Tại sao Nhật Bản muốn xả nước thải từ Fukushima vào đại dương? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tại sao Nhật Bản muốn xả nước thải từ Fukushima vào đại dương?

Việc Nhật Bản quyết định xả nước thải từ nhà máy Fukushima ra đại dương có thể gây ra ảnh hưởng gì?
Tại sao Nhật Bản muốn xả nước thải từ Fukushima vào đại dương?

Fukushima waste

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Ngày 13/04 vừa qua, dư luận khu vực và quốc tế dậy sóng với thông tin chính phủ Nhật thông qua kế hoạch xả hơn một triệu tấn nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima vào đại dương.

Theo chính phủ Nhật Bản, khoảng 1,25 triệu tấn nước thải đã tích tụ tại nhà máy Fukushima kể từ thảm họa động đất sóng thần năm 2011. Lượng nước này bao gồm nước của hệ thống làm mát nhà máy, nước mưa và nước ngầm. Nhật Bản cho biết toàn bộ lượng nước thải này đều đã được xử lý qua hệ thống lọc.

Theo kế hoạch được nội các Nhật Bản thông qua vào ngày 13/04, quá trình xả nước thải ra đại dương sẽ bắt đầu trong vòng 2 năm tới và kéo dài trong 30 năm (Nguồn: science.org).

2. Tại sao Nhật Bản lại muốn xả nước thải từ Fukushima vào đại dương?

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cho biết xả nước thải ra đại dương là phương án thực tế nhất để khôi phục nhà máy Fukushima, trong bối cảnh nhà máy đã không còn không gian chứa nước thải.

"Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài giải quyết vấn đề nước thải, vì cần thực hiện mục tiêu ngừng hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân", Thủ tướng Suga giải thích.

suga
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cho biết xả nước thải ra đại dương là phương án thực tế nhất để khôi phục nhà máy Fukushima | Nguồn: Reuters

Đơn vị điều hành nhà máy Fukushima - công ty điện lực Tokyo (Tepco) cho biết các bồn chứa nước thải tại khu vực nhà máy dự kiến sẽ đạt giới hạn tích trữ vào năm sau. Phía Tepco giải thích công ty có kế hoạch dừng hoạt động nhà máy trong vòng 30 năm tới. Theo đó, kế hoạch này sẽ không thể thực hiện được nếu phải xây thêm các bể chứa nước thải.

3. Mối nguy nào đến từ nước xả thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima?

Theo tiến sĩ Nigel Marks - phó giáo sư vật lý và thiên văn tại đại học Curtin, một đồng vị phóng xạ của hydro có tên tritium sẽ cần khoảng 60-100 năm để chuyển hóa hoàn toàn thành helium vô hại.

Tiến sĩ Marks cũng cho rằng nước thải từ nhà máy Fukushima vì thế sẽ không thể nào sạch hoàn toàn dù cho hầu hết nguyên tố phóng xạ có thể được lọc ra bằng Hệ thống Xử lý Chất lỏng Tiên tiến (ALPS).

waste
Nước thải từ nhà máy Fukushima sẽ khó có thể được làm sạch hoàn toàn, tuy nhiên được cho là không phải một mối đe dọa lớn | Nguồn: Reuters

Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Hong Kong, ông Luk Bing-Lam bày tỏ sự lo ngại lớn hơn. Ông cảnh báo nhiều chất phóng xạ khác như caesium-137 và strontium có thể vẫn tồn tại với nồng độ lớn trong nước thải tại nhà máy Fukushima.

Tuy nhiên, tiến sĩ Marks nhận định rằng sự hiện diện của tritium trong nước thải không phải mối lo ngại lớn. Lượng nước thải ra dự kiến mà chính phủ Nhật công bố cũng là quá nhỏ so với thể tích của đại dương và nó sẽ mau chóng bị pha loãng.

Tương tự, ông Luk cũng nhận định rằng nồng độ tritium trong nguồn nước thải này quá thấp, nên không có khả năng gây ung thư về lâu dài. “Chu kỳ bán thải sinh học của tritium là khoảng 10 ngày, có nghĩa là nó sẽ không tích tụ trong cơ thể của chúng ta quá lâu” - ông Luk cho biết thêm.

