Tại sao ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn đông lạnh trứng? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Tại sao ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn đông lạnh trứng?

Và liệu việc này có đảm bảo rằng người phụ nữ, dù đơn thân hay đã có đôi, sẽ chắc chắn có thể đậu thai và sinh con?
Tại sao ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn đông lạnh trứng?

Nguồn: Getty Images

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Theo trang tin VICE, ngày càng nhiều phụ nữ đang có mong muốn bảo quản trứng của mình bằng cách đông lạnh, dù cho chi phí của việc này là không hề rẻ. Theo Global Market Insight, thị trường dịch vụ bảo quản trứng có giá trị trên 3.1 tỉ USD vào năm 2022, với dự đoán tăng trưởng 6.9% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2032.

Số liệu năm 2021 trên tạp chí khoa học Fertility and Sterility cho thấy, chỉ riêng tại Mỹ, nhu cầu đông lạnh trứng đã tăng 39% so với thời điểm trước đại dịch. Còn tại Anh, theo phòng thí nghiệm Planner, số lượng các buổi hẹn cho dịch vụ này đã tăng khoảng 50% vào giữa năm 2020 nếu so sánh với thời điểm một năm trước đó.

Đông lạnh trứng, còn gọi là bảo quản lạnh noãn bào trưởng thành, là phương pháp bảo tồn khả năng mang thai của người phụ nữ trong tương lai. Trứng chưa thụ tinh lấy từ buồng trứng và bảo quản ở điều kiện lạnh sâu (bằng hơi nitơ hoặc nitơ lỏng) trong thời gian dài.

Một quả trứng đông lạnh sau khi rã đông có thể kết hợp với tinh trùng trong phòng thí nghiệm và cấy vào tử cung của người mẹ.

26apr2023chutrinhjpg
Chu trình đông trứng. | Nguồn: Ferny

2. Tại sao ngày càng nhiều phụ nữ muốn trữ đông trứng?

Số lượng phụ nữ chọn đông lạnh trứng đã tăng mạnh trong thập kỷ qua. Nghiên cứu từ Đại học Y Albany, New York (Mỹ) vào năm 2022 cho thấy ngày càng nhiều phụ nữ độ tuổi 30 ở nước này, độc thân hoặc thất bại trong việc tìm kiếm đối tác, đã chủ động trữ đông trứng để thực hiện ước muốn làm mẹ trong tương lai. Các câu hỏi về việc đông lạnh trứng tăng 50% ở các nước châu Âu vào mùa hè năm 2020 so với năm trước.

Mục đích của việc trữ đông trứng là để đảm bảo khả năng sinh sản ngay cả khi người phụ nữ đã qua ngưỡng tuổi phù hợp. Có nhiều lý do giải thích cho việc này: người có bệnh lý cần điều trị hóa chất, mắc các bệnh ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, tham vọng và kế hoạch cho công việc, sự nghiệp hoặc chưa muốn lập gia đình khi tuổi đang lớn dần.

Trong đại dịch Covid-19, chúng ta nhiều thời gian cân nhắc lại mục tiêu hiện tại và tương lai của bản thân. Đặc biệt, với bối cảnh bệnh đang lây lan trở lại, nhiều phụ nữ càng lưỡng lự hơn với kế hoạch mang thai.

3. Có những hạn chế gì trong việc trữ đông trứng hiện nay?

Hạn chế đầu tiên là chi phí. Một số tổ chức cung cấp bảo hiểm tài chính một phần hoặc toàn bộ cho những phụ nữ nguy cơ cao mắc các bệnh như mãn kinh sớm hoặc chuẩn bị điều trị ung thư. Song phần lớn phụ nữ phải trả tiền túi để trữ đông trứng.

Thủ tục này có thể tốn ít nhất 10.000 USD (hơn 230 triệu VND), theo Becht. Trong đó, chi phí tiêm, lấy trứng và trữ đông khoảng 6.300 USD, thuốc dao động 3.000-7.000 USD tùy thuộc vào liệu trình, và chi phí trữ đông hàng năm khoảng 1.200 USD.

Thứ hai, trữ đông trứng cũng không đảm bảo việc chắc chắn mang thai sau đó. Tỷ lệ thành công sau khi trữ đông trứng phụ thuộc vào tuổi. Nếu phụ nữ từ 30-34 tuổi, cơ hội sinh con với 10 quả trứng trưởng thành được trữ đông khoảng 60%. Nếu từ 38-40 tuổi, cơ hội giảm còn 35%.

Cuối cùng, chính sách về trữ đông trứng hiện nay chưa thống nhất. Trong khi châu Âu đã "bật đèn xanh" cho việc này thì tại nhiều quốc gia châu Á, bất chấp tăng trưởng dân số âm ở nhiều khu vực, chính phủ các nước vẫn từ chối gỡ bỏ một số hạn chế đối với việc trữ trứng.

