Tóm Lại Là: Áo dài cho nam, không chỉ là chuyện áo dài! | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu

Tóm Lại Là: Áo dài cho nam, không chỉ là chuyện áo dài!

Áo dài và câu chuyện bình đẳng.
Tóm Lại Là: Áo dài cho nam, không chỉ là chuyện áo dài!

Nguồn: Nguyễn C. Hiếu

1. Chuyện gì đang xảy ra với áo dài?

Ngày 2/11, trong chương trình Truyền cảm hứng về áo dài tại trường THPT Marie Curie (TP.HCM), nghệ sĩ Kim Xuân đã đề nghị với Sở GD&ĐT TP.HCM về việc các trường THPT nên khuyến khích học sinh nam mặc áo dài vào sáng thứ hai hàng tuần.

"Tôi mong rằng đề nghị nam sinh mặc áo dài chào cờ sáng thứ hai sẽ được thực hiện vào năm sau", nghệ sĩ Kim Xuân nói.

Sau lời đề nghị của cô, mạng xã hội nổ ra cuộc tranh cãi về việc có nên để nam sinh mặc áo dài hay không.

2. Vì sao nam giới không nên mặc áo dài?

Theo ý kiến của hiệu trưởng trường THPT Marie Curie, lý do nam sinh không nên mặc áo dài là:

  • Thời tiết đang dần nóng lên;
  • Tốn kém chi phí cho phụ huynh;
  • Con trai thường có những hoạt động năng động hơn con gái, mặc áo dài sẽ gây vướng víu khó chịu.
  • Việc nữ giới mặc áo dài sẽ tôn vinh hình thể, nhưng nam sinh thì không.

Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Thừa Thiên - Huế gần đây cũng có quy định mặc áo dài cho nam. Trước thông tin này, nhiều ý kiến trái chiều cũng diễn ra, đa số là so sánh nữ giới khi mặc áo dài sẽ rất duyên dáng nhưng nam giới thì không được như vậy.

3. Nam giới có từng mặc áo dài?

Không phải nam giới chưa từng mặc áo dài. Từ năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thiện tà áo dài và việc mặc nó gần như là bắt buộc với tầng lớp trí thức trung lưu. Ban đầu, áo dài nam có 5 thân và 5 cúc nên được gọi là áo dài ngũ thân.

Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa Đinh Hồng Cường, sau giai đoạn đói nghèo năm 1945, áo dài ngũ thân bắt đầu không được trọng dụng vì tốn vải vóc. Những cuộc chiến chinh trường kỳ, phong trào Tây hóa cùng việc hình ảnh áo dài gắn liền với những cụ lý trưởng (vốn tượng trưng cho sự không lương thiện) cũng là các lý do khiến áo dài nam giới dần đi vào quên lãng.

4. Quy định mặc áo dài của nữ sinh đang ra sao?

Theo công văn năm 2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, hiệu trưởng các trường THPT cần quy định nữ sinh mặc áo dài tối thiểu 2 buổi mỗi tuần. Nhiều trường THPT trên TP.HCM cũng đang áp dụng việc cho nữ sinh mặc áo dài từ 1 buổi trở lên.

Tuy nhiên, vẫn chưa có một quy định thống nhất cho việc mặc áo dài của nữ sinh cả nước. Đơn cử như những học sinh nữ tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chỉ cần mặc áo dài đúng một lần trong năm, vào Ngày hội Áo Dài của trường.

Lý do thường được đưa ra cho việc mặc áo dài là để nuôi dưỡng giá trị dân tộc, để tạo hình ảnh học sinh “năng động, sáng tạo, giàu tính truyền thống”.

5. Áo dài và câu chuyện bình đẳng

Dễ thấy tất cả những lý do được đưa ra cho việc nam sinh không nên mặc áo dài không khó để giải quyết. Bởi nữ sinh cũng cảm thấy khó chịu với nắng nóng, cũng phải chịu tốn kém để may áo dài, cũng có nhiều nhu cầu chơi những trò chơi năng động. Và đặc biệt hơn, việc tôn vinh hình thể của nữ giới không nhất thiết phải làm với áo dài.

Đôi khi sự không bình đẳng diễn ra như một thói quen, và chúng ta cứ vô tình lặp lại nó. Đôi khi trách nhiệm ‘phải mạnh mẽ’, ‘phải làm những việc nặng’, một cách tự nhiên, là nhiệm vụ của bạn nam. Đôi khi các bạn nữ bị mang trọng trách phải giữ gìn truyền thống bằng việc mang một tà áo.

6. Tiêu chuẩn kép về trang phục của hai giới có phổ biến?

Tiêu chuẩn kép (double standard) chỉ việc con người dùng 2 hệ quy chiếu không đồng đều để nhận xét về cùng một vấn đề. Cùng là áo dài, nhưng nam và nữ mặc lại được đón nhận hoàn toàn khác nhau.

Thậm chí, giới giáo sư tại Mỹ cũng có nhiều bất cập trong việc ăn mặc tại công sở. Nếu các giáo sư nữ luôn phải chú tâm đến vẻ ngoài, phải mặc đồ ‘đàng hoàng’ để không bị đánh giá thấp thì nam giới lại không cần phải quá quan tâm đến những bộ quần áo mình mặc.

Những vũ đạo vén váy của các nhóm nhạc nữ Hàn Quốc cũng bị cho là phản cảm và bị cấm sóng, trong khi vũ đạo vén áo của các nhóm nhạc nam vẫn được đón nhận nhiệt liệt.

7. Tương lai sắp tới của áo dài?

Tại Hàn Quốc, một số trường đã bắt đầu cho học sinh mặc đồng phục là hanbok cách tân. Ở Nhật Bản, kimono cũng được thay đổi để phù hợp thành đồng phục cho các học sinh. Việc quần áo truyền thống được biến tấu thành đồng phục là không hiếm ở các nước, tuy vậy, cũng cần có sự biến đổi phù hợp.

Có lẽ, cũng sẽ đến ngày học sinh nam được mặc bộ áo dài đến trường, hòa cùng dòng áo dài trắng của nữ sinh. Nhưng những bộ áo dài ấy hy vọng sẽ không còn nóng, không còn bị ép phải tôn lên đường cong cơ thể của bất kỳ ai, không quá ‘vướng víu’ để bất kỳ giới tính nào cũng có thể tự tin thể hiện sự năng động của mình.

Ai cũng có khả năng tôn vinh trang phục truyền thống của dân tộc. Nhưng luôn có nhiều hơn một cách để làm điều đó, và không nên có bất kỳ sự lẻ loi của người nào khi làm việc này.