A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.
Nhắc đến ngành điện ảnh hiện tại của Việt Nam, sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta quên nhắc tới Ngô Thanh Vân. Từ giai đoạn cuối những năm 2000, nền điện ảnh Việt bắt đầu có bước chuyển mình theo hướng phá cách và hội nhập hơn, Ngô Thanh Vân khiến khán giả nước nhà vỡ oà với hàng loạt vai diễn hành động đầy ấn tượng. Đến nay, hình tượng ‘đả nữ’ của Ngô Thanh Vân vẫn luôn là một dấu chấm phá khó phai mờ và khó bị thay thế trong lòng khán giả Việt.
Chia sẻ với Vietcetera, chị cho biết mình quả thật ‘say tình’ với điện ảnh. Gắn bó qua những vai diễn vẫn chưa đủ, chị khiến mọi người nể phục khi đảm nhận các vai trò ‘nặng ký’ như đạo diễn và nhà sản xuất phim. Nếu Tấm Cám khơi dậy cho người xem sự tò mò, hào hứng, Cô Ba Sài Gòn và Song Lang mang đến cho khán giả sự choáng ngợp trước nay hiếm tác phẩm Việt nào có thể làm được, thì Hai Phượng của Ngô Thanh Vân lại là một cơn bão oanh tạc sang tận thị trường nước ngoài.
Có thể nói với vai trò ‘nhà sản xuất phim’, Ngô Thanh Vân đang từng bước tạo nên nhiều kỳ tích cho nền điện ảnh Việt. Bỏ qua những rào cản về giới tính và những định kiến xã hội, xuyên suốt hành trình hoạt động nghệ thuật của mình, chị vẫn luôn là niềm tự hào của khán giả Việt, và là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà làm phim trẻ.
Vietcetera may mắn có cơ hội được Ngô Thanh Vân chia sẻ về những giá trị sống, những bài học và trăn trở của chị về nghề, về tương lai của nền điện ảnh Việt.
3 giá trị chị không bao giờ thỏa hiệp là gì?
Trung thực, tận tâm và tử tế.
Vân biết duy trì sự trung thực vốn không dễ dàng. Nó đòi hỏi ta phải đánh đổi nhiều lợi ích cá nhân. Nhưng nó chính là nền tảng, là điều kiện cho mọi mối quan hệ lâu dài.
Sự tận tâm theo Vân chính là đặt trọn tâm huyết vào từng việc mình làm và dồn tất cả nỗ lực để hoàn thành chúng. Vân không có phép những thứ nửa vời xuất hiện trong quá trình làm việc của mình từ trước đến nay.
Sự tử tế là giá trị và thái độ cốt yếu mà ai trong chúng ta–bất kể ngành nghề, hoàn cảnh…–đều buộc phải gìn giữ và ghi nhớ.
Ngoài 3 giá trị trên, liệu có thông điệp bất biến nào chị luôn cố gắng gửi gắm qua những tác phẩm điện ảnh của mình?
Nhìn chung, theo quan điểm của Vân, nghệ thuật được sinh ra chính là để phục vụ và hướng công chúng tới những giá trị cơ bản của ‘chân – thiện – mỹ’. Điện ảnh đương nhiên không ngoại lệ. Thay vì để lại cho khán giả sự giày vò với mớ cảm xúc tiêu cực, một bộ phim dù phản ánh hay khắc hoạ hiện thực tăm tối và bi thương tới đâu, điều đọng lại cuối cùng cho người xem vẫn nên là niềm tin về tương lai.
Ngoài ra, qua các sản phẩm với những nỗ lực lồng ghép nét văn hoá đặc trưng, đậm đà của Việt Nam cũng như thể hiện kỹ năng chuyên môn của các nhà làm phim Việt, Vân mong muốn khơi dậy sự tự hào của khán giả trong nước đồng thời mang điện ảnh Việt giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Động lực nào giúp chị từng bước bền bỉ chinh phục điện ảnh suốt nhiều năm qua?
Chắc chắn là niềm đam mê và tình yêu của Vân đối với nghề. Đó chính là lý do và nguồn động lực để Vân có thể đi được tới ngày hôm nay. Vân cảm thấy bản thân khá may mắn khi sớm nhận diện được đam mê và xác định được con đường mình sẽ đi. Một khi có được mục tiêu, hành trình của chúng ta sẽ bớt chông chênh. Từ đó, tác động từ những thử thách, khó khăn dường như cũng nhẹ đi phần nào.
Ngoài ra, do Vân được sinh ra với bản tính quyết tâm và ham học hỏi. Cho nên, khi đã quyết định làm gì, Vân luôn kiên trì đi đến cùng. Không ngừng trau dồi, rèn luyện và đúc kết giúp Vân hoàn thiện bản thân và đảm bảo công việc đạt được kết quả ưng ý nhất.
