Tóm Lại Là: Bao giờ cả thế giới được tiêm vaccine? | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Bao giờ cả thế giới được tiêm vaccine?

Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại sản xuất được vaccine ngừa dịch bệnh chỉ trong vòng hơn 1 năm. Thế giới đang tận dụng thành quả đó ra sao?

Tóm Lại Là: Bao giờ cả thế giới được tiêm vaccine?

Tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết | Nguồn: Shutterstock

Sáng nay 19/06, Việt Nam chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết trên toàn thế giới.

Trong bài viết này, Vietcetera mang đến các bạn câu trả lời cho 7 câu hỏi lớn nhất về tiến trình tiêm vaccine hiện tại.

Các bạn cũng có thể nghe podcast Tóm Lại Là #1: Bao giờ cả thế giới được tiêm vaccine? trên Spotify.

1. Việt Nam chúng ta đang tiêm vaccine ra sao?

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 1,81 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được tiêm tại Việt Nam, đạt tỉ lệ 1,9% dân số. 

Việt Nam hiện đã nhận được gần 3 triệu liều vaccine để tiến hành tiêm chủng. Trong số này, cơ chế COVAX cung cấp hơn 2,5 triệu liều. Số vaccine này được chia thành hai đợt, và đều của hãng AstraZeneca.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam cần tiêm 150 triệu liều vaccine để đảm bảo mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong năm 2021.

2. Thế giới tiêm vaccine được đến đâu rồi? 

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 21,1% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19. | Nguồn: ourworldindata.org

Số liều vaccine được tiêm trên toàn cầu hiện đạt đến 2,4 tỷ liều, cùng với 35,1 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày.

Tuy vậy, chỉ có chưa đến 1% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm vaccine.

3. Nước nào đang tiêm nhanh, nước nào đang tiêm chậm? 

Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Israel hiện đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng. Nếu thống kê theo khu vực, Bắc Mỹ và châu Âu đang có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất, lần lượt là 68 liều và 59 liều/100 người. Thấp nhất là châu Phi với chỉ 3.1 liều/100 người.

Các nước châu Phi hiện có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới. Để so sánh, quốc gia dẫn đầu UAE hiện đạt tỉ lệ tiêm chủng 145 liều/100 người, trong khi quốc gia đứng cuối bảng là Congo chỉ có chưa đến 0,1 liều được tiêm cho 100 người dân.

poor
Các nước châu Phi hiện có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất thế giới | Nguồn: Afrikanza

Khoảng cách giàu nghèo là yếu tố then chốt tạo nên sự chênh lệch này. Theo nghiên cứu mới đây của Đại học Duke, 92 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không thể đạt tỷ lệ tiêm chủng là 60% dân số cho đến năm 2023, hoặc có thể muộn hơn. Lý do là vì các quốc gia có thu nhập cao đã khóa 53% nguồn cung cấp vaccine trong thời gian ngắn hạn.

4. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng? 

Có 3 yếu tố lớn ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng (Theo npr.org).

Yếu tố đầu tiên là nguồn cung. Những nước giàu sẽ có khả năng sản xuất hoặc nhập khẩu vaccine. Họ cũng có lợi thế hơn trong việc thỏa thuận và ký kết với nhà sản xuất. 

Một ví dụ là Israel, khi quốc gia này đề nghị mua vaccine với giá cao. Israel sau đó có được vaccine từ nhà sản xuất từ rất sớm, cho phép họ vươn lên dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng.

Yếu tố thứ hai là khả năng điều phối. Nếu một quốc gia có kế hoạch vận hành logistics, điều phối nhân lực và tổ chức tiêm chủng tốt, họ sẽ đẩy nhanh hơn tiến trình này.

vaccine
Khả năng điều phối ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình tiêm chủng | Nguồn: PharmTech

Yếu tố thứ ba là tâm lý cộng đồng. Việc chính phủ và người dân ủng hộ hay nghi hoặc vaccine ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình tiêm chủng. 

