TikTok bị kiểm tra hoạt động tại Việt Nam: Kết quả là gì? | Vietcetera
Billboard banner

TikTok bị kiểm tra hoạt động tại Việt Nam: Kết quả là gì?

Trong trường hợp không gỡ các nội dung vi phạm, TikTok có thể bị chặn tại Việt Nam.
TikTok bị kiểm tra hoạt động tại Việt Nam: Kết quả là gì?

Nguồn: Vnexpress

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Vào đầu tháng 4 năm 2023, các kênh truyền thông chính thống trong nước cho biết Bộ Thông tin Truyền thông sẽ bắt đầu thanh tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam vào đầu tháng 5.

Quyết định này không chỉ đến từ những lo ngại liên quan đến nội dung độc hại xuất hiện tràn lan trên nền tảng này. Các hoạt động khác của TikTok sẽ bị kiểm tra bao gồm cả thuế, quảng cáo, thanh toán, v.v.

Trong thời gian gần đây, TikTok cũng bị điều tra tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đơn cử, CEO Shou Zi Chew của TikTok phải xuất hiện trong buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào ngày 23 tháng 3 vì các vấn đề liên quan đến quản lý dữ liệu tại nước này.

2. Đâu là những vi phạm của TikTok tại Việt Nam?

Trong cuộc họp vào chiều ngày 6 tháng 4, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình & Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin Truyền thông chỉ ra sáu vi phạm của TikTok tại Việt Nam:

Thứ nhất, TikTok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả các nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, tin giả, cùng các nội dung gây hại đến trẻ em.

Thứ hai, TikTok dùng các thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán các thông tin câu view bất chấp, gây hại đến cộng đồng.

Thứ ba, nền tảng này đã mở thêm mảng thương mại điện tử và không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, v.v.

httpsimgvietceteracomuploadsimages07apr2023nojpg
Nờ Ô Nô, TikToker bị lên án về hành vi từ thiện gây phản cảm cách đây không lâu | Nguồn: Zing News

Thứ tư, nền tảng này chưa quản lý hiệu quả hoạt động của các "idols," trong đó có nhiều người kiếm lời từ hoạt động tạo trend nhảm nhí, thiếu văn hoá, v.v.

Thứ năm, TikTok để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan.

Thứ sáu, TikTok không có biện pháp quản lý và để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác.

Theo số liệu của DataReportal, TikTok có khoảng 49,9 triệu người dùng tại Việt Nam, xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia có số lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới. Với những vi phạm hiện có, TikTok có thể gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội.

3. Hoạt động kiểm duyệt của TikTok đang được thực hiện ra sao?

Theo các điều khoản an toàn của TikTok, mạng xã hội này sẽ kiểm duyệt và gỡ bỏ các nội dung gây hại thông qua những đánh giá bằng thuật toán và đánh giá từ kiểm duyệt viên là người thật.

Nhưng hoạt động kiểm duyệt này lại không được giới truyền thông, đặc biệt là truyền thông phương Tây, đánh giá là hiệu quả. Cụ thể, theo một bài viết vào cuối năm ngoái trên CNN, nếu bạn là một người dùng mới đăng ký sử dụng nền tảng này, chỉ mất một vài phút đầu tiên để các nội dung độc hại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thanh thiếu niên (như tự tử và tự hại) xuất hiện trên màn hình.

Tuy vậy, những nội dung gây hại lại dễ được lan toả trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc này nhất, không chỉ nhờ hoạt động của người dùng, mà còn nhờ các thuật toán tự động. Vì "viral," hay sự lây lan của các thông tin lôi kéo sự chú ý của người dùng, là cơ chế nuôi sống hầu hết các mạng xã hội.

Bên cạnh đó, thuật toán kiểm duyệt của TikTok cũng thường xuyên được ghi nhận là xoá bỏ "nhầm" nhiều nội dung có liên quan đến các phong trào xã hội như Black Lives Matter, hay có chứa hình ảnh của người nghèo, người chuyển giới, và nhiều nhóm yếu thế khác.

httpsimgvietceteracomuploadsimages07apr20231292147jpg
Một số nội dung bị TikTok xoá khỏi nền tảng của mình có liên quan đến các cộng đồng yếu thế | Nguồn: Dazed

Với vấn đề này, theo trang Vision of Humanity, TikTok giống một kênh thông tấn nhiều hơn là một nền tảng mạng xã hội, theo nghĩa những người chủ của nền tảng này can thiệp một cách có chủ đích nhiều hơn vào những thông tin nên được sản xuất, và những gì không nên được sản xuất trên TikTok. Điều này gây lo lắng đối với cả các chính phủ, và các nhà hoạt động xã hội, vì thuật toán kiểm duyệt không xoá bỏ dựa trên nguyên tắc giữ gìn sự an toàn cho người dùng, mà dựa trên thiên hướng chính trị của một số cá nhân.

4. TikTok có thể bị chặn ở Việt Nam?

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông, nói vào cuộc họp chiều ngày 6 tháng 4, pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ quy định, quy trình để thực hiện biện pháp đảm bảo an ninh mạng, không chỉ giới hạn ở việc chặn, hạ ứng dụng vi phạm.

Cơ quan quản lý có công cụ để thực hiện về cả kinh tế, kỹ thuật và ngoại giao với các nền tảng xuyên biên giới. Ví dụ, về kinh tế, dòng tiền tới các nền tảng vi phạm và người dùng có thể bị cắt đứt. Về kỹ thuật, nếu nền tảng không gỡ bỏ nội dung sai phạm, tên miền và máy chủ có thể bị chặn.

Là một mạng xã hội xuyên biên giới có đặt văn phòng tại Việt Nam, văn phòng TikTok sẽ có đoàn thanh tra liên ngành tới để đánh giá toàn diện.

Như vậy, nếu không gỡ các nội dung vi phạm, nền tảng này có thể bị chặn tại Việt Nam.

5. Đâu là những quốc gia đã nói không với TikTok?

TikTok đã trở thành mối lo ngại đối với nhiều quốc gia trên thế giới, liên quan đến bảo mật thông tin của người dùng, các vấn đề liên quan đến đạo đức của các video được đăng tải, và thậm chí là an ninh quốc gia.

Australia là quốc gia gần nhất áp đặt lệnh cấm TikTok trên toàn bộ các thiết bị được sở hữu bởi chính phủ liên bang vào ngày 4 tháng 4.

Trước đó, vào cuối tháng 3, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Ngoại thương sắp mãn nhiệm của Estonia cũng trả lời với một báo địa phương rằng TikTok sẽ bị cấm trên các điện thoại thông minh được chính quyền cấp cho các quan chức nhà nước. Tuy vậy, nếu những người này sử dụng thiết bị cá nhân ở nơi làm việc, thiết bị của họ sẽ không bị kiểm tra.

Các lệnh cấm tương tự cũng được đưa ra tại Anh, New Zealand, Đài Loan, và các cơ quan hàng đầu của EU như Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU, vì các lo ngại liên quan đến an ninh mạng.

Các quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, và Afghanistan cấm hoàn toàn TikTok vì các lý do khác nhau như quyền riêng tư, tính đạo đức của các nội dung, và việc chúng có thể khiến giới trẻ "bị lừa dối."