Tết là gì trong mắt một người không thích Tết? | Vietcetera
Billboard banner

Tết là gì trong mắt một người không thích Tết?

Tết cũng như gia đình - "giận thì giận, mà thương thì thương".
Tết là gì trong mắt một người không thích Tết?

Nguồn: Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera.

am-bung-an-long

Thành thật mà nói, tôi chưa bao giờ thích Tết.

Cái Tết đầu tiên đọng lại trong ký ức của tôi là năm lớp 1, khi cô giáo “lì xì” cả lớp bằng một chồng bài tập về nhà. Lớn thêm một chút thì tôi lờ mờ nhận ra Tết nghĩa là phải làm ti tỉ thứ không tên để dọn dẹp nhà cửa. Rồi nhớ cả những cái Tết ngồi nhà tiếp khách khi bố mẹ đi vắng, ngượng nghịu nói vài câu xã giao tẻ nhạt...

Nhưng sau này, khi ra nước ngoài sống xa gia đình, tôi lại thấy tủi thân mỗi dịp Tết về.

Có một năm tôi đi học đúng ngày mồng một Tết. Giữa một rừng các bạn Tây mắt xanh, tóc vàng, một cô bạn người Châu Á nhỏ bé xen vào giữa dòng người, chỉ để níu tay tôi lại thì thầm: “Chi, chúc mừng năm mới cậu nhé!”. Chỉ vậy thôi mà tôi cảm động tới rơi nước mắt.

Có lẽ cái gì phải khi mất đi rồi ta mới hiểu được hết giá trị của nó.

Tết gia đình Việt phiên bản tối giản

Khi bắt đầu có gia đình riêng ở nước ngoài, tôi có cảm giác mình muốn làm điều gì đó đặc biệt cho ngày Tết, để gia đình mình vẫn có cảm giác là một “gia đình Việt”.

Tuy vậy, tôi không muốn lặp lại những điểm mình không thích về Tết khi còn nhỏ và muốn tập trung nhiều hơn vào những điểm giá trị nhất của Tết, dưới cảm nhận của riêng tôi. Bởi vậy, những năm trở lại đây, tôi tạo ra một “phiên bản Tết” cho riêng mình - một cái Tết tối giản.

Ngày Tết của gia đình tôi thường được bắt đầu bằng việc nhận những món quà nhỏ mà ý nghĩa từ người thân. Ví dụ như, những chiếc bánh chưng mẹ chồng tôi tự gói mang tới, mấy hộp mứt kẹo mẹ đẻ tôi gửi từ Việt Nam sang, một chiếc áo dài xinh xinh người bạn tôi tặng cho em bé...

Những moacuten quagrave nhỏ thocirci cũng tạo necircn một bầu khiacute Tết ấm cuacuteng
Những món quà nhỏ thôi cũng tạo nên một bầu không khí Tết ấm cúng.

Rồi tới ngày 23 tháng Chạp, lễ cúng ông Công, ông Táo của gia đình tôi thường chỉ là một liễn hoa quả nhỏ để dưới bậu cửa sổ. Thế nhưng, nó chứa đựng nhiều tấm lòng của một người con xa xứ nghĩ về quê hương và gia đình trong ngày Tết.

Cứ như thế, ba ngày Tết của gia đình tôi xoay quanh bánh chưng, mứt kẹo, mấy món Việt Nam mà tôi tranh thủ xào nấu, và hoa quả thụ lộc từ ông Công, ông Táo. Tất cả đều gọn gàng, vừa xinh vừa thư giãn cho gia đình nhỏ.

Vợ chồng tôi vẫn giữ phong tục “lì xì” cho con. Tuy nhiên, thay vì đưa cho con tiền mặt, bỏ heo đất hay giữ tiền hộ con, vợ chồng tôi gửi tới “529 Plan”. Đây là một quỹ tiết kiệm khuyến học có lãi suất ổn định tại Mỹ để đầu tư cho việc học đại học sau này của bé.

Con trai tôi mới lên ba tuổi và thi thoảng lắm bé mới nhận được lì xì. Thế nhưng vì chăm chỉ gửi vào tài khoản sinh lãi như thế, nên tới nay quỹ của bé đã là một con số không hề nhỏ.

Điều tôi thích nhất vào ngày Tết là gọi điện về Việt Nam để chúc mừng năm mới gia đình đúng đêm giao thừa.

Qua điện thoại, tôi có thể nghe thấy tiếng pháo hoa, tiếng ti-vi đang chiếu chương trình Táo quân, tiếng mọi người chúc nhau đầy phấn khởi... Và tôi cảm giác, mình như đang được ở nhà vậy.

Yêu Tết lại từ đầu

Khi đã trưởng thành và nghĩ lại những kỷ niệm ngày Tết, tôi nhận ra rằng Tết thực ra không “đáng ghét” như mình từng nghĩ. Yêu hay ghét chỉ là cảm nhận của con người, chứ Tết không có lỗi.

Nếu ai cũng có thể giản lược đi những thứ hình thức không đáng có mà tập trung vào những giá trị cốt lõi của ngày Tết, Tết sẽ vui hơn nhiều.

Dưới đây là một số điều tích cực tôi thường nghĩ về trong những dịp Tết.

1. Tết là dịp định nghĩa lại hai chữ “gia đình”

Gia đình không phải lúc nào cũng là chốn bình yên, đặc biệt trong những ngày cận Tết tất bật, có phần căng thẳng. Nhưng nó luôn là nơi cho ta cảm giác dù ở xa đến đâu cũng được an ủi: “À, ở nơi đó, mình có một mái nhà”.

Tôi từng nghe ai đó nói rằng: “Còn bố, còn mẹ, còn tuổi thơ”. Câu nói ấy thật đúng khi nghĩ về ngày Tết. Tết có bố, có mẹ là trọn vẹn nhất. Kể cả khi đã lớn, đã có gia đình riêng, Tết vẫn gợi nhớ về gia đình của ngày mình còn bé bỏng.

Khi bố mẹ không còn thì vẫn có thể vui vầy với anh chị em, họ hàng, con cháu nhưng đó đã là một cái Tết khác rồi. Tết vì thế là dịp định nghĩa lại hai chữ “gia đình” trong mỗi con người.

Đó là khi ta nhận ra không ai hoàn hảo. Dù ta không được tự chọn lựa nơi mình sinh ra, nhưng gia đình vẫn là gia đình - nơi yêu thương xuất phát từ máu mủ, tình thân.

2. Tết là cơ hội để khám phá và yêu thêm những giá trị truyền thống

Dù có không thích Tết đến thế nào, tôi tin là hầu hết chúng ta không ai chê được những món ăn ngon ngày Tết: bánh chưng, củ kiệu, canh bóng, canh măng, nem rán/chả giò, bánh mứt kẹo... Mâm cơm cúng ngày Tết thể hiện bao nhiêu tinh hoa ẩm thực truyền thống Việt Nam.

Nhưng cái tôi thích nhất là mùi hương trầm đốt ngày Tết. Có thể trong ngày rằm/mùng một, nhà nào cũng thắp hương, nhưng mùi hương ngày Tết có một cái gì đó khác hẳn bình thường. Đối với tôi, đó là sự cộng hưởng của không khí thành tâm và trang nghiêm.

Tôi thích những đêm 30 leo lên tầng thượng căn nhà cũ của ba mẹ. Ở đó tôi được hít hà mùi trầm hương quyện trên bàn thờ gỗ, nhìn ánh nến đỏ rực rỡ phản chiếu lên cái mâm đồng, nghe tiếng ba nhẩm khấn cầu cho một năm mới bình an, phát đạt.

Rồi những đêm 30 lên chùa cầu may với mẹ dưới tiết trời se se lạnh. Những cái Tết mang cành lộc, cây mía về nhà xông đất. Những cái Tết đợi hết hương thụ lộc để sắp hộp mứt kẹo đón khách.

Và bây giờ là những cái Tết xa nhà cố mua một cái bánh chưng bé tí xíu, đắt vô cùng ở chợ Châu Á, mở ra bên trong toàn lá chuối với ny-lông. Ấy thế mà trong lòng cũng thấy vui vui vì dù giản đơn vậy thôi, mình vẫn có Tết.

Nhigraven thấy chiếc baacutenh chưng beacute tiacute thocirci cũng thấy Tết
Nhìn thấy chiếc bánh chưng bé tí thôi cũng thấy Tết.

3. Tết là cơ hội để mọi người trao nhau những thông điệp tích cực

Vốn là một đứa trẻ nhút nhát, nhạy cảm, khi còn nhỏ, tôi rất ngại nói những lời chúc Tết. Tôi từng thấy những lời chúc “sức khoẻ, an khang, thịnh vượng…” cứ công thức thế nào. Việc nói chúng liên tục trong những ngày Tết có cảm giác gì đó rất xã giao.

Nhưng càng lớn lên, nhất là khi có gia đình riêng và khi ba mẹ, ông bà ngày một lớn tuổi hơn, tôi trân trọng hơn những lời chúc ấy. Bởi cho cùng, chúng đều hướng đến điều tích cực cho người tôi yêu thương.

Tôi cũng dần học cách chúc theo đúng những gì từ trong tâm mình mong cho mọi người, thay vì chỉ mồm mép công thức. Nhờ đó, tôi cảm thấy vui hơn, tự nhiên hơn khi chúc Tết.

Có mấy khi trong năm mà mọi người tươi cười, trao cho nhau những lời hay ý đẹp nhiều như thế? Bởi vậy, Tết cũng là cơ hội để rèn luyện tư duy tích cực và mở lòng đón nhận những thông điệp tích cực từ người khác.

4. Tết là cột mốc để kết lại cái cũ, mở ra cái mới

Một trong những tục lệ có vẻ hơi buồn cười nhưng là một trong những điều tôi thích nhất ở ngày cuối năm, đó là “tắm Tất niên”.

Sau những ngày cận Tết lu bu, nhất là chiều cuối năm, thì buổi tắm Tất niên là dịp mọi người trút đi những bụi bẩn, phiền ưu của năm cũ, để xuất hiện sạch sẽ, tươi tỉnh đón năm mới. Rất nhiều tục lệ nho nhỏ khác trước đêm 30 cũng có cùng mục đích này, như bao sái bàn thờ, đổ rác, cắt tóc…

Với ý nghĩa kết lại cái cũ và mở ra cái mới như thế, Tết cũng đem lại cho mọi người cảm nhận về niềm hy vọng mới và sự tin tưởng vào thay đổi tích cực. Có lẽ ai trong chúng ta cũng cần cơ hội để làm chậm lại guồng quay cuộc sống xuống một nhịp nhẹ nhàng như vậy.

5. "Tết" là của người Việt

Sống lâu ở nước ngoài mới biết Tết có ý nghĩa dân tộc thiêng liêng như thế nào. Tết là một ngày lễ rất riêng của người Việt, là niềm tự hào của mọi người con xa xứ.

Tôi xúc động mỗi khi được nói: “Happy Tết!”, chứ không phải “Happy Chinese New Year” hay “Happy Lunar New Year”. Không người Việt nào là không biết đến Tết. Và có lẽ, những ai không biết đến Tết cũng không thể cho mình là người Việt.

Kết

Với tất cả những ai đang ăn Tết ở quê nhà, ở nơi xa, và ở trong tâm tưởng, tôi chúc mọi người một cái Tết an lành và một năm mới tràn ngập hạnh phúc, tiếng cười.

Hãy cứ ghét những gì không hay của ngày Tết, nhưng hãy cứ yêu những gì tuyệt vời của ngày Tết. Bởi Tết cũng như gia đình - “giận thì giận, mà thương thì thương”.

Dù có thế nào ta cũng không thể dứt bỏ được, vì sâu thẳm bên trong tâm hồn, ta biết ta yêu, ta tự hào, và ta trân trọng những gì mình đang có.

Manwah Delivery ra đời với mong muốn đưa lại trải nghiệm tối giản thời gian trong bếp, nhưng vẫn có một bữa tiệc sum vầy thịnh soạn cho gia đình bạn. Dịp lễ Tết cuối năm nay, ngại nấu nướng thì chọn ngay Manwah về nhà để Thưởng Lẩu cùng người thân yêu bạn nhé: https://www.facebook.com/Manwah.Taiwanese.Hotpot.GoldenGateGroup/