26apr2023gettyimages111732994jpg
Đông lạnh trứng tại châu Âu không phải là một thực hành mới trong việc sinh sản. | Nguồn: Getty Images

Singapore mới bắt đầu cho phép phụ nữ độc thân từ 21 đến 35 tuổi làm thủ tục trữ trứng trong năm nay. Trước đó công dân nữ ở nước này chỉ được thực hiện đông lạnh trứng với lý do y tế đặc biệt.

Còn ở Trung Quốc, các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), đông lạnh trứng phần lớn vẫn bị cấm đối với phụ nữ chưa kết hôn do lo ngại về rủi ro y tế và vấn đề đạo đức. Đến tháng 8/2021, Hồ Nam mới là tỉnh đầu tiên ở Trung Quốc cho phụ nữ độc thân trữ trứng.

Một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Malaysia cũng cấm phụ nữ độc thân đông lạnh trứng. Một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới là Hàn Quốc cho phép phụ nữ độc thân đông lạnh trứng của họ, nhưng cấm sử dụng chúng để thụ tinh trong ống nghiệm cho tới khi họ kết hôn.

Việt Nam hiện nay chưa có các chính sách, quy định cụ thể trong việc quản lý trữ đông trứng tại các bệnh viện hay cơ sở y tế. Vì thế, việc lựa chọn và thực hiện trữ đông trứng tại Việt Nam chưa rõ ràng và thường thực hiện tại các cơ sở tư nhân.

4. Xu hướng này thể hiện điều gì về tâm lý sinh đẻ hiện nay?

Với các thế hệ đi trước, lập gia đình và có con là những cột mốc quan trọng mà gần như ai cũng phải thực hiện. Việc ông bà hay cha mẹ của nhiều người trẻ hối hả thúc giục con cái về chuyện này không chỉ tới từ tâm lý cũ, mà còn bởi người phụ nữ khó mang thai và đẻ con hơn khi có tuổi.

Dù có muốn có con hay không, phần đông người trẻ đều đồng ý rằng cuộc sống còn nhiều điều để làm hay trải nghiệm, và việc phải nuôi dạy một đứa trẻ sẽ ít nhiều cản trở họ làm những điều mình muốn.

26apr2023124231369gettyimages12332575542428291651381059jpg
Một cơ sở đông lạnh trứng tại Malaysia. | Nguồn: BBC/Getty Images

Trữ đông trứng trở thành một phương án mang tính “bảo hiểm” cho chuyện sinh nở, bởi nó để ngỏ khả năng sinh nở cho người phụ nữ ngay cả khi họ không còn ở độ tuổi phù hợp cho việc thụ thai. Nhờ đó, họ có thể tập trung cho sự nghiệp và công việc, hay làm những thứ mà họ muốn trước khi nhận trách nhiệm sinh và nuôi con.

Một điều thú vị là nhiều người không có ý định có con, nhưng vẫn quyết định đi đông trứng. Lý do là bởi họ lo sợ bản thân sẽ mất đi một cột mốc quan trọng, mang tính bước ngoặt trong cuộc đời mình. Nói cách khác, họ không muốn có con chỉ để duy trì nòi giống, mà coi việc đó như một phần của việc đạt được một cuộc sống đủ đầy và có ý nghĩa.

5. Can thiệp sinh nở dần trở thành xu hướng mới?

Bên cạnh việc trữ trứng, một bộ phận nam giới cũng đã và đang tiến hành đông lạnh tinh trùng. Lý do là bởi tinh trùng của nam giới cũng có một giới hạn tuổi nhất định, nếu để càng lâu thì chất lượng tinh trùng sẽ kém đi, và đứa trẻ của họ dễ mắc những bệnh như tự kỷ hay dị tật bẩm sinh.

Xu hướng “bảo hiểm sinh nở” này báo hiệu rằng việc thụ tinh trong ống nghiệm có thể sẽ phổ biến hơn trong tương lai. Đây vừa là một lựa chọn phù hợp cho các cặp đôi hiếm muộn, vừa tạo nền tảng cho các hoạt động tầm soát và sàng lọc gene trước khi sinh để các cặp đôi có thể đưa ra những kế hoạch sinh sản phù hợp với đặc điểm sinh học của mình.

Ngoài ra, hai xu hướng bảo quản trứng và tinh trùng khiến thụ tinh nhân tạo cũng có thể trở thành một phương án hợp lý cho những người muốn làm mẹ đơn thân, hoặc những ai có vấn đề về sinh sản. Quá trình thụ tinh nhân tạo sẽ chọn lọc những tinh trùng khỏe nhất của người nam để đưa trực tiếp vào buồng trứng của người nữ.

Dù lựa chọn phương án nào thì những bậc cha, mẹ trong tương lai cũng sẽ phải chờ những quy định cụ thể từ phía nhà nước. Hiện nay, chính phủ Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác chưa có những chính sách cho các phương án thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm.