1. Game show I Am Rich Kid tại Việt Nam là gì?
I Am A Rich Kid - một show mới xoay quanh giới rich kid Việt - đang chiêu mộ nhân tài. Cái tên dễ khiến người đọc lầm tưởng sân chơi được tạo ra để đo độ giàu có, nhưng thực ra là đo năng khiếu, trí tuệ và khả năng âm nhạc của thí sinh.
Mục tiêu tối thượng của chương trình là gạt bớt định kiến về người giàu.
2. Hình ảnh người giàu trong mắt truyền thông?
Chương trình thực tế về cuộc sống của người giàu như Keeping Up With The Kardashians đã ra đời nhiều năm nhưng sức hút hiếm khi thuyên giảm. Bling Empire mới ra mắt năm 2021 trên Netflix là một minh chứng.
Lối sống xa xỉ của rich kid, rich family tại Việt Nam tuy chưa được mổ xẻ trong các chương trình thực tế trong nước nhưng lĩnh vực điện ảnh, kể từ sau Crazy Rich Asians, lại bước vào một sự chuyển mình.
Điểm qua vài gương mặt nổi bật trong 4 năm đổ lại, Gái Già Lắm Chiêu, Em Chưa 18, Chị Trợ Lý Của Anh, nhân vật chủ đạo đều có lối sống trên mức “ổn áp”, riêng Gái Già Lắm Chiêu thuộc level thượng lưu.
3. Phong trào khoe của nổi lên ở Việt Nam từ khi nào?
Phong trào bắt nguồn từ clip bóc giá set đồ tại Sneaker Fest 2018. Cùng năm, trào lưu chụp ảnh “ngã trên đồ hiệu” nối tiếp cơn sốt phú quý. Còn ở thì hiện tại, trend gần nhất về rich kid culture là “ông bà già tao lo hết”, với mức độ phơi bày ở mức vĩ mô hơn: siêu xe, du thuyền, biệt thự.
Cứ ngỡ các bạn trẻ đều tiêu pha bằng ngân lượng của nhị vị phụ huynh, nhưng nhiều người trong số đó tiêu bằng tiền kiếm được từ hoạt động kinh doanh riêng.
Trào lưu khoe của bắt đầu có nhiều biến thể đến mức Trung Quốc ra lệnh cấm trên mạng xã hội Douyin. Những nội dung này được cho là góp phần gia tăng sự phân biệt giàu nghèo, thúc đẩy hành vi tiêu thụ quá đà, và mở đường cho văn hóa tôn sùng vật chất.
4. Sao show về người giàu lúc nào cũng cuốn thế?
Qua 18 “nồi bánh chưng”, Keeping Up With The Kardashians vẫn lọt top 100 show được xem nhiều nhất ở Mỹ từ 2019-2020. Bling Empire thì thường được réo tên trong top 10 show hot nhất Netflix. Lý do chính khiến ta đắm chìm vào những show này là:
- Người giàu thể hiện khao khát thầm kín của chúng ta: khuynh hướng thoát ly thực tại (escapism) dễ làm con người đắm chìm vào cuộc sống xa hoa của họ. Ta không nghiện nhìn người giàu, ta nghiện cảm giác được giàu.
- Công nghệ khuyến khích văn hóa “dòm ngó” (voyeuristic culture): chúng ta muốn quan sát về những biến động cuộc đời của người khác. Và người giàu thì phong phú chất liệu giải trí.
- Bản năng ưa phán xét: Chúng ta luôn so bì, thỉnh thoảng ngầm phán xét người khác để nâng cái tôi cá nhân lên. Sự phán xét này khắt khe hơn với giới siêu giàu.
5. Học môn “khoe của” mới được “tốt nghiệp lớp đầu thai”?
Định kiến về rich kid là? Ngồi trên du thuyền, tay cầm ly champagne, hoặc đang lả lướt ở một resort xa hoa bậc nhất? Vui chơi thác loạn là điều rich kid quan tâm? Số liệu từ Young Investors Organization nói điều ngược lại: 90% người thừa kế nói họ quan tâm đến việc đóng góp cho cộng đồng.
Sự quan tâm về hoạt động xã hội được nhìn thấy rõ ràng nhất ở các lớp học về cộng đồng ở Harvard. Nhiều sinh viên xuất thân từ tầng lớp tinh hoa sẵn sàng chi tiền khủng để tham gia khóa đào tạo, học cách làm “người có ích”.
Ở Việt Nam, rich kid Tiên Nguyễn, trước khi nhận danh hiệu “Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu 2020” đã thực hiện không ít các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, đơn cử nhẹ là số tiền 200 triệu đồng cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam.
Bằng cách nào đó, người giàu quyên góp tiền bị nhìn nhận là hiển nhiên. Nếu chơi nổi như tắm bằng kim cương thì may ra mới đáng được tung hô trên truyền thông.
6. Cái giá của “chiếc thìa vàng”?
Thừa kế gia sản kếch xù từ bậc sinh thành nghe như số phận được định đoạt cho rich kid, nhưng Thành Long, tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates và nhiều người nổi tiếng khác “chơi ác” tới mức muốn cống hiến tài sản cho quỹ từ thiện. Họ mong con tự lập và kiếm tiền bằng chính khả năng của mình.
Lời nhắn nhủ của Thành Long là "Nếu con tôi có năng lực, nó tự kiếm tiền được. Còn không thì cũng làm lãng phí tiền bạc của tôi mà thôi”.
Sự oan ức của rich kid ngày nay là có căn cứ, họ dễ tổn thương hơn thế hệ trước rất nhiều. Cha mẹ không chỉ đặt lên vai họ áp lực phải thành công và niềm tin về địa vị xã hội, những người trẻ này còn bị đàn áp bởi cộng đồng vì sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng.
Điều này phần nào lý giải cho tỉ lệ trầm cảm và lo âu của rich kid Mỹ: cao gấp hai đến ba lần mức trung bình quốc gia. Rõ ràng, giá của “chiếc thìa vàng” đắt hơn bạn nghĩ.
7. Chúng ta cũng đang phô trương?
“Người phàm” như chúng mình, mải miết phê phán lối sống phô trương, nhưng nhiều khi cũng lỡ khoe mà không biết. Bạn hoặc những người xung quanh đã có lúc muốn đăng lên mạng những hình ảnh, nội dung lung linh nhất: mặc hàng hiệu, đứng cạnh ô tô sang, được thăng chức, được khen thưởng...
Đặc tính tự nhiên này xuất phát từ nhu cầu muốn được công nhận. Những giá trị vật chất, giá trị công việc ta đạt được cũng giúp bản thân tự tin hơn. Có thể nhu cầu này cao hơn chút xíu ở người giàu, nhưng chẳng sao cả, nếu họ kiếm được tiền bằng chính khả năng của mình.