Thắng (không) Ngọt: Tạm biệt khắc kỷ, quay về tự do  | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
15 Thg 05, 2023
Âm Nhạc

Thắng (không) Ngọt: Tạm biệt khắc kỷ, quay về tự do 

Thắng vừa ra mắt “cái đầu tiên" cho những “cái thứ hai", “cái thứ ba”...
Thắng (không) Ngọt: Tạm biệt khắc kỷ, quay về tự do 

Ca sĩ, nhạc sĩ Thắng. | Nguồn: Cao Trung Hiếu.

- Thắng dạo này thế nào?
- Em ổn.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chỉ thực sự bắt đầu sau chữ “ổn" này của Thắng. Chữ “ổn” còn được Thắng giải thích bằng nhiều cách khác nhau gồm cả tự do, kỷ luật, hưởng thụ, chân thành, hối hận, xin lỗi, thậm chí là một khái niệm trong Phật giáo - trung đạo.

Album Cái đầu tiên của Thắng vừa ra mắt là tất cả những điều đó. 8 bài hát tạo nên một hình bát giác, cạnh dài cạnh ngắn khác nhau, phản ánh những trạng thái tinh thần của cậu ấy trong một giai đoạn nhất định. Cái đầu tiên còn là sự kết hợp từ gốc rễ tâm hồn và những khám phá mới trên hành trình sáng tạo âm nhạc của Thắng trong suốt 10 năm qua.

Tính vốn không thích “ôn nghèo kể khổ", Thắng nói về cột mốc 10 năm âm nhạc của mình là một quá trình học việc. “Em đang tiếp tục học việc nhưng trong một thời kỳ mới” - Thắng nói. Cuộc trò chuyện của chúng tôi đi từ việc “tháo gỡ" album đầu tay của Thắng, tới AI làm nhạc và sự sáng tạo cùng các lựa chọn của một người nghệ sĩ.

Và cuộc trò chuyện đó, nếu được thuật lại thì sẽ như thế này:

“Em ổn.” - Nhưng mà “ổn” ở đây có thể hiểu như thế nào?

Em cảm giác mình đang sống đơn giản hơn, ít nhu cầu hơn. Đợt này nhà em ở cạnh studio (phòng thu âm,) nên em thường xuyên luẩn quẩn giữa hai chỗ này. Về cơ bản, nhà ở của em hiện tại cũng là một studio, dùng để mixing (hoà thanh.) Studio kia dùng để thu âm và tracking. Tất nhiên, thỉnh thoảng em cũng đi cafe, như lúc này.

Sở dĩ anh hỏi "em ổn không?" là vì trong album Cái đầu tiên em có vài lần nhắc đến rượu. Anh tưởng là em đã bỏ hẳn đồ có cồn rồi?

Dạo này em cũng uống khá nhiều đấy. Em đang hangover đây.

Đó là cuộc sống, lúc này và lúc khác?

Em nghĩ nên có một sự hít thở đều đặn giữa hai chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa tự do/hưởng thụ. Em vừa đi qua giai đoạn khắc kỷ. Em thấy khắc kỷ là hoàn toàn có lý và hấp dẫn về việc từ chối một cách cực đoan tất cả những thứ mang đến sự thỏa mãn bây giờ (và tức thời.)

Khi quay lại với việc thích gì thì làm nấy ở thời điểm hiện tại, em lại thấy chủ nghĩa tự do lại có lý. Nhưng đang ở chỗ này em lại thấy chỗ kia hấp dẫn hơn, em lại càng muốn quay lại với cái trước đó.

alt
Thắng vừa đi qua giai đoạn khắc kỷ, và quay lại với giai đoạn tự do thích gì làm nấy.

Tại sao tên album đầu tay của Thắng, sau 10 năm, lại là Cái đầu tiên?

Bởi vì cái thứ hai sẽ có tên là Cái thứ hai và cái thứ ba sẽ có tên là Cái thứ ba.

Em thích ý tưởng mình làm lại từ đầu. Lý do mình xây lên tên một nghệ sĩ mới, một trang Facebook mới, một kênh YouTube mới - bởi vì ít ra với mình nó là một thứ mới; và đúng là mới thật.

Những thứ trước đây em làm, mọi người có thể xem đó là công việc nhưng em luôn luôn cảm thấy đó là giai đoạn học việc.

Đôi khi, album Cái đầu tiên giống như mình làm thật sau một quãng học việc. Sau đó, rất có thể em sẽ làm một dự án mới mà cảm tưởng như dự án solo này của Thắng lại là một quá trình học việc khác.

Đó là công việc của một người lao vào hành trình, luôn quan sát và chiêm nghiệm, rồi dừng lại và sáng tác trên góc nhìn và cảm nhận của mình?

Góc nhìn là một phần nhưng phần nữa là độ thông thạo với quy trình làm việc trong hành trình đó. Em đã thay đổi quy trình làm việc của mình; và nó sẽ không thể hiệu quả được nếu không có nhiều năm kinh nghiệm thực chiến của học việc.

Em nghĩ dù bất cứ nghề gì, không nhất thiết là nghệ sĩ, đều có giai đoạn học việc. 10 năm có thể là mốc để mình học việc, mình thử làm những công cụ mà mình thích. Bên cạnh các kỹ thuật nhỏ thì việc lớn hơn là hiểu được cách não mình làm việc như thế nào cho sáng tạo nhất, nhưng cũng kỷ luật nhất có thể.

Tất nhiên là có nhiều cách để học, từ sách giáo khoa, tiền bối, nghiên cứu, đôi khi cũng do mình tự ngộ ra trong quá trình làm việc.

Tóm lại, điều em muốn nói ở đây là: có cơ bản là có thủ pháp, có công cụ, có cách đối phó để tiết kiệm thời gian. Mình vẫn có thể làm nghệ thuật hay từ đầu đến cuối nhưng tiết kiệm thời gian hơn, và giúp đầu óc mình thanh thản, đỡ mông lung.

Thay vì hành trình quan trọng hơn đích đến như mọi người vẫn nói (và tin) thì với Thắng, đích đến cũng quan trọng như hành trình?

Sự làm nhạc sướng lắm anh. Hay ho là ở cái sự làm chứ không phải ở sản phẩm mình làm ra. Hay ho là ở quy trình mà mình làm ra một thứ gì đó. Vì trong lúc này, mình dễ bị mông lung vì có quá nhiều phương án, lựa chọn. Mình phải có bản lĩnh để từ chối những phương án và những lựa chọn khác.

Ví dụ như ở album Cái đầu tiên, em từ chối có một tên album. Em cũng không bỏ ra năng lượng để nghĩ tên đĩa nhạc nữa. Vì thế mới có cái đầu tiên là Cái đầu tiên, cái thứ hai là Cái thứ hai...

Nếu em đã từ chối cái này nghĩa là em sẽ tập trung vào làm một cái khác. Làm sáng tạo và làm tốt luôn luôn là thế, phải biết lược bỏ.

Sau cái tên là cái bìa... Mọi người còn chế meme bìa album Cái đầu tiên của em với Channel Orange của Frank Ocean?

Trước hết, em muốn bìa album phải tối giản và trừu tượng và không muốn có mặt em ở trong đấy. Em tìm bất cứ bức ảnh nào hợp những tiêu chí kể trên kết hợp thẩm mỹ của bản thân. Vì thế, bìa album Cái đầu tiên có thể là bất cứ thứ gì. Sau đấy em mới nhìn thấy artwork của Channel Orange của Frank Ocean và nó đẹp thật.

alt
Artwork đĩa nhạc "Cái đầu tiên" của Thắng.

Anh có cảm giác, 8 bài hát trong album tạo nên một hình bát giác bao lấy một người ca sĩ, nhạc sĩ là Thắng?

Nếu tưởng tượng về mặt hình ảnh như thế em thấy cũng hay. Em chắc chắn là kinh nghiệm làm nhạc trong quá khứ đã dẫn em đến bây giờ. Và em cũng muốn kể một câu chuyện có sự cân nhắc, điều mà em đã làm trước đó nhưng không nhiều.

Cái quan trọng nhất để đẩy tác phẩm ra là các bài hát ấy phải đủ tốt. Em để sau cùng khía cạnh kể chuyện dưới tư cách một nghệ sĩ; và em cũng không nghĩ quá nhiều về khía cạnh này.

Cái đầu tiên bắt buộc phải là 8 ca khúc này hay em còn có những ý tưởng khác?

Khi sản phẩm dần thành hình em biết chắc album này phải bắt đầu bằng Sober song và kết thúc bằng Xin lỗi. Em muốn cảm giác album này phải rất cá nhân. Em sẽ làm Cái thứ hai cá nhân hơn nữa.

