Tại sao bạn nên chuyển sang xăng sinh học ngay? | Vietcetera
Billboard banner

Tại sao bạn nên chuyển sang xăng sinh học ngay?

Sử dụng xăng sinh học để bảo vệ môi trường, bạn còn e ngại điều gì?

Tại sao bạn nên chuyển sang xăng sinh học ngay?

Nguồn: Cơ Nguyễn cho Vietcetera

Vấn đề ô nhiễm không khí ở các thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang ở mức báo động. Chỉ số chất lượng không khí tại các đô thị này nhiều lần ở mức xấu, thậm chí ở mức rất xấu (AQI >200). Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này đến từ lượng phương tiện cá nhân đông đảo, chủ yếu là xe máy.

Tuy vậy, giải quyết ô nhiễm không khí bằng cách chuyển từ phương tiện cá nhân sang công cộng là điều rất khó thực thi. Không nhiều người chọn cách này do bất tiện, mất thời gian, hạ tầng đường phố Việt Nam dày đặc ngõ hẻm cùng hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển.

Việt Nam có lượng phương tiện cá nhân đông đảo chủ yếu là xe máy Nguồn Shutterstock
Việt Nam có lượng phương tiện cá nhân đông đảo, chủ yếu là xe máy. | Nguồn: Shutterstock

Vậy nên, chuyển qua dùng nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường sẽ là giải pháp khả thi và cấp thiết hơn cả. Nhiên liệu đó chính là xăng sinh học.

1. Tổng quan về xăng sinh học

Xăng sinh học là một loại nhiên liệu lỏng, trong đó sử dụng cồn ethanol (C2H5OH) như một loại phụ gia nhiên liệu để pha trộn vào xăng khoáng A92 thay phụ gia chì hay ete. Cồn và xăng được pha chế với tỷ lệ thích hợp tạo thành xăng sinh học. Ký hiệu của xăng sinh học là “E + x” (x là % thể tích cồn trong công thức pha trộn).

Hiện tại loại xăng sinh học đang được lưu hành đại trà tại thị trường Việt Nam là Xăng E5 (chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng A92 truyền thống).

Nguyên liệu để sản xuất cồn sinh học cho xăng E5 tại Việt Nam là sắn lát khô. Việc này còn đem lại lợi ích cải thiện kinh tế cho những người nông dân trồng nguyên liệu làm xăng sinh học.

2. Tại sao nó giúp bảo vệ môi trường?

Với hàm lượng oxy cao hơn, xăng sinh học sẽ làm quá trình cháy trong động cơ triệt để hơn. Nhiên liệu khi được tiêu hao hoàn toàn sẽ tăng công suất xe, giảm tiêu hao, đồng thời giảm phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ.

Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu về việc dùng xăng E5 trên ô tô, xe máy của PGS-TS Phạm Hữu Tuyến, Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội, khi so sánh với phương tiện dùng xăng khoáng A92 thì các tính năng, công suất, khởi động, tăng tốc, tiêu hao nhiên liệu đều tương đương. Đặc biệt, trong chỉ tiêu phát thải CO và HC – cũng là những thành phần gây ô nhiễm môi trường – thì xăng E5 tạo ra ít hơn các loại xăng truyền thống (A92, A95) đến 20%.

3. Thực trạng sử dụng xăng sinh học

Đã 10 năm từ khi xăng sinh học chính thức xuất hiện tại Việt Nam (từ 29/7/2010). Thậm chí để thúc đẩy việc sử dụng xăng sinh học, vào ngày 1/1/2018 Chính phủ còn ra luật chuyển đổi tất cả xăng A92 thành xăng E5 tại các điểm bán lẻ xăng dầu.

Dù đã có luật và giá xăng sinh học cũng rẻ hơn các loại xăng truyền thống A92, A95 từ 1000-2000đ, nhưng vẫn rất ít người có thói quen đổ xăng sinh học.

- Lý do chủ quan có thể kể đến:

  • Chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về xăng sinh học.
  • Lo ngại vì ảnh hưởng đến động cơ và an toàn xe
  • Đơn giản là đổ theo thói quen cũ.

- Lý do khách quan từ phía chính phủ:

Dù đã có mặt tại Việt Nam đã 10 năm nhưng vẫn rất ít người biết đến và sử dụng loại xăng này
Dù đã có mặt tại Việt Nam đã 10 năm nhưng vẫn rất ít người biết đến và sử dụng loại xăng này.

