Toxic professionalism: Khi sự độc hại núp bóng môi trường chuyên nghiệp | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 12, 2022
Đời sốngBóc Term

Toxic professionalism: Khi sự độc hại núp bóng môi trường chuyên nghiệp

Các doanh nghiệp cần phải thay đổi thành kiến xã hội và niềm tin “hệ thống chuyên nghiệp là cách thức duy nhất để thành công."
Toxic professionalism: Khi sự độc hại núp bóng môi trường chuyên nghiệp

Nguồn: Unsplash

1. Toxic professionalism là gì?

Toxic professionalism chỉ tính chuyên nghiệp độc hại, không khoan nhượng cho những cảm tính, sai phạm, tính cá nhân và sự khác biệt trong công việc. Mục đích là hướng tới văn hóa làm việc đồng nhất, có hệ thống, trong tầm kiểm soát và đạt lợi nhuận tối ưu.

Theo The New York Times, doanh nghiệp đang đòi hỏi người lao động phải tách biệt phiên bản “đi làm” với phiên bản “ở nhà.” Một người làm công chuyên nghiệp là người cống hiến hết mình cho công việc và rũ bỏ hoàn toàn cảm xúc riêng tư, cá nhân.

Tính chuyên nghiệp độc hại không chỉ dựa trên năng lực mà còn theo hình thức, thái độ, kỷ luật và tinh thần “vắt sức.”

Văn hóa công ty cũng gắn liền với những quy tắc ngầm về toxic professionalism. Nhiều nơi thường xây dựng hình mẫu một nhân viên tốt với tính chất bóc lột như làm tăng ca, hăng hái nhận thêm việc, tích cực tham gia team building, nghe lời sếp.

Đây là những luật bất thành văn, bắt buộc người làm muốn ở lại phải tự thích nghi, hòa nhập.

2. Nguồn gốc của toxic professionalism?

Những ghi chép đầu tiên về “professionalism” có từ giữa những năm 1880, xuất phát từ danh từ “profession” - nghề nghiệp của một người. Gốc là professiō trong tiếng Latinh, có nghĩa là sự thừa nhận của công chúng.

Còn “toxic” có nguồn gốc Latinh là “toxicus,” xuất hiện từ giữa những năm 1600. Đây là một từ xuất phát từ tiếng Hy Lạp “toxikón,” chỉ một loại thuốc độc dùng để săn bắn.

Theo Nation Library of Medicine, khái niệm về tính chuyên nghiệp đã có từ năm 400 trước Công nguyên với lời thề của Hippocrates về các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

alt
Nguồn: Unsplash

Năm 1979, hai triết gia Beauchamp và Childress định nghĩa tính chuyên nghiệp bao gồm sự liêm chính, năng lực, sự quan tâm và lòng trắc ẩn, đáng tin, tận tâm, công bằng. Những yếu tố này được phát triển dựa trên luận thuyết đạo đức của Aristotle vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Đến nay, tính chuyên nghiệp được mở rộng ra những chuẩn mực xã hội khác, đặc biệt là với sự phát triển của hình thức làm việc trực tuyến.

3. Vì sao toxic professionalism phổ biến?

Môi trường làm việc phân quyền

Theo Peter Morrell, những quy chuẩn về tính chuyên nghiệp là sự kiểm soát và quản lý xã hội bằng quyền lực. Mỗi ngành nghề đều được phân tầng rõ ràng theo cấp bậc, tuổi tác, kinh nghiệm và trình độ.

Điều này tạo nên một nền văn hóa tuân thủ sâu sắc dưới sự điều khiển của những người có quyền. Do đó, những đặc điểm bị gắn mác “thiếu chuyên nghiệp” thường nhắm vào nhóm yếu thế với tính chất phân biệt, kỳ thị.

Chẳng hạn, phụ nữ không trang điểm dễ bị đánh giá là thiếu chỉn chu, danh xưng riêng mà người trong cộng đồng LGBTQ+ muốn được gọi thường bị từ chối vì “phức tạp” hoặc giọng miền bắc được coi là “nghiêm túc” hơn giọng miền nam.

Một nghiên cứu của Đại học Bang Michigan Mỹ cũng nhận thấy, phụ nữ da màu để tóc tự nhiên thường bị nhận xét là thiếu chuyên nghiệp hơn so với những người để tóc thẳng, hoặc phụ nữ da trắng để bất kỳ kiểu tóc nào.

Tôn chỉ “Công tư phân minh”

Sự chuyên nghiệp độc hại đang biến chúng ta thành những lao động cảm xúc (emotional labor). Nơi làm việc không có chỗ cho lý do và những bộc lộ chân thật của cá nhân. Khách hàng xúc phạm thì ta phải cúi đầu im lặng và nuốt ấm ức vào trong.

Chúng ta trở thành những con robot cứng rắn bên ngoài nhưng là những con người kiệt quệ bên trong. Một cá nhân dễ dàng bị thay thế nếu “diễn” không tròn vai.

Ví dụ điển hình là tiêu chuẩn độc hại trong ngành công nghiệp K-pop. Năm 2015, một clip về tai nạn ngã 8 lần trên sân khấu của nhóm nhạc nữ GFriend đã được lan truyền rộng rãi. Nhóm được tán dương vì tiếp tục biểu diễn một cách bình tĩnh mặc dù đang bị chấn thương.

Ngược lại, màn trình diễn mệt mỏi của thành viên Jennie (BlackPink) do gặp vấn đề sức khỏe thì bị chỉ trích là kém chuyên nghiệp và lười biếng.

Theo diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF), 43% số nhân sự tại hơn 100 quốc gia cảm thấy căng thẳng dồn nén trong công việc. Điều này dẫn đến những phong trào phản kháng như quiet quitting, anti-work hay sự kiện "The Great Resignation" (Đại nghỉ việc).

Đích đến duy nhất - lợi nhuận

Bộ Lao động Hoa Kỳ có khái niệm “tư bản” rằng mục đích của tính chuyên nghiệp là luôn hướng tới hiệu quả. Mọi kiểm soát về nhân sự đều nhằm tránh tổn hại đến năng suất và lợi nhuận.

Ngay cả việc điều khiển cảm xúc khi đi làm cũng giúp giữ mối quan hệ cá nhân như một nguồn vốn xã hội (social capital). Cô giáo chủ nhiệm “bán” lớp dạy thêm cho phụ huynh nhờ kết nối với học sinh là một ví dụ về việc tận dụng vòng tròn quan hệ để giao dịch.

Nhưng rõ ràng, môi trường chuyên nghiệp độc hại thực chất đang “đuổi việc” nhiều hơn là giữ chân nguồn nhân lực. Theo Feminuity, con người không phải là những bánh răng trong một bộ máy bất chấp sinh lời.

Vậy nên các doanh nghiệp cần phải thay đổi thành kiến xã hội và niềm tin “hệ thống chuyên nghiệp là cách thức duy nhất để thành công.”

4. Dùng toxic professionalism như thế nào?

Tiếng Anh

A: This morning, I was scolded by my boss again for looking tired and not enthusiastic. But I just want him to know how unwell I am these days.

B: That's a sign of toxic professionalism, my dear!

Tiếng Việt

A: Sáng nay, tớ lại bị sếp mắng vì trông mệt mỏi, không hăng hái. Mà tớ chỉ muốn ổng biết là tớ đang ốm mấy hôm nay.

B: Đó là dấu hiệu của môi trường chuyên nghiệp độc hại đấy bạn yêu!