Từ câu chuyện của Quỳnh Trần JP — Ai được ăn chân gấu? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Từ câu chuyện của Quỳnh Trần JP — Ai được ăn chân gấu?

Việc YouTuber Quỳnh Trần JP ăn chân gấu gây nhiều tranh cãi. Giới hạn nào cho việc ăn bất cứ thứ gì chuyển động được của con người?
Từ câu chuyện của Quỳnh Trần JP — Ai được ăn chân gấu?

Nguồn: Quynh Tran JP

1. Ai đã ăn chân gấu?

Quỳnh Trần JP là một YouTuber sống ở Nhật, cô được biết đến nhiều với những video thể loại mukbang. Gần đây, một video cô ăn chân gấu vướng phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của cư dân mạng.

Trước làn sóng đa phần là phản đối, cô đã lên tiếng xin lỗi về việc này. Đồng thời cô cũng giải thích rằng thịt gấu này được nhập về từ Trung Quốc và bày bán ở Nhật.

2. Tại sao cư dân mạng phản đối?

Tại Việt Nam, gấu và các sản phẩm liên quan bị nằm trong danh mục cấm. Việc săn bắt động vật hoang dã để nuôi và lấy thịt cũng được quan tâm và xử phạt nặng.

Bên cạnh đó, gần đây việc những YouTuber giết hại và ăn thịt động vật rừng cũng mọc lên nhiều trên các nền tảng mạng xã hội gây nhiều bức xúc. Sự việc của Quỳnh Trần JP như giọt nước làm tràn ly cho vấn đề này.

3. Liệu "hình ảnh" đẹp hơn thì có gây tranh cãi?

Tại Nhật các món ăn được chế biến từ thịt gấu hết sức phổ biến, có những nhà hàng được mở ra nhằm phục vụ thức ăn được chế biến từ động vật rừng: gấu, hươu, heo rừng. Các sản phẩm từ thịt gấu đóng hộp cũng được bày bán.

Vậy nên, việc Quỳnh Trần JP ăn thịt gấu tại Nhật, về mặt luật pháp không có gì sai. Một phóng sự về việc ăn thịt gấu và săn gấu tại Nhật trên chương trình Du lịch kỳ thú 2020 cũng đã từng được sản xuất nhưng lại không gây tranh cãi. Có thể về mặt hình ảnh thì video của Quỳnh Trần JP gây nhiều phản cảm cho người xem hơn với hình ảnh cận cảnh của chân gấu chưa qua nhiều xử lý.

4. Cái thú tiêu dùng thú lạ có ở đâu?

Exotic food hay đồ ăn thú “lạ" là một thú vui xuất hiện nhiều trên thế giới. Đa số những món ăn “lạ” này đa phần đều xuất phát từ thú rừng hay những động vật nằm ngoài danh sách động vật gia súc (livestock).

Tại Mỹ, các món ăn như đà điểu tới mèo rừng cũng nằm trong danh sách món ăn độc lạ. Cái thú hưởng những món này xuất phát từ sự tò mò. Đây cũng là lý do mà chân gấu xuất hiện trong video của YouTuber này khi nó đảm bảo được tính gây sự chú ý, tương tự như cách người nước ngoài về Việt Nam làm Vlog về việc ăn trứng lộn hay chân gà.

Các món ăn từ thú lạ cũng không hề rẻ. Cái gì càng hiếm thì giá càng cao và người tiêu dùng lại còn càng muốn được thử và trải nghiệm. Tâm lý này tương tự với việc sử dụng hàng hiệu.

Bên cạnh đó, thú rừng còn được tiêu thụ nhiều khi nó gắn liền với tâm linh. Ví dụ như Trung Quốc, người ta tin rằng việc ăn thú rừng đem lại cho họ may mắn hay ít nhất sẽ thừa hưởng được sức mạnh của loài động vật đó.

5. Đúng hay sai xét về lý?

Chuyện ăn thịt động vật trước giờ vẫn gây nhiều tranh cãi nói gì đến chuyện ăn thú lạ. Có sự mâu thuẫn trong luật pháp các nước về việc săn bắn và tiêu thụ động vật. Tương tự như việc buôn bán và săn cá voi đã bị IWC (Ủy ban Cá voi Quốc Tế) cấm từ năm 1986 đối với 89 nước tham gia hiệp hội này. Tuy nhiên Nhật Bản đã rút ra khỏi IWC, cùng với Na Uy và Iceland tiếp tục săn cá voi.

Tại Việt Nam và một số nước Châu Á, thịt chó vẫn được tiêu thụ. Nhiều bài báo ở các nước phương Tây đều cho điều này hết sức kỳ lạ và thiếu nhân văn khi chó là bạn.

Tại Trung Quốc, một trong những nước có tỷ lệ ăn thịt chó cao và lâu đời, thì tới năm 2020, chó đã được xếp hạng lại thành động vật đồng hành (companion animal) thay vì gia súc (livestock) như ngày trước. 75% công dân nước này cũng đã đồng tình với lệnh cấm thịt chó. Điều này cho thấy rằng, quan điểm và thói quen của một đất nước là thứ có thể thay đổi theo thời gian.

6. Cái lý thì nhập nhằng, vậy còn cái tình?

Trong mắt các nước phương Tây thì ăn thịt chó và các trang trại chó luôn được miêu tả bằng những tính từ nặng nề và kinh khủng. Tuy nhiên nếu nhìn lại thì các trang trại nuôi ngỗng để lấy gan cũng như quá trình tạo ra món ăn “tinh hoa” của ẩm thực Pháp này cũng không kém phần man rợ.

fois gras
Gan bị nhồi và gan thường | Nguồn: Open cages

Đây là lý do mà phúc lợi động vật nhập cuộc. Việc đối xử “nhân đạo” về mặt thể xác và tinh thần với động vật chính là thứ thiết yếu mà ta nên làm đối với động vật. Tuy nhiên vấn đề này thường bị xem nhẹ cho đến khi ta nhận lại hậu quả là những căn bệnh truyền nhiễm, tới từ những trang trại thiếu vệ sinh và không đảm bảo. Cái tình nhiều lúc vẫn bị xem nhẹ cho tới khi con người nhận lấy thiệt hại.

7. Giới hạn nào cho việc ăn động vật?

Trung Quốc vừa qua đã ban bố hàng loạt những luật lệ mới liên quan tới các chợ và trang trại liên quan tới việc kinh doanh thú lạ. Động thái này là hệ quả của đợt dịch COVID-19 với nguồn gốc được cho là từ động vật hoang dã.

Có thể thấy giới hạn hiện tại đều chỉ nằm ở những bộ luật được ban hành. Thực tế cho thấy rằng, dù có luật thì người ta vẫn có cách “lách". Các trang trại nuôi và khai thác động vật hoang dã mọc lên như nấm sau mưa khi nó đem lại lợi nhuận cao.

diagram
Vòng tròn đạo đức mở dần theo thời gian | Nguồn: Vox

Chúng ta đã từng sống và ăn mọi thứ để sinh tồn nhưng tới bây giờ, cuộc sống đã đủ ổn để ta bắt đầu quan tâm tới những thứ xung quanh nhiều hơn. Người trẻ đã dần nói tạm biệt với thịt chó, thói quen cố hữu này cũng dần biến mất trước sự thay đổi của cuộc sống hiện đại. Đó là cách mà vòng tròn đạo đức được mở rộng, cuộc sống dần thay đổi trở nên tốt hơn khi ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn.