Vì một hiểu lầm nho nhỏ mà cuộc hẹn của tôi với chị Cát Thảo đã chuyển từ trực tuyến sang gặp mặt trực tiếp chỉ trong vòng 20 phút.
“Chị tới nơi rồi. Không sao, chị ở gần đây nên sang luôn!” Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về chị - nhiệt tình và vô cùng nhanh nhẹn. Hẳn sự chủ động đó cũng là điều đã giúp chị phát triển ở nhiều vai trò khác nhau.
Cát Thảo Nguyễn được biết đến là một luật sư, chuyên gia huấn luyện cấp cao, đồng thời là một nữ doanh nhân. Chị sáng lập và điều hành Global Ready LLC – doanh nghiệp tư vấn kỹ năng lãnh đạo với khách hàng đến từ nhiều quốc gia. Ngoài ra, chị còn là thành viên đoàn phi chính phủ Úc tại Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em tại Geneva, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính phủ Úc tại Việt Nam, và người đồng sáng lập Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Úc Việt.
Để kể về công việc ngoại giao của chị, hẳn là tôi có viết thêm vài đoạn văn nữa vẫn chưa đủ. Nhưng lần này tôi được gặp chị ở một vai trò rất khác – tác giả của cuốn hồi ký về hành trình đầy cảm xúc của gia đình chị.
Cuốn sách có tựa gốc là We Are Here, ngay sau khi ra mắt vào năm 2015 đã ghi danh vào chung kết Giải thưởng Văn học bang New South Wales, Úc. Đến tháng 8 năm 2024, phiên bản tiếng Việt của cuốn sách đã được ra mắt tại Việt Nam, với tựa đề Đến Nơi Rồi!
Trong cuốn sách có rất nhiều "nơi" được nhắc đến, nhưng nếu chỉ chọn một nơi thì với chị, đó là nơi nào?
Là nơi hy vọng đã có một hình hài cụ thể.
Mấy chục năm trước trên đường tị nạn vượt Campuchia đến Thái Lan, chị không nghĩ ba mẹ chị dám ước mơ điều gì cụ thể. Sống nay chết mai, chỉ bám víu vào một hy vọng mơ hồ.
Ngay cả khi đã đến Úc cũng vậy, có lúc hy vọng lay lắt như chiếc lá trước bão. Nhưng tất cả vẫn không chịu khuất phục.
Chị nhớ hoài cái ngày ba chị trở về từ nhà máy nhưng không vào nhà, trông ông héo hon như sắp đổ gục tới nơi. Hỏi ra mới biết, hôm đó một đồng nghiệp đã rắp tâm phá hoại chiếc máy hàng triệu đô la mà ba chị đang vận hành trong ca làm việc.
Máy hỏng thì ba sẽ mất việc, mà mất việc thì cả nhà túng thiếu. Mấy chục năm sống ở Úc, đây không phải là lần đầu tiên ông bị phân biệt đối xử, nhưng lần này thì vượt quá sức chịu đựng. Ông đi tới cầm lên một thanh sắt, toan đánh người kia thì lý trí kịp ngăn ông lại. Phải kiên cường thế nào để bao lâu nay ông vẫn giữ gương mặt bình thản?
Hôm đó ba đã nói với chị: "Ở đất nước này ba chỉ có cái miệng để ăn, chứ không phải để nói. Con là tiếng nói của ba."
Sau lần đó chị đã thề phải sống cho xứng đáng với những tủi nhục, khổ nạn mà ba mẹ đã trải qua. Thậm chí tới lúc đó chị vẫn chưa dám ước mơ, chỉ biết rằng phải nỗ lực bằng mọi giá để ngày mai tốt hơn hôm nay.
Và rồi cuối cùng ngày đó cũng đến.
Chị đứng "ở đây", trong Tòa án Tối cao bang New South Wales, chính thức được kết nạp thành luật sư trước sự chứng kiến của ba mẹ - một cảnh tượng mà không ai có thể nghĩ đến khi rời quê hương năm đó. Chị đứng "ở đây", cùng gia đình thoát được cái chết, cái đói, cái phân biệt chủng tộc, cái nghèo.
Bây giờ không chỉ còn là hy vọng mơ hồ nữa, chị đã dám có một ước mơ với hình hài cụ thể, rằng mình sẽ đứng ở đâu, làm điều gì. Tiếng nói bên trong tâm hồn của chị đã tìm thấy một cơ thể phù hợp với nó.
10 năm đã qua kể từ lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách, liệu nơi đến có thay đổi với chị?
“Đến nơi rồi” còn có nghĩa là cuối cùng cuốn sách đã xuất bản tại Việt Nam! Cuốn sách về một gia đình Việt được về với mảnh đất của người Việt. Và Cát Thảo, một người Việt lớn lên ở Úc, đã trở về Việt Nam, một nơi cho chị cảm giác như cả đời mình đã đi tìm, ấm áp và an toàn.
Và còn một nơi khác mà chị và gia đình không ngờ rằng đã đến được sau mấy chục năm. Đó là nơi của bình an - bình an thực sự đến từ bên trong.