Tính cá nhân ở đây có thể hiểu là?

Nếu chỉ lướt qua phần ca từ, nó gần như là những trang nhật ký của em. Em lấy ra rồi document (ghi) lại nó. Em giảm đi tính nhập vai trong bài hát. Khi viết một bài hát cụ thể, em thường nhập vai vì kể câu chuyện của bản thân thường khá buồn tẻ. Em thích kể câu chuyện giả tưởng của nhân vật.

Thực ra em vẫn thích sáng tác như vậy, nhưng đối với dự án solo của Thắng, nó hợp với việc kể một câu chuyện cá nhân thay vì chỉ nhập vai. Thứ nhất, nó hợp với việc em loay hoay một mình ở trong căn phòng của mình; và thứ 2, em muốn thực hiện một cách nhanh chóng, mang đến cảm giác ghi chú những trang nhật ký là em bây giờ, trong thời điểm này. Xong rồi mình đi tiếp, làm tiếp.

Thứ 3, đó còn là một cách đối phó của bản thân em. Mình hay bất cứ ai cũng đều sợ phơi bày câu chuyện cá nhân với nhiều người khác. Không chỉ bởi sợ bị hiểu nhầm mà còn sợ chẳng ai quan tâm.

alt
Thắng: "Nghệ sĩ là một kiểu biến dị rất cụ thể, vì thế họ mới đủ dở hơi để phơi bày bản thân như thế."

Em có thực hành shadow work không? - Tức là em viết ra tất cả mọi thứ mà không bị kiểm soát, kiểm duyệt bởi chính mình?

Thỉnh thoảng em vẫn shadow work. Nếu ca từ của một bài hát có cảm giác là một bức thư thì bắt buộc em sẽ phải viết hết bức thư ấy. Một số bài lại có cảm giác như một cuộc hội thoại hai người nói với nhau thì mình sẽ viết nó ra như thế. Vì vậy, một bài hát tuy chỉ 10 câu nhưng nó có thể nói ra câu chuyện 10 trang thì rất tốt.

Em nghĩ nhiều nghệ sĩ cũng phơi bày khía cảnh bản thân của họ ra cho khán giả thấy. Họ thực sự cần phải chia sẻ. Theo em, đó cũng là cách tuyệt vời để kết nối. Nhưng mà họ cũng nhu cầu bảo vệ bản thân mình.

Có những người em gặp, họ không biết nhu cầu nào lớn hơn, giữa nói ra tâm can và bảo vệ bản thân. Có những người lại có thẩm mỹ rất lớn, có khả năng nhưng nhu cầu bảo vệ bản thân cao hơn thì họ không cần phải làm nghệ sĩ. Nghệ sĩ không phải là việc của mọi người và thẩm mỹ cao của họ vẫn mang đến cho họ nhiều công việc tuyệt vời.

Em nghĩ nghệ sĩ là một kiểu biến dị rất cụ thể, vì thế họ mới đủ dở hơi để phơi bày bản thân như thế.

Em có niềm tin một nghệ sĩ âm nhạc có thể quản trị được năng lượng, cảm xúc của tác phẩm trước khi gửi đến khán giả?

Em nghĩ phần mình kiểm soát được là mood (tâm trạng) của câu chuyện mà mình định kể. Và điều đó là rất quan trọng nếu mình nhìn ra nó là quan trọng.

Mình có thể biết được mặt bằng chung về mặt cảm xúc trong bài hát của mình là tích cực hay tiêu cực. Chính yếu tố này khiến em biết được rằng mình vẫn đang học việc. Em nghĩ tính thẩm mỹ đưa mình đến với nghệ thuật nhưng để kiểm soát cảm xúc cũng không hề dễ.

Cảm xúc của em như thế nào trong quá trình thực hiện Cái đầu tiên?

Lúc làm dự án này em thấy thư giãn hơn nhiều dự án khác. Hoặc ít nhất là rất thư giãn trong giai đoạn phối khí album. Có thể em đến từ background nghe nhạc và trân trọng phối khí từ đầu. Em thích nghe nhạc cụ hơn là lời. Vì thế khi nghe nhạc, em thích nghe bản nhạc đằng sau bài hát đó.

