1. Chuyện gì đang xảy ra?
Tài khoản "chính chủ" là cụm từ không còn xa lạ đối với người sử dụng dịch vụ viễn thông ở Việt Nam. Thời gian qua, các nhà mạng đã thông báo người dùng cần đăng ký định danh nếu không muốn bị khoá sim. Điều tương tự có lẽ sẽ xảy ra đối với các tài khoản mạng xã hội.
Sáng 8/5, tại phiên điều trần do Ủy ban Tư pháp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết để hạn chế việc lừa đảo trên mạng và các tiêu cực khác, cần thiết người dùng phải xác thực tài khoản. Như vậy khi có sai phạm, các cơ quan nhà nước có thể xác định chính xác chủ tài khoản là ai.
Thêm vào đó, ông Lâm chỉ rõ nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ được ban hành trong cuối năm 2023 với thay đổi rất quan trọng. Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok, v.v.
2. Tài khoản "chính chủ" có ích lợi gì?
Những năm gần đây, do người dùng có thể thoải mái lập tài khoản mà không cần định danh, nên các tính năng của mạng xã hội đã bị nhiều người lạm dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể thấy, hơn 80% các tài khoản “ảo” trên các mạng xã hội hiện nay được tạo phục vụ cho mục đích quảng cáo kiếm tiền, còn lại phục vụ cho các mục đích không chính đáng khác.
Vì vậy, việc định danh tài khoản có thể hạn chế được tình trạng lừa đảo, tin giả. Đặc biệt, chủ tài khoản sẽ phải có trách nhiệm hơn với thông tin mình đưa lên mạng xã hội, bằng không, dễ dàng được cơ quan chức năng xác định danh tính và xử phạt.
Trong một không gian mở với những cá nhân núp bóng một tài khoản mơ hồ, nếu không định danh, người ta có thể vô tư đưa các thông tin tiêu cực, hay thậm chí lập ra các hội nhóm chia sẻ thông tin bôi nhọ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp một cách vô tư mà không quan tâm đến hậu quả do mình gây ra. Việc sớm định danh người dùng trên mạng xã hội cũng sẽ hạn chế tình trạng này.
Đồng thời, định danh cũng sẽ giúp cơ quan quản lý có thể bảo vệ được quyền lợi cho công dân trong trường hợp xảy ra việc mất cắp dữ liệu cá nhân, bị bán hoặc sử dụng sai mục đích.
3. Phản hồi của đại diện các mạng xã hội và người dùng Việt như thế nào?
Đại diện TikTok tại Việt Nam sau thông tin trên cho biết nếu có quy định thì TikTok sẽ tuân thủ nghiêm túc. Theo họ, khi có cơ sở pháp lý, việc định danh tài khoản cá nhân trên nền tảng sẽ dễ dàng hơn và có thể làm một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, phía Google và Facebook chưa đưa ra bình luận gì từ dự thảo được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra. Trên thực tế, người dùng tại Việt Nam đăng ký tài khoản Facebook đều được yêu cầu xác minh bằng giấy tờ do nhà nước cấp như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hay hộ chiếu và khuyến khích các tài khoản phải dùng tên thật.
Người dùng xác minh tài khoản khi gặp sự cố sẽ được nền tảng hỗ trợ, còn nếu không tài khoản đó sẽ không thể khôi phục khi bị hack, hay biến mất khi có các đợt càn quét tài khoản ảo.
Còn với các tài khoản YouTube của Google phần lớn đã thực hiện định danh. Nếu người dùng không tiến hành xác minh sẽ bị hạn chế rất nhiều tính năng như đăng tải các nội dung video có thời gian dài. Việc định danh theo yêu cầu của Bộ sẽ góp phần làm quy định này có nhiều "hành lang pháp lý" hơn.
Về phía người dùng, băn khoăn nằm ở việc cơ quan chức năng cần làm rõ và phải cho người dùng thấy được những lợi ích của việc định danh thay vì đưa ra "hình phạt."
Nhiều câu hỏi khác cũng được quan tâm như là: định danh tài khoản mạng xã hội có được đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư khác như căn cước công dân, bảo hiểm xã hội, thuế...?
4. Các nước trên thế giới định danh người dùng ra sao?
Năm 2017, Trung Quốc đã ra mắt hệ thống đăng ký tên thật cho mạng xã hội, yêu cầu người dùng Weibo và dịch vụ nhắn tin tức thời WeChat xác thực tài khoản của họ bằng ID quốc gia, số điện thoại di động và thông tin cá nhân khác. Các cơ quan chức năng quản lý và kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc tuân thủ các quy định này.
Tại Pháp và hầu hết các nước châu Âu, trẻ dưới 13 tuổi không được phép sử dụng mạng xã hội và trên lý thuyết, các mạng xã hội sẽ buộc người dùng phải khai báo có kiểm chứng độ tuổi thật.
Đầu năm 2022, Thượng viện Pháp đã thông qua một bộ luật bắt buộc tất cả các mạng xã hội phải có chức năng cho phép phụ huynh giám sát hoạt động của trẻ vị thành niên, nhằm bảo vệ những đối tượng trẻ tuổi này khỏi các nội dung bạo lực, khiêu dâm.
Australia cũng là một quốc gia rất quan tâm tới việc giáo dục, hướng dẫn và bảo vệ trẻ em trên các nền tảng xã hội. Tại nước này, việc này đầu tiên được coi là thuộc trách nhiệm của gia đình. Với trẻ em lứa tuổi nhỏ thì cha mẹ sẽ là người xác định nội dung, thông tin và thời gian để trẻ tiếp cận thông tin trên internet.
5. "Một người dùng - một tài khoản" đặt câu hỏi gì về danh tính online?
Môi trường internet thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận truyền thống về danh tính. Chuyện xấu xảy ra, chúng ta muốn cá nhân gây chuyện phải chịu trách nhiệm. Để làm điều đó, ta cần công cụ xác định danh tính (identifier) hiệu quả. Ngày nay, điều "đơn giản" trên không hề dễ dàng thực hiện.
Sự ẩn danh là lời hứa đầu tiên của internet. Và thay vì coi đây là thoái thác trách nhiệm hay "ném đá giấu tay," các dịch vụ mạng xã hội tìm cách khai thác nhiều danh tính của cùng một người dùng. Mỗi người phải làm quen với nhiều lối sống song hành với số dịch vụ điện tử họ sử dụng, và bản thân họ không thể tự kiểm soát danh tính của mình.
Tư duy "một người dùng - một tài khoản" tương đồng với tư duy cho rằng có một nhân cách có thật, và danh tính là chiếc mặt nạ xã hội nhân cách đó lựa chọn đeo. Nhưng trên môi trường số, mỗi cá nhân không những không thể lựa chọn mình sẽ đeo chiếc mặt nạ như thế nào, mà các dịch vụ mạng còn liên tục tạo ra những mặt nạ mới và đeo lên mặt họ. Nhân cách thật sẽ ngày càng mờ nhạt hơn.
Như vậy, việc yêu cầu người dùng chịu trách nhiệm nhiều hơn với danh tính online của họ sẽ không có tác dụng tuyệt đối. Trách nhiệm quản lý của từng dịch vụ mạng xã hội sẽ cần được làm rõ hơn.