Có một sự thật là khi hoàn thành cuốn sách vào năm 2015, chị đã không cho ba mẹ chị đọc. Vì trong quá trình viết, chị đã chứng kiến đủ việc nhớ lại quá khứ đã hành hạ họ thế nào.
Chị không muốn lặp lại điều đó. Nhất là sau buổi lễ phát hành sách ở Úc, ba chị, một người đàn ông trước giờ cứng như đá, nay úp hai bàn tay vô mặt khóc. Trong cả đời người đàn ông đã 70 tuổi đó, đó là lần thứ 2 chị thấy ông khóc. Và chị biết ông vẫn còn đau nhiều thế nào.
Chỉ cho tới cách đây 2 năm, khi thấy cuộc sống của ba mẹ có sự bình yên nhất định – họ làm vườn, đi thiền mỗi ngày – chị mới quyết định hợp tác với bạn Như Mai để dịch cuốn sách sang tiếng Việt cho ba mẹ chị đọc. Lúc đó chị vẫn chưa có ý định xuất bản sách ở Việt Nam.
Và lần này ký ức vẫn kéo những cơn ác mộng trở lại với họ. Họ khóc rất nhiều. Nhưng chị cũng đã sẵn sàng cho điều đó.
Sau 10 năm chị cũng có những hiểu biết rất khác. Chị biết chị có thể không cho họ xem cái này xem cái kia, nhưng những tổn thương của họ vẫn sẽ còn ở đó. Ngay cả khi không đọc cuốn sách này thì họ cũng tiếp xúc với những mảnh quá khứ bằng cách khác thôi đúng không?
Thế nên dù có xót đến mấy thì việc của chị vẫn là cần đưa họ đến cánh cửa đối diện với những tổn thương. Còn việc những tổn thương đó có được chữa lành hay không là trách nhiệm của chính ba mẹ chị.
Và em biết không, điều kỳ diệu đã xảy ra.
Lần đầu mẹ chị biết thương cho chính mình.
Vừa nghe sách, bà vừa nói: “Thương cho người mẹ ở trong sách, sao cái người này giỏi quá, tuyệt vời quá.” – Người đó chính là mẹ, nhưng chỉ có nhờ nghe sách, mẹ mới được ngồi ở vị trí của một khán giả mà được thấy chính mình.
Còn ba chị, nay đã 80 tuổi. Trước giờ ông vẫn ít nói, chỉ cặm cụi đi làm, nói chuyện với vợ con thì cộc lốc, hay nạt nộ, vậy mà giờ như trở thành con người khác.
“Tui buồn quá, tui hối hận quá mẹ Vỷ.” - Ba chị nói với mẹ chị như vậy. Qua cuốn sách, ba nhìn lại cả hình trình dài để thấy ở bên cạnh mình luôn có một người phụ nữ hết lòng vì gia đình.
“Tui phải biết thương bà nhiều hơn. Tui không còn nhiều thời gian nữa.” – Và lần đầu, khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, ba biết thương mẹ.
Mẹ chị lúc nghe câu đó thì cười nói: “Sao ông cải lương quá!” Vì đó giờ bà có bao giờ được nghe một câu tình cảm như vậy đâu.
Chị thì khỏi phải nói, quá xúc động, quá hạnh phúc. Nhìn mẹ chị chỉ biết nói:
“Mẹ, mẹ để cho ba thương mẹ đi.”
Và rồi em biết không, họ yêu nhau!
Ba chị trở nên nhỏ nhẹ, còn đi làm những công việc nhà mà trước giờ không đụng tay vào như đi rửa chén. Cuộc sống hàng ngày của hai người rất bình yên.
Hồi xưa chị rất bức bối với việc tại sao họ phải luôn bị ám ảnh bởi quá khứ như vậy. Chị muốn họ vui, chị mua này mua kia cho họ, chị khiến họ tự hào, nhưng tại sao những niềm vui đó đều tạm bợ? Tại sao họ vẫn trở về với cảm giác sợ hãi, buồn bã? Cảm giác bất lực thậm chí dần biến thành ngọn lửa tức giận bên trong chị. Chị nạt nộ họ.
Nhưng rồi khi chị buông, chị tập trung về bản thân chị, chị bình an, thì bây giờ chị đã đến nơi rồi. Cả gia đình chị đã đến được với nơi bình an từ trong tâm hồn. Đó là một điều kỳ diệu mà chị chưa bao giờ nghĩ tới khi viết cuốn sách!
10 năm, “nơi đến” đã thay đổi. Đó có phải cũng là lý do mà chị thay đổi bìa sách cho bản tiếng Việt này không?
Trời ơi, đúng rồi!
Em biết không, năm 2015 cái tôi của chị vẫn còn khủng khiếp lắm. Nên lúc đó trên bìa sách chỉ có một mình chị thôi *cười*
Nhưng bây giờ chị đã nhận ra rằng, chị ở đây, chị đến được nơi này không phải là tự nhiên.
