Tóm Lại Là: Thủy Tiên và từ-thiện-đúng-luật | Vietcetera
Billboard banner

Tóm Lại Là: Thủy Tiên và từ-thiện-đúng-luật

Chuyện gì sẽ xảy ra với Thủy Tiên trong tương lai?
Tóm Lại Là: Thủy Tiên và từ-thiện-đúng-luật

Nguồn: Thủy Tiên

#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?

1. Thủy Tiên đã làm gì để giúp miền Trung?

Ngày 13/10, ca sĩ Thủy Tiên công bố sẽ đi miền Trung. Đồng thời, cô kêu gọi gây quỹ để cứu trợ vùng bão lũ. Tính đến ngày 21/10, tổng số tiền chuyển vào tài khoản của Thủy Tiên là hơn 105 tỷ.

Xuyên suốt hành trình, Thủy Tiên đã đi Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, đến các vùng ngập sâu để cứu trợ các hộ gia đình. “Lần đầu tiên thấy quốc lộ 1A ngập sâu như biển” là lời tâm sự của cô.

Ngày 21/10, Thủy Tiên đặt chân về TP.HCM để giải quyết việc cá nhân. Theo như chia sẻ, cô sẽ tiếp tục về miền Trung trong thời gian sớm nhất, và sẽ dùng hết số tiền mình nhận được cho việc cứu trợ.

2. Vì sao Thủy Tiên gây quỹ được nhiều vậy?

Đây không phải lần đầu tiên Thủy Tiên làm từ thiện. Đầu năm nay, cô đã gây quỹ thành công gần 14 tỷ đồng để mua máy lọc nước giải quyết vấn đề hạn mặn tại miền Tây. Trước đó, chủ nhân “Giấc mơ tuyết trắng” đã phát 1 tỷ đồng cho những công nhân không có tiền về quê ăn Tết. Sự tin tưởng của cộng đồng dành cho Thủy Tiên được xây dựng qua năm tháng.

Thêm vào đó, xuyên suốt chuyến đi cứu trợ của mình, Thủy Tiên đã:

  • Cập nhật số tiền gây quỹ từng ngày;
  • Livestream, liên tục đăng hình ảnh và các thông tin ở từng nơi mình đi đến;
  • Cho thấy sự quyết liệt khi nói không với hành động ăn chặn tiền cứu trợ bằng cách quay clip đòi lại tiền.

Những hành động suốt chuyến đi của Thủy Tiên giúp người quyên góp tin tưởng rằng số tiền mình quyên góp thực sự được trao tận tay người cần nó mà không có bất kỳ tiêu cực nào.

3. Thủy Tiên có được phép gây quỹ không?

Theo luật, không cá nhân nào được quyền đứng ra gây quỹ và nhận tiền cứu trợ từ cộng đồng.

Nghị định của chính phủ năm 2008 cho biết chỉ có các tổ chức sau đây được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ để hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn:

  • Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương;
  • Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
  • Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không ai được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ. Theo nghị định này, việc các cá nhân tự tổ chức gây quỹ là phạm luật.

4. Ai đã gặp khó khăn khi gây quỹ từ thiện?

Trước Thủy Tiên, MC Phan Anh đã từng kêu gọi thành công 24 tỷ đồng cứu trợ cho người dân miền Trung. Tuy nhiên, nam MC bị cộng đồng mạng chỉ trích vì không minh bạch trong tài chính, việc chi tiêu tiền của anh được cho là không hợp lý. 1 năm kể từ sau khi quyên góp, Phan Anh chính thức công bố giải ngân. Anh tâm sự rằng mình từng bị cấm lên sóng, và chia sẻ mình sẽ không kêu gọi quyên góp nữa vì không đủ sức tiếp nhận số tiền lớn như vậy.

Gần đây, khi tuyên bố gây quỹ, Trấn Thành nhận nhiều bình luận ác ý. Anh cho rằng nếu làm việc tốt mà luôn bị nghi ngờ, nghệ sĩ sẽ ngày càng ngại làm từ thiện.

5. Chuyện gì sẽ xảy ra với Thủy Tiên?

Khi quyên góp tiền cho một cá nhân mà không phải một tổ chức có thẩm quyền, người dân không có quyền đòi hỏi cá nhân phải giải ngân. Tuy nhiên, Thủy Tiên, với tư cách một cá nhân, cần báo cáo các khoản chi tiêu của số tiền mình đã nhận.

Trong trường hợp số tiền được giải ngân không hợp lý, Thủy Tiên cũng có thể phải đối mặt với pháp luật. Nhưng dù có thử thách nào, hình ảnh "cô Tiên nước" vẫn là hình ảnh đẹp và mạnh nhất trong công chúng thời điểm này!

6. Các quỹ từ thiện tạo niềm tin như thế nào?

Red Cross tại Mỹ từng đối diện với sự chỉ trích lớn của người dân khi nhận số tiền quyên góp lên đến 1 tỉ đô la cho vụ khủng bố 11/9 nhưng chỉ giải ngân phần ít trong số đó.

Qũy từ thiện của Bill Gates là một trong các quỹ đã thay đổi việc từ thiện. Bill & Melinda Gates Foundation cập nhật liên tục số tiền mình được nhận. Các báo cáo từng năm cho biết từng phần của số tiền trong quỹ được chi vào đâu, tổng số bao nhiêu, với bao nhiêu phần trăm. Người quyên góp được thực sự theo dõi và tin tưởng tiền mình đóng góp sẽ được đầu tư đúng chỗ.

7. Thế nào là từ thiện bền vững?

Theo nghiên cứu năm 2015 của viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, chỉ có khoảng 30% người dân đô thị được khảo sát sẵn sàng đóng góp từ thiện cho các tổ chức phi chính phủ. Và chỉ khoảng 15% người dân nông thôn sẵn sàng làm điều này. Niềm tin là yếu tố rất lớn cho quyết định này.

Việc có nhiều nhân lực để vận hành các tổ chức phi chính phủ là điều kiện cần để dòng tiền được đưa đến người cần được giúp đỡ một cách đúng đắn. Trong buổi chia sẻ về hành trình làm nên Nhà Chống Lũ, Jang Kều tâm sự cô đã phải đi khảo sát các hộ gia đình, cũng đội nhóm thiết kế tới lui để có giải pháp bền vững cho người dân miền Trung.

Có đến bốn giai đoạn trong hỗ trợ thiên tai: Chuẩn bị ứng phó, Cứu trợ khẩn cấp, Phục hồi và Tái Thiết sau thiên tai. Từ thiện theo cách đối phó là điều cần thiết, nhưng chúng ta không thể cứ đến lũ là chống, là huy động rất nhiều tiền chỉ trong một mùa, mà quên đi rằng lũ sẽ không bao giờ biến mất.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta lại một lần nữa tin vào sức mạnh của các tổ chức và cho những NGO, NPO nhiều cơ hội hơn, như trường hợp của Nhà Chống Lũ. Vì không thể luôn chỉ trông chờ vào những cá nhân nhỏ nhoi, để đối phó với một vấn đề cần sự đồng tâm hiệp lực của rất nhiều người.

#TómLạiLà trả lời ngắn gọn 7 câu hỏi quan trọng nhất xung quanh một sự kiện: Ai? Làm gì? Khi nào? Ở đâu? Bao nhiêu? Như thế nào? Tại sao?