4. Những lo lắng thường gặp về xăng sinh học

Phần lớn người dân vẫn chưa chuyển đổi qua xăng sinh học do còn nhiều lo ngại xung quanh loại xăng này. Vietcetera xin đưa ra một số giải đáp như sau:

Q: Xăng sinh học gây hại cho động cơ xe?

Các loại xe được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ đều có thể sử dụng tốt xăng E5, vì đây vẫn là loại xăng có tỉ lệ pha trộn ethanol thấp.

Tuy nhiên, những loại xe có ống dẫn nhiên liệu của xe đã bị lão hóa, rò rỉ (xe cũ, xe thay thế phụ tùng không chính hãng) thì không nên sử dụng loại nhiên liệu này. Bởi axit trong cồn ethanol có thể gây ảnh hưởng tới gioăng cao su, nhựa, kim loại của động cơ. Dù có sử dụng xăng sinh học hay không thì kiểm tra xe định kỳ luôn là việc cần thiết.

Q: Xăng sinh học có dễ gây cháy, nổ không?

Xăng sinh học có chỉ số octane (RON) cao hơn (lên đến 109), giúp nén xăng tốt hơn và còn có khả năng chống tự kích nổ.

Trích lời ông Trần Văn Vinh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn (Bộ Khoa học và Công nghệ): “65% nguyên nhân cháy nổ là do chập điện, chuột cắn, 35% không rõ nguyên nhân, và cháy chủ yếu là xe tải chạy dầu diesel không liên quan tới xăng E5. Do đó, không thể khẳng định xăng E5 gây cháy nổ và người dân có thể hoàn toàn an tâm khi sử dụng xăng.”

Q: Có thể sử dụng xăng E5 xen lẫn với các loại xăng thông thường không?

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực, Trưởng Phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, Trường ĐH Bách khoa - Hà Nội khẳng định việc đó không có ảnh hưởng gì đến động cơ. "Vì thực ra, xăng E5 chính là xăng A92 pha 5% ethanol, nếu sử dụng lẫn với xăng thường thì lượng ethanol trong hỗn hợp chỉ giảm đi mà thôi."

Q: Xăng sinh học có ảnh hưởng đến tốc độ vận hành của xe không?

Theo ông Nguyễn Minh Đồng (cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của Volkswagen), ethanol dễ đốt cháy nhưng lượng tỏa nhiệt thấp hơn các loại xăng thông thường. Vì vậy người chạy xe phải lên ga nhiều hơn gây tốn nhiên liệu. Nếu muốn chạy xe tốc độ cao (xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô thể thao) thì xăng A95 cho hiệu suất tốt hơn.

Tuy vậy tốc độ chạy xe trung bình trong nội thành từ 30-40 km/h của xe máy thông dụng dưới 150cc thì dùng xăng E5 vẫn có nhiều mặt lợi hơn.

Người dân vẫn còn nhiều e ngại và thắc mắc về xăng sinh học do đó chưa đủ an tâm để sử dụng
Người dân vẫn còn nhiều e ngại và thắc mắc về xăng sinh học, do đó chưa đủ an tâm để sử dụng.

5. Một số lưu ý khi sử dụng

Không đổ xăng E5 vào bình chứa xăng khi không sử dụng xe từ 3 tháng trở lên. Với khí hậu có độ ẩm cao của Việt Nam, khi để lâu nước trong không khí rất dễ hấp thụ vào xăng có thể gây ra hiện tượng phân lớp, khiến xăng giảm chất lượng, gây hỏng hóc động cơ (do cồn ethanol có tính háo nước).

Kết

Hiển nhiên, để khuyến khích thêm người dân sử dụng xăng sinh học, cần có sự đầu tư ngân sách cho các kênh phân phối và đẩy mạnh tuyên truyền. Nhưng trước đó vẫn cần mỗi người chúng ta chủ động tìm hiểu và sử dụng xăng sinh học, đồng thời chia sẻ cho người thân và bạn bè.

Thử tưởng tượng tổng số 3.553.700 xe ô tô và khoảng 45 triệu xe máy đang lưu hành trên toàn quốc chuyển đổi qua nhiên liệu xanh như xăng sinh học thì chất lượng không khí có thể được cải thiện đến nhường nào.