Lúc làm nhạc của mình, em cứ “jam” linh tinh cho đến khi nào đến đoạn “trúng xổ số” khiến mình sướng. Và khi mình nghe, bài hát đó sẽ nói lại với mình rằng nó cần điều gì? Nếu mình nghe đủ kỹ, bài hát sẽ nói lại cho mình cái đấy.

Cảm xúc này có khác với các dự án em làm với Ngọt và các dự án khác?

Em nghĩ là không quá khác nhau đâu. Thực ra, hầu hết trước đây và đến bây giờ vẫn là nhập vai. Dự án này, nó gần với thành thật hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn. Nó cũng gần hơn với cả cuộc sống của em.

Hầu hết những cái cá nhân mà em viết ra, mọi người sẽ đón nhận nó như là một tác phẩm (hoặc như một tác phẩm khác thôi.) Điều đó cũng khiến bản thân em đỡ lo là mình đã phơi bày bản thân nhiều quá.

Cái quan trọng nhất với em chính là sự thẩm mỹ. Nếu mình muốn một cái gì đó cá nhân nhưng nó không ra tác phẩm hay thì chịu thôi. Lúc đó mình lại quay lại nghe tác phẩm để biết nó muốn gì, và mình phải chiều theo nó.

Album này cũng có hơi thở hơn đời sống hơn khi em sử dụng nhiều sample hơn như các đoạn nói chuyện ngẫu hứng, tiếng gió, hoặc là bất cứ thứ gì?

Đó là những chỗ điền vào chỗ trống. Bài hát bảo với em nó cần điều ấy nên em phải đi tìm và hầu hết em “ăn” luôn ở lượt tìm kiếm đầu tiên.

Em nghĩ đó cách là cách vũ trụ "chơi" với mình. Em nghĩ quá trình này cũng tương đối tâm linh đấy. Mình phải mở ra để biết bỏ cảm xúc của mình xuống. Đây không phải là cái mình làm mà một "cái gì đấy" bảo mình làm. Nó là việc ngồi chờ, cởi mở ra, để ý xung quanh xem bao giờ người ta nói cho mình biết.

Đâu là bài hát em thích nhất trong album này của mình?

Trước khi em tồn tại là bài mà em xoáy được vào chi tiết nhiều nhất. Em cứ tưởng mình sẽ làm được như thế với tất cả các bài nhưng đây gần như là bài duy nhất trong album mà em có thể thiết kế từng giây một. Mỗi giây của bài hát cần (và bắt buộc) phải như thế. Và bài hát này, với em, cũng có nhiều thể nghiệm nhất.

Em viết ra điệp khúc bài Trước khi em tồn tại từ năm 2018, 2019 và mãi không phát triển được. Em không biết phải hoàn thành như thế nào, cái gì đi trước và cái gì đi sau đó? Vì thế, em đã vận rất nhiều công cụ, rất nhiều thủ pháp để lôi bài hát đó ra xem nó muốn gì và hoàn thiện. Và từ đó em cũng nhận ra, bài hát là một sự hân hoan, một sự đón nhận tình yêu.

Có một số bài trong album lại cảm thấy mình hoàn toàn bị động. Đó là những bài hát “nói" với em lúc đang lái xe; và nó nói chính xác nó muốn gì. Tất cả những gì em có thể làm là ghi lại những điều ấy. Lúc viết thì 5 phút thôi còn khi sản xuất thì đâu đó 1 đến 2 tiếng và em nhận ra là đã xong, không thể làm được một cái gì nữa. Những bài hát như thế thường nghe rất tròn trịa, rất chín nhưng lại không để lại cảm giác của sự lao động, nai lưng ra mà làm.

Có bao giờ em phân định mình là Thắng Ngọt và Thắng không Ngọt?

Em nghĩ là mình có kiểm soát nó nhưng chuyện này chắc chắn là điều tự nhiên đã xảy ra. Em làm dự án solo là để em hiểu mình, hiểu cách đầu mình hoạt động. Khi đã hiểu mình, em nghĩ mình sẽ hợp tác với người khác tốt hơn. Mình biết là mình đứng vững trên chân của mình thì càng dễ hợp tác với người khác.

alt
Thắng, "Hối hận là dấu hiệu của tiến bộ. Nếu mình đang tiến bộ thì mình sẽ không tránh khỏi hối hận."

Nếu Thắng không Ngọt thì sẽ là Thắng như thế nào?

