1. Điều gì đang diễn ra?
Ngày 02/06, 4 doanh nghiệp (hãng phát hành và hệ thống rạp phim) gồm CGV, Lotte Cinema (công ty "mẹ" Hàn Quốc) và Galaxy Thiên Ngân, BHD (Việt Nam) cùng ký vào văn bản cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ. (Nguồn: vneconomy.vn)
Các doanh nghiệp cho biết doanh thu trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra gần như bằng 0, nguy cơ phá sản cao, có thể làm đẩy lùi nền Điện ảnh Việt Nam vốn phát triển vượt bậc trong 10 năm trở lại đây.
2. Nội dung văn bản “kêu cứu” có gì?
4 doanh nghiệp kinh doanh kể trên đưa ra hai vấn đề cần được hỗ trợ chính, bao gồm:
- Các kiến nghị hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về tài chính/ thanh toán gồm: chính sách hỗ trợ cấu trúc nợ vay hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới; tài trợ hoặc gia hạn thời gian các khoản thuế phí, đóng bảo hiểm đến hết ngày 31/12/2021; có chính sách vận động, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản cho thuê mặt bằng miễn giảm tiền thuê, phí dịch vụ trong thời gian đóng cửa và ít nhất 6 tháng kể từ khi rạp phim hoạt động trở lại.
- Ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Theo đó rạp phim có thể sớm trở lại hoạt động và dễ dàng áp dụng tiêu chuẩn 5K đảm bảo phòng và chống dịch.
3. Bình thường rạp phim thu lợi nhuận như thế nào?
Doanh thu của thị trường phát hành phim tại Việt Nam sẽ được chia theo tỉ lệ khác nhau giữa ba bên: Nhà phát hành, chủ sở hữu cụm rạp và đơn vị sản xuất phim.
Các nhà phát hành và sản xuất phim tại Việt Nam có tỉ lệ ăn chia thường là 55/45. Trong đó, nhà phát hành (có sở hữu cụm rạp) lấy 55% doanh thu vé và nhà sản xuất lấy 45%.
Ví dụ: Nếu một vé xem phim trị giá 100.000 VNĐ thì rạp được giữ khoảng 30.000 VNĐ, phần còn lại thuộc hai hai đơn vị phát hành và sản xuất với tỉ lệ riêng.
Doanh thu của rạp phim còn đến từ quảng cáo như áp phích, phim quảng cáo trước khi chiếu phim…; các sản phẩm khác như bắp rang, nước giải khát, phụ kiện; vé xem phim và cho thuê mặt bằng.
4. Doanh thu phòng vé trong thời gian dịch Covid-19 ra sao?
Trong 2 năm qua, nhiều phim Việt "thắng đậm" khi ra rạp bất chấp dịch Covid-19 như Bố Già (2021) khoảng 400 tỷ VNĐ, Tiệc trăng máu (2020) khoảng 175 tỷ VNĐ, Lật mặt (48h) khoảng 156 tỷ VNĐ, Gái già lắm chiêu 3 (2020) khoảng 165 tỷ đồng, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử (2020) khoảng 108 tỷ VNĐ…
Tuy nhiên, có nhiều phim ra rạp thất bại hoặc ngừng chiếu, dời lịch chiếu vì dịch Covid-19 như Võ sinh đại chiến, Người cần quên phải nhớ, Trạng Tí, Thiên thần hộ mệnh, Bẫy ngọt ngào... Báo Tuổi Trẻ tổng kết, phim Việt năm 2020 số lượng sụt, doanh thu giảm; thị trường phát hành chỉ còn 55% - 60% so với trước Covid-19. (Nguồn: tuoitre.vn)
Theo Box Office Vietnam, tổng doanh thu thị trường phim trong nước ước tính đạt 1.800 tỷ đồng, chiếm khoảng 43% với trước dịch (năm 2019 với 4.200 tỷ đồng). Số lượng phim Việt ra mắt năm 2020 cũng giảm xuống hơn một nửa (hơn 20 phim) so với 44 phim so với năm 2019.
Không chỉ riêng Việt Nam, doanh thu phòng vé toàn cầu cũng thê thảm không kém khi dịch Covid-19 diễn ra. Tờ Variety đưa tin, phòng vé khu vực Bắc Mỹ năm 2020 có lợi nhuận thấp nhất trong 40 năm trở lại đây. Doanh thu đạt 2,2 tỷ USD, giảm 80% so vơi với năm 2019. Trong khi đó, doanh thu phòng vé toàn cầu giảm 71% so với cùng kỳ năm 2019.
Một nhóm đại diện các chủ rạp chiếu phim ở Mỹ cũng đã từng kêu gọi Quốc hội và chính phủ Mỹ giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
5. Không chỉ đơn vị phát hành, nhà làm phim cũng khó khăn?
Không chỉ các doanh nghiệp phát hành phim gặp khó khăn, các nhà làm phim cũng rơi vào trạng thái tương tự. Họ tìm cách ứng phó trước những diễn biến mà dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực họ đang hoạt động.
Đạo diễn Victor Vũ chia sẻ trên Vietnam+: “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động ứng phó với khó khăn, tìm hướng phát triển cho thị trường điện ảnh trong nước là hết sức cần thiết.”
Diễn viên, đạo diễn Ngô Thanh Vân cho biết dự án phim Trạng Tí trải qua nhiều chông gai, thử thách nhưng ngừng chiếu sau chỉ 3 ngày ra rạp. Nhận được phản hồi và sự tin tưởng của khán giả là niềm vui và động lực của đoàn làm phim. Cô hy vọng Trạng Tí sẽ trở lại rạp phim vào một ngày gần nhất.
6. Ngoài điện ảnh, ngành nào cũng đang "kêu cứu"?
Ngoài các rạp phim, các ngành kinh doanh khác cũng đã từng có hành động "kêu cứu" lên chính phủ như du lịch, đường sắt, hàng không...
Theo thống kê, ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 23 tỷ USD riêng trong năm 2020. Ngành du lịch cũng đã "kêu cứu" lên Chính Phủ.
Tháng 04/2021, ngành Đường sắt cũng "kêu cứu" khi nợ lương hàng chục ngàn lao động. Theo đó, 11.315 người lao động, tuần đường, trực gác... thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang bị nợ lương, đứng trước nguy cơ phải bỏ việc.
Ngành Hàng không cũng từng không ít lần "kêu cứu" vì chịu tác động xấu từ những đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm trở lại đây.
7. Ngành nào sẽ "kêu cứu" tiếp theo?
Thị trường điện ảnh sụt giảm nghiêm trọng, có nguy cơ phá sản; kéo theo gần 10.000 công nhân viên làm việc tại các rạp phim rơi vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Theo báo cáo của VCCI và WB tại Việt Nam, các ngành chịu tác động tiêu cực và ảnh hưởng lớn nhất là bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Nếu các rạp phim gửi văn bản "kêu cứu" Chính Phủ, các ngành chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 kể trên cũng sẽ "kêu cứu" trong thời gian sắp tới?