Thuyết vòng tròn quan tâm: Nên làm gì khi lo lắng quá nhiều điều? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Thuyết vòng tròn quan tâm: Nên làm gì khi lo lắng quá nhiều điều?

Có nhiều chuyện ngoài tầm kiểm soát nhưng bạn không thể ngừng lo lắng về nó. Làm sao để giảm bớt áp lực này lên bản thân?
Thuyết vòng tròn quan tâm: Nên làm gì khi lo lắng quá nhiều điều?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Thời đại số bùng nổ là lúc chúng ta được tiếp cận nhiều thông tin. Điều này vô tình đồng nghĩa với việc những mối bận tâm cũng nhiều hơn thời đại trước. Bạn đã bao giờ cảm thấy có 24 tiếng một ngày là quá ít, trong khi lại có quá nhiều thứ phải lưu tâm?

Nếu bạn đã từng cảm thấy như vậy, áp dụng thuyết “Vòng tròn quan tâm và ảnh hưởng" (Circle of Concern and Influence) của Stephen Covey có thể giúp bạn lùi lại quan sát và khoanh vùng mối bận tâm của mình.

“Vòng tròn quan tâm" trông như thế nào?

Theo Stephen Covey, cuộc sống của một người tiêu biểu có thể biểu diễn dưới dạng 3 hình tròn lồng ghép vào nhau như hình dưới. Đây là những gì mà bộ não bạn đang để ý đến.

Thuyết vograveng trograven quan tacircm
Thuyết “vòng tròn quan tâm" của Stephen Covey.

Vòng tròn rộng nhất là vòng tròn quan tâm (Circle of Concern), bao gồm tất cả những gì bạn để tâm tới trong cuộc sống, có thể bao gồm điều liên quan và không liên quan đến bạn. Đồng nghĩa với việc chủ đề nằm ngoài vòng tròn này là điều bạn không quan tâm hoặc ít chú ý đến.

Nằm ở giữa là vòng tròn ảnh hưởng (Circle of Influence), là điều bạn quan tâm và có thể tác động một phần đến kết quả. Vòng tròn này hẹp hơn vòng tròn trước, bởi đương nhiên chúng ta không thể tác động đến tất cả những gì mình quan tâm tới.

Nằm trong cùng là vòng tròn kiểm soát (Circle of Control) khoanh vùng những việc bạn hoàn toàn có thể điều khiển được.

Điểm khác biệt giữa các vòng tròn này chính là mức độ kiểm soát tình hình của bạn

Để hiểu rõ hơn, hãy cùng lấy ví dụ về những mối bận tâm trong đại dịch COVID-19.

  • Trong vòng tròn quan tâm, điều ta để ý tới có thể là số ca nhiễm COVID-19 của thế giới, tuy vậy vấn đề này bao gồm cả những điều trong và hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của bản thân. Chẳng hạn một người dân Việt Nam có thể góp phần chống dịch ở Việt Nam, nhưng không thể ngăn chặn dịch bùng phát ở châu Âu.
  • Vòng tròn ảnh hưởng chỉ những điều ta có thể thay đổi những không chắc kết quả như ý muốn. Chúng ta có thể nhắc nhở đồng nghiệp và người thân đeo khẩu trang, nhưng không đảm bảo họ có làm theo hay không.
  • Trong khi đó, vòng tròn kiểm soát là điều ta nắm chắc được kết quả nếu như bản thân tác động vào. Đó là khi bạn chủ động đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, hay rửa sạch tay mỗi khi về nhà.
Thuyết vograveng trograven quan tacircm 2
Cần biết cách phân loại mối bận tâm để tìm cách phản ứng phù hợp.

Ta rút được gì từ thuyết “Vòng tròn quan tâm"?

Phân loại các mối bận tâm thay vì lao vào giải quyết mọi thứ

Dưới góc độ sinh học, lo lắng là một cơ chế của não bộ để chuẩn bị cho tình huống xấu xảy ra. Điều này khiến con người khó có thể lờ đi bất cứ mối bận tâm nào và dễ dàng bị cuốn vào chúng. Chính vì vậy, ta cần lùi lại quan sát và phân loại chúng dựa trên thứ tự ưu tiên.

Cũng giống như khi dọn nhà, phân loại các món đồ và cho vào từng hộp sẽ giúp bạn quản lý đồ đạc dễ dàng hơn, từ đó có thể quyết định sẽ làm gì với từng loại. Việc khoanh vùng sẽ giúp bạn tránh lãng phí thời gian và công sức vào những việc vốn dĩ nằm ngoài tầm kiểm soát.

Khoanh vugraveng bận tacircm
Khoanh vùng mối bận tâm sẽ giúp bạn tránh lãng phí thời gian, công sức vào điều ngoài tầm kiểm soát.

Sau khi phân loại, hãy giải quyết từng vòng tròn theo cách phù hợp

Đây có lẽ là bước khó nhất, bởi cảm xúc không dễ dàng phân định được. Tuy vậy, việc đơn giản nhất có thể làm là dành thời gian và công sức nhiều hơn cho "vòng tròn kiểm soát", những điều bạn có thể cải thiện được nếu cố gắng. Bên cạnh đó chỉ để ý và dành một khoảng thời gian nhất định cho “vòng tròn ảnh hưởng".

Quan trọng là không tốn quá nhiều thời gian và công sức cho những điều hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát, cũng chính là “vòng tròn quan tâm". Cố gắng kiểm soát những điều đó thường dẫn đến cảm giác bất lực, vì có cố gắng đến mấy bạn cũng không thể thay đổi điều gì. Mỗi khi thấy bản thân lạc trong vòng tròn này, tập trung vào điều nằm trong tầm kiểm soát chính là chìa khoá để phần nào “chế ngự” nỗi bất an của bạn.

Điều này cũng trùng khớp với triết lý của chủ nghĩa khắc kỷ – bí quyết sống thanh thản hơn bằng cách lựa chọn góc nhìn đúng đắn về những gì không kiểm soát được, thay vào đó kiểm soát phản ứng của mình trước mất mát.

Kết

Giờ bạn đã hiểu vì sao mọi người hay nói “có lo thì cũng chẳng giải quyết được gì!”, bởi vì đúng là có một số chuyện nằm ngoài tầm ảnh hưởng của bạn. Mấu chốt là, lo lắng không thể tránh khỏi, vậy tại sao không đặt chúng vào nơi nằm trong tầm kiểm soát của mình?