Nhiều lắm. Em muốn làm việc với rất nhiều người, với cả anh em trong Ngọt. Chỉ là, cái tên Ngọt cũng là một dự án. Em không bao giờ nghĩ nó là một đại diện giữ chân mình hay các anh em lại một chỗ.

Chuyện này đang xảy ra quá nhiều. Mọi người hay nghĩ rằng làm nhạc là tạo ra một gia đình, cần có văn hoá khép kín. Về bản chất, âm nhạc là cộng đồng và cần cộng đồng giang tay.

Tất nhiên, mỗi team âm nhạc nên có văn hoá và quy trình làm việc riêng. Mình có thể thử, và cam kết với một cách làm việc riêng nhưng mình cũng cần sẵn sàng mở ra, để khi họ cần hay mình cần, vẫn có thể cho nhau mượn.

Ở nước ngoài, họ cũng làm như thế; và em nghĩ như vậy thì âm nhạc mới lành mạnh được. Những nghệ sĩ lớn cần những nghệ sĩ Indie và ngược lại.

Vì vậy âm nhạc là sự mở ra và hợp tác, và cũng là sự nhìn lại?

Em nghĩ một nghệ sĩ hay là họ không biết chứ không phải họ biết tất cả những kỹ thuật, cách sáng tạo hay nghệ thuật trên cả cuộc đời này. Họ không biết nó đã tồn tại mà họ cứ làm như mới, và phát hiện ra nó đã từng tồn tại. Em nghĩ họ cũng nhận ra sự phát hiện lại hồn nhiên nhất có thể là bằng sự phát hiện mới.

Em yêu thích âm nhạc cũng là bởi vì em phát hiện mình có thể bè được quãng 3, hay quãng 5 và có thể những người như thế không còn quá nhiều nữa. Nhưng trên tất cả, em yêu việc mình làm điều đó, một cách hồn nhiên. Rồi em bắt đầu chuyển qua việc yêu thích vì biết đánh guitar. Em tìm ra cách đánh các hợp âm mới và em chuyển nó vào cách viết bài nhạc của mình.

Em yêu những yếu tố âm nhạc mà tiền bối để lại. Tuy nhiên cũng có những người khó chịu về điều này bởi vì họ nghĩ âm nhạc như một dạng khoa học. Hoặc họ nghĩ âm nhạc như một dạng thể thao. Những người đó nghĩ rằng, nếu có người đánh (đàn) nhanh thế này thì mình phải đánh nhanh hơn họ.

Bản chất của âm nhạc không phải là công nghệ nghĩa là cứ cộng thêm, cộng thêm nữa. Âm nhạc là kế thừa và kể lại câu chuyện của mình. Cái mới của nghệ sĩ là sự đặc biệt của họ ở dạng hồn nhiên nhất mà họ không cố tình kiểm soát.

Nhân nói đến chuyện công nghệ, em nghĩ gì về AI làm nhạc?

Em nghĩ dự án sau của em sẽ dùng AI rất nhiều. Em cũng đang thử một số công cụ AI theo dạng hồn nhiên hơn và bình tĩnh hơn. AI nghe bản chất âm thanh của file mình làm và cải thiện nó. Ví dụ như em chơi trống và AI sẽ gợi ý một phiên bản chơi trống chuẩn cho mình.

Có những nghệ sĩ có nền tảng là người lập trình, viết phần mềm, họ có nhiều khả năng tiếp cận nên làm việc với AI rất tốt. Nhưng với em, AI làm nhạc hiện tại giống như công nghệ phim 3D cách đây 10 năm; nó chưa thực sự tạo ra thành thể loại.

Em cũng đang đi tìm những công cụ viết lời, làm MV, làm artwork (bìa album) bằng AI. Em cũng hy vọng là những thứ mình nhận lại sẽ hay, đẹp, bất ngờ nhưng nó chỉ khiến em cảm thấy cũng ngầu nhưng không hề hay, đẹp như thẩm mỹ của mình hướng đến.

Em nghĩ câu chuyện ở đây không phải một ngày nào đó AI sẽ làm hay hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, trước khi AI tạo ra những sản phẩm hay, đẹp thì trước đó cũng phải có một sự chuẩn bị ngay bây giờ.

