Spider-Man: No Way Home - Phần phim sâu sắc và hay nhất trong bộ ba | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 12, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

Spider-Man: No Way Home - Phần phim sâu sắc và hay nhất trong bộ ba

Hành trình của cậu nhện Tom Holland từ 2017 đến nay là hành trình trưởng thành, đậm màu "coming of age" bên dưới vỏ bọc siêu anh hùng.
 Spider-Man: No Way Home - Phần phim sâu sắc và hay nhất trong bộ ba

Nguồn: Variety

Bài viết có tiết lộ nội dung của phim trong khuôn khổ trailer, không spoil những tình tiết quan trọng

Trọn vẹn, trọng đại và giàu cảm xúc, Spider-Man: No Way Home khép lại trilogy “Người Nhện” của vũ trụ điện ảnh MCU một cách thuyết phục. Đây chắc chắn sẽ là bộ phim hâm nóng rạp chiếu phim Việt Nam cho giai đoạn chuyển giao 2021 - 2022 sắp tới.

Người Nhện từ lâu luôn là một thương hiệu vừa gây sốt, vừa gây nhiều tiếc nuối. Trilogy gốc của Spider-Man do Tobey Maguire thủ vai được cho là đã thất bại ở phần phim thứ 3, dẫn đến việc phần 4 bị khai tử. The Amazing Spider-Man của Andrew Garfield mặc dù có những phân cảnh “ăn tiền” nhưng cũng gây hụt hẫng ở phần 2 và không thể làm được phần 3.

Khi Marvel Studios bắt đầu đưa Người Nhện vào vũ trụ điện ảnh của mình, các nhà làm phim phải cho Peter Parker một màu sắc riêng biệt giữa các Avengers trong cốt truyện đồ sộ trải dài hơn 10 năm. Bên cạnh đó, họ cũng phải cho cậu phần phim riêng hấp dẫn, vừa đảm bảo một Người Nhện vốn được yêu mến trong lòng văn hóa đại chúng, vừa phải có những nét đột phá so với những người tiền nhiệm.

Homecoming và Far From Home khiến các fan yêu thích, và cũng khiến họ thấy “phiền phức” bởi một Peter Parker quá “trẻ trâu” của Tom Holland. No Way Home đã khép lại trilogy một cách trọn vẹn nhất, để lại trong lòng người xem một ấn tượng sâu đậm.

Cá nhân tôi đánh giá, đây là một trong những bộ phim hay nhất về Người Nhện và là một mảnh ghép hoàn hảo cho “bộ ba phim home” (the home trilogy). Bởi khi trải dài hành trình của cậu nhện Tom Holland từ 2017 đến nay, chúng ta thấy một sự trưởng thành rõ rệt, đậm màu "coming of age" dưới vỏ bọc siêu anh hùng.

Khi "home" là một từ đa nghĩa

Một chi tiết thú vị mà tôi tâm đắc là tính concept tổng thể của trilogy Người Nhện MCU, thể hiện rõ ràng nhất qua cách các tựa phim được đặt, lần lượt là “Về nhà” (Homecoming), “Xa nhà” (Far From Home) và “Không còn nhà” (No Way Home).

Nếu “nhà” là dùng để chỉ sự an toàn, có thể thấy sự tách dần khỏi “home” của Peter Parker qua mỗi phần phim đang nói rõ một điều: thách thức, rủi ro và hậu quả cậu đối mặt ngày một lớn.

Nguồn Variety
Trong lần xuất hiện đầu tiên, hình ảnh con nít của Spider-Man nổi bật hơn cả | Nguồn: Variety

Ở phần đầu tiên, “homecoming” có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là sự chào mừng Người Nhện trở về “nhà” - vũ trụ điện ảnh Marvel. Trong vũ trụ này, cậu là một phần của nhóm siêu anh hùng quyền năng nhất Trái Đất. Đặc biệt hơn, cậu được chăm bẵm như một đứa trẻ dưới sự giám sát gắt gao của Tony Stark.

Chúng ta được giới thiệu một Peter Parker hết sức con nít, vừa phải tập làm anh hùng vừa phải cắp sách đến trường và đối diện đủ với đủ kiểu rắc rối học đường. Từ đó ra được nghĩa thứ 2 của từ “homecoming”, dạ tiệc trung học, một motif thường thấy trong các bộ phim tuổi mới lớn (coming of age) của Mỹ.

Ở phần phim tiếp theo, “far from home” buộc Peter Parker phải rời xa “nhà” theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự ra đi của Tony Stark, một hình mẫu người cha (fatherly figure) đã khiến cho Peter mất đi chỗ dựa và rơi vào trạng thái chơi vơi.

Chuyến đi sang Anh Quốc của cậu không những diễn giải “far from home” một cách chân thực mà còn lột tả câu "bước ra khỏi vùng an toàn" thật chính xác, đẩy Peter vào trạng thái “chuyển dời” (displacement). Đây là trạng thái cần thiết để các nhân vật được trải nghiệm và được trưởng thành.

Mang sự ngây thơ, hồn nhiên bên dưới bộ áo siêu anh hùng, Peter bắt đầu phải trả những cái giá khá đắt mà chính cậu cũng không ngờ tới để dẫn đến bộ phim cuối cùng.

Nguồn Variety
Sau khi mất đi chỗ dựa là Tony Stark, Spider-Man dần học cách lớn lên và bước ra khỏi vùng an toàn | Nguồn: Variety

Ở phần phim mới nhất, “no way home” một lần nữa lại đa nghĩa. Khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát, danh tính bại lộ và bị xem là “kẻ thù quốc dân”, Peter Parker không còn đường lui.

Từ một cậu bé luôn muốn thể hiện, Peter chỉ mong ước được trở về những ngày tháng vô tư. Cậu tìm đến Doctor Strange để nhờ ông thay đổi thực tại, xóa hết ký ức của mọi người để không ai còn nhớ Người Nhện chính là Peter Parker nữa.

Tuy nhiên, vẫn bản tính trẻ con, Peter lại một lần nữa gây chuyện. Khi liên tục làm Doctor Strange thay đổi bùa chú để một số người vẫn không quên cậu là ai, Spider-Man đã dẫn đến sự hỗn loạn không thời gian và đa vũ trụ. Việc này kéo các ác nhân từ những vũ trụ phim Spider-Man trước đây đến MCU như Green Goblin, Doc Oc và Sandman trong trilogy Spider-Man gốc, Lizard và Electro trong The Amazing Spider-Man.

Biết được các ác nhân này đều sẽ chết trong vũ trụ của họ, Peter động lòng trắc ẩn, chống lại Doctor Strange và tìm cách giúp đỡ những kẻ nguy hiểm mà chưa lường trước cái giá phải trả.

“No Way Home” vừa có nghĩa là mọi thứ đi quá giới hạn, không còn cách thoái thác. Nó cũng có nghĩa những ác nhân trong phần phim này từ chối trở về “nhà”, dẫu cho Peter nhiều lần đề nghị giúp đỡ. “Home” tiếp tục là từ chỉ sự an toàn, cuộc sống bình thường, ít biến động, và còn mang nghĩa vũ trụ nơi một người thuộc về.

Nếu trải 3 phần phim ra một đường thẳng, hành trình trưởng thành của Spider-Man MCU rất rõ ràng: câu chuyện về một cậu bé đi từ những vấn đề hết sức “trẻ con” phải tập bước ra khỏi vùng an toàn, và sau cùng, là học cách đối diện với những hậu quả từ lỗi lầm của mình.

Spider-Man phải tập gánh vác trách nhiệm lớn lao với sức mạnh trong tay, đúng như câu nói huyền thoại của thương hiệu Người Nhện: "Sức mạnh lớn, trách nhiệm lớn (with great power comes great responsibilities)."

Sự hồn nhiên và nông nổi của cậu Người Nhện này chính là rào cản lớn nhất, nhưng cũng là vũ khí lợi hại nhất. Nhờ nó, cậu đã từ một Spider-Boy trở thành một Spider-Man.

