Vũ Đinh Trọng Thắng: Bỏ những thứ nhất thời, tin vào con đường hơn điểm đến | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
07 Thg 05, 2021
Âm NhạcBỏ

Vũ Đinh Trọng Thắng: Bỏ những thứ nhất thời, tin vào con đường hơn điểm đến

Thắng bỏ thuốc lá và rượu, không còn nuông chiều cảm xúc, làm nhạc đều đặn và kỷ luật. Để đến với trạng thái này, anh đã bỏ gì?
Vũ Đinh Trọng Thắng: Bỏ những thứ nhất thời, tin vào con đường hơn điểm đến

Nguồn: Maika Elan cho Vietcetera

Vietcetera gặp lại Vũ Đinh Trọng Thắng, một trong 4 mảnh ghép của ban nhạc Ngọt, trong một chiều mưa thứ 6. Anh vào Sài Gòn để chuẩn bị cho một đêm nhạc gần đây của Ngọt, và lúc anh đến văn phòng của chúng tôi, show diễn đã hết vé.

Sau 3 album là ‘Ngọt’, ‘Ng’bthg’ và ‘3’, giọng ca của Thắng đã trở nên quen thuộc với hầu hết các bạn trẻ yêu nhạc indie Việt. Nhưng khi sự quan tâm của người hâm mộ tăng lên, thì cũng là lúc Thắng lý trí hơn, nhìn ra thế giới để soi chiếu chính mình.

Theo Thắng, âm nhạc đang biến chuyển như thế nào?

Người làm nhạc đang trẻ hơn, và họ không phải bó mình vào bất kỳ thể loại nào. Họ có thể di chuyển qua nhiều thể loại chỉ trong một bài nhạc.

Không chỉ người làm nhạc, mà người nghe cũng nghe đa thể loại hơn, nhờ sự phát triển của phương tiện. Với Itunes, Spotify, thế giới âm nhạc chưa bao giờ ‘phẳng’ như lúc này.

Hai đối tượng trên có mối quan hệ tương hỗ, không thể tách rời, nên người viết nhìn thể loại nhạc khác xưa cũng vì yếu tố phương tiện. Hồi đó với đĩa CD, thể loại được phân chia rõ ràng hơn, vì ở bìa đĩa thường phải có mô tả gì đó về thể loại.

Còn giờ thì nhanh hơn, không cần xem xét gì cả, bạn muốn nghe, chỉ cần bấm một nút.

Thắng4
Âm nhạc không còn biên giới, nghệ sĩ và khán giả không còn bị ngăn cách bởi thể loại.

Khi thế giới âm nhạc ngày càng ‘phẳng’, điều gì sẽ xảy ra?

Nó sẽ rộng hơn. Tuy nhiên với mình, nhạc vẫn có thể loại. Nhưng hiện tại thể loại được chia theo cách làm việc. Thật ra thể loại ‘indie’ cũng xuất phát từ cách làm việc mà thôi.

Nghiên cứu cách làm nhạc của Billie Eilish, mình nhận ra, chúng ta đang có 2 trường phái làm nghề trong âm nhạc: nghệ sĩ tự sản xuất và nghệ sĩ có người sản xuất.

Với nghệ sĩ tự sản xuất, tất cả các khâu từ sáng tác, đến quay MV, trình diễn trên sân khấu, đều đi theo phục vụ tầm nhìn của nghệ sĩ ấy. Còn nếu thuộc một công ty, thì những tham vấn liên quan đến âm nhạc và hình ảnh của nghệ sĩ, sẽ đi qua nhiều lớp hơn, hoặc chuyển hẳn qua cho những nhà sản xuất, quản lý.

Lúc nào cũng vậy, nếu bạn là nghệ sĩ độc lập hoặc có một đội ngũ nhỏ, thì việc đầu tiên mọi người làm sẽ là hỏi ý bạn.

Thắng2
Làm nghệ sĩ độc lập thì nhiều việc, nhưng tự do hơn.

Làm thế nào để thoải mái khi làm nghệ sĩ?

Mình có một ý kiến không được phổ biến lắm, là một khi đã viết nhạc, thì không nên quá nổi tiếng.

Việc viết cần kỷ luật rất lớn. Cuộc sống của mình chỉ có chừng ấy thời gian để làm chừng ấy việc cho đủ tốt và có ích cho mọi người. Nên đôi khi, việc giỏi một thứ này, đồng nghĩa với việc mình phải chấp nhận từ bỏ một vài thứ khác.