Em đoán trong bối cảnh Mỹ bây giờ, họ sẽ phải có một quy định, quy chế nào đó cho AI giai đoạn đầu vì nghệ sĩ, nhạc sĩ đang mất việc nhanh quá. Nhưng mặt khác, những doanh nghiệp lớn họ lại rất cần AI, họ cũng muốn tách dần với những tên tuổi nghệ sĩ lớn.

Em nghĩ chúng ta đang nhìn vào những thế hệ nghệ sĩ lớn (con người) cuối cùng trong lịch sử. Bởi vì sau đấy, tất cả nghệ sĩ phải đi đến một việc làm nghệ thuật cho chính mình, có thể không kiếm được tiền. Lúc đó, âm nhạc hay tranh vẽ của con người nó sẽ giống như trong một làng nghề.

Đấy là nguyên thuỷ, trở thành nghệ sĩ là trở thành một người nghệ nhân trong lĩnh vực của họ?

Theo em, đến cuối ngày giữa nghệ sĩ và người nghệ nhân (thủ công mỹ nghệ) vẫn có sự khác nhau. Em nghĩ nghệ nhân sẽ hy sinh những lựa chọn đa dạng để họ đi tìm sự điêu luyện. Nghệ sĩ thì hy sinh cái điêu luyện để đi tìm cái đa dạng. Người nghệ sĩ, họ phải lắng nghe để tìm ra sứ mệnh tiếp theo là gì. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác nữa.

Còn với AI, em có thể đoán được cách AI làm nhạc sẽ cải thiện dưới bàn tay công ty lớn phát hiện ra nó. Họ có thể gọi các nghệ sĩ (con người) làm cố vấn và có những định nghĩa về thẩm mỹ trên sản phẩm mà AI tạo ra. AI chỉ cần học điều này; và em tin rằng AI sẽ học rất nhanh. Em nghĩ sau đó, AI sẽ làm ra những bài nhạc pop nổi tiếng mà nó không đòi lại tiền ở những nơi công cộng, hay trong các quán cafe.

Và em nghĩ, trong tương lai AI sẽ kiểm soát được độ catchy (bắt tai) hơn rất là nhiều trong một bài nhạc. Nhiều người sẽ quá bận rộn để quan tâm để xem đó có phải bài nhạc do AI làm ra. Họ chỉ cần biết đó là bài hát hay, bắt tai và có thẩm mỹ là được. Em nghĩ đó sẽ là giai đoạn thứ 2 trong cuộc chiến giữa nghệ sĩ và AI.

Cuộc chiến đó sẽ không dựa vào chất lượng, sự khác biệt mà dựa vào niềm tin và tâm hồn trong cách làm nhạc. Từ đó, nó sẽ chia rẽ khán giả thành hai kiểu, hoặc là khăng khăng nghe nhạc do nghệ sĩ (con người) làm ra hoặc nghe nhạc của AI.

Sau làn sóng này sẽ lại có một bước chuyển mình tiếp của AI. Lúc đó, đòi hỏi AI không chỉ làm nhạc bắt tai nhất mà còn phải “ngầu”. Nghệ sĩ có thể làm nhạc đương đại, làm nhạc thể nghiệm hoàn toàn thì AI cũng làm được điều đó.

Cuối cùng, nghệ sĩ sẽ quay lại thời kỳ là những du ca, đi xung quanh và hoàn toàn làm nhạc, kể chuyện theo cách mà họ muốn kể dù không có tiền bạc, hay cả danh tiếng. Và em nghĩ, điều đó cũng hạnh phúc thôi.

alt
"Hạnh phúc là mình được tự do làm những cái mình thích và mình muốn."

Và đó là một kiểu hạnh phúc?

Em nghĩ đó là kiểu hạnh phúc phổ quát. Hạnh phúc là mình được tự do làm những cái mình thích và mình muốn.

Ngoài nghệ thuật ra, em nghĩ AI còn làm được nhiều việc khác nữa. Chúng ta đang di chuyển từ thời đại từ quan tâm sức khoẻ vật lý chuyển sang quan tâm đến cả sức khoẻ tinh thần. Khi mình chăm sóc sức khoẻ tinh thần, em nghĩ bầu không khí của cảm giác biết ơn sẽ nhiều hơn. Và lúc đó, em tin mọi người sẽ làm nghệ thuật nhiều hơn, làm nghệ thuật đẹp hơn và tự do.

