Tổng Cục Thuế livestream hướng dẫn làm thuế: Bạn kê khai thu nhập chưa? | Vietcetera
Billboard banner

Tổng Cục Thuế livestream hướng dẫn làm thuế: Bạn kê khai thu nhập chưa?

Làm sao để những người trẻ mới gia nhập thị trường lao động không lạc lối giữa mê cung hành chính của thuế, bảo hiểm, và những điều luật lao động?
Tổng Cục Thuế livestream hướng dẫn làm thuế: Bạn kê khai thu nhập chưa?

Nguồn: VNMedia

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Mới đây, trang Facebook của Tổng Cục Thuế đã có hai buổi livestream hướng dẫn người dân và doanh nghiệp kê khai thuế năm 2023. Vâng, bạn không đọc nhầm đâu, các nhân viên ngành thuế cũng đã gia nhập “lực lượng” livestream hùng hậu ở nước ta với mục đích phổ cập kiến thức về thuế tới người dân.

Hai buổi phát trực tiếp diễn ra khá bài bản, với những chuyên đề hướng dẫn một số nội dung quan trọng trong quá trình kê khai thuế, cùng với phiên hỏi đáp trực tiếp với đại diện của cơ quan. Sau những bất ngờ ban đầu trước sự hiện diện của các “streamer ngành thuế,” tất cả đều hưởng ứng cách tiếp cận của đơn vị và liên tục đặt ra câu hỏi cho các đại diện.

14mar2024image20240314170935510png
Buổi livestream vào ngày 14/3. | Nguồn: Facebook Tổng Cục Thuế

2. Tại sao các “streamer ngành thuế” lại ra mắt lúc này?

Nhằm hướng dẫn kê khai thuế thu nhập cho các cá nhân và doanh nghiệp, hai buổi livestream vừa qua phải được thực hiện vào tháng 3 hoặc sớm hơn.

Bởi theo Luật Quản lý thuế, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với tổ chức và cá nhân lần lượt là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 và tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

Điều này có nghĩa là, nếu bạn đang đi làm và đã ủy quyền kê khai thuế cho doanh nghiệp, thì 31/3 là hạn để công ty bạn kê khai thuế cho năm 2023. Do ngày 31/3 năm nay là ngày nghỉ, nên hạn chót trên thực tế sẽ là ngày làm việc đầu tiên sau đó - ngày 1/4.

Còn nếu như bạn sẽ trực tiếp thực hiện quyết toán thuế, thì hạn chót sẽ là ngày 30/4. Do cả 30/4 lẫn 1/5 đều là ngày lễ, nên deadline làm thuế trên thực tế của bạn sẽ là ngày 2/5.

3. Các ngành nghề đã nhận ra sức mạnh của livestream?

Ngày càng có nhiều ngành nghề khác nhau tận dụng hình thức livestream để truyền thông tin, tiếp cận những đối tượng khách hàng tiềm năng, hoặc là những lý do khác. Một trong những ví dụ điển hình là trào lưu livestream tuyển dụng: mỗi buổi live là một “chợ” công việc cho người xem lựa chọn.

14mar2024ls82451710080344jpg
Một buổi tuyển dụng lao động trực tuyến. | Nguồn: VnExpress

Trước ngành thuế, một số trường đại học cũng đã tiến hành livestream để giải đáp những thắc mắc về việc tuyển sinh hay thi tốt nghiệp. Câu hỏi đặt ra là, sau ngành thuế, sẽ có những ngành nghề nào khác tiếp bước?

Liệu sẽ có một ngày các chú công an bước lên Facebook Live để giải thích về định danh cá nhân? Hay là những người môi giới nhà đất cùng một lúc dắt cả ngàn khách đi xem nhà cùng mình qua màn hình điện thoại?

4. Tại sao trường học không dạy ta kê khai thuế?

Nếu như mục đích thực tế của việc đi học ở đại học là để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai như nhiều trường thường quảng cáo, thì đúng ra những công việc hành chính như kê khai thuế hay tra cứu bảo hiểm phải là những học phần bắt buộc.

Tuy nhiên, trừ những khoa hay ngành về tài chính, thì có lẽ sẽ chẳng có nơi nào dạy chúng ta phải khai thuế ra sao. Cũng sẽ không ai chỉ cho ta rằng phải tra cứu quyền lợi bảo hiểm ra sao, kiểm tra quá trình đóng bảo hiểm của công ty ở đâu, hay là làm gì để có thể xin trợ cấp thất nghiệp.

Dường như chúng ta đang đối xử với những đầu việc hành chính này như đối xử với… tình dục: cứ kệ bọn trẻ con, lớn tự khắc biết, đi làm tự khắc rõ. Hoặc là các đơn vị giáo dục đã quá tập trung vào chuyên môn đào tạo của mình mà quên mất các kỹ năng và kiến thức thực dụng của một người lao động.

Điều này khiến cho phần lớn các bạn sinh viên ra trường đều ngơ ngác khi phải ký giấy ủy quyền quyết toán thuế, không biết rằng mình có thể có trợ cấp sau khi nghỉ việc hoặc mất việc, hay là không biết xử lý khi công ty có gian lận tài chính.

5. Liệu có thể có học phần “Nhập môn đi làm đại cương?”

Rõ ràng các sinh viên sau khi ra trường vẫn còn thiếu rất nhiều kiến thức để có thể nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động. Trong khi đó, nhiều trường đại học hiện nay mới chỉ dừng ở việc hướng dẫn cơ bản về cách chuẩn bị CV.

Với tâm thế nửa đùa nhưng cũng nửa thật, Vietcetera xin đề xuất một môn học mang tên Nhập môn đi làm đại cương. Môn học này sẽ bao gồm 3 tín chỉ, diễn ra trong vòng 14 tuần với một số phổ kiến thức như sau:

  • Các kiến thức trước khi đi làm: Chuẩn bị CV thế nào? Trả lời phỏng vấn ra sao? Làm thế nào để không lép vế khi thỏa thuận lương? Xem review công ty ở đâu? v.v.
  • Các kiến thức khi đi làm: Luật lao động, cách đọc hợp đồng lao động, cách tính lương, các quy định về thuế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, những quy định về nghỉ phép, cách ngồi không bị thoát vị đĩa đệm và đau cổ vai gáy, v.v.
  • Các kiến thức sau khi kết thúc hợp đồng: Xin trợ cấp thất nghiệp thế nào? Cần lấy những giấy tờ gì từ công ty? Làm gì khi xảy ra tranh chấp với công ty cũ? v.v.

Chúng tôi cũng xin đề xuất một số bài kiểm tra cho học phần này:

  • Thi viết: Anh/chị hãy nêu quy trình tự kê khai thuế thu nhập cá nhân?
  • Thi vấn đáp: Hội đồng thi là hội đồng tuyển dụng, thí sinh cầm CV vào phòng thi để… ứng tuyển và thương lượng mức thu nhập.
  • Thi tiểu luận: “Nhân sự không bảo vệ quyền lợi của bạn mà bảo vệ quyền lợi của công ty.” Trong vòng tối đa 6000 từ, hãy thể hiện quan điểm của anh/chị về nhận định này.