cấu nên.
13. Họ thời con gái của Martha
Chi tiết này khá lạ, vì trước giờ trong truyện DC, Martha (mẹ của Bruce) thường có họ Kane. Tuy nhiên gần đây trong Batman: Earth One thì tên thời con gái của bà cũng là Arkham. Trong phần này, Thomas Wayne cũng tranh cử thị trưởng, sau đó qua đời.
14. Một cú lừa “trắng mắt"
Trước khi dự án The Batman được sản xuất, nhiều người hâm mộ đã kỳ vọng Batman lần này sẽ có white-eyes như trong phiên bản comic. Nhưng thực chất đây chỉ là tên của một loại lens được sử dụng. Tuy nhiên điều này chấp nhận được vì nếu che cả mắt thì sẽ hạn chế biểu cảm của Pattinson đi rất nhiều.