1. Sweet Tooth nói về gì?
Sweet Tooth kể về hành trình của Gus, cậu bé người lai — nửa người nửa thú (Christian Convery). Gus lớn lên cùng bố trong vườn quốc gia Yellowstone, tách biệt khỏi thế giới bên ngoài. Sau khi gặp Big Man (Nonzo Anozie), cả hai bắt đầu hành trình đến Colorado nhằm tìm lại mẹ ruột của Gus.
Phim lấy bối cảnh “hậu tận thế,” khi thế giới xảy ra The Great Crumble (cuộc Đại Sụp Đổ) vì một loại dịch bệnh. Trong thời thế hỗn loạn, những đứa bé người lai lại ra đời, mang những hình hài đa dạng của muôn thú. Câu hỏi người lai hay virus có trước trở thành câu hỏi lớn nhất của loài người.
Sweet Tooth được chuyển thể từ bộ truyện cùng tên của hãng DC Comics, cũng là cái tên mà Big Man đặt cho Gus.
2. Ngoài Việt Nam, Sweet Tooth còn leo top ở đâu?
Tuy chỉ vừa tung ra hồi đầu tháng 6, Sweet Tooth đã nhanh chóng leo top 3 tại Việt Nam trong tuần đầu công chiếu. Hiện, phim đang giữ vị trí top 5.
Sweet Tooth hiện cũng đang nắm top 1 tại Mỹ, Anh, Úc, nắm điểm số 8.3 trên iMDB và 98% trên RottenTomato.
3. Vì sao Sweet Tooth hấp dẫn?
Hình thức tạo hình truyền thống
Ngoài việc đầu tư về CGI, cách tạo hình nhân vật trong Sweet Tooth là một điểm cộng rất lớn.
Trong phim, đôi tai của Gus được điều khiển bởi nghệ sĩ rối Grant Lehmann. Những động tác của Grant phải tương thích với diễn xuất của diễn viên nhí Christian. Điều này đòi hỏi ông phải điều khiển đôi tai trực tiếp mỗi khi đóng máy, bởi theo dõi qua màn hình sẽ khiến Grant chậm 0,3 giây.
Nghệ thuật múa rối không chỉ dừng lại ở đôi tai của Gus. Trong tập đầu của series, tất cả các bé người lai sơ sinh đều là những con rối thật. Nhân vật Bobby trong phim cũng là một chú rối, được “thủ vai” bởi một đội nghệ sĩ rối cùng hệ thống dây rối chuyên nghiệp.
Các cô cậu bé người lai trong phim cũng được tạo hình bằng makeup hoá trang chuyên nghiệp, giúp các nhân vật trông rất thật và tự nhiên.
Tính thời điểm cực cao
Khác với những series lên ngôi thời COVID-19 như Reply 1988, Alice in Borderland hay Money Heist, Sweet Tooth thu hút sự chú ý của khán giả bởi tính liên hệ rất gần với bối cảnh thế giới hiện tại. Tuy thuộc thể loại viễn tưởng (fantasy), phim vẫn có những yếu tố gần đời thực đến mức khó tin:
- Một dịch bệnh hoành hành và dễ lây nếu tiếp xúc gần người bệnh;
- Mọi người buộc phải tự cách ly tại nhà và hạn chế ra ngoài;
- Khẩu trang là thứ thiết yếu để phòng ngừa dịch bệnh;
- Thiên nhiên bắt đầu đứng lên;
- Vắc-xin vẫn đang dần được phát triển.
Và những sự tương đồng này đều là tình cờ. Sweet Tooth bản truyện tranh được xuất bản vào năm 2009. Tập đầu của phim cũng được lên kịch bản và đóng máy vào năm 2019.
4. Điều gì giúp thể loại phim fantasy được nhiều người yêu thích?
Cũng giống như thể loại sách hư cấu (fiction), phim fantasy là một hình thức để khán giả thoát khỏi thực tại và tìm đến một thế giới khác đời thường. Cốt truyện của phim fantasy thường theo cấu trúc hành trình anh hùng (hero's journey), với những cuộc phiêu lưu kỳ thú và yếu tố kỳ ảo như ma thuật hay thần thoại. Cái kết mở ra một thực tế mới, thường là có hậu và tốt đẹp.
Tuy liên hệ mật thiết đến thời đại bất ổn, màu sắc của Sweet Tooth vẫn khá tươi sáng, ấm áp và nhiều hi vọng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng phim thành công một phần là nhờ diễn xuất đáng yêu của Christian Convery.
5. Ai đứng đằng sau Sweet Tooth?
Ngoài Grant Lehmann và đội ngũ múa rối chuyên nghiệp, ê kíp của Sweet Tooth còn có đạo diễn hình ảnh (DOP) Dave Garbett, đạo diễn Jim Mickle và đội ngũ makeup của makeup designer Stefan Knight.
Series được sản xuất bởi vợ chồng Robert Downey Jr. và Susan Downey. Robert là cái tên được biết đến nhiều nhất nhờ vai diễn để đời Iron Man trong loạt phim của vũ trụ điện ảnh Marvels.
6. Sweet Tooth còn có gì ngoài phim chính?
Ngoài phát hành phim, đội ngũ Netflix còn thực hiện các sản phẩm vệ tinh nhằm đẩy mạnh truyền thông. Bạn có thể xem:
Bloopers — Các cảnh quay hỏng của phim
Thực nghiệm xã hội: Khi một bé người lai xuất hiện trên đường
Và tất nhiên là truyện gốc của tác giả Jeff Lemire, với màu sắc đen tối hơn.
7. Nếu bạn thích đề tài người lai?
Người lai—hay hybrid—là đề tài hư cấu được khai thác rộng rãi không chỉ trong điện ảnh mà còn cả sách, truyện. Truyện tranh của Nhật Bản (manga) là một trong những dòng văn hoá khai thác rất tốt đề tài này. Tiêu biểu có các tựa truyện như:
- Shingeki no Kyojin — Attack on Titan
- Tera Fōmāzu — Terra Formars
- Naruto
- Dog Yaksha — Inuyasha
- Tokyo Ghoul