Tăng 2 bậc hạnh phúc, Việt Nam vẫn "lọt top" 3 buồn bã nhất Đông Nam Á | Vietcetera
Billboard banner

Tăng 2 bậc hạnh phúc, Việt Nam vẫn "lọt top" 3 buồn bã nhất Đông Nam Á

Chuyện buồn vui nào ai nói trước được đâu.
Tăng 2 bậc hạnh phúc, Việt Nam vẫn "lọt top" 3 buồn bã nhất Đông Nam Á

Nguồn: Tran Phu/Unsplash

1. Chuyện gì vừa xảy ra?

Mới đây, công ty tư vấn và phân tích dữ liệu Gallup (Mỹ) đã công bố kết quả khảo sát về trạng thái cảm xúc (từ tích cực tới tiêu cực) của hơn 100 quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á.

Với tỷ lệ 27%, Việt Nam là quốc gia "buồn bã" thứ 3 Đông Nam Á. Đứng đầu về cái sự buồn ở trong khu vực chính là Campuchia (42%) và xếp thứ 2 là Philippines (35%).

Việt Nam cũng được liệt vào top 4 quốc gia về mức độ căng thẳng ở Đông Nam Á. Philipines, Thái Lan và Campuchia lần lượt chia nhau vị trí nhất, nhì, ba trong hạng mục này. Nhưng bù lại, 92% người Việt thực hiện khảo sát cho rằng họ cảm thấy được tôn trọng.

Bên cạnh đó, khảo sát của Gallup cũng chỉ ra, đất nước vừa lo lắng vừa căng thẳng lại buồn bã bậc nhất thế giới là Afghanistan. Các quốc gia Lebanon, Botswana, Rwanda và Zimbabwe nằm trong top 5.

2. Thước đo "quốc gia buồn bã" của khảo sát này là gì?

Gallup đã tiến hành khảo sát từ năm 2021 đến đầu 2022 để cho ra kết quả này. Những người từ 15 tuổi trở lên được lựa chọn trả lời "có", "không" hoặc "không biết hoặc từ chối trả lời" trong bảng câu hỏi nằm trong cuộc điều tra.

Công ty này đã dựa vào các chỉ số từ khảo sát để xây dựng các chỉ số trải nghiệm tích cực (PEI) và chỉ số trải nghiệm tiêu cực (NEI) trên toàn cầu.

  • PEI sẽ phản ánh cảm nhận của người được hỏi về tiêu chuẩn sống, tự do cá nhân và mạng lưới xã hội.
  • NEI sẽ phản ánh trải nghiệm của con người về các vấn đề sức khỏe cũng như khả năng đáp ứng về thực phẩm.

3. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các chỉ số đánh giá buồn bã của một quốc gia. Nhiều người cho rằng do tác động xấu của đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 và 2021 khiến cho các chỉ số tiêu cực về cảm xúc trở nên tăng cao hơn.

Tuy nhiên điều này cũng chưa hẳn đúng. Lấy ví dụ như Afghanistan, quốc gia được đánh giá là buồn bã nhất ngay cả trước khi đại dịch diễn ra. Ngoài vấn đề Taliban tiếp quản chính quyền gia tăng sự tiêu cực thì các vấn đề khác như lương thực, ý tế, chính trị… bất ổn của nước này cũng tác động đến tâm lý của người dân.

Mặt khác, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của năm 2022 là chỉ số lo lắng, căng thẳng đã giảm vào năm thứ 2 của Đại dịch Covid. Cụ thể, so với việc tăng 8% trong năm 2020, thì các chỉ số về lo lắng hay căng thẳng chỉ tăng 4% so với trước đại dịch.

4. Ở khảo sát nào Việt Nam lại trở thành nước hạnh phúc nhất trái đất?

Cũng trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2022 (World Happiness Report - WHR) cho thấy chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 2 bậc (vị trí 77) so với năm 2021. Đánh giá về "hạnh phúc" của WHR dựa trên các tiêu chí như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội.

Bên cạnh đó, một báo cáo khác công bố vào năm 2021 của Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội (New Economics Foundation, Anh) lại có đánh giá hoàn toàn khác. Theo đó, Việt Nam trở thành đất nước có chỉ số hạnh phúc thứ 5 thế giới và số 2 tại châu Á.

Cụ thể, tiêu chí đánh giá của hạnh phúc của New Economics Foundation là ở các điểm quan trọng như Dấu chân sinh thái, GDP bình quân đầu người, chỉ số thịnh vượng... Đặc biệt, theo NEF, Việt Nam có Dấu chân sinh thái (Ecological Footprint) vừa đủ để môi trường có thể tái sinh kịp với nhu cầu khai thác của con người.

5. Tại sao cùng 1 quốc gia lại buồn vui lẫn lộn?

Nếu lấy Việt Nam là ví dụ, chúng ta sẽ thấy nước mình quả thực hạnh phúc và buồn bã lẫn lộn. Ở khảo sát này chúng ta là nước buồn bã, nhưng ở khảo sát khác chúng ta là nước hạnh phúc nhất trái đất.

Cho ai chưa biết, theo một khảo sát của Nielsen, Việt Nam thường xuyên là quốc gia có mức độ lạc quan cao nhất trên toàn cầu.

Vậy Việt Nam là đất nước hạnh phúc hay buồn bã, nhiều lo lắng hay lạc quan? Câu trả lời an toàn nhất chính là đất nước chúng ta là tất cả những hạnh phúc, buồn bã, lạc quan…

Có thể nói, sự khác biệt ở trong các "bảng xếp hạng" về hạnh phúc hay buồn bã nằm ở các tiêu chí đánh giá. Với mỗi tiêu chí khác nhau sẽ có những bộ câu hỏi và khảo sát, từ đó những đánh giá khác nhau. Chúng ta có thể nhìn vào các bảng xếp hạng để tham khảo thay vì đưa ra những kết luận 1 chiều về các chỉ số liên quan đến cảm xúc như hạnh phúc hay buồn bã.