Một ai đấy sẽ phải mất cả đời để làm một việc, trong một phạm vi rất nhỏ, thì mới có thể đạt được thành tựu lớn. Như Michael Jackson chẳng hạn, việc ông dành cả đời cho âm nhạc, vô hình trung khiến những phần khác trong cuộc sống của ông sau này… vỡ vụn.

Nên mình nghĩ, mình sẽ không dành cả đời để làm duy nhất một việc.

Điều gì khiến bạn quyết định bỏ thuốc lá và rượu?

Nếu có thể điều khiển cơ thể 100% thì chắc chắn mình đã không tiếp xúc với cồn hay nicotine. Đợt Tết vừa rồi, mình uống nhiều khủng khiếp. Cảm giác ‘hangover’ khiến cơ thể mình liên tục đói cồn. Hóa ra, bỏ rượu khó hơn nhiều so với bỏ thuốc.

Với thuốc lá, truyền thông từ lâu đã khiến tiềm thức mình tin rằng hút thuốc là không tốt. Còn văn hóa rượu bia ở Việt Nam lại quá mạnh, nên chuyện nghiện rượu trở thành chuyện thường. Dần dần, mình bị phụ thuộc vào nó.

Có đợt mình đọc quyển ‘Cai Thuốc Lá Dễ’ của Allen Carr. Trong đó có một ý tưởng khá lạ, là thật ra, thuốc lá rất dễ bỏ. Quan trọng là não mình. Đại khái, trong suy nghĩ của mỗi người luôn tách bạch ý thức với tiềm thức. Khác với ý thức, tiềm thức là niềm tin được lập trình từ những ham muốn khó kiềm chế được.

Nếu mình ý thức được thuốc lá hay rượu đều không tốt, nhưng trong tiềm thức mình vẫn có cảm xúc với những thứ ấy, thì mình sẽ không bỏ được.

Nên cảm xúc của bạn cũng là một thứ bạn cần kiểm soát.

Thắng1
Với Thắng, bỏ chất kích thích thực chất là tìm cách kiềm chế những ham muốn trong tiềm thức.

Tức là bạn đang cẩn thận hơn với cảm xúc của mình?

Mình cẩn thận hơn với những thứ mình nhìn thấy. Khi mình biết chúng là một phần của tiềm thức, của ham muốn, thì chúng sẽ khó có thể điều khiển hành vi của mình.

Xã hội đang đi theo hướng: “Tôi tôn trọng cái tôi đang cảm thấy”, “Cảm xúc của tôi là nhất”... Đặc biệt là khi ngày càng có nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân. Bạn thấy đói - có đồ ăn giao đến ngay và luôn. Bạn cô đơn - có ứng dụng kết đôi, tìm bạn.

Tất cả cảm giác của chúng ta đang được nâng niu, đáp ứng ngay lập tức. Nhưng mình nghĩ trong tương lai, điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề, như mọi người có nguy cơ thừa cân, hay ngoại tình ngày càng nhiều.

Nói cách khác, mình muốn đưa nhiều cái từ tiềm thức vào ý thức hơn.

Vậy gần đây Thắng sáng tác như thế nào?

Việc có con thay đổi sinh hoạt hằng ngày của mình, tất nhiên bao gồm cả cách mình viết nhạc. Trước đây mình viết nhạc khi có thời gian rảnh. Giờ thì mỗi ngày, mình đều dành ra một khoảng thời gian để viết.

Stephen King từng nói, việc viết nên giống như việc đi ngủ, diễn ra đều đặn và thường xuyên. Nên buổi sáng, mình hay dành ra 2 đến 3 tiếng để sáng tác, nếu không có hứng mấy thì ít hơn. Sau đó mình chuyển sang làm nhạc cho người khác hoặc đi tập cùng Ngọt.

Cách làm việc nhóm của mình cũng khác. Chúng mình hạnh phúc với việc ‘đã’ làm việc, không phải đã ‘đạt’ được một điều gì đó. Chúng mình tận hưởng hành trình, hơn là điểm đến.

Và mình sống rất tự tin với những niềm tin của mình. Còn khi mình sai, thì mình biết mình đã lớn.

Thắng3
Thắng và Ngọt không còn quá chú tâm về điểm đến.