Oddly Normal #1: Hành trình Việt ngữ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
21 Thg 10, 2022
Triết Học

Oddly Normal #1: Hành trình Việt ngữ

Bạn đã bao giờ tự hỏi, tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã phát triển thế nào?
Oddly Normal #1: Hành trình Việt ngữ

Một số chi ngôn ngữ tại Đông Nam Á và Nam Á. | Nguồn: Wikipedia

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.”

Câu nói từ một thế kỷ trước của nhà trí thức Phạm Quỳnh cho thấy tầm quan trọng của tiếng Việt trong đời sống hàng ngày và đối với cả cộng đồng cũng như dân tộc. Không riêng gì tiếng Việt, ngôn ngữ luôn có năng lực gắn kết và kiến tạo, thay vì chỉ là một công cụ giao tiếp đơn thuần.

Câu hỏi về nguồn gốc và sự phát triển của tiếng Việt trong lịch sử là một vấn đề dai dẳng với các nhà ngôn ngữ học, sử học, và nhân học. Việc truy ngược hành trình vận động của ngôn ngữ này giúp chúng ta hiểu thêm về mối quan hệ của tiếng Việt với các ngôn ngữ khác. Từ đó, góp phần phản ánh mối quan hệ của cộng đồng người Việt với các cộng đồng dân cư khác.

Vậy chính xác thì tiếng Việt đã phát triển thế nào? Liệu tiếng nói từ thời các vị vua phong kiến, hay xa hơn nữa là thời Bắc thuộc, có giống ngôn ngữ chúng ta nói hiện tại? Hãy cùng Vietcetera và Oddly Normal tìm hiểu về cách ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta có hình hài như ngày hôm nay.

Tiếng Việt và những ngôn ngữ “hàng xóm”

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy tiếng Việt thuộc nhóm Việt-Mường, ngữ chi Việt (Vietic) trong ngữ hệ Nam Á. Một số nhà nghiên cứu không đồng ý với nhận định này, bởi các ngôn ngữ trong ngữ hệ Nam Á vốn không có thanh điệu và có hệ thống ngữ âm rất phức tạp, trong khi tiếng Việt thì đa thanh và đơn âm (một từ tương đương với một âm tiết).

Thông qua việc so sánh tiếng Việt với những ngôn ngữ lân cận, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ngoài nhóm Việt-Mường, tiếng Việt có mối quan hệ mật thiết với hai nhóm ngôn ngữ khác. Đầu tiên là ngữ hệ Hán-Tạng ở phía Bắc, với đại diện nổi bật là tiếng Hán, tiếng Tạng, và tiếng Miến, phân bố chủ yếu tại vùng phía Bắc Ấn Độ và Myanmar, khu vực dãy Himalaya, và nhiều khu vực ở Trung Quốc.

Một số người cho rằng tiếng Việt có thể bắt nguồn từ ngữ hệ này do sự tương đồng về thanh điệu và từ vựng giữa tiếng Việt với tiếng Hán. Bên cạnh đó, tiếng Việt và tiếng Hán đều là ngôn ngữ đơn âm.

18oct20221jpg
Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ. | Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Người ta còn chỉ ra được những sự tương đồng trong nhóm từ vựng cơ bản giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ thuộc nhóm Tày-Thái trong ngữ hệ Tai-Kadai tại Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc, với đại diện tiêu biểu là tiếng Thái. Dựa vào luận điểm này mà cách đây khoảng một thế kỷ, Henri Maspero - học giả người Pháp thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ - đưa ra giả thuyết rằng tiếng Việt thực chất có nguồn gốc từ nhóm Tày-Thái.

Thế nhưng các nghiên cứu hiện đại đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục cho thấy tiếng Việt thuộc nhóm Việt-Mường. Một trong những bằng chứng đã cho thấy khoảng 50% từ vựng cơ bản của tiếng Việt bắt nguồn từ các ngôn ngữ trong ngữ hệ Nam Á nguyên thủy.

Chính sự ảnh hưởng từ nhóm Hán-Tạng và nhóm Tày-Thái đã đơn âm hóa tiếng Việt và bổ sung tính đa thanh vào ngôn ngữ của chúng ta. Trong quá trình đơn âm hóa, nhiều từ vựng từ hai nhóm này được “kết nạp” vào tiếng Việt. Điều này phù hợp với lịch sử cư dân tại vùng Đông Nam Á, giải thích tính đa thanh và đơn âm trong ngôn ngữ của chúng ta.

Là một người con trong “gia đình” Nam Á, tiếng Việt ắt có nhiều đặc điểm giống với những người anh em Nam Á khác. Một trong những ngôn ngữ gần gũi nhất với tiếng Việt là tiếng Mường, với rất nhiều từ vựng và cách phát âm khá tương đồng nhau. Những điểm tương đồng cũng xuất hiện giữa tiếng Việt và các tiếng vùng Tây Nguyên hiện nay như tiếng Ba Na.

Để hiểu về sự giống nhau này và vị trí của tiếng Việt trong ngữ hệ Nam Á, ta cùng xem xét ví dụ sau. Từ “sông” trong tiếng Việt có phiên bản tiếng Ba Na là “krong” và phiên bản tiếng Mường là “kong.”

18oct2022gxxfmzi5jwjh9lfigms6oruqztjef1jpg
Cầu Đakrông tại Quảng Trị. | Nguồn: Trips Point

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng “krong” là một cách phát âm của các ngôn ngữ trong nhóm Vietic nguyên thủy. Trong khi tiếng Mường vẫn giữ được dấu vết của tiền phụ âm /k/, thì tiếng Việt thông qua sự tiếp xúc với các ngôn ngữ khác đã biến âm thành “sông.”

Một ví dụ khác về sự liên hệ giữa tiếng Việt và tiếng Ba Na là từ “nước.” Trong tiếng Ba Na thì nước đọc là “đak,” với dấu vết trong tên con sông Đakrông ở tỉnh Quảng Trị. “Nước” và “đak” nghe qua thì rất khác nhau, đó là bởi từ “đak” đã biến âm thành từ “nak” rồi mới chuyển thành “nước.”

Dấu vết của sự biến đổi này vẫn hiện hữu tại một số khu vực miền Trung, nơi người dân vẫn gọi “nước” là “nác.”

Hành trình phát triển của tiếng Việt

Sau khi nắm được mối quan hệ của tiếng Việt với những người anh em Nam Á, một câu hỏi khác nảy sinh: từ khi nào tiếng Việt bắt đầu có sự phân tách thành một thứ tiếng với những đặc điểm riêng biệt như trong hai ví dụ trên?

Khởi điểm xa xưa của tiếng mẹ đẻ của chúng ta bắt nguồn từ thời kỳ tiền Nam Á vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên. Theo đó, ngôn ngữ tổ tiên của tiếng Việt và những người anh em Nam Á có thể đã xuất phát từ nền văn minh lúa nước ở khu vực trung lưu sông Dương Tử tại Trung Quốc, sau đó phát tán xuống khu vực Đông Nam Á theo dòng di cư của các nhóm dân.

Cho tới khoảng năm 500 trước Công nguyên, thứ tiếng tiền Nam Á phát triển trên cơ sở ngôn ngữ Nam Á bản địa tại đồng bằng sông Hồng. Đây chính là ngôn ngữ của nền văn hóa Đông Sơn với những đặc tính Nam Á nguyên thủy như là đa âm và không có thanh điệu. Ví dụ, câu “trời sắp mưa” trong giai đoạn này sẽ nói là “blơi tờ-răp kờ-maa.”

Sự vô thanh đó dần thay đổi từ khoảng thế kỷ thứ 6, khi tiếng Việt bước vào thời kỳ tiền Việt-Mường. Nhờ việc tiếp xúc liên tục với tiếng Hán trong một khoảng thời gian dài, tiếng Việt dần hình thành thanh điệu và bị đơn âm hóa giống như tiếng Việt ngày nay.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng thứ tiếng Hán đã tiếp xúc với tiếng Việt là các phương ngữ Hán. Điều này cho thấy sự phức tạp của mối quan hệ Hán-Việt cũng như của giai đoạn phát triển này.

Tới thế kỷ thứ 10, tiếng Việt tiếp tiếp nhận một lượng lớn từ Hán từ tiếng Hán trung cổ và biến chuyển trở thành một ngôn ngữ mới. Các âm đọc Hán Việt hình thành, đồng thời số lượng thanh điệu trong ngôn ngữ nhân đôi từ bốn thanh trong tiếng Hán cổ lên thành tám thanh. Trong thời kỳ này, tiếng Việt và tiếng Mường chưa có sự phân chia.

Tiếng Việt chỉ bắt đầu tách ra từ thế kỷ 12. Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng này là sự biến chuyển của âm /b/ và /đ/ thành /m/ và /n/, với ví dụ của “đác” và “nác.” Từ cuối thế kỷ thứ 15, tiếng Việt bắt đầu bỏ đi hầu hết các tiền âm tiết. Đây chính là giai đoạn biến đổi từ “krong” thành “sông” qua việc biến âm và loại bỏ tiền âm tiết /kr/. Quá trình này diễn ra liên tục cho tới thế kỷ thứ 19.

Thế kỷ thứ 19 đánh dấu sự sinh thành của tiếng Việt hiện đại với sự xuất hiện của cách ký âm chữ Latin - tiền thân của chữ Quốc ngữ hiện nay. Đặc trưng của giai đoạn này là sự tiếp xúc cưỡng ép với văn hóa Pháp, dẫn tới việc du nhập một số từ ngữ mới của tiếng Pháp vào tiếng Việt.

Kết

Nếu có thể du hành vượt thời gian về gặp ông bà tổ tiên thời Hùng Vương, ắt hẳn chúng ta khó có thể giao tiếp bằng tiếng Việt hiện tại. Tiếng Việt thuở sơ khai là một ngôn ngữ rất khác, và để mang hình hài hiện tại, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta đã đi qua một hành trình dài cùng nhiều sự thay đổi. Thậm chí, tiếng Việt mà chúng ta sử dụng ngày nay cũng đang biến đổi không ngừng.

Điều này nói gì với chúng ta? Có lẽ bài học lớn nhất mà ta rút ra từ câu chuyện về nguồn gốc tiếng Việt là: ngôn ngữ nói riêng và văn hóa nói chung không đứng yên, chúng luôn luôn vận động và thay đổi. Với tâm thế ấy, những người trẻ Việt phải chăng nên có một góc nhìn đa chiều, có tính phê phán hơn về các hiện tượng ngôn ngữ, chứ không mù quáng cổ vũ hay chống trả đơn thuần trên quan điểm “thuần phong mỹ tục” hay “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.”

Bài viết được thực hiện dựa trên Podcast Blơi tờ-răp kờ-ma của Oddly Normal