Tìm "con người Á Đông" của mình trong nền văn hóa "phi định vị" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 02, 2021
Chất Lượng Sống

Tìm "con người Á Đông" của mình trong nền văn hóa "phi định vị"

Năm 25 tuổi, tôi cảm thấy mình như một cái cây non giữa cơn lốc xoáy, lơ lửng giữa nhiều nền văn hóa.
Tìm "con người Á Đông" của mình trong nền văn hóa "phi định vị"

Nguồn: 'Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng' và Harry Vũ.

Ngày mà văn hóa Việt Nam vĩnh viễn thay đổi trong tôi, là ngày mà nhà tôi lắp mạng internet.

Với internet, tôi thấy năm mới của mình thật khác năm mới ở nước ngoài. Chúng ta đón năm mới với hương khói nhang, ly trà, bánh chưng bên những bài hát xuân nhẹ nhàng; còn người ta tắm nhau trong rượu, nhảy nhót trong nhạc xập xình, và còn đắm đuối hôn nhau.

Một thế giới hoàn toàn mới lạ mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy mở toang trong tầm mắt, vui quá, sôi động quá. Tôi ngay lập tức cảm thấy những gì bố mẹ, thầy cô và sách giáo khoa dạy bảo bỗng như lệch khỏi quỹ đạo. Không mất nhiều thời gian để tôi gạt những điều đó qua một bên để hoàn toàn đằm mình trong “văn hóa internet”.

Cho tới năm tôi 25 tuổi và cảm thấy mình như một cái cây non giữa cơn lốc xoáy. Tôi lơ lửng giữa nhiều nền văn hóa, với một cái gốc chưa kịp hoàn thiện đang cố giành tôi về mặt đất. Tôi sẽ mượn đà cơn lốc xoáy để đi tới những tầng mây mình chưa nhìn thấy, hay ở lại và cao lớn dần theo thời gian?

Chợt tôi nhận ra, có lẽ mình đã chối bỏ gốc rễ của mình quá lâu, và mình còn một hành trình dài để lớn.

“Tọa độ văn hóa” của tôi là ở đâu?

Tôi kẹt giữa hai nền văn hóa: văn hóa truyền thống, và “văn hóa internet”.

Điều thú vị là, “văn hóa internet” là một nền văn hóa “phi định vị” (theo định nghĩa của nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Ngọc Trảng - một người rất uyên thâm và cá tính: bác vừa đạo mạo giây đầu, là tếu táo tấu hài ngay giây sau; trò chuyện với bác vừa vui vừa thấm.)

titleNhagrave nghiecircn cứu Huỳnh Ngọc Trảng Nguồn vnexpress Nhagrave nghiecircn cứu Huỳnh Ngọc Trảng Nguồn vnexpress
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. | Nguồn: vnexpress.

Văn hóa lại đi ra từ con người, nên con người chọn ở đâu thì văn hóa nằm ở đó. Đó là lý do mà internet “phi định vị”: nó mở ra cho chúng ta một vũ trụ với vô vàn những sự lựa chọn. Bạn có thể là một người vừa thích ăn phở, vừa thích ăn burger, và thích cả burger vị phở, chẳng ai phán xét được bạn, chẳng ai ép bạn phải ăn thế nào cho “đúng văn hóa”.

Với internet, thế giới trở nên vô cùng rộng lớn với rất nhiều biến thể của niềm tin, và bạn có thể chọn tin bất kỳ điều gì. Đây quả là một cuộc cách mạng trong tâm tưởng. Nhưng chợt tôi thấy sự khác biệt lớn giữa tâm tưởng của tôi, và nền văn hóa đã nuôi dưỡng mình. Và tôi nhận ra rằng, không tìm hiểu về văn hóa nước nhà là một thiếu sót lớn.

Văn hóa là gốc rễ, nhưng cũng luôn thay đổi

Trong dòng xoáy văn hóa internet và những thay đổi trong quá trình trưởng thành, tôi nhận ra mình cũng giống một cái cây. Văn hóa Việt Nam nằm ở phần gốc rễ, còn văn hóa ngoại lai là những chiếc lá.

Tác động ngoại cảnh làm lá đổi màu, rụng đi và mọc lại, nhưng phần gốc rễ sẽ luôn ở đó, chìm khuất dưới lớp đất dày, dù ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc con người.

titleVigrave chigravem sacircu necircn tocirci khocircng thấy được ảnh hưởng của gốc rễ văn hoacutea Nguồn freepik Vigrave chigravem sacircu necircn tocirci khocircng thấy được ảnh hưởng của gốc rễ văn hoacutea Nguồn freepik
Vì chìm sâu nên tôi không thấy được ảnh hưởng của gốc rễ văn hóa. | Nguồn: freepik.

Trong giai đoạn 4.0, hội nhập văn hóa, chúng ta thường mang “chủ nghĩa tiến bộ”, đối chọi với “chủ nghĩa văn hóa” và nghĩ rằng hai trường phái này không thể dung hòa. Thế nhưng, theo bác Huỳnh Ngọc Trảng viết trong cuốn Khảo luận về Tết, bản chất của văn hóa là luôn thay đổi cho phù hợp với nhịp sống đương đại.

