Vào thứ Bảy (19/9), chiếc đồng hồ của Metronome đối diện Quảng trường Union (New York) bất ngờ hiện lên dòng chữ "Trái Đất cũng có thời hạn", và tiếp đó là con số đếm ngược từ 7:103:15:40:07 – tương ứng với năm, ngày, giờ, phút và giây.
Đó chính là thời gian còn lại để chúng ta cứu lấy Trái Đất khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu, theo Viện Nghiên cứu Mercator về Nguồn lực chung Toàn cầu và Biến đổi Khí hậu tại Berlin (Đức) dự đoán.
Nói cách khác, chúng ta đang chạy đua với thời gian để giải được bài toán từ lâu đời, nhưng chỉ vừa được chú trọng vài năm gần đây. Thế hệ trẻ là nhóm tiên phong và tích cực nhất, từ những phong trào lan toả nhận thức, chiến dịch kêu gọi, đến những lựa chọn sống xanh hàng ngày.
Và những sáng kiến 'xanh' gần đây – đến từ chính thế hệ trẻ – là những lời giải cấp thiết tiếp theo cho nan đề bảo vệ môi trường.
1. Màng bọc mì gói sinh học
Mì gói vốn là thực phẩm 'cứu khổ cứu nạn' nhờ giá thành rẻ và tính tiện lợi. Tuy nhiên, hậu quả lại rất dai dẳng: Phải mất đến 8 thập kỷ để phân huỷ bao bì sau 10 phút lấp bụng ngắn ngủi.
Chỉ một tô mì, ta vứt ra ít nhất một gói nhựa đựng nước sốt hoặc gia vị, một gói nhựa bọc mì sống, và một gói lớn bọc lại toàn bộ. Nhưng Holly Grounds, sinh viên thiết kế sản phẩm trường Đại học Ravensbourne London, đã nảy ra một sáng kiến thay thế tuyệt vời.
Cô kết hợp bột khoai tây, glycerin và nước để kết dính thành một lớp màng bọc sinh học dùng để đựng mì sống. Nhưng đó chưa phải là phần đặc sắc nhất.
Lớp màng bọc này còn được kết hợp với các loại gia vị đúng chuẩn mì gói. Khi đổ nước sôi vào, màng bọc sinh học này tan ra và trở thành nước sốt. Chỉ mất một phút để lớp màng bọc tan hết, không hề ảnh hưởng đến hương vị, trên hết là giảm được ít nhất 2 gói nhựa dùng 1 lần.
2. Mực từ khí thải cacbon
Đi đầu trong việc sản xuất mực từ khí thải cacbon là startup Ấn Độ Graviky Labs do Anirudh Sharma sáng lập. Công ty đã phát triển công nghệ KAALINK, một thiết bị lọc giúp thu thập muội than thoát ra từ ống xả ô tô, ống khói hoặc máy phát điện. Và Air Ink chính là dòng sản phẩm đại diện cho công nghệ này.
Lượng khí thu được sẽ trải qua nhiều quy trình nhằm loại bỏ kim loại nặng và chất gây ung thư có trong muội than. Thành phẩm cuối cùng được dùng để sản xuất mực và các loại sơn khác nhau. Dù nguyên lý phức tạp nhưng theo nhóm nghiên cứu, chỉ 45 phút thu thập lượng khí thải xe là đủ để sản xuất mực cho một cây bút.
Bạn có thể tìm hiểu thêm qua: Website | Instagram
3. Ứng dụng refill nước miễn phí
Trung bình mỗi phút sẽ có một triệu chai nước được bán ra trên khắp thế giới. Trong số đó chỉ có 7% được tái chế thành chai mới. Nhằm hạn chế lượng rác thải dùng một lần khổng lồ, ứng dụng MyMizu đã ra đời với mục tiêu cung cấp các trạm refill nước miễn phí.
Nhà sáng lập Robin Lewis và Mariko McTier chia sẻ, hiện tại ứng dụng có gần 200.000 điểm refill nước miễn phí trên khắp thế giới, và con số này vẫn chưa dừng lại. Ngoài các đối tác hiện có của MyMizu, ứng dụng cũng sẽ liệt kê các nhà hàng, quán cà phê và các cơ sở khác cho phép mọi người lấy nước miễn phí, ưu tiên sự tiện dụng của người dùng.
