Tình thế tiến thoái lưỡng nan của chiếc túi vải | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của chiếc túi vải

Trước tác hại của túi nylon đến môi trường, túi vải có vẻ là một hình thức thay thế tối ưu hơn. Nhưng điều này có thật sự đúng hoàn toàn?
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của chiếc túi vải

Nguồn: reader digest

Với ngày càng nhiều thông tin về tác hại của túi nylon tiếp cận tới công chúng, các sản phẩm túi vải được khuyến khích và đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.

Tuy nhiên cách chúng ta sản xuất, lưu thông, và sử dụng túi vải trên thực tế đang tạo nên một “cuộc khủng hoảng túi vải”, một vòng luẩn quẩn trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bảo vệ môi trường.

Để túi vải thân thiện với môi trường, bao nhiêu lần tái sử dụng mới đủ?

So với các loại túi nylon, túi vải có chi phí sản xuất cao hơn. Nghiên cứu của cơ quan Môi trường Anh Quốc vào năm 2008 (được trích dẫn bởi the Atlantic) về nguồn tài nguyên cần thiết để sản xuất các loại túi làm từ các vật liệu khác nhau cho thấy kết quả đáng để suy ngẫm.

Theo đó, túi nhựa truyền thống thường được làm từ HDEP (high-density polyethylene) - một loại vật liệu nhựa nhiệt dẻo có mật độ cao có chi phí thấp và tạo ra ít carbon lẫn các chất thải liên quan khác. Do đó về phương diện tài nguyên, sử dụng túi nylon ít ảnh hướng tới môi trường nhất so với các loại túi khác trong một lần sử dụng.

Túi vải cotton ngược lại có tác động xấu đến môi trường nhiều nhất vì chúng tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn để sản xuất và cũng rất khó phân huỷ.

Cần nhiều nguồn lực từ môi trường để sản xuất 1 chiếc túi cotton. | Nguồn: QC

Đối với những ai muốn hạn chế lượng khí thải carbon ra ngoài môi trường thì lựa chọn tốt nhất là sử dụng túi nhựa dùng một lần và tái sử dụng lại nó ít nhất một lần. Ví dụ bạn có thể làm túi đựng rác.

Tuy nhiên, để bù lại chi phí sản xuất của mình, một chiếc túi vải cotton cần được sử dụng lại ít nhất 327 lần. Để dễ tưởng tượng, bạn cần phải dùng 1 chiếc túi vải trong gần 1 năm để “hoàn vốn” cho môi trường. Theo nghiên cứu của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch vào năm 2018, con số này thậm chí tăng cao lên đến 20.000 lần.

Liệu chúng ta có có thể dùng từng chiếc túi vải 327 lần?

Nếu bạn xem trong nhà có khoảng bao nhiêu chiếc túi vải, con số này có thể nhiều hơn bạn tưởng tượng.

Trước những tuyên truyền về tác hại của túi nylon lên hệ sinh thái, các loại túi khác được dùng để thay thế và ưa chuộng hơn. Nhiều thương hiệu đã chuyển qua sử dụng túi vải như một hình thức “marketing xanh” và được hưởng ứng tích cực bởi người dùng.

Do đó ngoài những chiếc túi bạn mua cho mình, mỗi lần mua một món đồ bạn lại có thêm một chiếc túi vải đựng sản phẩm hoặc làm quà tặng kèm. Vì vậy, việc sử dụng mỗi một chiếc túi vải trong gần 1 năm liền có vẻ không khả thi lắm.

Nhiều thương hiệu cũng hay tặng túi vải cho khách hàng như một hình thức marketing xanh. | Nguồn: fresh and easy

Ngoài ra, túi vải đến tay người tiêu dùng qua rất nhiều cách khác nhau như quà tặng của một hội thảo môi trường, của các nhãn hàng, thương hiệu. Bởi vậy, những túi vải này thường được trang trí đặc sắc, công phu và thanh lịch.

Điều này vô hình trung khiến họ có cảm giác “tiếc” nếu đem những chiếc túi đó đi chợ hay mua đồ hằng ngày mà chỉ sử dụng chúng trong những dịp đặc biệt. Và thế là, chúng ta có thể dễ dàng thấy trong nhà mình những chiếc túi vải rất đẹp xếp góc với số lần sử dụng đếm đến đầu ngón tay.

Dùng túi vải có giúp bạn mua sắm cân nhắc hơn?

Nhiều người quan niệm rằng thông qua việc sử dụng túi vải, họ sẽ có ý thức hơn với những gì mình mua nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Tuy nhiên điều này không hẳn đã đúng.

Trong một nghiên cứu trích dẫn từ The Atlantic, mang túi vải cá nhân đi mua đồ sẽ khiến 13% người dùng mua nhiều sản phẩm hữu cơ và 7% người dùng mua đồ ăn vặt nhiều hơn.

Việc mua các sản phẩm thân thiện với môi trường khá dễ hiểu bởi người dùng có nhiều động lực hơn khi mang túi riêng với tâm thế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về những sản phẩm hữu cơ mình lựa chọn.

Việc dùng túi vải chưa chắc khiến chúng ta có thói quen tiêu dùng thân thiện hơn với môi trường. | Nguồn: concept bag

Với những khách hàng mua đồ ăn vặt, các nhà nghiên cứu cho rằng họ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng cấp phép đạo đức (self-licensing/moral licensing effect). Hiệu ứng này miêu tả tâm lí đánh giá quá cao việc tốt mình làm mà dung túng những hành động không tốt.

Bởi vậy, việc mang túi cá nhân vô tình khiến một bộ phận người dùng cho phép bản thân tự thưởng bằng đồ ăn vặt không tốt cho sức khoẻ. Đôi khi, những túi đồ ăn vặt còn chứa nhiều nhựa hơn cả một túi nhựa ở quầy hàng. Do đó, việc mang túi vải mua sắm tuy một phần có thể khuyến khích người dùng thay đổi thói quen mua sắm nhưng đồng thời có thể tạo thói quen tiêu cực hơn.

Kết

Laura Balmond, giám đốc dự án của chiến dịch Make Fashion Circular, cho rằng cuộc khủng hoảng túi vải là “ví dụ điển hình về hậu quả không mong muốn khi cố gắng đưa ra những lựa chọn tích cực nhưng không hiểu hoàn cảnh vấn đề”.

Khi dành đủ thời gian tìm hiểu những giải pháp môi trường, chúng ta sẽ hành động đúng đắn hơn: tái sử dụng túi vải hiện có càng nhiều càng tốt và trên hết không mua hay nhận thêm túi vải.