"Suốt 30 năm làm báo, tôi không hối hận điều gì, chỉ có tiếc nuối lớn nhất..." | Vietcetera
Billboard banner

"Suốt 30 năm làm báo, tôi không hối hận điều gì, chỉ có tiếc nuối lớn nhất..."

"Là cảm giác mắc nợ với cuộc đời, và với nhân vật của mình"
"Suốt 30 năm làm báo, tôi không hối hận điều gì, chỉ có tiếc nuối lớn nhất..."

Nguồn: Phạm Trung Tuyến

Có một người đàn ông nọ, rất năng động và giỏi giang trong giai đoạn đầu của nền kinh tế thị trường. Nhưng trong thời kỳ đổi mới, khi nền kinh tế kế hoạch tập trung đổi sang nền kinh tế thị trường, có nhiều tranh chấp dân sự trở thành hình sự. Nhiều doanh nhân nhận án oan. Và ông cũng là một trong số đó.

Tôi đã viết một loạt bài để minh oan cho người đàn ông ấy. Ông đã thực sự được minh oan, nhưng là khi tài sản và gia đình đã tan nát cả rồi. Và ông quyết định phải đòi lại tất cả những gì mình đã mất - một sự tuyệt đối hóa mà sau thời gian dài làm nghề, tôi hiểu rằng là điều không nên.

Cũng có rất nhiều người như người đàn ông kia, được minh oan và bằng mọi giá lấy lại những thứ mình đánh mất, và họ để cả cuộc đời trôi đi trong hành trình vô vọng này.

Tôi không thể đánh giá cách sống của người khác. Nhưng khi viết loạt bài ấy, tôi đã thực sự hy vọng ông có thể gác lại mọi thứ, và bắt đầu một cuộc đời mới.

Tôi bắt đầu viết báo từ năm Hai đại học, tức năm 1993, cho đến nay cũng đã 30 năm. Suốt 30 năm, tôi gần như không hối hận điều gì. Cho dù là khi cảm thấy chán nản, cho dù là lúc không khí của ngành báo chí vô cùng ảm đạm khi các đàn anh lớn trong nghề bị bắt, hay cho dù là lúc mạng xã hội càn quét và vai trò của báo chí ngày càng mờ nhạt đi.

Nhưng có nhiều điều tôi vẫn luôn tiếc nuối, đó là những sự việc mình không theo đuổi được đến cùng, những việc mình có thể làm tốt hơn, hay những việc không thể làm nổi như mình muốn. Và tiếc nuối lớn nhất, là cảm giác mắc nợ.

Tôi đã từng làm chương trình về những người bị oan sai, nhưng hầu hết vẫn chỉ làm được bước đầu - chứng minh họ bị oan. Họ đã tin tưởng và mong tôi có thể làm được thêm những điều khác. Nhưng việc tiếp theo, như đòi lại những gì họ đã mất, thì trong khả năng của một người làm báo là không làm được. Là một người làm báo, tôi chỉ có thể lên tiếng, chứ khó mà can thiệp trực tiếp.

Có một số điện thoại mà tôi không dám bắt. Đó là số của một nhân vật tôi từng viết, với câu chuyện rất dài. Nhưng tôi đã chỉ có thể làm đến thế thôi. Vậy nên mỗi lần họ gọi đến, tôi luôn cảm thấy như một món nợ bị nhắc lại.

Thật ra làm báo chí là một quá trình trải nghiệm cuộc sống, rất khó để dạy ai phải làm thế nào cho đúng. Báo chí chỉ có một hệ thống lý thuyết rất đơn giản, đọc nửa tiếng là xong. Nhưng điều quan trọng là quá trình thực tiễn, là liên tục học và sai đến khi nó đúng dần.

Tôi đã sống với báo chí của một thời kỳ buộc phải đi, buộc phải tò mò, buộc phải tìm cách lý giải cho những điều mình tìm thấy. Nên nếu có bài học nào đó quan trọng nhất tôi hiểu được, là không được phép lãng quên khả năng tò mò của mình. Những thời điểm tôi cảm thấy mình hiểu biết quá rồi là thời điểm không tiếp tục làm được nữa.

Tôi nghĩ làm báo cũng có tính gây nghiện, vì nó luôn thôi thúc mình tìm những điều mới mẻ hơn, giải đáp những sự thật mình cần giải đáp. Đến bây giờ tôi vẫn tìm kiếm những cách thức mới để làm nghề, bởi báo chí thì luôn thay đổi và người làm nghề cũng cần như thế.

Chính quán tính nghề nghiệp luôn thúc đẩy tôi về phía trước. Cũng có những khi tôi bất lực, cảm thấy mình chẳng giúp được ai đúng với kỳ vọng của mình. Nhưng nếu tin vào việc mình vẫn có ích, không cho nhiều người thì cho ít người, thì vẫn ở lại được thôi.

Nhưng có lẽ do đặc thù công việc, tôi luôn nhớ những chi tiết. Đôi khi trong cuộc đời đang trôi đi, tôi bắt gặp lại những chi tiết và phải sống lại cảm giác ấy - cảm giác mang nợ cuộc đời và nhân vật của mình. Tôi đã vẫn không làm được nhiều hơn. Dù họ là những phận đời đã làm nên tên tuổi, làm nên một nhà báo như mình.

Đó là món nợ tôi không thể trả được. Và có thể tôi sẽ day dứt về nó cả đời.

(Chia sẻ từ nhà báo Phạm Trung Tuyến - phó giám đốc kênh radio Giao thông quốc gia 91 Mhz của Đài Tiếng nói Việt Nam - và là người đứng sau những chương trình nổi tiếng một thời như Bạn hãy nói với chúng tôi, Góc nhìn Đường Tin, Phía sau tội ác...)