Tại sao Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 02, 2022

Tại sao Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam?

Quan hệ thương mại song phương khăng khít, nguồn nhân lực dồi dào đa dạng, và một hệ sinh thái startup đang lớn mạnh là những yếu tố thu hút Singapore mạnh tay đầu tư vào Việt Nam.
Tại sao Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam?

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Suốt hai năm liên tục, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Với gần 7 tỉ đô la Mỹ, các công ty Singapore đã chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Việt Nam.

Những con số này không có dấu hiệu chững lại trong năm 2022. Gần đây, giới khởi nghiệp Việt Nam xôn xao trước tin tức Con Cưng – nhà bán lẻ sản phẩm mẹ và trẻ sơ sinh có tuổi đời chưa đầy một thập kỷ – nhận được khoản đầu tư khổng lồ tới 90 triệu đô la Mỹ.

Vòng đầu tư được dẫn dắt bởi Quadria Capital, nhà cung cấp quỹ đầu tư tư nhân tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Singapore. Khoảng đầu tư này đánh dấu bước đột phá thứ hai của Quadria Capital vào thị trường Việt Nam, sau khi mua lại Bệnh viện FV vào năm 2017.

Vào 19/1, TechCrunch đưa tin Ancient8 – một blockchain gaming guild (cộng đồng game thủ của một hay nhiều trò chơi) của Việt Nam – đã huy động thành công 4 triệu đô la Mỹ trong vòng gây vốn hạt giống. Số tiền này sẽ được dùng để Ancient8 phát triển các trò chơi P2E (play-to-earn: mô hình chơi để kiếm tiền) trên thế giới ảo metaverse của mình. Chỉ một ngày sau đó, báo đài lại tiếp tục đưa tin công ty khởi nghiệp thương mại xã hội Mio nhận được 8 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series A.

Cả hai vòng gọi vốn nêu trên đều do các công ty có trụ sở chính hoặc có chi nhánh tại Singapore là Dragonfly CapitalJungle Ventures dẫn đầu, cho thấy mối quan hệ hợp tác giữa Singapore và Việt Nam càng khăng khít.

Hiện có khoảng 2.700 dự án của công ty Singapore đã được phê duyệt tại Việt Nam. Như vậy, không chỉ các công ty trong nước mà ngay cả chính quyền Việt Nam cũng rất ủng hộ số vốn đầu từ khổng lồ sắp tới này.

Vào tháng 6/2021, chính phủ đã công khai khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, cụ thể là vào thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện đang có khoảng 30 dự án do các công ty Singapore quản lý với tổng giá trị lên đến gần 840 triệu đô la Mỹ.

Sức hút của Singapore với các doanh nghiệp đầu tư

Trước khi đi sâu vào những lý do Việt Nam là vùng đất màu mỡ thu hút nhiều vốn đầu tư từ các công ty Singapore, ta cần phải hiểu tại sao chính Singapore là trung tâm chủ lực cho các doanh nghiệp đầu tư.

Điều đầu tiên cần kể đến, chính là Singapore có nền kinh kế thị trường tự do rất phát triển, thậm chí còn được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng là nước có nền kinh tế cởi mở nhất trên toàn cầu. Vì lý do này mà Singapore được xem là nơi mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, đặc biệt là khi so với các nước khác trong khu vực ASEAN thì Singapore cho phép các nhà đầu tư được mạnh tay đầu tư vào các nền kinh tế láng giềng.

Ngoài ra, Singapore có một khung pháp lý vững chắc để giúp bảo vệ doanh nghiệp, tỷ lệ thuế doanh nghiệp thì thấp không quá 17%. Đồng thời, Singapore còn ký hiệp định thuế và hiệp ước thuế với nhiều quốc gia khác, và có cảnh quan chính trị ổn định.

Những điều này đều góp phần biến Singapore trở thành sân nhà lý tưởng cho nhiều công ty đang tìm đường phát triển trong khu vực lớn hơn.

Liên kết thương mại Singapore-Việt Nam

Các thoả thuận và liên kết thương mại từ trước đến nay giữa hai nước có vai trò quan trọng giúp thúc đẩy mối quan tâm đầu tư của Singapore vào Việt Nam.

Có thể kể đến là Hiệp định thương mại tự do ASEAN, các hoạt động thương mại song phương kể từ năm 2020 giữa hai nước đã đạt hơn 19 tỷ đô la Mỹ, những sửa đổi mới về luật doanh nghiệp và đầu tư Singapore, và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020.

Hơn nữa, vào tháng 6/2021, hai nước bắt đầu đàm phán về Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số, cho sự nhiệt tình và mong muốn của hai bên để giữ cho thương mại song phương tiếp tục phát triển.

Ngoài mối quan hệ giữa Việt Nam và Singapore, 14 hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với hơn 50 nền kinh tế trên thế giới cũng là điểm sáng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ bất cứ đâu.

Hệ sinh thái kinh doanh và thị trường tiêu dùng ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dù trong tình hình căng thẳng do đại dịch Covid-19, và mặc cho GDP và chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm trong thời gian qua, tầng lớp trung lưu trong nước vẫn đang tiếp tục gia tăng.

Đến năm 2035, dự kiến sẽ có hơn 50% dân số được xem là tầng lớp trung lưu. Điều này cho thấy lĩnh vực tiêu dùng và chi tiêu hộ gia đình có tiềm năng rất lớn. Khoản đầu tư 90 triệu đô la Quadia Capital rót vào Con Cưng cùng tầm nhìn cho ra mắt 2.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2025 là minh chứng cho việc các nhà đầu tư đang để mắt đến tín hiệu bùng nổ tầng lớp trung lưu trong tương lai.

Tuy nhiên, tiềm năng chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam không phải là yếu tố duy nhất thu hút các công ty Singapore đầu tư. Các yếu tố quan trọng khác bao gồm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, và sự nổi lên của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã giúp Việt Nam cán mốc 1 tỷ đô la vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2021.

Về nhân lực, do Việt Nam tập trung phát triển giáo dục STEM nên hiện có gần nửa triệu nhân lực thuộc ngành công nghệ thông tin trong nước, trong đó có gần 70% nằm ở độ tuổi từ 10 đến 34 (báo cáo từ TopDev).

Với khoảng 80.000 sinh viên công nghệ thông tin dự kiến tốt nghiệp mỗi năm, nguồn nhân lực trong nước vốn đã dồi dào này càng tăng trưởng. Quan trọng hơn là những nhân lực này đã sẵn sàng tiếp xúc với nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi Singapore và những nước khác càng mạnh tay đầu tư vào Việt Nam.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm