Tom Trandt: Một sản phẩm có sáng tạo hay không, không thể chỉ nhìn là thấy | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tom Trandt: Một sản phẩm có sáng tạo hay không, không thể chỉ nhìn là thấy

Cuộc trò chuyện về cách một nhà thiết kế trẻ mở rộng biên độ sáng tạo.
Tom Trandt: Một sản phẩm có sáng tạo hay không, không thể chỉ nhìn là thấy

Tom Trandt - Founder @ Môi Điên, Creative Director @ Hanoia | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera.

Viglacera x Vietcetera

Theo học tại một trong những ngôi trường danh giá nhất thế giới đào tạo về thiết kế thời trang, trở về Việt Nam thành lập một thương hiệu thời trang gây được tiếng vang trong giới mộ điệu, ghi tên trong danh sách Forbes 30 Under 30 Vietnam, là gương mặt đại diện của quốc gia trong những tuần lễ thời trang quốc tế, v.v.

Đó là một bảng thành tích có thể phát ra nhiều âm thanh và ánh sáng, nhưng chủ sở hữu của nó, Tom Trandt dường như lại là một người thích sự lặng lẽ.

Anh lặng lẽ táo bạo, bùng nổ với Môi Điên. Anh lặng lẽ bước vào một cuộc hành trình mới với Hanoia, một nhà chế tác thủ công cao cấp có lịch sử phát triển hơn hai thập kỷ tại Việt Nam. Sau một năm "hầu như không đi đâu chệch khỏi con đường từ công ty về nhà, từ sân bay đến khách sạn đến công ty" và tạo dựng được những bước đi đầu tiên, anh mới lộ diện kể về nó.

Với vai trò mới – Giám đốc nghệ thuật (trẻ nhất từ trước đến nay) của Hanoia, Tom Trandt phụ trách phát triển tất cả các ngành hàng, trừ nội thất, xây dựng một hình ảnh hoàn toàn mới, trẻ trung, năng động, tiếp cận đến giới trẻ trên nền nghệ thuật thủ công truyền thống.

Nếu thời trang của Tom Trandt không “điên” thì có gì? Mời bạn cùng tham gia cuộc trò chuyện của chúng tôi.

Ở hành trình mới, có điều gì thay đổi và điều gì không trong phong cách làm việc của anh?

Tinh thần dám thử nghiệm là thứ không thay đổi, còn thử nghiệm điều gì là khác biệt giữa các thương hiệu.

Nhiều người cũng hay hỏi Tom rằng mình có phải thay đổi cá tính 180 độ khi làm việc ở Hanoia không, vì Hanoia và Môi Điên dường như có quan niệm thẩm mỹ rất khác nhau. Tom nghĩ là không.

Mình đúng là một người thích những thứ gì đó “ầm ĩ,” bùng nổ, nhưng không chỉ có vậy. Giống như đang đứng trên một chiếc bàn xoay, làm việc ở Hanoia giúp mình có một cái nhìn mới, khám phá những âm thanh khác của tuổi trẻ. Nó vẫn có thể là sự ầm ĩ, gợi cảm, táo bạo nhưng ẩn bên trong sự thanh lịch, nhẹ nhàng.

Một trong những thiết kế thể hiện rõ tinh thần này nhất đối với mình trong những bước đầu tiên ở Hanoia là một chiếc váy xẻ rất cao, rất ngắn, sử dụng vải lãnh Mỹ A – một loại vải thường được biết đến là chất liệu cao cấp cho các bộ trang phục trang trọng.

Hiện nay khi nói đến thời trang, có nhiều danh từ được sử dụng như tính từ, và ngược lại. Chẳng hạn “cái áo này trông thời trang, cái túi này trông sáng tạo.” Với anh, chúng có ý nghĩa thế nào?

Bản thân Tom cố gắng không sử dụng dùng nhiều tính từ để miêu tả một bộ trang phục, đặc biệt là những từ đẹp, tốt, xấu. Vì mỗi người có một sự tưởng tượng khác nhau đối với cùng một tính từ.

Thay vào đó, mình phân tích cụ thể theo từng yếu tố. Chẳng hạn như, đó là đường cắt an toàn hay đường cắt táo bạo, chính xác hay không chính xác. “Form” dáng vừa hay không vừa. Màu sắc truyền tải thông điệp gì, có tôn sắc da của người mặc hay không, v.v.

Đẹp là phương diện cuối cùng mình cân nhắc tới khi đã hoàn thành sản phẩm. Hay riêng với thời trang nữ ở Hanoia, mình còn có thêm một tiêu chí quan trọng là có gợi cảm hay không.

Còn với từ sáng tạo, mình nghĩ nó là một thứ mà không phải lúc nào cũng thể hiện rõ ràng ra bên ngoài. Và ngay cả khi nó thể hiện ra bên ngoài thì không phải ai cũng có thể thấy. Để tạo ra một sản phẩm cần rất nhiều máy móc và nhân công. Chỉ cần thay đổi 1 milimet trong khuôn rập thôi cũng có thể tối ưu được một khoản lớn chi phí. Đối với mình đó cũng là một sự sáng tạo.

Tuacutei Ấp Iu Nguồn Hanoia
Túi Ấp Iu. | Nguồn: Hanoia

Nói riêng đến các thiết kế của anh, nhiều người cho rằng chúng luôn mang nét bản sắc văn hoá Việt nào đó. Với anh, đó có phải là yếu tố quan trọng?

Với mình thì đúng là như vậy. Cụ thể hơn trong bản sắc Việt, thứ quan trọng nhất đối với mình nằm ở tư duy. Khi đi nước ngoài, hay cả là ở Việt Nam, mình không cần phải, và cũng không thể hoàn toàn dựa vào việc họ có mặc áo dài hay không để gọi họ là “người Việt.”

Tư duy ở đây thể hiện qua những câu hỏi như: Họ là những người thích khám phá, hay những người thích an toàn? Họ là những người thích một mình hay đi theo nhóm? Họ thay đổi thế nào theo tốc độ của thời đại? Trả lời những câu hỏi như thế giúp mình hình dung nên những phiên bản của tính Việt.

Tuy nhiên, cũng khó để nói người Việt có tư duy riêng thế nào, nhưng thử ví dụ, nếu bạn thường xuyên ăn phở thì có lẽ sẽ cảm nhận được rõ hương vị của một bát phở do người Việt nấu so với người nước ngoài. Mình có thể không ngay lập từ bật ra được những lời diễn tả, nhưng mình sẽ “cảm” được.

Đến cuối cùng, mình không muốn quá phụ thuộc vào một đặc tính hay cảm nhận truyền thống phổ biến có sẵn. Mình muốn kết hợp nó với sự chủ động, để tạo “sân khấu” nhiều hơn cho khía cạnh hiện đại của người Việt.

Mũ Mơ aacuteo AIONAH Nguồn Hanoia
Mũ Mơ, áo AIONAH. | Nguồn: Hanoia

Với định hướng trở thành một “fashion house” tại Việt Nam của Hanoia, anh nghĩ mình cần gì?

Cần thời gian để kiểm tra thị trường, điều chỉnh sản phẩm.

Cần thời gian để tạo hình ảnh và từ từ giúp khán giả quen với hình ảnh đó.

Cần thời gian để xây dựng hệ thống giúp các designer càng làm càng giỏi và luôn luôn được truyền cảm hứng.

Một thiết kế trong bộ sưu tập Latildenh Mỹ A 2019 của Hanoia
Một thiết kế trong bộ sưu tập Lãnh Mỹ A 2019 của Hanoia. | Nguồn: Hanoia

Cùng một lúc làm công việc định hướng cho 2 thương hiệu thời trang có làm anh choáng ngợp?

Có một điều lạ là trước khi vào Hanoia, mình rất mệt. Đến khi vào Hanoia, áp lực, cường độ làm việc rất lớn ở đây dường như giúp mình biến thành một người khác. Mình phát hiện ra những giới hạn mới của bản thân.

Thời còn là sinh viên, mình từng rất “ám ảnh” với câu chuyện về những vị founder có thể đi đi về về giữa 2 chi nhánh công ty cách nhau hàng ngàn cây số. Mình tự hỏi tại sao họ có thể làm vậy, và bây giờ mình không ngờ bản thân có thể thử sức tương tự như thế. Hiện tại mình cảm thấy may mắn khi đang dần trở thành hình ảnh mình muốn trở thành từ 10 năm trước.

Có giá trị nào mà anh sẽ luôn theo đuổi dù có đang quản lý bao nhiêu thương hiệu thời trang với các quan điểm thẩm mỹ khác nhau thế nào đi chăng nữa?

Khi là một sinh viên sáng tạo mới ra trường thì mình chỉ quan tâm đến sản phẩm thôi. Nhưng khi mình phải quản lý 20 sản phẩm, rồi 5, 10 dòng sản phẩm, và quản lý hình ảnh của cả một thương hiệu lại là bài toán khác.

Mình dần hiểu rằng một designer không thể phát triển lâu dài nếu không hiểu về quản trị trong thiết kế. Do đó, mình luôn hướng tới việc mang tính khoa học vào thiết kế, để giúp các đối tác phát triển bền vững. Thời trang cần sáng tạo, nhưng sáng tạo không có nghĩa là cảm tính hoàn toàn.

Mục tiêu của mình là làm sao khi mình tạo ra một sản phẩm thì người khác có thể thấy được một tầm nhìn, thay vì thấy 5 thông điệp hoàn toàn tách biệt nhau.

Anh có thói quen nào giúp mình làm công việc sáng tạo hiệu quả hơn?

Đọc sách vào mỗi sáng và tối là việc mình cố gắng duy trì suốt 15 năm nay. Riêng thứ Bảy, Chủ nhật thì “không làm gì” cũng được. Mình có thể dành 2 tiếng liên tục để xem TikTok chẳng hạn (cười).

Từ khoảng 5 năm trước, mình đã bắt đầu tâm niệm rằng 70% thời gian của mình phải nằm ngoài công việc.

Nếu bây giờ mình dồn toàn sức để làm việc thì 20 năm nữa mình có thể sẽ đi được vòng quanh thế giới, có một chỗ đứng vững chãi nào đó trong công việc, nhưng khi quay đầu nhìn lại mình sẽ còn nhớ được những gì? Mình bỏ lỡ bao nhiêu tiệc sinh nhật của những người thân quan trọng? Mình có nhớ chính xác mình bận việc gì? Thế nên, dù nó không hẳn là thói quen, mình nghĩ việc biết cách nghỉ ngơi là điều chắc chắn phải làm.

Ngoài ra, có một thói quen mình mới hình thành trong khoảng một năm vừa qua – Khi đến, không choáng không gian; khi đứng dậy, không để lại cái gì, đến cả một cây bút. Mình tạo không gian trống xung quanh để chừa chỗ cho sự sáng tạo nảy mầm.

Vasta Stone là thương hiệu đá nung kết cao cấp đầu tiên tại thị trường, tự hào được sản xuất tại Việt Nam bằng công nghệ hiện đại nhất của Ý cùng đa dạng các thiết kế Ý tinh tế. Với những ưu điểm về kích thước, độ cứng và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, các sản phẩm làm từ đá nung kết là lựa chọn hoàn hảo cho mọi mục đích sử dụng, là giải pháp kiến trúc cho mọi không gian.