Năm 2019, tổng vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đạt con số kỷ lục 900 triệu USD. Đến năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu, con số này đã giảm còn 600 triệu USD. Tuy nhiên, đây không hẳn là một sự suy giảm “đáng báo động”.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có khả năng ứng phó và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng (2,9%) trong năm 2020. Với thành tích phục hồi và phát triển không ngừng, đến cuối năm nay, nhiều khả năng Việt Nam sẽ lần đầu tiên cán mốc 1 tỷ USD tổng vốn đầu tư mạo hiểm.
Vai trò của “Đề án 844”
Chính phủ Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đầu tư mạo hiểm, giúp các công ty khởi nghiệp trong nước thuận lợi tiếp cận nguồn vốn đầu tư.
Vào tháng 05/2016, Đề án 844, hay còn gọi là đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đã được giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Đúng như tên gọi, đề án hướng đến việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp thông qua quy định pháp lý, đào tạo phát triển, nâng cao năng lực xây dựng, hỗ trợ thực hiện và tăng tốc phát triển các hoạt động, cũng như phát triển mạng lưới ở các quy mô trong nước, khu vực, và toàn cầu.
Kể từ khi Đề án 844 được đưa vào hoạt động, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã không ngừng phát triển lớn mạnh, trở thành “điểm nóng” đầu tư trong khu vực. Trong năm 2021, đã có 4 công ty khởi nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách “100 to Watch” của Forbes Asia (100 công ty nhỏ và startup mới nổi đáng chú ý tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương), và nhiều công ty khác thành công huy động các khoản vốn đầu tư trị giá hàng triệu USD.
Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam: Giai đoạn 2016 - 2021
Năm 2016 vừa đánh dấu sự khởi động của Đề án 844, vừa được chính phủ Việt Nam công nhận là “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty có sự đột phá trên thị trường ở thời điểm đó đạt 200 triệu USD, là một con số đáng khích lệ.
Nhờ sự phát triển và tiến bộ không ngừng, vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp Việt đã tăng gấp hơn 4 lần trong vòng 3 năm sau đó, đạt 900 triệu USD vào năm 2019 - mức cao nhất từ trước đến nay.
Dù tác động của đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự chững lại trong đầu tư, nhưng tổng vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt mức 600 triệu USD. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhiều khả năng đầu tư mạo hiểm sẽ phục hồi và tăng trở lại trong năm nay.
Trên thực tế, dù tổng vốn đầu tư năm 2020 giảm khoảng 30% so với năm trước đó, nhưng số lượng thương vụ đầu tư chỉ giảm khoảng 17%. Các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn thận trọng với từng quyết định tài chính, tuy nhiên vẫn duy trì hợp tác.
Sau Quý 3 năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã đạt đến con số tổng của cả năm 2020. Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy - nhà sáng lập quỹ đầu tư Do Ventures, các thương vụ được kỳ vọng triển khai trong năm nay sẽ đưa tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, đánh dấu khả năng phục hồi phi thường trong bối cảnh khó khăn do đại dịch.
Vai trò của các nhà đầu tư
Được biết đến như một trung tâm khởi nghiệp, Việt Nam đã và đang thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó bao gồm các quỹ đầu tư đã đồng hành cùng doanh nghiệp Việt từ năm 2016 trở về trước, cũng như những nhà đầu tư mới tham gia trong thời gian gần đây.
Một trong những nỗ lực đưa tên tuổi doanh nghiệp Việt ra thế giới có thể kể đến hoạt động của các Quỹ đầu tư danh tiếng như CIG, Affirma Capital, hay KKR. Trong năm nay, Quỹ đầu tư toàn cầu KKR đã dẫn dắt vòng gọi vốn Series B trị giá 45 triệu USD vào KiotViet - nền tảng quản lý bán hàng hàng đầu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một tên tuổi đáng chú ý khác là ngân hàng HSBC Việt Nam. Vừa qua, HSBC Việt Nam đã hỗ trợ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ - General Atlantic và Dragoneer Investment Group - trong hoạt động đầu tư vào doanh nghiệp Việt.
Không chỉ nhà đầu tư quốc tế, mà các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam cũng góp phần không nhỏ trong quá trình hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến một số quỹ đầu tư danh tiếng như: 500 Startups Việt Nam, Kusto Việt Nam, Dragon Capital, VinaCapital Ventures, Zone Startup Ventures, và Mekong Capital - công ty vốn tư nhân tập trung vào Việt Nam, được thành lập từ cách đây 20 năm.
Trong số các quỹ đầu tư mới thành lập trong thời gian gần đây, một trong những cái tên đáng chú ý nhất là Do Ventures - quỹ đầu tư tập trung vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của TechCrunch, vào năm 2020, quỹ Do Ventures đã công bố ra mắt với quy mô 50 triệu USD, được hỗ trợ bởi các tổ chức đầu tư nổi tiếng như Naver, Sea, Vertex, và Woowa Brothers. Quỹ được thành lập với mục đích hỗ trợ các công ty khởi nghiệp B2C và B2B trong nước vượt qua suy thoái do đại dịch để tiếp tục tăng trưởng.
Không chỉ nhận được sự trợ giúp từ các tổ chức đầu tư, mà bản thân hai nhà đồng sáng lập Do Ventures - ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Lê Hoàng Uyên Vy - cũng từng là những nhà đầu tư vào một số công ty khởi nghiệp tạo tiếng vang lớn tại Việt Nam như Tiki.vn, Foody.vn, và CleverAds.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số
Tại Việt Nam, công nghệ là lĩnh vực thu hút phần lớn vốn đầu tư. Một vài tên tuổi tiên phong trong ứng dụng công nghệ như KiotViet và Kamereo - nền tảng phân phối thực phẩm B2B, đều đã thành công huy động các khoản vốn đầu tư lớn trong thời gian gần đây. Ngoài ra có thể kể đến một số doanh nghiệp khác như nền tảng tuyển dụng trực tuyến Siêu Việt, hay VNPay - công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech).
Sự ra đời của các công ty khởi nghiệp công nghệ Việt đã thu hút sự chú ý của FEBE Ventures - quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu tập trung vào thị trường Việt Nam, có trụ sở tại Singapore. Trong cuộc trò chuyện với Vietcetera đầu năm nay, ông Olivier Raussin - nhà đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc FEBE - đã chia sẻ, những lĩnh vực mà quỹ hiện tập trung đầu tư chính bao gồm công nghệ tài chính, logistics, công nghệ sức khỏe, và công nghệ giáo dục.
Hiện nay, các quỹ đầu tư danh tiếng luôn chú trọng tìm kiếm và hỗ trợ các công ty có tiềm năng đột phá trên thị trường. Mặt khác, người tiêu dùng Việt cũng ngày càng thông thạo công nghệ và sở hữu năng lực tài chính tăng cao.
Dù đại dịch chưa hoàn toàn chấm dứt, nhưng cùng với sự hỗ trợ từ phía chính phủ, đây chính là những điều kiện thuận lợi để thành lập hoặc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam trong thời điểm này.
Chia sẻ với The Japan News, Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures có trụ sở tại Singapore nhận định: đến năm 2022, Việt Nam sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 tại Đông Nam Á, sánh vai với hai quốc gia dẫn đầu hiện nay là Indonesia và Singapore.
Với tổng vốn đầu tư tăng mạnh trong năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai.
Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (gọi tắt là Đề án 844) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành vào ngày 18/5/2016 giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện. Đề án có mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân