Than thân trách phận: Những suy tưởng và ẩn ý đằng sau tiếng kêu trời | Vietcetera
Billboard banner

Than thân trách phận: Những suy tưởng và ẩn ý đằng sau tiếng kêu trời

Nếu "truyền thống" là những phong tục, hành động có từ ngàn đời nay của một cộng đồng, thì than thân ắt phải là một truyền thống lâu đời.
Than thân trách phận: Những suy tưởng và ẩn ý đằng sau tiếng kêu trời

Nguồn: Pexels

“Trời ơi! Sao tôi khổ thế này!”

Đây có thể coi là câu than thở “quốc dân” của người Việt Nam. Ngay cả trong tiếng nước ngoài, ta cũng có những phiên bản kêu trời khác nhau, ví dụ như “Oh my God” của tiếng Anh. Dù việc than vãn không giúp ta giải quyết vấn đề, nhưng ai cũng có nhu cầu nói ra nỗi lòng của mình.

Than thân trách phận thường bị đóng khung là một thói quen, nếp sống xấu vì nó đổ lỗi cho cuộc đời trước những điều khó khăn và không may mắn, chứ không bao giờ tự xem xét trách nhiệm của bản thân. Nhưng nếu chỉ nhìn vấn đề ở mặt nhị nguyên, tốt hoặc xấu, đúng hoặc sai, ta có thể bỏ qua rất nhiều ý nghĩa ẩn dụ, về nguồn gốc và ngữ cảnh của sự than thân.

Trong khi đó, than thân trách phận đã luôn là một hiện tượng văn hoá phổ biến, có lịch sử lâu dài, và quan trọng đến độ cần phải được nghiên cứu, nghiêm túc nghĩ về. Hành động than thân trách phận của người Việt gắn liền với sự hình thành nền tảng triết học của họ.

Ông Trời là ông nào? Và sao kể khổ cứ nhất thiết phải kêu giời?

Bản thân cụm từ “than thân trách phận”, không cần phải cố gắng phức tạp hoá, thì cũng đã hàm ẩn nhiều quan niệm triết học vô cùng quan trọng. Hãy thử nghĩ xem, khi một ai đó kêu lên “trời ơi là trời!” thì “trời” được hiểu là thực thể nào? “Ông Trời” được hiểu như một nhân vật toàn năng như Thượng đế, hay ám chỉ tổng thể vũ trụ và tất cả mọi thứ bị nó chứa đựng?

Khi một người than “Trời ơi, tại sao tôi khổ thế này?” thì chữ “trời” ở đây có thể chỉ yếu tố tự nhiên. Nhưng tự nhiên mà ta nói tới ở đây không chỉ dừng lại ở bầu trời, dòng sông, những triền đồi, mà ám chỉ những ngoại lực tác động lên đời sống của con người. Ngoại lực này không thể được điều khiển bởi ý muốn hay ý chí cá nhân, mà chúng nằm hoàn toàn bên ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Thế giới thiên nhiên với người xưa là một thế giới màu nhiệm, bởi vạn vật hữu linh. Người phương Đông tìm cách sống hài hòa với tự nhiên như một cách trân trọng thiên nhiên và năng lực của nó, thay vì cố gắng kiểm soát mọi thứ. Cuộc sống giữa con người với thiên nhiên giống như một tổng thể thống nhất chứ không tồn tại biệt lập hay chống trả lẫn nhau.

20oct2022image003jpg
Nền văn minh lúa nước là hiện thân của sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. | Nguồn: Redsvn

Nhưng nếu trời đất giao hoà, vạn vật sinh sôi như vậy, thì tại sao con người phải đau khổ và than trời than đất? Đó là bởi trong quan niệm của họ, chính trời đất là bàn tay nhào nặn nên số phận của họ.

Hiểu một cách đơn giản, con người là do trời đất, thiên nhiên sinh ra, vì thế mặc nhiên, con người bị ấn định số phận bởi những yếu tố siêu hình. Giống như chiếc lá trôi theo dòng nước, chúng ta trôi theo dòng đời.

Nỗi than thân trách phận không đơn thuần chỉ là lời nói oán trách từ kẻ nói là con người, đến kẻ nghe là thần linh, số phận. Khi thứ điều khiển chúng ta là toàn bộ tất cả các ngoại lực, là thiên nhiên, là tổng hòa của mọi thứ, thì nỗi oán than nhắm vào việc bị mắc kẹt ở một vị trí duy nhất. Nỗi oán than nhắm vào những gì không thể đổi thay, chính vì thế nên ta mới chất vấn ngược lại trời đất về số mệnh của mình.

Một nền văn hóa than thở

Văn học dân gian của nước ta có hẳn một thể loại dành riêng cho việc than thở và kể khổ, đó là những câu ca dao than thân bắt đầu bằng cụm “thương thay…” ví dụ như: “Thương thay thân phận con tằm/Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.” Qua đó, người Việt thể hiện tư duy dung hòa, đồng bộ với trời đất thông qua những hình ảnh ẩn dụ về thế giới vật chất, về các loài động vật, cỏ cây, cho đến hiện tượng tự nhiên.

Trong văn chương, chúng ta đã quen thuộc với những Truyện Kiều, Đời Thừa, Lão Hạc, Vợ chồng A Phủ, hay Chiếc thuyền ngoài xa. Tất cả đều xây dựng hình ảnh những con người khốn khổ chật vật đang cố gắng thoát ly khỏi cuộc sống vốn có nhưng đành bất lực trước số mệnh.

20oct2022maxresdefault2jpg
Thương Lão Hạc ghê cơ... | Nguồn: Làng Vũ Đại ngày ấy

Họ hoặc là chọn một cái kết tăm tối cho cuộc đời, hoăc là đành để số phận bóp nghẹt mình trong sự khốn khổ đến vô cùng. Ngay cả trong văn học - nơi con người thoát ly thực tại và cuộc sống nhiều khổ đau, chúng ta vẫn không thể chống lại số mệnh cũng như bàn tay số phận đã sắp đặt trước.

Những dẫn chứng cho thấy việc than thở, kể khổ nhiều khi chưa hẳn đã là vì một người thiếu nghị lực hay né tránh trách nhiệm. Đằng sau hành động than thân trách phận là rất nhiều quan niệm định vị cách người Việt hiểu về bản thân mình.

Ấy vậy mà có những cáo buộc cho rằng một người than vãn hoặc bộc bạch về những khó khăn đến với bản thân mà không thể giải quyết được, từ vấn đề về tâm lý, quấy rối tình dục, cho đến phân biệt kỳ thị và bất bình đẳng xã hội, đều bị lên án là đóng vai nạn nhân.

Đây là biểu hiện của việc chúng ta đang sống trong một xã hội quá đề cao tính tự thân, như sự cố gắng tự thân, sự vươn lên của con người cá nhân, hay thành tựu của “bạn và chỉ một mình bạn mà thôi.” Trong khi đó, lời than thân không những là một di sản ngôn ngữ nhằm lưu truyền hoàn cảnh sống của người Việt, mà nó còn khắc hoạ đủ đầy vũ trụ quan mà chúng ta đã hình thành trong lịch sử, dù nhiều biến động ngoại cảnh đã xảy ra.

Kết

Như vậy, ta có thể thấy rằng có những lối sống và lối tư duy với chiều kích văn hóa lớn đang ẩn nấp sau hành động than thân. Những ẩn ý đằng sau hành động này thú vị hơn rất nhiều so với việc bình phẩm theo kiểu nâng cao quan điểm hay phê phán một chiều mà không suy tính tới ngọn nguồn văn hóa của hiện tượng.

Lời than thân bản thân nó không xấu, dù trong những trường hợp nhất định thì nó có thể mang hàm ý tiêu cực và năng lượng tiêu cực. Nhưng bên cạnh đó, nó cũng thể hiện rằng húng ta luôn có ý thức về việc cuộc sống của con người và sự tiếp diễn của thế giới xung quanh xảy ra đồng thời, và hài hoà giao kết với nhau, chứ không có yếu tố nào chính, không có yếu tố nào phụ.

Do đó, thay vì đổ thừa rằng con người không biết cố gắng, hoặc thiên nhiên, cuộc sống quá khắc nghiệt, thì sự than thân làm mối quan hệ giữa con người và thứ định đoạt số phận của mình ngày càng trở nên bền chặt hơn.

Bài viết là phần mở rộng nội dung của Podcast Chuyện bé xé to, episode 4: Than thân trách phận