Bộ phim nào để lại ấn tượng sâu đậm với chị nhất cho tới thời điểm hiện tại?
Phải nói Hai Phượng là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Vân, khi Vân đồng thời đảm nhận vai trò giám đốc sản xuất và diễn viên chính. Đây là tác phẩm gặt hái được nhiều thành công, từ thương mại cho đến ghi nhận của giới phê bình.
Có thể nói đây là bộ phim duy nhất từ trước đến nay lấy đi của Vân nhiều sức lực, thời gian, máu và cả nước mắt như vậy. Hơn thế, quá trình hoàn thành của Hai Phượng đã đồng thời đặt Vân vào thế phải lựa chọn giữa cái tôi sáng tạo và tính lợi nhuận trong kinh doanh.
Để có một bản phim Hai Phượng mọi người đã xem với phân cảnh trận chiến cuối cùng dài khoảng 1 phút, Vân và đội ngũ sản xuất đã chấp nhận quay và chi trả thêm 1 tuần sản xuất. Khi đó đã “rã đoàn”, Vân gọi cho từng anh em trong ê-kíp, kể cả chuyên gia bên Pháp, dựng bài đánh mới, tập luyện thêm với diễn viên, thuê lại trang thiết bị…
Đó là một quyết định khó khăn, khiến cho Vân áp lực vô cùng và khiến nhà đầu tư cùng các đối tác đắn đo, e ngại. Vì thế, ở vai trò nhà sản xuất, trọng trách của Vân là thuyết phục được nhà đầu tư cũng như phải đảm bảo hiệu quả chi tiết từng khâu. Nhờ vào sự ủng hộ, và nỗ lực của từng cá nhân trong đoàn phim, nhà đầu tư và đối tác cũng như tình cảm của khán giả, Hai Phượng khép lại hình tượng ‘đả nữ’ của Vân với thật nhiều kỉ niệm.
Là người có những thành công và cơ hội được va chạm với môi trường điện ảnh quốc tế, theo chị, thị trường điện ảnh Việt hiện tại đang có những chuyển biến gì?
Việt Nam được đánh giá là một thị trường có tiềm năng to lớn, và đang phát triển nhanh chóng. Tổng doanh thu thị trường và số lượng cụm rạp tăng nhanh từng năm. Tuy nhiên, so với các thị trường nước ngoài, chúng ta vẫn còn rất non yếu.
Điện ảnh là một ngành công nghiệp. Như bao ngành công nghiệp khác, mỗi bộ phim là sản phẩm của cả một quá trình sản xuất bao gồm nhiều khâu với lượng nhân lực tương ứng. Việt Nam thiếu hụt nhiều về nhân lực đảm nhận các khâu sản xuất, từ kịch bản, quay, dựng cho đến hậu kỳ…
Quan trọng hơn, những nhân sự ít ỏi này thường hoạt động khá độc lập, không theo quy trình hay quy chuẩn chung nào cả. Từ đó, thời gian sản xuất, ‘đóng gói’ các sản phẩm điện ảnh thường khá dài. Vấn đề ‘xếp hàng’ chờ sản xuất và dựng hậu kỳ cho các dự án phim trong thời gian dài vốn không còn là điều gì quá xa lạ ở Việt Nam.
Để tiếp cận được với khán giả quốc tế, điện ảnh Việt cần có những động thái cụ thể nào?
Để có thể trở thành một nền điện ảnh chuyên nghiệp có sức cạnh tranh, giải quyết vấn đề nhân lực chưa thể coi là phương pháp tối ưu nhất. Trong giai đoạn chuyển mình, Việt Nam dĩ nhiên khó tránh khỏi việc phải đối mặt với sự phân mảnh về thị hiếu, thiếu ổn định về chất lượng và hơn hết là vẫn còn loay hoay trong định hướng.
Vì thế, theo Vân, những điều cơ bản nhất các nhà sản xuất phim Việt cần trang bị ngay bây giờ là sự nhạy bén với xu hướng, chiến lược định hướng sản phẩm rõ ràng và sự uyển chuyển trong sáng tạo.
Chúng ta nên học cách dung hoà giữa cái tôi sáng tạo của bản thân và thị hiếu của khán giả. Song song đó, những yếu tố văn hoá cần được lồng ghép một cách khéo léo thông qua ngôn ngữ điện ảnh thay vì chỉ ngôn ngữ nói.
Cuối cùng, thay vì e dè, chúng ta nên chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển thông qua việc năng nổ tham gia các Hội chợ phim, tiếp xúc với các nhà làm phim nước ngoài, gặp gỡ các đối tác, và các đơn vị phát hành quốc tế.
A Working Woman là nơi những người phụ nữ Việt thành công chia sẻ về chặng đường sự nghiệp và quan điểm của mình trong lĩnh vực của bản thân.