Thirst trap - Có gì ở những nội dung "xôi thịt"? | Vietcetera
Billboard banner

Thirst trap - Có gì ở những nội dung "xôi thịt"?

Thirst trap chủ yếu thỏa mãn người xem về phần nhìn "xôi thịt" hơn là chiều sâu nội dung.
Thirst trap - Có gì ở những nội dung "xôi thịt"?

Nguồn: Tiktok

1. Thirst trap là gì?

Thirst trap là phương thức lôi kéo người xem bằng những nội dung khêu gợi. Có nhiều kiểu thirst trap như cử chỉ gợi cảm (cắn môi, ưỡn ngực) hoặc dạng caption mời gọi (“Em đừng la, liếm anh” của rapper Binz).

Thirst trap chủ yếu thỏa mãn người xem về phần nhìn hơn là chiều sâu nội dung. Người đăng không nhất thiết phải trang điểm, tạo dáng thô tục hay trau chuốt bối cảnh. Họ chỉ cần tỏ ra quyến rũ trong những hoạt động đời thường như đọc sách, mới ngủ dậy, thả dáng trên bãi biển hay sau buổi tập gym “ướt át”.

2. Nguồn gốc của thirst trap?

Thirst trap chính thức xuất hiện trên Twitter và Urban Dictionary vào năm 2011. Từ thirst trong thuật ngữ theo nghĩa đen là cơn khát, ý chỉ ham muốn, sự quan tâm của người xem với những nội dung gợi tình. Còn từ trap là bẫy, cụ thể là bẫy “câu view” của người đăng.

Thirst trap được cho là nổi lên từ văn hóa chụp tự sướng và thường đi kèm với hashtag #ThirstTrapThursdays. Năm 2016, trang BuzzFeed và Vibe đã tổng hợp những nghệ sĩ “giăng bẫy” nổi tiếng nhất. Điển hình là Drake, Kim Kardashian và Serena Williams. Từ này còn được đặt làm tên riêng cho dòng son mới của nghệ sĩ trang điểm Jeffree Star vào năm 2018.

3. Vì sao thirst trap phổ biến?

Không khó để bắt gặp thirst trap trong một nơi khao khát danh tiếng như không gian mạng. Từ Facebook, Instagram, Tiktok đến Tinder, những hình ảnh, video “xôi thịt” xuất hiện với tần suất dày đặc. Nền tảng Vine còn từng được cộng đồng đồng tính nữ sử dụng để chia sẻ các video gợi cảm.

Tương tự, ngành giải trí là một mảnh đất màu mỡ khác cho thirst trap. Các chương trình như Người ấy là ai?, Too Hot to Handle, Single's Inferno thường “bổ mắt” khán giả với những cảnh quay khoe thân nóng bỏng và màn đụng chạm của người chơi. Trong K-Pop, thirst trap được thể hiện qua những bộ trang phục bó sát, “thiếu vải” và động tác nhảy khêu gợi của các nhóm nhạc.

Tuy thirst trap là cái bẫy đặt ra cho người xem nhưng nó cũng đang tạo bẫy cho chính người đăng. Nó cho họ danh tiếng, lợi nhuận qua lượt thích, chia sẻ trên mạng. Càng nổi tiếng thì lòng tự trọng và nhu cầu được đón nhận càng cao. Để giữ vững vị thế hiện tại, họ không thể ngừng áp dụng thirst trap nhằm lôi kéo sự chú ý.

Mặt khác, một số người dùng thirst trap để đối phó với nỗi đau tình cảm. Chẳng hạn, sau khi chia tay, họ muốn “trả thù”, khiến người yêu cũ hối tiếc bằng những video biến hình “vịt hóa thiên nga”.

Từ góc độ sinh lý, quá trình làm thirst trap có thể sản sinh endorphin và các chất dẫn truyền thần kinh như oxytocin và dopamine. Cảm giác hưng phấn khi đó cũng là một dạng thủ dâm hoặc thể hiện như một hình thức thay thế cho tình dục đời thực. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách như đại dịch COVID-19, nội dung thirst trở thành cầu nối khỏa lấp “cơn đói” tình dục giữa hai phía màn hình.

Tuy nhiên, theo sắc thái tiêu cực, The Swaddle cho rằng thirst trap thực chất đang đặt người đăng vào những “ánh nhìn” (gaze). Đây là vị trí mà một người trở thành một vật thể bị tình dục hóa. Người nhìn được phép bình phẩm về ngoại hình dựa trên định kiến và khuôn mẫu như cơ bắp cuồn cuộn, “ngực nở, mông cong”.

Điều này có thể dẫn đến những vấn nạn quấy rối và bắt nạt qua mạng. Bản thân việc luôn phải trông thật khỏe đẹp trước ống kính cũng đã tạo nhiều áp lực và bất an cho người đăng.

4. Dùng thirst trap như thế nào?

Tiếng Anh

A: Hey! Have you seen Kim Kardashian‘s post on Instagram? She’s hot as hell!

B: Yeah, of course, she is the queen of thirst traps.

Tiếng Việt

A: Ê cậu xem bài đăng mới của Kim Kardashian trên Instagram chưa? “Nóng bỏng tay” luôn!

B: Ui chà, lạ gì, cô ấy là nữ hoàng của những bài đăng khêu gợi mà!