Đó là nhờ có tổ tiên, có ông bà cha mẹ của mình để lại những phước lành. Đó là đạo đức của gia đình, với những giá trị như sự kiên trì, dũng cảm, lòng nhân ái. Chúng trở thành điểm tựa, giống như một dạng “bảo hiểm” cho cuộc sống của chị. Nhờ những điều đó, chị không bao giờ phải lo thiếu thốn, không bao giờ phải lo đói, bởi cách sống với những giá trị cốt lõi đó đã tự xây dựng nên cho chị uy tín.
Và như vậy, chị không bao giờ đứng một mình nữa.
Sự gắn kết gia đình đó thể hiện rất rõ trong video quay ba mẹ chị ở buổi ra mắt sách...
Em ơi chị đã khóc 3 ngày trời sau khi xem video đó của ba mẹ! *cười*
Cả hành trình dài chị nhận ra một điều rất quan trọng.
Đó là truy ra xem tổ tiên của chúng ta đã sống ra sao, tuổi thơ của ba mẹ của chúng ta trải qua những gì, để hiểu dòng máu của mình đã chịu những tổn thương gì, và nó vẫn còn ở trong mình thế nào.
Chị đã làm việc này khi chị trở về Việt Nam 17 năm trước, mà thật ra ban đầu là vì mục đích khác. Lúc đó chị vô tình xem được một chương trình TV của Campuchia giúp các gia đình, thậm chí đã sau 40 năm bị chia cắt vì nhiều lý do, được đoàn tụ trở lại. Chị nhớ lại lời của bà ngoại.
Bà tin rằng cậu út vẫn còn sống - người được cho là đã bị bắt bởi quân đội Khmer Đỏ ở Campuchia trong chuyến đi cùng gia đình chị mấy chục năm về trước, người vẫn luôn hiện lên trong nỗi ám ảnh của mẹ chị trong suốt cả quãng đời. Và chị muốn đi tìm cậu!
Chị hỏi ba mẹ viết lại cho chị hành trình họ đã đi qua. Chị nghe bà con họ hàng, những người hàng xóm ở quê kể lại chuyện xưa. Từ những mảnh ghép nhỏ, sau 17 năm chị có được một bức tranh lớn về cha mẹ ông bà. Chị đã thấy hết, những nỗi đau, những cốt lõi sống, những điều tốt đẹp.
Và chính ba chị, đến tháng 4 năm nay, bỗng dưng cũng nói với mẹ chị rằng: ông nhận ra trước nay ông hay cọc cằn là vì ông đã không làm được những gì mà bà nội đã kỳ vọng ở ông; ông đã đeo một cái nhãn to đùng rằng mình là đứa con bất hiếu và ông ám ảnh với điều đó.
Bây giờ ông muốn buông gánh “hành lý” tinh thần nặng nhất trong cuộc đời ông.
Chúng ta có nguồn cội và những tổn thương cũng vậy. Truy về gốc rễ vấn đề luôn mất nhiều công sức, nước mắt và thời gian, nhưng nó đáng.
Nỗi đau có thể giúp chúng ta kiên cường hơn, nhưng cũng có những nỗi đau chỉ mãi là nỗi đau. Với chị, điều gì quyết định một nỗi đau có thể chuyển hoá thành sức mạnh?
Hành trình “chữa lành” thật sự rất dài, nhưng với chị có 4 điều quan trọng thế này.
Thứ nhất là phải chấp nhận rằng, dù muốn đến cỡ nào thì quá khứ cũng là điều mà mãi mãi không thể thay đổi được nữa rồi.
Thứ hai là hiểu được rằng mình không phải là người duy nhất trên thế giới này chịu khổ. Mình không phải là cái rốn của vũ trụ này.
Thứ ba là ráng tìm cách để biết ơn. Chị nói là “ráng” vì thật sự có những hoàn cảnh tồi tệ làm mình không thấy có gì để mà biết ơn. Nhưng chị luôn tự nói với bản thân là: mọi thứ luôn có thể tệ hơn. Chẳng hạn khi mất 1 triệu thì cũng còn may là chưa phải vài chục triệu. Chị mất em bé, và từng rất đau buồn vì chuyện đó, nhưng chị vẫn còn có chồng, có cha mẹ.
Thứ tư là hiểu được cảm xúc của mình. Ví dụ đầu tiên mình phải nhận biết được cơn giận của mình nổi lên khi nào, nó có nguyên nhân từ những suy nghĩ, niềm tin nào. Khi chưa biết được đủ nguồn ngọn thì ít nhất mình phải cho phép mình có cảm xúc đó cái đã. Nếu mình chống lại, thì đến một ngày cảm xúc đó có thể giống như cái nồi áp suất bị quá tải mà bùng nổ.
Di sản mình nhận được từ gia đình không phải lúc nào cũng là thứ mình muốn nhận. Với những bạn trẻ đang chật vật với nỗi đau từ gia đình, chị có điều gì muốn gửi gắm tới họ?
Thông cảm cho cha mẹ, đồng thời cũng đừng để cho những tổn thương của họ tiếp tục sống trong mình. Và đó là trả hiếu!