Đó là những đêm 8-9 giờ ngoài trời tối mịt, thời gian lỡ cỡ nhưng vẫn dở dang công việc ở văn phòng. Làm thêm giờ (overtime - OT) gần như đã trở thành 1 văn hóa của người đi làm đặc biệt với các nhân sự agency vào mùa “job gấp” như Tết, mùa mua sắm, hay các event hội hè. Có khi OT đến 9h tối về đến nhà vẫn mở máy làm tiếp đến khuya.
Vì đặc tính công việc yêu cầu sự linh hoạt dẻo dai, lắm lúc ta thảnh thơi cả ngày ở văn phòng để rồi 6h nhận ngay chiếc task trên trời rơi xuống “Làm gấp cái này nhé em, mai khách cần sớm”. Nên nhận lời làm ngay để giúp team và tạo uy tín trong lòng sếp, hay từ chối khéo vì nhà còn bao việc?
Trước khi học cách từ chối OT, ta cần hiểu rõ Luật Lao động quy định như thế nào về làm thêm ngoài giờ để không có những nước đi sai lầm. Theo Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi:
- Được sự đồng ý của người lao động.
- Trừ những trường hợp đặc biệt, phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc 01 ngày. Nghĩa là nếu bạn làm 8 tiếng, bạn chỉ OT từ 4 tiếng đổ lại.
- Người lao động sẽ hưởng lương làm thêm giờ nhân hệ số, tùy thuộc vào tính chất công việc.
- Người lao động có quyền từ chối nếu công việc làm thêm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng theo quy định của pháp luật.
Dù có nhiều quan điểm rằng OT là “quy tắc ngầm” để đánh giá kỹ năng giải quyết vấn đề của nhân viên, dân văn phòng vẫn cần work - life balance để biết khéo léo từ chối nói không với OT, đúng nơi đúng chỗ.
Vậy OT như nào thì nên từ chối? Theo bài viết When — and How — to Say No to Extra Work được đăng tải trên Harvard Business, có 03 tình huống “red flag” trong OT trông có vẻ vô hại nhưng lại hại vô cùng nếu bạn thỏa hiệp để mình rơi vào vòng lặp OT không hồi kết. 03 tình huống đó là gì? Và ta sẽ từ chối với sếp thế nào cho khéo?
1. Khi OT việc nằm ngoài mô tả công việc khiến nhiệm vụ chính bị ảnh hưởng
Hãy tưởng tượng bạn là nhân sự Marketing, nhưng luôn phải OT công việc của team Product (làm về sản phẩm). Vì lý do thiếu nhân sự, bạn buộc phải “3 đầu 6 tay” và tự nhủ OT việc ngoài chuyên môn cũng không sao vì ít nhất mình có thể học thêm nhiều kỹ năng mới. Nhưng đó là khi mọi chuyện còn nằm trong tầm kiểm soát.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn phải OT việc ở ngoài JD (job description) quá lâu?
- Bạn phải hy sinh thời gian xử lý công việc chính để làm công việc phụ.
- Bạn khó đảm bảo đầu ra công việc cho sếp, ví dụ chỉ sản xuất được 3 thay vì 5 thành phẩm như trước vì thiếu thời gian.
- Nguy cơ bị “oan” khi cấp trên đánh giá thấp chất lượng/năng lực của bạn mà không nhìn nhận quá cao việc bạn hoàn thành xuất sắc công việc OT phụ kia. Vì dù sao họ cũng tuyển bạn vào để làm việc A, không phải B.
- Vừa làm vừa “học” thêm vì không phải chuyên môn, có lúc sẽ bế tắc và mệt mỏi.
- Sức khỏe thể chất đi xuống vì mất cân bằng thời gian biểu trong nhiều ngày.
Bạn có thể thấy bất công vì những nỗ lực gồng gánh công việc cả trong và ngoài JD của mình không thực sự được công nhận. Lúc này một số người thẳng tính sẽ lên tiếng minh oan cho bản thân “Em xin không OT nữa vì nó không nằm trong JD của em”.
Đây là một nước đi đúng nhưng chưa khôn ngoan. Harvard Business khuyên ta có thể chọn cách xử lý khéo léo hơn bằng cách đưa ra giải pháp có lợi cho tất-cả-mọi-người.
Nghĩa là, bạn không chỉ xin nghỉ OT, mà còn nhấn mạnh việc bạn nghỉ OT sẽ có lợi cho cả đôi bên. Bạn có thể thử:
- Em xin nghỉ OT để tập trung vào dự án chính của công ty đợt này, là dự án mà tất cả chúng ta đều cần cố gắng.
- Nếu tiếp tục OT em sẽ không đủ thời gian cho cả 2 team dẫn đến không cái nào trọn vẹn.
- Nghỉ OT làm tốt công việc team em thì team bạn mới có nguyên liệu để sản xuất tốt (nếu tính chất công việc cả 2 team liên kết với nhau như Sales và Marketing).
2. Khi “OT giùm” việc của người khác mà họ không có lý do nghỉ chính đáng
Đồng nghiệp xin nghỉ ốm tuần này, về quê tuần sau, đi công tác tuần tới khiến bạn đơn thân độc mã một mình làm việc của 2 mình. Những lý do nghỉ làm thuyết phục đến nỗi bạn cắn rứt lương tâm khi từ chối, một phần vì nếu bạn không làm thì cũng chẳng ai làm nữa.
Đồng cảm và giúp đỡ nhau để hoàn thành mục tiêu chung là tất yếu trong công việc, nhưng hãy tỉnh táo nếu đồng đội được nước làm tới với những lý do nghỉ làm ngày càng vô lý. Khi nhận ra cán cân công việc bắt đầu sai lệch, phải cư xử ra sao để mình đỡ nặng gánh và đồng đội biết ý thức hơn?
Hãy đến gặp sếp trao đổi với 2 bước sau:
1/ Làm rõ rằng bạn không ổn khi phải chen ngang xử lý luồng công việc đang dang dở của đồng nghiệp, và nếu để họ theo sát từ A-Z sẽ tốt hơn.
2/ Nếu sếp muốn bạn kiêm thêm lượng công việc của đồng nghiệp, hãy đặt ra kỳ vọng được thăng tiến/khen thưởng xứng đáng cho bạn như một thỏa thuận win-win giữa 2 bên.
3. Khi OT một dự án không rõ đầu đuôi, có nguy cơ phải “cày” mãi mãi
Sếp mới thêm bạn vào 1 nhóm dự án mới, không rõ kéo dài trong bao lâu và vai trò của bạn trong dự án này là gì. Chỉ biết rằng công việc đang gấp và có nguy cơ phải ở lại sau giờ hành chính mỗi ngày.
Đừng vì cả nể mà nhắm mắt làm ngơ trước “red flag” của dự án. Bạn sẽ hối hận nếu một ngày không thoát ra được guồng quay OT khi dự án đang lưng chừng, ở không được mà rút cũng không xong.
Vậy thì nên làm gì để “chừa đường lui” cho bản thân?
Việc đầu tiên bạn cần làm là hiểu rõ các cột mốc thời gian và khối lượng công việc của chính mình trong dự án. Sau khi có được thông tin, đây là những tín hiệu dự báo một công việc “cờ đỏ” mà bạn nên từ chối:
- Mơ hồ về các cột mốc thời gian quan trọng, chưa rõ bao giờ kết thúc.
- Mông lung về vị trí của bạn trong dự án: Họ sẽ cần bạn trong bao lâu? Cần bạn làm đầu việc gì?
- Lấy “gấp” làm tiền đề để bình thường hóa chuyện deadline trong ngày, OT đêm khuya liên tục.
Không phải ai cũng có thể từ chối khi đã được sếp chỉ định. Bạn có thể cân nhắc khối lượng công việc hiện tại của mình để tìm đường ứng xử. Dưới đây là cách rút lui thông minh ít gây mất lòng cấp trên:
- Cám ơn vì cơ hội tham gia dự án mà sếp trao cho bạn.
- Thể hiện rằng bạn rất sẵn lòng giúp đỡ, bạn chỉ đang kẹt thời gian và sẽ không thể làm tròn trách nhiệm.
- Trao đổi về phần trăm công việc bạn có thể hỗ trợ dự án, ví dụ tham gia họp brainstorm ý tưởng, chỉ làm cố vấn chứ không tham gia sâu.
- Gợi ý một số nhân sự freelancers từ mối quan hệ của bạn để thay thế phần việc của bạn nếu cần gấp.
Kết
Học cách nói “Không” có thể là thử thách với một số người với thói quen cả nể, nhường nhịn, đặc biệt là nói không ở công sở. Từ chối khéo để không mất lòng ai cũng là một nghệ thuật, và biết cách nói không sẽ giúp bạn củng cố sự tự tin, làm chủ bản thân để trưởng thành hơn khi đi làm.