Sống tối giản thế nào trong mùa sale? Editor của Vietcetera trả lời | Vietcetera
Billboard banner

Sống tối giản thế nào trong mùa sale? Editor của Vietcetera trả lời

Sale đến mấy chúng tôi cũng không mua những thứ sau.

Sống tối giản thế nào trong mùa sale? Editor của Vietcetera trả lời

Nguồn: Unsplash

Khi viết series Giải Rác cùng Liên minh tái chế bao bì, tôi nhận ra một điều: tất cả những gì mình sở hữu, một ngày nào đó, sẽ trở thành rác. Niềm vui mua sắm của chúng ta hôm nay chính là gánh nặng môi trường của thế hệ tiếp nối.

Nghiên cứu về những đồ mình bỏ đi khiến tôi trăn trở về những thứ mình mua thêm vào. Sau những cú sale liên hồi - Black Friday, 12.12, Giáng Sinh, Tết Tây, thứ gì mới thật sự xứng đáng một chỗ trong nhà (và trong đời) của chúng ta?

Làm thế nào để tối giản hóa mùa sale?

Tôi quay sang các đồng nghiệp để tìm câu trả lời.

Black Friday là một cuộc thi vấn đáp lương tâm thường niên

Vy Lâm, Editor Cuộc Sống

Black Friday với mình là một cuộc thi vấn đáp lương tâm thường niên.

Trước cả tháng hoặc trễ lắm thì 3 ngày, mình sẽ lập ra một danh sách những món cần mua, gồm 2 nhóm: Nhóm “Một tuần không có thì bất tiện" và nhóm “Cả năm mới có một lần”. 

Nhóm “Cả năm mới có một lần” mới là nguyên nhân hoang phí, nên mình sẽ phải sàng lọc khắt khe hơn.

Đến ngày “sập sàn", nếu vẫn còn nhớ đến và muốn mua, mình sẽ bắt đầu cân nhắc giá cả: Thương hiệu này có thường giảm giá không? Khi đã cộng dồn tất cả các thể loại phí, món đó còn giảm nhiều không? Nếu thêm cả món này, mình còn đủ tiền trà nước mỗi tuần đến khi có lương không?

Sale đến mấy cũng không mua: Đồng hồ. Mình có nhiều trải nghiệm “mất mát" với món đồ này nên không thường đeo. Lâu dần mình đã quen với việc dùng điện thoại để xem giờ.

Không sale nhưng vẫn mua: Chì kẻ chân mày. Dù ngày nào tháng nào, cứ hết là mình phải mua lại ngay. Không thể ra đường mà không có chân mày được.

Có những thứ giá không cao, nhưng cũng không thật sự có giá trị

Lê Nghĩa, Editor Sáng Tạo

Tiêu xài hoang phí với mình là đầu hàng trước những ham muốn nhất thời với những món hàng giá không cao nhưng đồng thời cũng không thực sự có giá trị.

Do đó, để ngăn ham muốn của mình, mình luôn nghĩ về việc dành tiền cho những món hàng đắt tiền và hữu ích hơn như phụ kiện máy ảnh hay linh kiện máy tính.

Sale đến mấy cũng không mua: Vé số. Dù sale 50% từ 10.000 xuống 5.000 mình cũng không mua. Vì xác suất mình hạnh phúc vì trúng số còn nhỏ hơn xác suất mình hạnh phúc khi ăn một ổ bánh mì không chấm sữa ông Thọ.

Không sale nhưng vẫn mua: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Mình nghĩ đây là một hình thức đầu tư vừa để tiết kiệm, vừa để phòng thân. Hợp lý đủ đường.

Lập danh sách mua sắm cũng là một kiểu "trừ tà"

Đông Hà, Editor thực tập

Mình luôn thủ sẵn danh sách những thứ tối-quan-trọng cần sắm sửa: balo, sổ sách, học phí, đồ ăn ngon, thẻ điện thoại…

Danh sách này như kim chỉ nam dẫn lối, giúp mình không đánh mất bản ngã. Mỗi khi cảm nhận con thú “tiêu hoang” tiến đến, mình vồ lấy danh sách, lẩm nhẩm đọc như kinh trừ tà.

Nhờ vậy thành công quay trở lại con đường tu tập chân chính mang tên Chỉ-mua-khi-thực-sự-cần.

Sale đến mấy cũng không mua: Đồ điện tử, đồ gia dụng, hoặc quần áo được mình liệt vào mục “Vật phẩm mang tính rủi ro cao”. Theo mình, đây là những thứ phải thử trực tiếp tại nơi bán để kiểm chứng chất lượng. Mặc dù được quyền đổi trả, nhưng đồng nghĩa mình phải thao tác thêm 1 loạt thủ tục không tên. Tệ hơn, cảm giác sợ làm phiền chủ cửa hàng, làm phiền anh shipper rồi sẽ đem bám mình dai dẳng.

Không sale nhưng vẫn mua: Chắc chắn là kem chống nắng. Trong mắt mình, đây là bảo bối siêu toàn diện, đa chức năng: chống nắng, chống bụi, chống thấm nước, cản bớt vi khuẩn. Sale hay không sale, mình vẫn cắn răng cắn lợi mua.

Đừng mua đồ, hãy đi ăn

Bích Hồ, Editor Tin Tức

Mua thêm đồ là thải thêm rác (mà rất có thể là) không cần thiết. Nhưng đi ăn thì sẽ thải ra chất kiểu gì cũng phải thải.

Nếu ăn mắc tiền quá, mình sẽ rủ thêm đồng bọn đi cùng để san sẻ cảm giác tội lỗi.

Sale đến mấy cũng không mua: Thực phẩm tươi sống bán cuối ngày tại các siêu thị. Những bữa ăn ngon với mình có thể không đòi hỏi kỹ năng nấu ăn điêu luyện, nhưng nguyên liệu luôn phải tươi. 

Không sale nhưng vẫn mua: Quà dành cho gia đình. Chỉ cần mọi người thích và mình có khả năng mua, mình sẽ rinh món ấy về ngay. Đôi khi nhìn lại, có những món đồ không được dùng nhiều đến, nhưng mình vẫn nghĩ đó là một trải nghiệm cảm xúc đáng để đầu tư. Thể hiện tình cảm không cần đợi tới sale.