Tâm lý hoài nghi và phản đối việc tiêm chủng rất phổ biến tại châu Phi. Tổng thống Tanzania John Magufuli không tin vào sự tồn tại của dịch bệnh, cũng như không tán thành việc tiêm chủng. Ông thậm chí kêu gọi người dân cầu nguyện thay vì thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Malawi, tiến trình tiêm chủng chậm do người dân nước này lo sợ rằng vaccine AstraZeneca sẽ giết chết họ. Đây là lý do khiến hơn 16 nghìn liều vaccine ngừa covid-19 tại nước này bị bỏ đi, dù đây là số vaccine được hỗ trợ miễn phí từ cơ chế COVAX.

5. Cơ chế COVAX là gì? 

COVAX Facility là cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19”. Cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với loại vaccine này.

COVAX hiện mong muốn phân phối 2 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 trước cuối năm 2021 cho tất cả các nước. Trong số này, sẽ có đến 1 tỷ liều được dành cho 92 nước có thu nhập thấp và trung bình. 

Để đảm bảo nguồn cung ứng vaccine, COVAX huy động tài trợ từ các nguồn quỹ của chính phủ và tư nhân.

6. Có các dòng vaccine chính nào ở hiện tại? 

Hiện tại, có một số loại vaccine ngừa Covid-19 phổ biến sau: 

  • AstraZeneca (Vương quốc Anh)

Đây là vaccine do Đại học Oxford và Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca hợp tác sản xuất, đồng thời là loại vaccine đầu tiên được Bộ Y Tế cấp phép tại Việt Nam

  • Pfizer/BioNTech (Mỹ - Đức)

Đây là vaccine do 2 tập đoàn Pfizer và BioNTech hợp tác sản xuất. Bộ Y tế cho biết đã làm việc với hãng về việc mua 31 triệu liều ngay từ tháng 10/2020 khi vaccine còn đang được thử nghiệm lâm sàng. 

Loại vaccine này chính thức được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phê duyệt vào ngày 12/06 vừa qua.

covid
Việt Nam đã phê duyệt tổng cộng 4 loại vaccine để tiến hình chiến dịch tiêm chủng | Nguồn: Đảng bộ TPHCM
  • Sputnik V (Nga)

Đây là loại vaccine thứ 2 được Bộ Y Tế cấp phép tại Việt Nam. Vaccine Sputnik V do tập đoàn JSC Generium sản xuất. 

Ngày 02/06/2021, Bộ Y Tế đã đạt được thỏa thuận đàm phán mua 20 triệu liều Sputnik V trong năm 2021.

7. Các loại vaccine hiện tại có bảo vệ tốt trước các biến chủng mới không?

Theo nghiên cứu mới đây của Bộ Y tế Công cộng Anh (PHE), hai loại vaccine Pfizer và AstraZeneca vẫn cung cấp khả năng bảo vệ tốt khi đối mặt với các biến chủng mới. (theo laodong.vn)

Cụ thể, 2 tuần sau khi tiêm liều thứ hai, vaccine Pfizer có hiệu quả 88% với biến thể Ấn Độ, trong khi vaccine của AstraZeneca đạt hiệu quả 66%. 

Đối với biến thể từ Anh, vaccine Pfizer đạt hiệu quả 93%. Vaccine AstraZeneca cũng cung cấp khả năng bảo vệ 66% sau hai liều.

covid
Các loại vaccine đang lưu hành vẫn cung cấp khả năng bảo vệ tốt khi đối mặt với các biến chủng mới | Nguồn: VnExpress

Về hiệu quả của vaccine Covid-19 trước các biến chủng mới, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết những biến chủng mới này sẽ không làm cho vaccine mất hoàn toàn tác dụng. 

Tuy đã có những tín hiệu tích cực trong tiến trình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Việt Nam, chúng ta cũng không nên chủ quan.

Trong tình cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và quy tắc 5K là cần thiết để từng bước chiến thắng đại dịch, trở lại cuộc sống bình thường mới.