4. Nhật Bản giải thích thế nào về sự kiện này?

Theo chính phủ Nhật, kế hoạch xả nước thải ra đại dương là an toàn bởi nguồn nước này đã được xử lý để loại bỏ nguyên tố phóng xạ và sẽ được pha loãng.

“Chính phủ Nhật đã soạn thảo các chính sách cơ bản để xả lượng nước qua xử lý vào đại dương, sau khi đảm bảo mức độ an toàn của nước. Chính phủ cũng sẽ thực hiện nhiều biện pháp để ngăn tổn hại về danh tiếng", Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết trong cuộc họp báo ngày 13/04.

Theo chính phủ Nhật, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng ủng hộ kế hoạch, cho rằng nó tương tự quá trình xử lý nước thải của các nhà máy hạt nhân khác trên thế giới.

5. Sự việc này đang gặp phản ứng như thế nào?

Quyết định của chính phủ Nhật Bản hiện vấp phải sự phản đối cả từ trong nước lẫn khu vực và quốc tế. Theo ông Kanji Tachiya - người đứng đầu một hợp tác xã thủy sản ở Fukushima, quyết định này khiến nhiều cộng đồng ngư dân địa phương bất bình.

Chiến dịch quảng bá kêu gọi ủng hộ xả nước thải Fukushima ra biển của chính phủ Nhật Bản cũng bị buộc phải ngừng lại sau khi vấp phải sự phản đối từ người dân. Theo đó, sự xuất hiện của linh vật màu xanh được mô phỏng theo đồng vị phóng xạ tritium đã khiến người dân tỉnh Fukushima tức giận.

agains
Người dân Nhật tuần hành phản đối quyết định của chính phủ tại Tokyo | Nguồn: Global Times

Trên bình diện khu vực và quốc tế, quyết định của chính phủ Nhật Bản cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Trong các cuộc họp báo về phản ứng với sự việc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phản đối quyết định của Nhật Bản.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc họp nội bộ ngày 14/04 thậm chí kêu gọi ủng hộ quyết định kiện Nhật Bản lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển.

6. Liệu có giải pháp nào khác cho vấn đề này?

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, một phương án khác để xử lý nước thải là chờ bốc hơi. Giải pháp này cũng được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế coi là khả thi về mặt kĩ thuật. Tuy nhiên, giới chuyên môn dường như không ủng hộ thực hiện phương án này do hơi nước bốc lên có thể bay đi bất cứ đâu và không thể kiểm soát.

7. Đã có sự việc tương tự nào từng xảy ra chưa?

Trong quá khứ, Nhật Bản cũng từng hứng chịu hậu quả ô nhiễm môi trường từ xả thải công nghiệp. Từ năm 1932-1958, công ty Chisso đã xả thải ra vịnh Minamata thuộc tỉnh Kumamoto một lượng nước thải vô cùng lớn, biến vùng biển thuộc vịnh Minamata thành một “Vịnh chết”.

Chất thải từ công ty Chisso làm hệ sinh thái vịnh Minamata bị ô nhiễm thủy ngân, khiến người dân ăn những thực phẩm tại đây bị nhiễm độc. Đến nay, tại Nhật Bản vẫn còn nhiều trẻ sơ sinh bị dị tật do thủy ngân và hàng ngàn người hiện vẫn bị nhiễm độc thần kinh do "hội chứng" Minamata.

waste
Chất thải từ công ty Chisso đã biến vùng biển thuộc vịnh Minamata thành một “Vịnh chết” | Nguồn: VOV

Tiêu hủy chất thải hạt nhân tại nhà máy Fukushima là điều cần thiết để tiến tới dừng hoạt động hoàn toàn nhà máy. Tuy nhiên, việc xử lý nước thải trước khi đưa ra tự nhiên cần được thực hiện an toàn để đảm bảo ảnh hưởng tối thiểu đến môi trường.