Nhằm khuyến khích tinh thần tự nguyện, ứng dụng cũng giúp người dùng theo dõi tác động của họ đối với môi trường như lượng khí thải CO2 giảm tải, số lượng chai và tiền mà mọi người tiết kiệm được bằng cách sử dụng các trạm refill nước.
Bạn có thể tìm hiểu thêm qua: Website | Facebook | Instagram
Download: App Store | Google Play
4. Nhựa sinh học từ vỏ xoài và rong biển
Xoài và rong biển là hai mặt hàng phổ biến ở Philippines với sản lượng lớn và phong phú. Do đó Denxybel Montinola, một nhà khoa học đến từ đảo Cebu, đã nảy ra ý tưởng kết hợp vỏ xoài và rong biển để tạo ra loại nhựa sinh học mới, góp phần chống biến đổi khí hậu và giảm tải lượng rác thải từ vỏ xoài.
Montinola đã tìm ra cách kết hợp pectin và carrageenan chiết xuất từ vỏ xoài và rong biển để tạo ra loại nhựa mới thân thiện với môi trường.
Anh cho biết, ưu điểm lớn nhất của loại nhựa sinh học này là hoàn toàn hòa tan trong nước, không bị phân rã thành các hạt vi nhựa như nhựa thông thường. Loại nhựa sinh học này còn có khả năng ứng dụng vào y tế, chẳng hạn như cầm máu hay bảo vệ vùng da bị bỏng.
5. Bóng đèn chạy bằng năng lượng vi khuẩn
Đối mặt với nhu cầu về nguồn năng lượng thay thế đang ngày một cấp thiết, ba sinh viên đại học tại Đông Java (Indonesia) đã miệt mài tìm kiếm một giải pháp thắp sáng bóng đèn mà không cần nguồn điện.
Họ nhận thấy một loại vi khuẩn phát quang bám trong cơ thể mực có thể phát ra ánh sáng màu xanh lam. Theo đó, họ bắt đầu thu thập vi khuẩn và nuôi cấy chúng để đặt vào trong bóng đèn, tên là Biolie.
Về cơ bản, bóng đèn này được nuôi bằng các chất dinh dưỡng từ vi sinh vật hay thực phẩm như nước tương, đường và rau lên men. Vì thế, nó có thể phát sáng vô tận. Hơn hết, do không sử dụng điện để chiếu sáng, loại đèn này không tạo ra nhiệt và có thể tháo lắp, di chuyển dễ dàng.
Đèn có công suất khoảng 10,68 Watt và có thể chiếu sáng trong bán kính 68 mét. Dù vậy, công suất đèn không cố định mà chịu ảnh hưởng của lượng vi khuẩn có trong đèn. Nói cách khác, lượng vi khuẩn được tạo ra càng nhiều thì công suất đèn sẽ càng lớn.
6. Giày thể thao nguyên liệu tự nhiên
Những năm gần đây, Reebok Future đang tích cực đẩy mạnh dòng sản phẩm thân thiện môi trường, sử dụng các nguyên vật liệu tự nhiên. Dòng sản phẩm NPC UK cotton + corn là một ví dụ điển hình từng gây được tiếng vang lớn. Sản phẩm có phần thân giày làm hoàn toàn từ sợi bông tự nhiên, đế giày làm từ ngô mang lại sự thoải mái và có độ bền cao.
Mùa thu năm nay, Reebok Future đã ra mắt sản phẩm mới, được cho là phiên bản nâng cấp của The NPC UK cotton + corn. Giày Forever Floatride GROW làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên gồm hạt thầu dầu, bọt tảo, cao su và cây bạch đàn.
Phần trên của giày được sản xuất từ thân cây bạch đàn, giúp thoáng khí và có thể phân hủy sinh học. Trong khi đó, phần đế đệm được thiết kế từ hạt thầu dầu, với lớp lót được bao bọc bằng tảo giúp khử mùi. Phần đế giày cũng được làm hoàn toàn từ cao su tự nhiên và có độ bền cao, phù hợp với nhu cầu vận động mạnh.
Tại Việt Nam cũng có một thương hiệu giày phần nào giải quyết nỗi trăn trở về môi trường. Đó là thương hiệu ShoeX của anh Lê Thanh, cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật Hoá học của Đại học Bách Khoa TP.HCM. Phiên bản giày cà phê ShoeXcoffee tận dụng nhựa tái chế, với phần đế chứa hơn 150 gram cà phê nhưng vẫn đảm bảo được độ bền, êm và thông thoáng.