Tóm Lại Là: Mưa đá phủ trắng 7 tỉnh miền Bắc, tại sao? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Tóm Lại Là: Mưa đá phủ trắng 7 tỉnh miền Bắc, tại sao?

Hạt mưa đá to như trứng gà, khiến 3 người tử vong. Tóm lại là, mưa đá từ đâu ra? và chúng lại trải dài trên các tỉnh miền Bắc Việt Nam như vậy?
Tóm Lại Là: Mưa đá phủ trắng 7 tỉnh miền Bắc, tại sao?

Tóm Lại Là: Mưa đá phủ trắng 7 tỉnh miền Bắc, tại sao?

1. Nước ta mới có mưa đá ở đâu?

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày 02/03 đến 03/03, mưa đá và giông lốc đã xảy ra tại 7 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Những tỉnh này bao gồm Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La.

Mưa đá kéo dài khoảng 40 phút, với những viên đá to khoảng viên bi đến quả trứng, khiến các con đường và sườn đồi phủ trắng xóa.

Đây là một thiên tai nguy hiểm và gây thiệt hại lớn.

2. Mưa đá gây thiệt hại bao nhiêu?

Đến sáng 04/03, mưa đá, giông lốc ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến:

  • 3 người tử vong;
  • 16 người bị thương;
  • 1 cầu giao thông bị cuốn trôi;
  • 34 cột điện gãy đổ;
  • Hơn 5.500 nhà bị sập, hư hỏng;
  • Hàng trăm héc ta lúa, hoa màu và cây lâu năm bị thiệt hại.

3. Mưa đá thường xảy ra khi nào?

Mưa đá thường xảy ra khi có đợt không khí lạnh, hoặc trong các tháng chuyển tiếp giữa lạnh sang nóng và ngược lại. Lý do là vì các tháng này chứng kiến sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở 2 khối không khí trái ngược. Sự xung đột nhiệt độ này tạo nên vùng đối lưu mạnh, gây mưa giông và tạo đá.

4. Hạt mưa đá hình thành như thế nào? Tại sao màu giống tuyết?

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa đá xảy ra do sự bất ổn định trong không khí, khi luồng khí lạnh và nóng gặp nhau.

Hạt đá hình thành khi những hạt mưa bị gió bão đánh lên cao, chạm tới khu vực cực lạnh trên khí quyển và đóng băng. Hạt đá lớn dần trên không khi va chạm với những hạt mưa mới, khiến chúng bám vào mặt đá.

Nếu hạt mưa đóng băng ngay khi chạm vào hạt đá, bong bóng nước sẽ bị kẹt trong đá, khiến đá trắng mờ như màu tuyết. Nếu hạt mưa đóng băng từ từ, kịp cho những bong bóng nước thoát ra, cục đá trong suốt như đá chúng ta hay cho vào thức uống.

5. Tại sao miền Bắc năm nào cũng mưa đá?

Phần lớn Việt Nam nằm trong khu vực bán sơn địa – vừa nhiều núi, vừa nhiều đồng bằng. Miền Bắc thường hứng chịu các đợt không khí lạnh và gió hội tụ Tây Nam trên cao.

Hai yếu tố trên kết hợp với nhau hình thành nên mưa đá hằng năm.

Năm nay, cuối tháng 2, miền Bắc có đợt nắng ấm lên đến gần 30 độ. Vì vậy, khi đợt khí lạnh tràn về đột ngột, khu vực này xảy ra hiện tượng mưa giông và mưa đá.

6. Khi mưa đá nên làm gì để đảm bảo an toàn?

Nếu đang đi ngoài đường

  • Lập tức dừng lại tìm chỗ ẩn;
  • Đội mũ bảo hiểm để tránh đá gây tổn thương phần đầu;
  • Chờ đá tan hết mới đi tiếp để tránh trơn, ngã;
  • Không đứng dưới gốc cây vì vừa khó tránh đá, vừa dễ gặp sét.

Nếu đang ở trong nhà

  • Trú dưới gầm bàn, gầm giường;
  • Tìm các vật cứng che đầu phòng cục đá to;
  • Nếu nhà có nhiều tầng, không ở trên tầng cao nhất;
  • Không ở gần cửa sổ, phòng kính vỡ.

Khi xây nhà ở khu vực có nguy cơ mưa đá

  • Thường xuyên kiểm tra tình trạng mái nhà và gia cố lại;
  • Sử dụng vật liệu có thể chống chịu va đập;
  • Kết cấu và xà gồ nên dùng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn;
  • Làm mái nhà dốc xuống hai bên để giảm lực tác động vào mái.

Nếu có xe ô tô

  • Đưa xe vào gara kiên cố;
  • Nếu không có gara, chuẩn bị bạt khí (một loại phụ kiện bảo vệ xe).

Để bảo vệ cây trồng

  • Dựng giàn che dọc theo luống;
  • Làm giàn mái hình tam giác để giảm lực tiếp xúc của đá lên giàn;
  • Cọc chống phải chắc chắn.

7. Ai hỗ trợ người dân khi mưa đá?

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai là cơ quan hỗ trợ người dân gặp nạn vì mưa đá, giông lốc.

Hiện tại, Ban chỉ đạo đang cùng người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến về thiên tai. Ban chỉ đạo cũng chịu trách nhiệm thông tin đến người dân và các cấp chính quyền về các biện pháp phòng tránh phù hợp.

Các địa phương đang chủ động thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn, hỗ trợ họ ổn định lại đời sống và sản xuất.