Tóm Lại Là: Đừng xin link hình chụp lén nữa! | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Đừng xin link hình chụp lén nữa!

Tại sao việc nhìn lén người khác đã trở thành một vấn nạn?
Tóm Lại Là: Đừng xin link hình chụp lén nữa!

Nguồn: Hân Nguyễn cho Vietcetera

1. Chuyện gì đang xảy ra?

Nancy, nữ ca sĩ trong nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng Momoland vừa qua đã bị phát tán ảnh chụp lén trong lúc thay quần áo. Bức ảnh này ban đầu được xuất hiện trong một nhóm chat của ứng dụng Discord, sau đó nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Twitter. Theo như thông tin được biết thì đây là hình ảnh được chụp tại hậu trường Asia Artist Award vừa qua tổ chức tại Việt Nam năm 2019.

Đại diện của nữ ca sĩ, công ty MLD Entertainment đã lên tiếng về vụ việc này và khẳng định sẽ hợp tác với cơ quan có thẩm quyền để tìm ra người đã chụp và phát tán.

2. Còn các sự kiện nào tương tự gần đây?

Cuối năm vừa qua các sự kiện liên quan tới quay lén xảy ra liên tục. Từ việc dữ liệu trong camera của ca sĩ Văn Mai Hương bị phát tán lên mạng, tới việc nam thanh niên đặt camera ẩn quay lén đồng nghiệp cho vui.

Đáng báo động hơn khi chuyện quay lén xảy ra ngay trong trường học với 2 học sinh đặt camera ở phòng vệ sinh nữ. Câu chuyện phòng chat trả phí để coi trực tiếp hình ảnh nhạy cảm của khách hàng ở spa cũng làm cộng đồng xôn xao. Sự dồn dập của các sự kiện liên quan tới vấn đề thông tin cá nhân làm dấy lên vấn đề lớn của cộng đồng.

3. Tâm lý của kẻ quay lén là gì?

Voyeurism (thị dâm) chỉ những hành vi nhìn trộm hoạt động mang tính riêng tư (khoả thân, quan hệ tình dục) của người khác nhằm trải nghiệm sự hưng phấn tình dục. Những hành vi của những voyeur (người thị dâm) có thể bắt đầu từ sự tò mò nhưng nó có thể dẫn tới những hành vi như tấn công tình dục hay quay lén. Cộng đồng này lớn tới nỗi tạo ra những scandal gây rúng động khi bị lộ ra như phòng chat Nth.

4. Mức độ ảnh hưởng của vấn đề này lớn đến thế nào?

Bệnh dịch thị dâm (Voyeurism Epidemic) hay Bệnh dịch quay lén (Spycam Epidemic) là một vấn nạn tại Hàn Quốc. “Molka" là từ dùng để chỉ vấn nạn này tại Hàn khi mà vào năm 2014 có tới 6,600 người bị bắt vì quay lén. Con số này có khả năng còn cao hơn ngoài đời thật khi chuyện bị quay lén trở thành “cơm bữa" tại Hàn.

22,000 phụ nữ tại Hàn đã đứng lên biểu tình nhằm tăng mức hình phạt cho việc quay lén. Sự ăn sâu trong tư tưởng phân biệt giới tính trong xã hội, "Cái nhìn nam giới" cũng như việc "vật hoá" cơ thể phụ nữ khiến những đoạn video quay lén trở thành món hàng đắt giá. Người ta bằng lòng trả những số tiền khổng lồ, bỏ đi phần đạo đức trong mình chỉ để được nhìn trộm những giây phút riêng tư của một người không quen biết.

5. Tại sao lại có ngày càng nhiều các vụ quay lén bị "lộ" ra?

Một khái niệm khác xoay quanh thị dâm được phát triển là khi người ta chỉ đơn giản thích theo dõi và quan sát cuộc sống cá nhân của người khác. Sự phát triển của mạng xã hội cho ta không gian để "vô thức nhìn trộm" cuộc sống người lạ. Chương trình thực tế cũng góp phần thúc đẩy "sở thích" này một cách vô hình. Sự riêng tư và tính cá nhân trở nên mập mờ hơn bao giờ hết ở thời đại này.

Sự tò mò về cuộc sống của người khác trên internet dần trở nên "bình thường hóa". Trước những vụ việc bị lộ thông tin nhạy cảm, thì thứ xuất hiện đầu tiên là những comment tự tin, vứt bỏ đi giới hạn đạo đức để “xin link”. Những câu đùa vô tư hoá vô tâm như “thí chủ có link không?” là phản ứng thường thấy trước những sự kiện này.

6. Một cú click chuột có thể giết người?

Kẻ quay lén được thoả mãn nhưng lại đem đến "cái chết về mặt xã hội" (social death) cho nạn nhân của mình. Đôi khi, chỉ cần một cú click chuột hay bình luận ác ý đã gửi đi án tử cho nạn nhân, cả trên mạng lẫn ngoài đời.

Năm 2018, một nữ sinh đã tự tử vì bị phát tán video hôn bạn trai. Năm 2019, một phụ nữ Hàn được truyền thông gọi là A đã chọn cách tự tử khi không thể tiếp tục sống với sự ám ảnh tâm lý nặng nề khi bị quay lén. Sự sang chấn tâm lý không dễ bị phai đi, đó là chưa kể sự đáng sợ nằm ở việc Internet lưu giữ mọi thứ.

7. Có giải pháp nào cho vấn đề này?

Tại Nhật Bản, điện thoại bắt buộc phải có tiếng khi chụp để tránh việc bị chụp lén dưới váy. Hàn Quốc thì lập ra một biệt đội truy sát camera ẩn. Về pháp luật, nhiều khu vực Châu Âu hay Mỹ cũng đã có những thay đổi tích cực về mặt lập pháp để bảo vệ quyền về sự riêng tư dữ liệu của cá nhân.

Tại Việt Nam, Bộ Công An đã tập trung vào việc xây dựng luật cụ thể về bảo vệ sự riêng tư của dữ liệu cá nhân. Nhất là khi khái niệm về dữ liệu cá nhân cũng như bản thân bộ luật vẫn còn rời rạc và thiếu tính ứng dụng trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện đại. Đây được cho là vấn đề cần thiết và cấp bách nhất là khi Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thời đại 5G.