Ở Nhật hay ở Mỹ người ta vẫn tạo ra những virtual artist từ đầu. Godzilla là một ví dụ. Có thể nhân vật/nghệ sĩ virtual không thật nhưng tình cảm của khán giả là thật. AI rồi sẽ làm được nhiều thứ khác, bởi nó cũng được xây dựng nên từ những người đang quan tâm đến lĩnh vực này.

Tạm gạt AI sang một bên, hành trình âm nhạc của em cũng đã 10 năm. Nhìn lại, em thấy hành trình của mình như thế nào?

Em nghĩ dự án âm nhạc này là cách em ăn mừng 10 năm làm nhạc của em. Nếu nhìn lại, em thấy phải 10 năm ấy em mới sẵn sàng một cái gì đó phức tạp hơn, mới hơn và khó hơn. Em nghĩ ký ức của mình sẽ rõ hơn nếu đó là 20 năm hoặc 30 năm.

Bây giờ thì em không nghĩ về quá khứ mấy. Em không có thói quen kiểu ôn kỷ nghiệm, hay ôn nghèo kể khổ. Em có thói quen là nghĩ xem mình đã làm sai ở đâu? Và để trong tương lai, em sẽ làm đúng nếu gặp phải trường hợp tương tự.

Em học được từ những sai lầm của mình?

Hối hận là dấu hiệu của tiến bộ. Nếu mình đang tiến bộ thì mình sẽ không tránh khỏi hối hận.

Như trong bài hát của em có câu “một dòng sông hối hận". Nhưng cứ hối hận thì nó có giữ mình lại khỏi những thứ mới mẻ?

Đúng là khi mình có cảm giác hối hận, mình thường bắt đầu bằng những câu như kiểu “biết thế, đáng nhẽ, nếu như…” Đó có thể không phải là cái hối hận mà em nghĩ.

Nhưng với em có loại hối hận là nếu mình gặp một chuyện tương tự xảy ra trong quá khứ thì mình đã có hành trang tốt hơn trong tương lai.

Lúc đó, mình sẽ cảm giác vẫn yêu bản thân dù có làm sai điều gì đó. Không phải mình làm sai chuyện gì mà mình không yêu mình nữa. Điều này không có nghĩa là mình đánh giá cao hay tôn trọng chính bản thân. Và đó cũng là một dạng hạnh phúc.

Việc mất thời gian nhất của em lúc này là gì?

Câu hỏi này khó nhờ!

Cứ qua một mốc nào đấy trong cuộc đời em lại rất quý thời gian. Em cảm thấy sự hữu hạn của thời gian và muốn sử dụng từng giây phút một cách chất lượng nhất. Nếu em nói thế, nó sẽ tiếp nối một câu chuyện dài: vậy sử dụng thời gian chất lượng là gì?

Trong sáng tạo, em nhận ra việc mình dành thời gian cho những sai số, hay sự ngẫu nhiên, biến thể là cực kỳ giá trị. Miễn là mình còn mở lòng nghĩa là vẫn còn cơ hội.

Nếu phải trả lời thì với em, đi giặt quần áo là mất thời gian nhất. Nhưng em vẫn làm và tìm cách tận hưởng điều mình không thích, như đi giặt quần áo.

Và đó là một chiêm nghiệm của em cho đến thời điểm này?

Khi em có niềm tin là mình có thể trưởng thành, thì em sẽ thử nghiệm các chủ nghĩa khác nhau. Em thấy sẽ rất tự nhiên khi một người có thể tìm thấy cả chủ nghĩa khắc kỷ lẫn chủ nghĩa hưởng thụ. Tư duy cực đoan là rất nguy hiểm.

Làm người có tiếng tăm, có chút follow, cực đoan là rất nguy hiểm. Vì thế em ít khi nhận lời phỏng vấn là vì thế. Như lần nói chuyện trên Have a Sip, em không nghĩ là mọi người nghe em “chém gió” nhiều như thế. Một người nói trên podcast, với em, nó có cảm giác như là mực đã được viết ra. Và em nghĩ đó là vấn đề của tất cả nghệ sĩ, các tu sĩ huyền môn hay bất cứ ai có danh tiếng.

Cái đó gọi là “đường lùi về đạo đức." Bởi khi mình muốn tiến lên trong cuộc sống, gần như sẽ phải lùi lại.

Và còn gì nữa?

Bọn em đang làm đĩa tiếp theo của Ngọt.