Trách nhiệm của chữ “Man” trong Spider-Man

Mất Tony Stark, chúng ta chứng kiến cảnh Peter Parker lao đao khi phải vừa là một Avenger, vừa là một “Người Nhện hàng xóm thân thiện” (friendly neighborhood Spider-Man) và vừa là một cậu học sinh bình thường với các mối quan hệ xung quanh.

Tuy nhiên, điều luôn giữ chân Peter Parker khỏi những tầm nhìn lớn lao hơn vẫn là tính cách “con nít” của cậu. Dẫu được gọi là “Spider-Man”, cậu chưa bao giờ thật sự là “man” - người đàn ông trưởng thành.

Nguồn From the stage
Mất mát là một phần không thể thiếu trong hành trình của Spider-Man | Nguồn: From the stage

Trong tất cả các bộ phim về Spider-Man, mất mát là một phần không thể thiếu.

Nếu không có mất mát, Người Nhện sẽ không bao giờ có động lực để trưởng thành hơn và trở thành một “người đàn ông” đúng nghĩa, dù đó là Peter Parker hay Miles Morales trong Into The Spiderverse. Tony Stark là một chỗ dựa tinh thần quý giá, nhưng mất mát đó vẫn chưa đủ để đẩy Peter Parker đến cùng cực của sự tuyệt vọng.

No Way Home khai thác sự tham lam kiểu con nít của Peter: luôn muốn có tất cả mọi thứ. Cậu muốn thế giới quên mất thân phận của mình, nhưng không muốn phải nhọc công tiết lộ sự thật thêm lần nữa với bác May, MJ, Ned. Cậu muốn vừa làm một sinh viên MIT, vừa làm một siêu anh hùng.

Và đỉnh điểm nhất là khi cậu vừa muốn đưa các ác nhân trở về “nhà”, vừa muốn giúp đỡ để họ không phải chịu kết cục bi thảm. Bi kịch xảy ra khi cậu bé cố gắng bắn tơ, giữ chặt cho thế giới của mình khỏi những đổ vỡ, để kiệt sức và có thể sẽ phải mất tất cả mọi thứ.

Nguồn ecdngame
Chỉ đến phần 3, Peter Parker mới trở thành một Spider-Man với chữ "man" in đậm thực thụ | Nguồn: ecdn.game

Trước bi kịch đó là những giây phút tự vấn và đặt câu hỏi về “sự ngây thơ”.

Trong thời khắc tăm tối, trên bờ vực của khủng hoảng nhân dạng (identity crisis) và sự cô đơn cùng cực, Peter nhận được những hỗ trợ ấm áp, với những câu thoại thấm đẫm nước mắt. Để cuối cùng, cậu nhận ra rằng: chỉ có ôm lấy bản thân và chấp nhận mất mát như một phần của sự trưởng thành thì hành trình từ “Spider” trở thành "Man" mới trọn vẹn.

No Way Home là phần phim giàu cảm xúc nhất trong 3 bộ phim Tom Holland thủ vai, và cũng là bộ phim cho thấy diễn xuất tốt nhất của cậu. Lần đầu tiên, khán giả nhìn thấy một Peter Parker của MCU có chiều sâu đến như vậy: vẫn nông nổi và “ngố” nhưng cũng đầy trăn trở và quan trọng là có quá nhiều điều yêu thương để buông bỏ.

Kết hợp với 2 phần phim trước đó, No Way Home là mảnh ghép quan trọng cuối cùng để hoàn thành bộ 3 phim coming of age của MCU.

Sự xuất hiện của đa vũ trụ là một cột mốc quan trọng, nhưng với riêng Spider-Man, nó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều: cơ hội để biết được sứ mệnh của mình giữa vô hạn những vũ trụ bao la.

Spider-Man: No Way Home chính thức khởi chiếu ngày 17.12.2021 tại các rạp đang hoạt động trên toàn quốc.