Ví dụ gần gũi nhất là tập tục ăn Tết cổ truyền: ngày xưa người Việt đã từng ăn Tết vào tháng Tám. Đó đơn giản là lúc vụ mùa kết thúc và người dân có dịp nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một mùa mới. Qua ảnh hưởng của một nghìn năm Bắc thuộc mà lịch pháp của chúng ta thay đổi, mới dẫn đến việc ăn Tết đầu năm như hiện nay. (Khảo luận về Tết)

Xu hướng hiện đại hóa cũng khiến những tập tục ăn Tết bớt đi phần thần bí, và hướng đến sự liên kết giữa gia đình, dòng tộc, chòm xóm. Từ việc dựng nêu, dán bùa đã dần chuyển thành treo câu đối, trao nhau những lời mong cầu một năm mới tốt đẹp, suôn sẻ.

Có thể thấy, dù hình thức có thay đổi, thì việc ăn Tết cốt vẫn xuất phát từ tình cảm giữa người với người, và sự yêu chuộng bình an của dân tộc Việt Nam.

titleTết đatilde coacute nhiều thay đổi theo thời gian Nguồn pexels Tết đatilde coacute nhiều thay đổi theo thời gian Nguồn pexels
Tết đã có nhiều thay đổi theo thời gian. | Nguồn: pexels.

Hiểu văn hóa là hiểu chính mình

Văn hóa Á Đông lấy tình cảm cộng đồng và niềm tin làm kim chỉ nam. Trong khi đó, tiếp cận với internet và văn hóa phương Tây, tôi lấy lý trí làm thước đo của sự tự chủ, và lấy tự chủ làm tín ngưỡng.

Đơn cử, tôi đã từng cảm thấy những dịp cúng kiếng thật phí tiền và thời gian. Nhưng giờ tôi nghĩ, đôi khi "cúng" đã cho mọi người một lý do chung để dẹp đi những khác biệt, mâu thuẫn để cùng ngồi lại ăn uống, trò chuyện và quan tâm đến nhau.

titleVăn hoacutea phương Tacircy khai mở rất nhiều khả năng suy luận khoa học nhưng lại thiếu đi sự kết nối tacircm linh vagrave caacutech sống tigravenh cảm của người Aacute Đocircng Văn hoacutea phương Tacircy khai mở rất nhiều khả năng suy luận khoa học nhưng lại thiếu đi sự kết nối tacircm linh vagrave caacutech sống tigravenh cảm của người Aacute Đocircng
Văn hóa phương Tây khai mở rất nhiều khả năng suy luận, khoa học, nhưng lại thiếu đi sự kết nối tâm linh và cách sống tình cảm của người Á Đông. | Nguồn: Rodnae Productions/Pexels

Việc ưa chuộng cách tư duy phương Tây và xa lánh những giá trị phương Đông mà tôi ngộ nhận là "phi lý" và "rườm rà" đã khiến tôi khoác lên một vẻ ngoài lạnh lùng, dù những gì tôi thực sự quan tâm là mối quan hệ giữa người với người.

Sự mâu thuẫn giữa các niềm tin đã làm tôi quên rằng trong thẳm sâu, giá trị cốt lõi của mình là văn hóa Việt Nam. Và việc thiếu quan tâm đến văn hóa bản địa cũng khiến tôi mù mờ về chính mình.

Tôi, cũng như rất nhiều người ngoài kia, chịu nhiều tác động của ngoại cảnh và hành động khi chưa ý thức mình là ai nên dễ cảm thấy bất mãn, không thoải mái. Theo như cuốn Hành trình về phương Đông, đây là khi “họ tự đóng kịch với chính mình, hoặc sống theo một lề lối khuôn khổ không thích hợp.”

Theo một nghiên cứu, những người mang tác động của đa văn hóa, nhưng lại không gắn bó chặt chẽ với cái nào, sẽ dễ cảm thấy bị lạc lõng và ít nhiều ám ảnh với nỗi sợ không thể nối tiếp truyền thống gia đình và di sản dân tộc.

Dù muốn hay không, thì văn hóa bản địa vẫn tạo một áp lực lớn đến nhân dạng của chúng ta. Dù thích hay không, thì những kỳ vọng về đạo đức, lễ nghĩa của thế hệ đi trước vẫn phủ bóng lên lựa chọn của chúng ta.

Vì vậy, định vị mình bằng cách tìm hiểu những gốc rễ ẩn sâu có lẽ là bước đầu tiên để trả lời câu hỏi: “Tôi là ai?”

Kết

Ngày nay, người trẻ có cơ hội tiếp cận và thay đổi theo những điều mới lạ; những giá trị xưa vì thế mà lép vế. Thế nhưng, với kinh nghiệm sống ít ỏi của mình, tôi tin rằng những phần quan trọng, sâu sắc nhất trong con người chúng ta luôn là sản phẩm của nền văn hóa nơi chúng ta lớn lên.

Trong thời gian gần đây, cũng đã có rất nhiều người trẻ đam mê văn hóa tạo nên những dự án nghệ thuật, văn hóa - lịch sử đậm chất Việt. Có thể kể đến như triển lãm 'Lĩnh Nam: Họ Hồng Bàng', dự án Vietnamme, Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi,... Họ đã tận dụng lợi thế của “thế giới phẳng” để để lưu giữ và truyền bá văn hóa Việt Nam. Rõ ràng, với những phát triển trong công nghệ, việc nối tiếp bản sắc cội nguồn trở nên rất dễ dàng và hiệu quả, quan trọng là chúng ta có đủ trân trọng để kết hợp “văn hóa tiến bộ” và “văn hóa truyền thống” hay không.

Hãy đọc thêm những bài viết trong bộ sưu tập “Ấm Cúng” của Vietcetera, để vừa trân trọng những giá trị bản địa, vừa tìm thấy cho mình những chân trời mới từ thế giới các bạn nhé.